Vốn định không review phim này (vì ít lời thì không xứng với phim, mà nhiều lời thì không đủ thời gian), nhưng cuối cùng lại thấy không đành, phải lôi máy ra gõ vài dòng về tuyệt phẩm này.
Theo tôi cái tên tiếng Anh của bộ phim này thực sự rất xuất sắc, một cái tên rất đẹp, nên thơ, đúng như 3/4 chiều dài bộ phim, đúng như những nhân vật đang ở cái độ tuổi đẹp nhất trong cuộc đời mỗi người - tuổi mới lớn, mà lại "đánh lạc hướng" được khán giả và giữ cho cảm xúc của người xem lần đầu như tôi được nguyên vẹn cho đến những phút cực kì bất ngờ ở cuối phim. Tên gốc tiếng Trung của phim - Cổ Lĩnh Nhai thiếu niên sát nhân sự kiện ( 牯嶺街少年殺人事件, Vụ án thiếu niên giết người ở Cổ Lĩnh Nhai) làm lộ khá nhiều nội dung của phim, và hơn nữa nó lại làm phim mang hơi hướng của một bộ phim "hình sự - phá án". Quả thực bộ phim có "giết người", có "thủ phạm", có "nạn nhân", nhưng tôi chắc chắn một điều rằng Dương Đức Xương khi làm phim này không hề có ý định tìm cách giải thích cái vụ án có thật này, bởi vì có xem xong phim người xem như tôi cũng chỉ có thể thấy đau lòng và bàng hoàng như chính những nhân vật trong phim khi phải chứng kiến những "đứa trẻ mới lớn" đẹp đẽ đến nhường ấy tự hủy hoại bản thân mình, hủy hoại cuộc đời của những người chúng hết mực yêu quý.
Một điều làm tôi hết sức bất ngờ đó là A Brighter Summer Day có vô số điểm chung với một bộ phim làm tôi "mê mệt" khác - Once Upon a Time in America của Sergio Leone. Cả hai bộ phim đều rất, rất dài - Once Upon a Time in America có hai bản dài 3 tiếng 49 phút và 4 tiếng 11 phút, A Brighter Summer Day dài 3 tiếng 57 phút. Dài, nhưng mỗi giây, mỗi phút của cả hai bộ phim đều đẹp, đều đáng được khán giả trân trọng. Cả hai đều nói về vẻ đẹp của tình bạn, tình yêu thuở đầu đời, khi mà con người ta còn chưa bị những toan tính, lo nghĩ về cuộc sống xóa nhòa những lý tưởng tốt đẹp họ dành cho những người thân yêu, dành cho cuộc sống phía trước. Cả hai đều đề cập tới chất mã thượng nửa mùa của giới băng đảng, vốn nhanh chóng chìm nghỉm trước những phù phiếm (A Brighter Summer Day), tham lam (Once Upon a Time in America) của chính những thành viên băng đảng từng coi nhau như anh em, ruột thịt. Đặc biệt hơn nữa, cả hai bộ phim đều "bắt đầu" bằng cách "kết thúc" với cảnh mở đầu phim chính là một lát cắt từ cảnh cuối phim, một phần để nói lên cái vòng tuần hoàn bất tận của cuộc đời nơi số phận của mỗi cá nhân riêng biệt trở nên nhỏ bé trước những quy luật muôn đời của cuộc sống, của tình bạn, của tình yêu, một phần để cho người xem thấy được rằng vẫn cùng một khung hình, một bối cảnh như vậy, nhưng ý nghĩa của chúng sẽ hoàn toàn khác nhau, thậm chí là đối lập nhau khi ta hiểu được số phận của mỗi con người trong khung hình ấy. Và dù cùng mang mác "phim hình sự", nhưng cả hai bộ phim đều đậm chất sử thi theo đúng cái nghĩa là những tác phẩm điện ảnh mang lại cho người xem cái không khí riêng, cái bối cảnh riêng của một giai đoạn lịch sử, một vùng đất (New York trong Once Upon a Time in America và Đài Loan, cụ thể hơn là Đài Bắc trong A Brighter Summer Day), một xã hội tao loạn với sự xung đột của những người "cũ" và những người "mới", của thế hệ "cũ" và thế hệ "mới" ("dân mới nhập cư" đối đầu "dân bản địa" New York trong Once Upon a Time in America, và dân "Quốc Dân Đảng" chạy loạn sang Đài Loan đối đầu dân bản địa Đài Loan trong A Brighter Summer Day), đủ để người xem nhận ra rằng khuôn mặt của những thành phố, vùng đất ấy đã thay đổi lớn lao tới nhường nào. Điều khác biệt duy nhất giữa hai bộ phim có lẽ là độ dài thời gian của truyện phim - Sergio Leone kể một câu chuyện kéo dài tới vài thập kỉ trong khi Dương Đức Xương chỉ tập trung vào một lát cắt rất mỏng của Đài Loan những năm 1960.
