Như tôi đã nói ở entry về Agatha Christie, không hiểu tại sao Agatha chưa bao giờ động đến mô-típ về tác phẩm xác định được cách thức gây án và hung thủ ngay đầu truyện và "việc" của độc giả là tìm hiểu xem làm thế nào mà kẻ thủ ác che giấu được tội ác của mình - một mô-típ mà Conan đã khai thác rất nhiều lần và đều tương đối thuyết phục. Suspect X là một phim trinh thám theo mô-típ này (và cũng theo phong cách sentimentalism không khác gì Conan).
Manabu "Galileo" Yukawa (Masaharu Fukuyama) là một giáo sư Vật lý trẻ cực kì tài năng trong nghiên cứu khoa học và ... phá án giúp cảnh sát, cụ thể là đưa ra gợi ý giúp cho cô điều tra viên non nớt Kaoru Utsumi (Kou Shibasaki, hay Mitsuko Souma của Battle Royale) tìm ra thủ phạm (người Nhật rất tự hào vì cái tên Yukawa - Hideki Yukawa là một trong những nhà Vật lý lý thuyết xuất sắc nhất thế kỷ 20 và là người Nhật đầu tiên được trao giải Nobel). Tuy thường thành công một cách dễ dàng nhờ trí tuệ sắc bén (theo kiểu ... Conan Edogawa) nhưng lần này Yukawa đã gặp đối thủ thực sự - Tetsuya Ishigami (Shinichi Tsutsumi), bạn học đại học của Yukawa và là một nhà Toán học thiên tài (theo nhận xét của chính Yukawa) nhưng không gặp thời nên phải bằng lòng với cuộc sống của một giáo viên Toán cấp III không có bạn bè, gia đình với một căn hộ bừa bộn. Cuộc sống buồn bã của Ishigami thay đổi khi anh có hàng xóm mới - mẹ con nhà Yasuko Hanaoka (Yasuko Matsuyuki). Trong một lần bị chồng cũ đến phá phách vòi tiền, mẹ con Hanaoka lỡ tay giết chết gã chồng vũ phu và đành phải nhờ vào trí tuệ của Ishigami để tìm ra một lối thoát - ở đây là một bằng chứng ngoại phạm mà cảnh sát không thể bác bỏ được. Không hổ danh là một nhà Toán học thiên tài, Ishigami quả thực đã bằng cách nào đó dàn xếp để mẹ con Hanaoka có được chứng cớ ngoại phạm, một bài toán mà cảnh sát không thể giải nổi. Tất nhiên, Yukawa phải nhảy vào cuộc nhưng liệu trong cuộc đối đầu giữa một tư duy trừu tượng của nhà Toán học và tư duy thực nghiệm của nhà Vật lý này ai sẽ chiến thắng?
Suspect X khởi đầu khá hứa hẹn với cách giới thiệu 4 nhân vật chính nhanh, gọn, độc đáo, tuy vẫn mang hơi hướng phim truyền hình (theo đúng kiểu Nhật). Nửa đầu của phim cũng diễn ra không tồi nhưng đến nửa sau thì thật ... khó chấp nhận vì trick của Ishigami rất dễ đoán và với những khán giả đã đoán được trick (từ giữa phim!) thì việc phải ngồi xem các nhân vật trong phim "hoảng loạn" tìm lời giải đáp "bí ẩn" quả thực không khác gì tra tấn. Có thể nói là twist and turn của Suspect X đơn giản hơn nhiều so với ... Conan, nói cụ thể hơn là bất cứ tập nào dùng mô-típ thủ phạm lộ diện đầu truyện. Tất nhiên có thể lập luận rằng twist and turn không phải là điểm cốt yếu của truyện phim mà Suspect X tập trung hơn vào việc mô tả tâm lý, số phận của từng nhân vật và đưa ra lời giải thích về lý do tại sao Ishigami, một nhà Toán học trầm lặng, biết suy nghĩ, lại hành động như vậy. Nhưng ngay cả mặt này thì Suspect X cũng không thể qua mặt được Conan vốn không chỉ là truyện tranh trinh thám hàng đầu mà còn giữ luôn "lá cờ đầu" về sentimentalism trong dòng tác phẩm trinh thám, sự mô tả về tâm trạng cô đơn đến cùng cực của Ishigami cũng khó lòng mà so sánh được với một phim trinh thám (nửa rùng rợn) vốn cũng nói về sự cô đơn của con người giữa xã hội hiện đại - Kairo (Hollywood chuyển thể thành Pulse). Điểm sáng duy nhất giúp cứu vãn lại bộ phim là diễn xuất nhập vai của Shinichi Tsutsumi - người đóng vai Ishigami, Tsutsumi đã làm rất tốt việc khắc họa một Ishigami vừa mang tâm trạng cô đơn xa lánh xã hội, vừa sẵn sàng đánh đổi tất cả để đem lại hạnh phúc cho mẹ con Hanaoka.
