Năm 2000, bộ phim Ngọa hổ tàng long của đạo diễn Lý An dựa
trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Vương Độ Lư đã gây tiếng vang lớn ở
Hollywood khi không những trở thành bộ phim võ hiệp Trung Hoa đầu tiên giành giải
thưởng Oscar danh giá cho phim ngoại ngữ xuất sắc nhất mà còn trở thành bộ phim
tiếng nước ngoài ăn khách nhất trong lịch sử thị trường phim Bắc Mỹ. Hình ảnh
hào sảng khí khái của Châu Nhuận Phát qua vai diễn Lý Mộ Bạch, những pha đấu võ
đẹp đến mê lòng giữa Lý Mộ Bạch với Du Tú Liên (Dương Tử Quỳnh) hay Ngọc Kiều
Long (Chương Tử Di), và những cung bậc cảm xúc khác nhau nhưng rất Á Đông giữa
Du Tú Liên với Lý Mộ Bạch, giữa La Tiểu Hổ (Trương Chấn) với Ngọc Kiều Long đã
thực sự chinh phục được Hollywood và mở ra một giai đoạn thành công cho dòng
phim võ hiệp tại thị trường mới này. 16 năm sau thành công của đạo diễn người
Đài Loan Lý An, tới lượt phần tiếp theo trong bộ năm tiểu thuyết Hạc thiết hệ
liệt của nhà văn Vương Độ Lư là Thiết kỵ ngân bình được chuyển thể thành tác
phẩm điện ảnh với tựa đề Ngọa hổ tàng long: Thanh Minh bảo kiếm.
Sau cái chết của Lý Mộ Bạch, Du Tú Liên (Dương Tử Quỳnh) mai
danh ẩn tích trong giang hồ suốt 18 năm trước khi quay trở lại Bắc Kinh để viếng
người bạn cũ vừa qua đời là Bối Lặc Gia – viên quý tộc năm xưa được Lý Mộ Bạch
trao lại Thanh Minh kiếm, thanh kiếm báu danh tiếng bậc nhất trong thiên hạ.
Đánh hơi được nơi lưu giữ thanh bảo kiếm có sức mạnh bá chủ, tên đại ma đầu Đới
Diêm Vương (Jason Scott Lee) theo lời khuyên của mụ phù thủy mù Cửu U Nữ
(Nguyên Lệ Kỳ) liền phái gã đồ đệ non nớt Ngụy Phương (Harry Shum) tới tư dinh
của Bối Lặc Gia để ăn trộm thanh kiếm. Tại đây Ngụy Phương chạm trán với một kẻ
trộm kiếm khác là Tuyết Bình (Natasha Liu Bordizzo), cô gái trẻ với tài khinh
công để rồi bị Du Tú Liên phát hiện và bắt giữ. Kịp thời che giấu thân phận,
Tuyết Bình tiếp tục kiếm tìm cơ hội ăn cắp cây bảo kiếm bằng việc xin làm đồ đệ
của nữ cao thủ họ Du. Về phần mình, đứng trước mối đe dọa của Đới Diêm Vương với
những trợ thủ có võ công cao cường như sát thủ Đoạn Hồn Oanh (Ngô Thanh Vân)
hay Thiết Ô Nha (Viên Chi Chính), Du Tú Liên phải cậy nhờ tới sự trợ giúp của
tay kiếm khách bí ẩn Mặc Lang (Chân Tử Đan) cùng tứ đại cao thủ Ngân Tiêu (Trần
Ngọc Vân), Phi Đao (Chris Pang), Sấm Quyền (Woon Young Park), và Quy Mã (Darryl
Quon). Vừa phải đối mặt với tình thế nội công ngoại kích để bảo vệ Thanh Minh
kiếm, Du Tú Liên còn phải đương đầu với những kí ức đau buồn gắn liền với số phận
thanh kiếm và người kiếm khách chủ nhân của nó năm xưa.