Một cách ngắn gọn thì A Brighter Summer Day là câu chuyện về những biến động tuổi mới lớn của Tiểu Tứ (Trương Chấn trong vai diễn đầu tiên trong sự nghiệp ở tuổi 15 (!) đã lập tức chứng tỏ anh sẽ là một ngôi sao lớn của điện ảnh tiếng Trung, cả về tài năng diễn xuất và vẻ đẹp hết sức điện ảnh, đặc biệt là đôi mắt sáng và thông minh, của anh), cậu học trò được nuôi nấng trong một gia đình hết sức gia giáo với một ông bố luôn sống bằng lý tưởng bất kể bối cảnh xã hội tao loạn của Đài Loan thời thập niên 1960. Xung quanh Tiểu Tứ là gia đình, là những người "anh em" thân thiết trong lớp, là người bạn gái Tiểu Minh (thật đáng tiếc vai diễn hết sức xuất sắc này lại cũng là vai diễn duy nhất (!) của Dương Tĩnh Di), là "kẻ thù" của băng đảng đối nghịch, là những "ông già" giám thị hay chủ tiệm tạp hóa khó tính, là một tay "anh chị" mã thượng nhưng hết thời phải chịu cảnh sống chui lủi. Với thời lượng xấp xỉ 4 tiếng của bộ phim, TẤT CẢ các nhân vật này đều được đạo diễn Dương Đức Xương chăm chút với đất diễn vừa đủ, với câu chuyện vừa đủ, với những nét đặc tả vừa đủ để hình ảnh, số phận của họ "in dấu" trong tâm trí khán giả. Không chỉ có vậy, tài năng của đạo diễn họ Dương thể hiện ở chỗ những nhân vật của ông làm khán giả "nhớ", khán giả "yêu quý" không phải vì số phận bi thương "mua nước mắt" của họ (tất nhiên một vài trong số đó có kết cục hết sức bi thương, nhưng vì "số phận điện ảnh" của những nhân vật này đặt họ vào vị trí đó chứ không phải họ được đặt vào đó để "bắt" khán giả phải nhớ tới), đó là một Trương Hàn ham chơi bi-a tới mức mang chiếc đồng hồ quý của nhà đi cầm đồ nhưng vẫn hết mực bảo vệ người em Tiểu Tứ lúc Tiểu Tứ cần đến anh trai, đó là một Tiểu Mã nhà giàu nhưng trọng nghĩa, luôn đặt tình anh em cao hơn hết thảy "lũ con gái", và tất nhiên chẳng ai có thể quên giọng hát của Tiểu Miêu Vương hay hành động phá ghế lấy chân ghế đi "xử lý" đối phương cứu Tiểu Tứ của cậu bé này. Ở đây Dương Đức Xương làm tôi nhớ tới đạo diễn yêu thích của tôi - Yasujiro Ozu, người vốn cũng rất giỏi gợi lên số phận, bi kịch của cuộc đời từ những hình ảnh tưởng chừng hết sức thanh thản của những nhân vật hết mực bình dị của ông. Có lẽ chịu ảnh hưởng từ Ozu, Dương Đức Xương cũng sử dụng rất nhiều cảnh quay với khung hình tĩnh, sử dụng tối đa ánh sáng tự nhiên, những khung hình ấy có thể "bắt" được toàn bộ hình ảnh nhân vật trong khung hình, nhưng cũng đôi khi chỉ bắt được cái bóng của họ, những chi tiết quan trọng của truyện phim vì thế đôi khi cũng không nằm trong "tầm mắt" của khán giả mà họ chỉ có thể "nghe" từ một mẩu đối thoại vọng lại từ đâu đó hoặc từ "đoán" từ một chi tiết nào đó còn sót lại trong khung hình (phong cách đậm "chất Ozu" này được Dương Đức Xương thể hiện rất rõ trong tuyệt phẩm cuối đời của ông Yi Yi). Tôi cũng cảm thấy rất dễ chịu trước cách sử dụng những hình ảnh mang tính biểu tượng xuyên suốt bộ phim của Dương Đức Xương, rất tự nhiên, dễ nhận, dễ cảm, không làm người xem có cảm giác bị "giáo huấn", bị "ép phải hiểu". Một ví dụ điển hình là chiếc đèn pin của Tiểu Tứ, nó luôn ở bên cậu bé suốt gần hết bộ phim, là công cụ soi đường, đọc sách của cậu, nhưng cũng là thứ giúp Tiểu Tứ nhận ra sự thật bạo liệt, chết chóc xung quanh cậu. Bởi thế mà khi Tiểu Tứ từ bỏ chiếc đèn pin, người xem hẳn sẽ phải nín thở chờ đợi một sự thay đổi nội tại lớn lao nào đó của Tiểu Tứ, một sự thay đổi về hướng nơi đó không còn ánh sáng soi đường của chiếc đèn pin ấy.