Nhìn chung Suspect X sẽ làm mọi người thất vọng vì cách bộ phim khai thác quá nửa vời tuyến nhân vật đặc sắc (có thể nói là đặc sắc không kém bộ nhân vật của The Girl with the Dragon Tattoo). Tuy vậy những ai hâm mộ Conan thì hẳn sẽ thấy hợp với bộ phim này, vì ít ra nó cũng ... hay hơn nhiều lần so với hai tập live action cực kì nhảm nhí của chính Conan.
Phim không ... tệ như mình tưởng tượng, trái lại Sherlock Holmes đáp ứng được đầy đủ những tiêu chí của một phim blockbuster giải trí - kĩ xảo đẹp mắt, nội dung đơn giản dễ hiểu, vừa hài hước vừa hành động kịch tính, và đương nhiên là có cả trai xinh gái đẹp biết diễn (xinh, đẹp thì dễ tìm chứ "biết diễn" thì ngày càng hiếm). Xét về tổng thể thì có lẽ Sherlock Holmes không thực sự là một phim xuất sắc vì twist-and-turn của phim không có gì đặc sắc, đoạn cao trào (climax) lại ... chẳng lấy gì làm cao trào lắm nhưng nói chung khán giả cũng không cần (và không nên) đòi hỏi quá nhiều từ một phim giải trí dạng này. Tất nhiên, phim này chống chỉ định với những "fan cuồng" của bộ truyện gốc, chắc chắn họ sẽ vô cùng tức giận với cách xây dựng bộ đôi Holmes - Watson hơi ... gay gay.
Guy Ritchie sau liên tiếp 3 thất bại Swept Away, Revolver và RocknRolla - những bộ phim có nội dung ... hỗn loạn, thì có vẻ đã quay trở lại được với cách xử lý đề tài, đặc biệt là xử lý chi tiết phim thông minh mà ông từng thể hiện trong giai đoạn đầu sự nghiệp (hay bỏ vợ nên đầu óc thư thái hơn?). Sherlock Holmes chứa đầy những cảnh suy luận nhanh, gọn, thông minh theo kiểu Ritchie (mặc dù chúng có thể bị dè bỉu là "khôn vặt", "suy luận vặt vãnh" bởi người hâm mộ bộ truyện gốc), các cảnh hành động trong phim cũng được xử lý với phong cách tương tự, đẹp mắt, gọn gàng, "đáng đồng tiền bát gạo" - một bất ngờ cho đạo diễn chưa từng làm phim bom tấn như Guy Ritchie. Diễn xuất của dàn diễn viên chính trong phim cũng không thể chê được điểm nào, cách diễn tưng tửng của Robert Downey Jr. tỏ ra quá ăn ý với cách đạo diễn cũng nhiều phần tưng tửng của Ritchie, Jude Law, Mark Strong và cả Rachel McAdams, Kelly Reilly cũng bổ sung rất tốt cho nhân vật chính, các diễn viên nữ trong phim có thể không xinh theo kiểu "bình hoa di động" như phong cách truyền thống của Hollywood (không biết có phải chủ ý không mà Reilly trong phim này bị hóa trang xấu hơn cả chục lần so với Les poupées russes) nhưng toát lên vẻ thông minh, quyến rũ và nhất là không bị sử dụng như một plot device (nhân vật tạo ra chỉ để ... làm vì), Rachel McAdams vẫn chứng tỏ được rằng dù cô có ngoại hình không ấn tượng nhưng cách diễn của cô vẫn có thể khiến khán giả bị quyến rũ bởi nhân vật. Tôi chỉ cảm thấy một chút gợn về giọng (accent) của Holmes vì dù Downey Jr. từng cực kì thành công với vai Chaplin nhưng không hiểu sao tôi cảm giác Holmes "của Downey Jr." nói cứ như người Mỹ, tay người Pháp to lớn trong phim cũng "không Pháp" lắm. Một điểm gợn khác là cách Holmes ... ngửi và nếm hóa chất, táo bạo và ... liều mạng là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau, và một người am hiểu hóa học thực nghiệm như Holmes chắc chắn phải biết là không ai phát hiện hóa chất bằng cách gí mũi trực tiếp vào miệng lọ dung dịch cả (trừ phi anh ta muốn tự tử).