Có lẽ điều đầu tiên khán giả sẽ nghĩ tới sau khi xem xong Ngọa hổ tàng long 2 là chất lượng kịch bản của phim. Để so sánh, bộ ba nhà
biên kịch Vương Huệ Linh – Thái Quốc Vinh – James Schamus của Ngọa hổ tàng
long đã hết sức thành công trong việc chuyển thể tinh thần võ hiệp phương Đông
của nhà văn Vương Độ Lư lên màn ảnh lớn nhưng cũng thổi vào kịch bản của phim một
hơi thở hết sức thời đại về khát khao tự do, khát khao được sống của những hiệp
khách bị ràng buộc bởi lễ giáo, bởi truyền thống. Tuy có rất nhiều chi tiết
tương đồng về mặt cốt truyện và xây dựng nhân vật, nhưng kịch bản Ngọa hổ tàng
long 2 lại hoàn toàn thiếu đi chiều sâu ý nghĩa và sự kết hợp hài hòa Đông-Tây
của bộ phim gốc. Hẳn nhiều người sẽ không ngạc nhiên khi biết rằng nhà biên kịch
người Mỹ John Fusco là người chắp bút duy nhất cho kịch bản phim, bởi Fusco
cũng chính là tác giả kịch bản The Forbidden Kingdom (Vua Kung Fu, 2008) –
bộ phim đầu tiên có sự góp mặt chung của hai huyền thoại phim võ thuật Thành
Long và Lý Liên Kiệt nhưng lại bị chỉ trích là một bộ phim hoàn toàn “Hollywood
hóa”. Kịch bản Ngọa hổ tàng long 2 cũng vấp phải chính lối mòn này khi cố tạo
lại chất anh hùng khí khái tràn đầy trong tác phẩm gốc nhưng lại thiếu hoàn
toàn sự chăm chút cho những triết lý Á Đông về lòng trung thành, về tinh thần
trọng nghĩa khinh tài, về những phép tắc lễ giáo vốn là nền tảng của dòng phim
kiếm hiệp. Nhưng nếu ít ra The Forbidden Kingdom cũng có cốt truyện liền mạch,
nhất quán, dễ nắm bắt thì người xem Ngọa hổ tàng long 2 lại có cảm giác phải
chứng kiến một câu chuyện rời rạc, thiếu điểm nhấn, thiếu sự kết nối bất chấp
việc phim sử dụng bố cục ba hồi cơ bản thường thấy. Tương tự như vậy, tuyến
nhân vật của phim được phát triển không đều, thiếu trọng tâm khiến cho khán giả
khó lòng nhận ra nhân vật trung tâm của tác phẩm là ai, sự biến đổi về mặt suy
nghĩ, tình cảm của họ ra sao xuyên suốt bộ phim. Đây là điều hết sức đáng tiếc
bởi tuyến nhân vật của Ngọa hổ tàng long 2 có rất nhiều nhân vật có tiềm năng
cho việc khai thác triệt để các xung đột nội tâm như Ngụy Phương hay Tuyết Bình
theo cách Lý An đã tạo nên một Ngọc Kiều Long, một La Tiểu Hổ khiến khán giả phải
nhớ, phải suy tư trong Ngọa hổ tàng long. Trung tâm của các bộ phim kiếm hiệp
châu Á là các hiệp khách, và khi một bộ phim như Ngọa hổ tàng long 2 thiếu đi
những hình ảnh hiệp khách đáng nhớ thì người xem khó lòng có thể cảm nhận tinh
thần của bộ phim hay toàn tâm toàn ý thưởng thức tác phẩm như một đại diện thực
thụ của dòng phim kiếm hiệp.
Đạo diễn của Ngọa hổ tàng long 2 là Viên Hòa Bình, một
trong những tên tuổi lớn nhất của dòng phim võ hiệp Trung Hoa. Không chỉ nổi tiếng
trong vai trò chỉ đạo võ thuật (Viên Hòa Bình từng năm lần giành Giải thưởng điện
ảnh Hồng Kông cho chỉ đạo hành động xuất sắc nhất), nhiều bộ phim dưới bàn tay
đạo diễn của huyền thoại họ Viên đã trở thành những tác phẩm tinh tuyền của điện
ảnh Hồng Kông và giúp tạo dựng tên tuổi cho những ngôi sao võ thuật xứ Hương Cảng
như Thành Long (phim Túy quyền năm 1978), Hồng Kim Bảo (phim Lâm Thế Vinh
năm 1979), hay Lý Liên Kiệt và Dương Tử Quỳnh (phim Thái cực Trương Tam Phong
năm 1993). Ở bên ngoài Hồng Kông, Viên Hòa Bình cũng là cái tên quen thuộc với
điện ảnh Hollywood khi ông là người chịu trách nhiệm biên đạo những cảnh đấu võ
đáng nhớ của loạt phim Ma trận, Kill Bill, và của chính Ngọa hổ tàng long
của đạo diễn Lý An. Tuy vậy, dù có yêu quý Viên Hòa Bình đến mấy thì hẳn người
hâm mộ cũng phải thừa nhận rằng các bộ phim của đạo diễn họ Viên thường có cấu
trúc đơn giản với trọng tâm là các trường đoạn giao đấu, tuyến nhân vật trong
các bộ phim đó cũng đáng nhớ nhưng là vì hình ảnh khí khái, anh hùng chứ không
phải vì chiều sâu nội tâm của họ được đạo diễn chăm chút. Ngọa hổ tàng long 2
vì thế mà thiếu hẳn đi cách kể truyện giản dị bằng ngôn ngữ hình ảnh tưởng như
dễ nắm bắt nhưng lại rất nhiều lớp lang, cùng bề dày tinh thần tình cảm của
nhân vật mà Lý An đã đem lại cho bộ phim gốc. Thay vào đó, Ngọa hổ tàng long
2 của Viên Hòa Bình dùng chính những đoạn độc thoại hoặc đối thoại dài dòng của
Du Tú Liên, của Tuyết Bình để kể lại truyện phim vốn đơn giản, mang tính công
thức và không có nhiều chi tiết đáng nhớ, và vì thế bỏ qua thế mạnh cơ bản của
ngôn ngữ điện ảnh, đó là ngôn ngữ của hình ảnh. Việc bộ phim sử dụng nhiều bối
cảnh xa lạ với dòng phim kiếm hiệp như các cao nguyên vách đá đậm chất
Hollywood (nhiều phân đoạn của phim được quay tại New Zealand) lại càng khiến
khán giả cảm thấy hẫng hụt với Ngọa hổ tàng long 2 vì khoảng cách quá lớn giữa
cái mác kiếm hiệp Trung Hoa của phim và nội dung thực sự mà tác phẩm đem lại. Phần
đồ họa máy tính không thực sự có chất lượng của bộ phim cũng làm phần bối cảnh
của Ngọa hổ tàng long 2 để lại nhiều vết gợn đối với khán giản.
