Như nhiều bạn (chủ yếu là trẻ, tôi nghĩ vậy) Việt Nam, tôi rất thích Rừng Na Uy, không phải thích vì cái không khí buồn bã, đôi lúc là tuyệt vọng, mất phương hướng của tuổi trẻ mà Murakami đã tạo ra, cũng không phải thích vì những chiêm nghiệm về cuộc đời của Toru, của "The Great Gatsby" Nagasawa, tôi thích đơn giản vì qua Rừng Na Uy, tôi nhìn thấy lại một phần cái tuổi 18-20 đầy biến động của mình, nhìn thấy lại những bóng hình mà tôi từng rất yêu quý qua Naoko, qua Midori, hay nói cách khác tôi trân trọng cuốn tiểu thuyết này vì nó như một chiếc cầu thời gian để nối người đọc, ở đây là tôi, với những cung bậc cảm xúc của quá khứ.
Cung bậc cảm xúc, đó cũng là những thứ tôi muốn tìm thấy thông qua bộ phim của Trần Anh Hùng, một chuyển thể mà qua những gì tôi đã đọc trên báo chí hay nghe từ những "fan hâm mộ" của Rừng Na Uy thì là không được thành công cho lắm. Quả thực Rừng Na Uy có nhiều điểm, tạm gọi là khiếm khuyết, kết cấu phim khá rời rạc, có cảm giác Trần Anh Hùng đã cố gắng chắt lọc những khoảnh khắc tinh túy nhất của tiểu thuyết để đưa vào bộ phim này, và vì thế đã bỏ qua nhiều trường đoạn dẫn dắt hay những backstory vốn rất cần thiết để tạo dựng nên từng nhân vật trong truyện. Tất nhiên thời lượng hạn chế của một bộ phim không thể đủ cho đạo diễn đưa vào mọi tình tiết của tiểu thuyết, nhưng nếu Trần Anh Hùng chọn một cách tiếp cận khác thì có lẽ Reiko đã không phải chịu cảnh "bất công" như trong bộ phim này, đó là thoắt ẩn thoắt hiện với những hành động (đặc biệt là phần cuối cùng của phim) khiến người xem không thể hiểu nổi, không thể cảm nổi nếu chưa từng đọc truyện. Một điểm khác tôi không thích ở Rừng Na Uy đó là cách sử dụng âm nhạc, bản thân từng đoạn nhạc trong phim là tuyệt hay, nhưng cách đặt nó vào trong các cảnh phim khiến tôi có cảm giác Trần Anh Hùng đang cố ép cảm xúc của người xem theo sự sắp đặt, theo cách cảm thụ của ông, đặc biệt là ở phần đầu của phim (tôi sẽ nói thêm một chút về nhạc ở phần sau).
Nhưng nếu như Trần Anh Hùng chọn một cách tiếp cận khác, có lẽ tôi đã không thể thỏa mãn đến vậy với những trường đoạn cảm xúc lắng đọng của phim. Ngay cả khi tách riêng bộ phim và tiểu thuyết, theo tôi Trần Anh Hùng cũng đã quá thành công trong việc tạo nên đủ mọi cung bậc cảm xúc khác nhau của những người trẻ và của những tình cảm, những giấc mơ dang dở. Thích nhất có lẽ là những phân đoạn có sự xuất hiện của Naoko (Rinko Kikuchi), nhiều người cho rằng cách tạo hình của Naoko trong phim là quá già so với cái forever 20 của cô, nhưng đối với tôi nó không quan trọng, quan trọng là nhìn vào Naoko, người ta thấy cả sự trong sáng, nhạy cảm với cuộc đời, với sự quan tâm của Toru dành cho cô, lại vừa thấy ở cô có chút gì đó khó hiểu và cực kì mỏng manh, mỏng manh như ngọn cỏ luôn phải rạp mình trước gió nơi thảo nguyên mà Naoko và Toru thường đi dạo. Về phần Toru, tôi nghĩ Kenichi Matsuyama (người từng rất thành công với vai L trong Death Note) cũng đã hoàn thành vai trò của một người-quan-sát, người chứng kiến nỗi đau, sự mất mát của những người phụ nữ quanh anh để rồi chính mình cũng chìm dần trong "cái giếng" vô định. Tôi rất ấn tượng với trường đoạn Toru cô đơn một mình bên bờ biển và đoạn trống trải hoang mang ở cuối phim, một sự trống trải cô đơn đến cùng cực của một người trẻ lạc mất phương hướng cho cuộc đời và tình cảm của mình. Khi đọc Rừng Na Uy, nhân vật mà tôi yêu quý, đúng từ là "yêu quý" chứ không phải "yêu thích" nữa, là Midori Kobayashi, một làn gió lạ tươi mát giữa những tâm hồn tuyệt vọng, "màu xanh" có lẽ là duy nhất của Rừng Na Uy. Kiko Mizuhara thực sự không làm tôi thỏa mãn với cách diễn của cô trong vai Midori, vẻ đẹp mong manh và cách diễn hơi "hiền lành" của cô đã làm nhân vật Midori bị chìm hẳn đi sau cái bóng của Toru, của Naoko và thậm chí là của Reiko (Reika Kirishima đã diễn rất thành công vai diễn này, bất kể việc đất diễn dành cho cô không nhiều, cô thực sự đã tái hiện được hình ảnh của một Reiko mà tôi từng tưởng tượng ra khi đọc truyện). Tuy Trần Anh Hùng đã không "chăm sóc thích đáng" cho "Midori của tôi", nhưng nói chung tôi không mong đợi gì hơn những hình ảnh mà các diễn viên của Trần Anh Hùng đã đem lại cho Rừng Na Uy, họ đã tạo nên được một the lost generation với những giờ phút lạc lối, tuyệt vọng nhưng vẫn gắng sống, sống hết mình của tuổi trẻ-giai đoạn mà ai cũng đã từng trải qua và muốn nó ở lại mãi trong cuộc đời mình.