Điểm trừ lớn nhất của phim có lẽ là phần cao trào (climax) không được hấp dẫn và "hoành tráng" lắm. Phần giới thiệu của phim được làm tốt, nhanh, hấp dẫn, "khúc giữa" của suy luận và hành động cũng diễn biến không tồi nhưng đoạn hạ màn thì chắc chắn sẽ khiến nhiều người không cảm thấy thỏa mãn vì cách xử lý đơn giản và dễ dãi của Ritchie. Nhưng dù sao thì một bộ phim 2 tiếng thì "hay một tiếng rưỡi" cũng có thể đánh giá là ... tương đối rồi, nhất là khi khán giả lại được chứng kiến một London hoành tráng nhưng ... bẩn thỉu chưa từng thấy (theo phong cách của chính Ritchie và của Das Parfüm) - phần quay phim, kĩ xảo và nhạc phim đều đáng khen ngợi. Tôi cũng thích cách xây dựng mối quan hệ giữa Holmes và Irene Adler, khá lãng mạn mà không bị sến (nhờ vào diễn xuất rất ngọt của Downey Jr. và Rachel Adams).
Ko biết bạn Grenouille đọc nguyên bản của Suspect X chưa. Cuốn truyện hay hơn nhiều lần vì mô tả rõ nội tâm từng nhân vật (mặc dù khai thác nội tâm nhân vật nữ thủ phạm thì hơi sơ sài). Bộ phim chuyển thể chỉ làm tốt được 1 vài mặt, nhịp độ chậm và tình tiết không có gì quá thu hút, thua xa bản tiểu thuyết. Được mỗi người đóng vai Ishigami là hay.
RépondreSupprimerSherlock Holmes thì tui cũng thấy được hơn mong đợi vì tui nghĩ bộ phim sẽ dở, đoạn Sherlock Holmes giả làm ăn mày dò la tung tích của Dr. Moriaty khá xuất sắc, đúng chất Sherlock Holmes, tiếc là những pha hài hước và hành động lại quá chán. British accent của RDJ nghe quá chán, nhất là bên cạnh Jude Law càng làm cái accent rất dở hơi.
Nghe nói bộ ba phim The Girl with the Dragon Tattoo đã có đủ :D
Nhật rất nhiều tiểu thuyết và manga hay, thế mà chuyển thể sang phim lại nhiều phim dở, hy vọng Trần Anh Hùng sắp tới cho ra đời được một Rừng Na Uy không đến nỗi nào. Tui cũng nghe nói là nguyên bản Suspect X hay nhưng mà chưa kiếm được sách để đọc nên mới đành kiếm tạm phim để xem trước đấy chứ :D.
RépondreSupprimerSherlock Holmes thì tui thực sự bất ngờ vì nghĩ Jude Law + Guy Ritchie giờ khó có thể cho ra đời một phim tử tế, tui ngày càng thích cách diễn tưng tửng của chú RDJ, hy vọng là chú ý phát huy được trong Iron Man 2.
Tui cũng đang ngóng tập 3 của The Girl with the Dragon Tattoo, mặc dù thì đọc truyện đến tập 3 là hơi nản rồi, nhưng truyện đọc hết, phim xem được 2, chả nhẽ lại không xem nốt tập còn lại :p. Bạn Sirius nếu chưa đọc bộ này thì đọc thử đi, hay phết đấy nhé, văn học Bắc Âu giờ bắt đầu có tiếng nói trong làng trinh thám rồi, giờ ngoài bộ Millennium này còn có mấy bộ khác cũng khá nổi, tiếc là chẳng có thời gian để ngồi đọc.