Ngay đối với các trường đoạn võ thuật, giao đấu vốn là thế mạnh
cơ bản của Viên Hòa Bình, hẳn khán giả cũng khó có thể hài lòng khi Ngọa hổ
tàng long 2 sử dụng kỹ thuật cắt cảnh nhanh, đổi góc máy liên tục cho các trường
đoạn này. Thoạt nhìn cách quay và biên tập như vậy có thể giúp đẩy cao tốc độ của
các cảnh hành động, khiến các cảnh này có cảm giác phức tạp, hấp dẫn. Tuy nhiên
cách dựng phim này lại khiến các cảnh giao đấu võ hiệp nhanh chóng trở nên nhàm
chán bởi khán giả không thể thưởng thức các đòn thế, cách thức thi triển võ
công của các nhân vật, vốn luôn là điểm nhấn của dòng phim kiếm hiệp. Sự hiện
diện của những ngôi sao thượng thặng của dòng phim này như Chân Tử Đan hay
Dương Tử Quỳnh vì thế cũng không giúp bộ phim trở nên hấp dẫn, nhất là khi một
chuyên gia quyền thuật tay không như Chân Tử Đan lại phải bó mình trong vai trò
một kiếm khách chỉ sử dụng kiếm mà bỏ qua quyền cước.
Không mạnh về mặt nội dung và kỹ thuật, Ngọa hổ tàng long
2 cũng lại không có được một dàn diễn viên thực sự xuất sắc. Nếu như Ngọa hổ
tàng long giúp Hollywood biết tới uy lực thực sự của ngôi sao Châu Nhuận Phát
đồng thời tạo nên hai ngôi sao mới cho điện ảnh tiếng Hoa là Trương Chấn và
Chương Tử Di thì dàn diễn viên đa quốc tịch của Ngọa hổ tàng long 2 lại không
để lại nhiều dấu ấn với một Dương Tử Quỳnh mệt mỏi, một Chân Tử Đan khô cứng,
và phát hiện mới Natasha Liu Bordizzo dù rất ăn hình nhưng lại không thể hiện
được khả năng diễn xuất thực sự. Trong bối cảnh ấy thì nữ diễn viên Việt Nam
Ngô Thanh Vân trong vai nữ sát thủ Đoạn Hồn Oanh mới lại chính là người để lại ấn
tượng khi Thanh Vân đã tận dụng thành công mọi phân đoạn cô tham gia để khiến
khán giả phải nhớ tới một Đoạn Hồn Oanh không chỉ có võ công cao cường mà còn hết
sức nham hiểm, máu lạnh đúng chất một sát thủ của dòng phim kiếm hiệp.
Thông thường khi làm phần kế tiếp (“sequel”) hoặc làm lại
(“remake”) một tác phẩm nổi tiếng, các đạo diễn thường cố gắng giữ lấy phần hồn
của tác phẩm gốc và khoác lên nó một dáng vẻ mới. Nếu so với Ngọa hổ tàng
long thì Ngọa hổ tàng long 2 không có được một dáng vẻ mới mẻ cần có, và bộ
phim cũng chẳng giữ lại được phần hồn sâu sắc của tác phẩm gốc, ngoại trừ phần
nhạc phim xuất sắc của Shigeru Umebayashi với giai điệu buồn phảng phất của A
Love Before Time – ca khúc gốc của Ngọa hổ tàng long. Trong bộ phim Du Tú
Liên có nói tới việc Thanh Minh kiếm chỉ có thể thực sự phát huy uy lực của nó
trong tay một hiệp khách thực sự. Có lẽ Ngọa hổ tàng long 2 chưa thể là người
hiệp khách thực sự đối với tác phẩm gốc của Vương Độ Lư theo cách Lý An và Ngọa
hổ tàng long đã làm được.
=====
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire