some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

dimanche 31 janvier 2010

Ima, Ai ni Yukimasu (2004), Hachiko monogatari (1987), The Sky Crawlers (2008)


Old entries from my very old blog:

====

Cái tên Yuko Takeuchi có gợi lên cho bạn điều gì không? Có lẽ là không, vậy hay xem thử poster phía trên. Hy vọng là khuôn mặt này "quen quen" với các bạn, đây là Yuko Takeuchi, diễn viên đóng vai Asuka trong loạt phim truyền hình nhiều tập Asuka, chiếu vào 12h trưa các ngày trong tuần trên VTV3 năm ... chả nhớ nữa. Hồi chiếu phim này, mẹ tôi và cả tôi đã trở thành fan hâm mộ vô điều kiện của em Asuka nhí nhảnh nhưng đầy nghị lực và sáng tạo, người đã tạo ra không biết bao nhiêu loại bánh (chẳng biết ăn có ngon không) nhưng rất rất đẹp, cả bộ phim gần trăm tập (hay hơn ý nhỉ) là xã hội Nhật thu nhỏ suốt một giai đoạn dài sau chiến tranh Thế giới thứ II thể hiện qua ... những chiếc bánh truyền thống, và đương nhiên là qua em Asuka xinh tươi do Yuko thủ vai.

Vậy mà không ngờ lại được gặp Yuko, bây giờ không còn trẻ trung như hồi đóng Asuka nữa, nhưng vẫn rất xinh, xinh kiểu phụ nữ, qua bộ phim Ima, Ai ni Yukimasu - tên tiếng Anh là Be with you, dịch ra tiếng Việt (có lẽ) sẽ là Gần bên anh, hay Gần bên nhau (cái sau thì hợp với ý nghĩa phim hơn).

Bộ phim bắt đầu bằng ngày sinh nhật lần thứ 18 của Yuji Aio, cậu nhận được chiếc bánh sinh nhật như thường lệ từ người đưa bánh, cho dù cửa hàng của ông thực ra đã đóng cửa, và ông đưa nó chỉ để giữ lời hứa của mình. Sau đó Yuji đạp xe đến cánh rừng gần nhà, để nhớ lại 6 tuần kì diệu trong đời cậu.

Đó là mùa mưa 12 năm về trước, Yuji và bố cậu, Takumi Aio, vừa mất đi người thân yêu nhất của họ, người phụ nữ duy nhất của gia đình, Mio Aio - mẹ của Yuji và vợ của Takumi. Cuộc sống của hai bố con thực sự khó khăn khi Takumi, tuy rất thương con, nhưng lại bị mắc chứng yếu thần kinh và luôn tự dằn vặn vì đã không thể mang lại hạnh phúc cho người vợ đã mất, còn Yuji, luôn tỏ ra khích lệ bố khi vui vẻ ăn những món rất dở do Takumi nấu, lại cũng luôn nghĩ cậu đã làm cho mẹ qua đời. Cuộc sống hai người chỉ có một điểm sáng nhỏ nhoi, đấy là câu chuyện về ngôi sao Akaibu, nơi người mẹ đã mất của Yuji tạm dừng chân trước khi quay trở lại với hai bố con, khi mùa mưa đến.

Cuối cùng mùa mưa cũng bắt đầu trên khu rừng gần nhà Aio, hai bố con lại thơ thẩn trong ngôi nhà đổ nát ở bìa rừng, và trong làn mưa, hai người chợt nhận thấy một bóng người, Mio! Người phụ nữ - giống hệt Mio ấy - không may lại chẳng nhớ chút gì về bản thân mình, cái tên của của cô là gì, họ là ai - người đàn ông và đứa trẻ đang tỏ ra sung sướng khôn tả và luôn miệng gọi cô là Mio. Nhưng chỉ cần sự xuất hiện của cô thôi, niềm vui, sự sống cũng đã quay trở lại, chỉ có một việc "nhỏ", đấy là cô phải nhớ lại được quá khứ của mình.