Cái kết của A Brighter Summer Day làm tôi thực sự kinh ngạc, thậm chí là cảm thấy sốc vì sự bất ngờ và bạo liệt của nó (thật may là trước khi xem phim tôi không hề đọc thông tin liên quan tới bộ phim trên Wikipedia, cũng như không biết tên gốc của bộ phim, bởi thế cảm xúc xem là hoàn toàn nguyên vẹn). Tôi cảm thấy buồn, bởi số phận những nhân vật mình hết sức yêu quý lại rẽ sang một khúc quanh đau đớn đến như vậy, bởi "lịch sử lại lặp lại" khi mà những người làm ta đau đớn nhất lại luôn là những người ta yêu quý nhất. Nhưng tuổi mới lớn là như vậy, có ai có thể hiểu được họ, những người trẻ ấy, khi mà chính chúng ta chắc chắn cũng chưa bao giờ hiểu được chính chúng ta ở vào cái tuổi ấy. Có chăng chỉ là một sự trân trọng cho cái cách Dương Đức Xương đã vẽ lại chân dung của những người trẻ ấy, hết sức đẹp đẽ, hết sức hồn nhiên, nhưng cũng không thiếu cái chất điên khùng của tuổi trẻ. Bởi thế, có thể A Brighter Summer Day không hẳn là một "ngày đẹp trời" nhưng chắc chắn sẽ luôn mà một ngày đáng nhớ đối với người yêu điện ảnh, bởi nó chính là hình ảnh phản chiếu của tuổi trẻ mỗi người.
Trước khi xem 10p cuối của phim,mình đã cho sẵn phim 8/10,bằng với số điểm mình cho đối với tác phẩm Yi Yi của cố đạo diễn.Vì thể loại đời sống không phải gu của mình
RépondreSupprimerNhưng tất cả đã sụp đổ bởi cái kết quá mãnh liệt và tàn khốc cùng cực và mình nhận ra,10 điểm cũng chẳng đủ để dành cho những gì A Brighter Summer Day mang lại ... dành cho một tuổi trẻ bồng bột ... dành cho một tuổi trẻ không thể nào quay đầu ... dành cho một ngày tươi sáng hơn.
Tôi đã xem xong bộ phim. trước đó tôi cũng chẳng có đọc review, chỉ thấy điểm cao là xem thôi nhưng đến kết thúc tôi cũng không thấy bất ngờ lắm vì ngay từ lúc cậu Tứ này gia nhập hội chém giết băng đảng 217 thì tôi đã nghĩ là sau này còn nhiều chuyện tồi tệ hơn. Không chỉ thế cách dẫn truyện, các tình huống dù tàn bạo đến đâu cũng được mô tả như "chuyện thường ở huyện" nên cái kết như vậy cũng không quá đỗi bất ngờ, chỉ xót xa cho những thân phận lạc lối của những ngày xưa cũ.
RépondreSupprimerMình cũng đã rất bất ngờ với kết thúc của bộ phim. Nhưng đến cuối vẫn ko hiểu Tiểu Tứ tại sao lại giết Tiểu Mình.
RépondreSupprimer