Một điểm khác của Rừng Na Uy khiến tôi ngưỡng mộ đó là phần hình ảnh. Vốn đã từng được chiêm ngưỡng sự tinh tế của Trần Anh Hùng trong việc chọn góc quay đẹp trong những bối cảnh hẹp nơi thành thị với những gam màu đậm giàu cảm xúc, tôi không ngờ rằng Trần Anh Hùng vẫn giữ nguyên được sự tinh tế của mình khi chuyển bối cảnh ra không gian rộng lớn hùng vĩ của thiên nhiên nước Nhật, với đồng cỏ xanh mướt mắt mùa xuân và trắng xóa màu tuyết trong mùa đông, với những khu rừng mờ sương buổi sớm (cảnh có lẽ là đẹp nhất, và là cảnh tôi thích nhất trong phim) hay là những ghềnh đá sù sì như cảm xúc đã trở nên chai sạn của Toru. Mùa thu năm nay tôi may mắn có cơ hội đến Nhật Bản, để dựa đầu vào cửa kính ô tô ngắm những cánh rừng hùng vĩ trải dài miên man hay đứng bên ghềnh đá nghe sóng vỗ không ngừng đúng như những gì tôi từng đọc trong truyện, nhưng phải đến khi xem những cảnh quay tuyệt đẹp của Rừng Na Uy-của-Trần Anh Hùng (và nhà quay phim Lý Bình Tân, cộng tác viên "ruột" của Hầu Hiến Hiền và là người quay In the Mood for Love sau khi Christopher Doyle bỏ phim) tôi mới cảm nhận được cái vẻ đẹp thực sự của thiên nhiên nước Nhật đã gắn chặt với số phận, với tình cảm của những nhân vật trong Rừng Na Uy như thế nào. Bổ sung vào nét đẹp của cảnh phim là phần nhạc phim lắng đọng, tuy đôi lúc khiến tôi thấy khó chịu vì bị "ép cảm xúc", đặc biệt là ở phần đầu phim, nhưng cách Jonny Greenwood (người đã tạo ra phần nhạc tuyệt hảo cho There Will Be Blood) đan xen những khúc nhạc trầm buồn của một thời đã qua với những giờ phút tĩnh lặng bao trùm cũng đã thực sự khiến cho người xem được cuốn theo dòng cảm xúc trong phim. Nói về dòng cảm xúc, có lẽ nhiều người xem sẽ không thích cách Trần Anh Hùng kể chuyện chậm rãi, để rất nhiều không gian và thời gian cho những góc quay cận đặc tả khuôn mặt (và đằng sau đó là rất nhiều tầng cảm xúc) của các nhân vật. Nhưng với riêng tôi, đó là cái phong cách tôi rất thích ở Trần Anh Hùng, vì nó trầm mặc rất Á Đông, và vì nó còn làm tôi gợi nhớ đến Ozu, đạo diễn tôi rất yêu thích, một bậc thầy biểu đạt cảm xúc qua cái tĩnh lặng. Có thể một đạo diễn khác sẽ chọn cách dẫn phim đi nhanh hơn, bao quát được nhiều chi tiết hơn, kể được nhiều hơn về các nhân vật của Rừng Na Uy, nhưng tôi chẳng cần đến thế, bởi những cảm xúc của Rừng Na Uy-của-Trần Anh Hùng đã là quá đủ để tôi hình dung lại cuốn tiểu thuyết mà tôi yêu thích, và nhớ lại về những cảm xúc mà mình đã từng có trong quá khứ.
Chưa coi truyện lẫn phim :) nhưng tin tưởng Trần Anh Hùng
RépondreSupprimerChưa xem truyện thì chắc sẽ thấy phim hơi vụn, được cái phần visual thì miễn chê!
RépondreSupprimerVề phần âm nhạc của phim thì mình lại thấy khác.
RépondreSupprimerKhi mình nghe một mình soundtrack thì thấy cũng không có gì quá đặc biệt, nhưng vào phim thì khác hẳn.
Cái này hơi khó nói, nhưng tại khi xem, mình cảm giác nhạc phim có ý đồ dẫn dắt cảm xúc người xem rõ rệt quá, cảm giác nó "bắt" mình phải nghĩ theo một hướng nhất định, nên nhiều lúc cũng hơi khó chịu chút xíu, nhưng càng về cuối thì nhạc phim càng ổn, có lẽ lúc đấy mới bắt được nhịp của phim chăng :)
RépondreSupprimer