Có Mio, cuộc sống của hai bố con Takumi khác hẳn, Yuji không còn phải ăn món trứng rán cháy của bố, căn nhà nhỏ cũng không còn bừa bộn với quần áo chăng dọc ngang mà đã ngăn nắp, đầy tiếng cười, tất cả như bừng sáng giữa những ngày mưa u ám. Mio cũng dần dần lấy lại được "quá khứ" của mình qua những câu chuyện của Takumi, từ mối tình đơn phương của anh chàng Takumi rụt rè ngày cấp III đến buổi hẹn hò đầu tiên của hai người sau hai năm rưỡi quen biết nhau với lý do là ... một cái bút. Nhưng cả hai bố con, trong những ngày vui tưởng chừng như vô tận, vẫn canh cánh một nỗi lo, đấy là trong lời hứa sẽ quay trở lại của Mio trước khi mất, cô cũng nói rằng mình sẽ phải ra đi khi mùa mưa kết thúc. Còn Mio, sau khi tìm thấy quyển nhật kí của chính mình, cô cũng tỏ vẻ lo âu và bắt đầu dạy Yuji cách chăm lo cho ông bố yếu đuối của cậu, phải chăng cô sẽ ra đi, đột ngột như cách cô đã đến?

Điều gì sẽ xảy ra? quyển nhật kí của Mio chứa đựng những bí mật gì? Mời mọi người ... đi thuê DVD về xem, chứ phim cũng cũ rồi, từ năm 2004, vả lại Việt Nam ngoài phim Holywood, chỉ chuộng phim Hàn xẻng, nên cũng chẳng hy vọng phim này được chiếu ngoài rạp, chỉ có một lời khuyên cho mọi người, phim này đáng xem, và đừng vội đoán trước kết cục làm gì, hãy ngắm nhìn cuộc sống hạnh phúc của gia đình nhà Aio, và những câu chuyện về quá khứ của Takumi, bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc.

Be with you không chỉ đáng xem với nội dung rất hay của mình, mà còn có những cảnh quay rất đẹp (hãy xem poster cánh đồng hoa hướng dương của phim), nhạc phim cũng rất hay (theme song của phim, bài hát Hana của rock band Orange Range là đĩa đơn bán rất chạy năm 2005 ở Nhật), và đương nhiên là một dàn diễn viên không thể chê được. Ngoài Yuko Takeuchi vai Mio, người đóng vai anh chồng khù khờ Takumi là Shido Nakamura cũng rất đạt (anh này là người đóng vai kiếm sĩ Nhật trong Hoắc Nguyên Giáp - Fearless của Lý Liên Kiệt), còn phải kể đến Akashi Takei, cậu bé Yuji 6 tuổi với giọng nói rất dễ thương, thậm chí chỉ một vai rất nhỏ trong phim, vai cô giáo của Yuji ở trường tiểu học, do diễn viên Ehara Yukiko thủ vai, cũng để lại nhiều ấn tượng.

Khi yêu thương nhau, hãy tìm đến với nhau, đấy là lời nói của Mio, cũng là thông điệp của bộ phim dành cho mọi người.

====

This one is for my very dear Midori:


Một bộ phim không có gì đặc biệt ngoại trừ ... cốt truyện đặc biệt của nó.
Hachiko monogatari nói về cuộc đời của một ... con chó có tên Hachiko kể từ giây phút chú lọt lòng mẹ cho tới giây phút Hachiko từ giã cuộc đời, cả hai đều diễn ra trong những cơn bão tuyết trắng trời trắng đất. Tất nhiên để trở thành nhân vật của không chỉ một, mà nhiều bộ phim (trong đó có một phim vừa ra đời năm 2009 do Richard Gere thủ vai chính) thì Hachiko không thể là một con chó bình thường, để có mục từ trên Wikipedia thì lại càng phải là một con chó đặc biệt, và sự thực thì Hachiko hoàn toàn xứng đáng với cái sự đặc biệt mà loài người nghĩ về chú.

Hachiko sinh năm 1923, chú được một ông giáo sư nông học khả kính nhận nuôi để thay thế con chó yêu của ông vừa mất. Con gái duy nhất vừa lấy chồng, ông giáo sư dành hết thời gian rỗi để chăm sóc Hachiko, tắm cho chú, dắt chú đi dạo và thậm chí còn có lần ngủ cùng chú. Và như mọi chú chó thuộc giống Akita trung thành khác, Hachiko cũng hết sức yêu quý ông chủ của mình, chú chó luôn quấn quýt lấy ông giáo sư và ngày ngày theo chân ông ra ga tàu đi làm buổi sáng và đến chiều lại tự động ra ga tàu chờ ông trở về, chính xác và đều đặn mà chẳng cần tới bất cứ loại đồng hồ nào. Nhưng rồi một ngày hè năm 1925, ông giáo sư đã không còn trở về ga tàu quen thuộc, ông đã qua đời ngay trên bục giảng sau một cơn đau tim đột ngột. Dù muốn hay không thì mọi người trong gia đình, bạn bè, người thân của ông giáo sư cũng dần dần phải chấp nhận sự mất mát để tiếp tục cuộc sống thường nhật, trừ Hachiko. Chú chó vẫn ngày ngày ra sân ga vắng để đợi chủ, rồi lại quay trở về mà không hiểu ông chủ của mình đã đi đâu. Ngay cả khi ngôi nhà cũ bị bán đi, Hachiko được gửi nuôi cho một gia đình mới, chú vẫn thường xuyên giật đứt xích để tới đón người chủ đã không bao giờ quay trở về. Tất nhiên chẳng ai có thể nuôi một con chó thường xuyên lêu lổng như vậy, Hachiko trở thành chó hoang, nhưng cuộc sống ngoài đường khắc nghiệt cũng không thể ngăn cản chú tiếp tục cuộc chờ đợi bất tận của mình. Thực ra là cũng không "bất tận" cho lắm vì Hachiko chỉ trụ vững được tới năm 1935, chú gục ngã ngay trên sân ga nơi 10 năm liên tục không ngừng nghỉ chú đã đứng chờ người chủ mãi mãi không bao giờ quay về của mình.

Hachiko monogatari là một bộ phim tear-jerker (lấy nước mắt) đúng như câu chuyện vừa kể trên, vì vậy nó sẽ thích hợp cho ai yêu quý chó hoặc ... thích bị lấy nước mắt. Và chắc con số đó ở Nhật cũng đủ đông để biến bộ phim trở thành một tác phẩm ăn khách ở Nhật năm 1987. Có lẽ ai bỏ tiền mua vé xem phim cũng đều mang một mong muốn: "Giá mà trong đời mình có một người trung thành và thân thiết như Hachiko". Vậy hãy cứ chờ đợi như chú chó Hachiko đợi chủ đi đã.

Đây là một tác phẩm của Mamoru Oshii - "cha đẻ thật sự" của siêu phẩm The Matrix (vốn có thể coi là phiên bản live action của anime Ghost in the Shell do Oshii làm đạo diễn). Có thể tóm tắt The Sky Crawlers bằng công thức: The Sky Crawlers = 1984 + Never Let Me Go. Đặt trong bối cảnh thế giới bê nguyên xi từ 1984, bộ phim nói về những đứa trẻ, đúng hơn là những người-máy, được "sinh" ra chỉ với mục đích duy nhất - trở thành phi công chiến đấu và rồi bị bắn rụng trên bầu trời. Bộ phim mang cái không khí buồn man mác như trong Never Let Me Go, khi mà các nhân vật chính biết rõ số phận của mình trong tương lai, biết rõ sự vô nghĩa của cuộc sống mình đang sống, nhưng vẫn cứ phải sống vì đó là nghĩa vụ của họ. Đây là những mâu thuẫn, xung đột nội tâm mà Oshii đã khai thác rất sâu (và rất thành công) trong loạt GitS. Nói là thành công vì cái không khí tâm lý nặng nề của phim được "pha loãng" bằng vô số pha hành động đẹp mắt và sáng tạo đến bất ngờ, The Sky Crawlers cũng có nhiều pha không chiến đẹp theo kiểu anime nhưng không thể bù lại được cho nội dung chậm của phim, nhất là với những ai không quen thuộc với 1984 thì có lẽ xem phim sẽ khó lòng tiếp nhận được cái bối cảnh thế giới "quái dị" ấy. Vì thế không lạ khi The Sky Crawlers thua Ponyo tại giải phim hoạt hình xuất sắc nhất của Viện Hàn lâm Nhật Bản.


The best 100 movies of the 90s


Trên YouTube không hiểu có đồng chí nào chịu khó bỏ thời gian ra cắt 100 phim ghép thành 2 cái clip khá lý thú, phim phần lớn là dạng "popular", có lẽ "best" là theo nghĩa đó, hơn nữa lại toàn phim Anh Mỹ nên biased là chuyện đương nhiên. Dù sao cũng là một danh sách đáng tham khảo cho ai cần tìm phim giải trí hay.

Phần 1:


Phần 2:


===

samedi 23 janvier 2010

New York, I Love You (2009)


Phim không được hay như tôi mong đợi (đồng nghĩa với việc không so sánh được với Paris, Je t'aime) nhưng cũng không đến nỗi tệ, vẫn có nhiều khoảnh khắc thú vị và dễ chịu.

New York, I Love You được làm theo phong cách Paris, Je t'aime, có nghĩa là 10 đạo diễn sẽ có 10 phút để thể nghiệm ý tưởng của mình về thành phố New York thông qua những số phận khác nhau của con người New York. Khác với Paris, Je t'aime có 18 đoạn phim riêng biệt ứng với 18 (trên tổng số 20) quận của Paris, New York, I Love You cố hòa 10 đoạn phim thành một tổng thể thông qua việc cho những nhân vật của đoạn phim này giao cắt với nhân vật của đoạn phim khác và chia mảnh các đoạn phim rồi trộn với nhau - một cố gắng ... không thành công lắm vì đây ... không phải là Love Actually (một phim có kịch bản đồng nhất với mục đích để các tuyến nhân vật kết nối được với nhau) mà chỉ là các mảnh phim lẻ, với cách thực hiện và ý nghĩa hoàn toàn khác nhau. Dàn diễn viên và đạo diễn của New York, I Love You cũng không được "hoành tráng" như Paris, Je t'aime, chủ yếu là các đạo diễn trẻ, thậm chí có người chỉ mới "vào nghề" đạo diễn như Natalie Portman. Tiếc (lại một cái tiếc nữa) là trẻ không đồng nghĩa với đột phá, nội dung của New York, I Love You chủ yếu hướng tới một feel-good movie chứ không có chất thể nghiệm và mang cá tính cao như Paris, Je t'aime. Vì vậy khán giả muốn không thất vọng với bộ phim này thì tốt nhất nên chuẩn bị tinh thần để xem một feel-good movie chứ không nên đòi hỏi những gì phức tạp, nặng chất triết lý.

Bây giờ đề cập tới mỗi đoạn phim. Khương Văn - ngôi sao ngày nào của Người Bắc Kinh ở New York được giao đoạn phim mở đầu, thông minh, ý nhị nhưng không nhiều ấn tượng. Tiếp đến là đoạn phim của Mira Nair, một nữ đạo diễn Ấn Độ, một đoạn phim hơi gượng ép về ý tưởng tôn giáo thành ra khó hiểu và khó cảm, Natalie Portman đóng chính đoạn phim này, đầu cô trọc lốc (không biết có phải cạo thật như thời đóng V for Vendetta không?) nhưng ấn tượng thua xa đoạn phim cô đóng trong Paris, Je t'aime. Shunji Iwai của All About Lily Chou-Chou là điểm sáng đầu tiên với đoạn phim rất ... O.Henry về một anh chàng nhạc sĩ (Orlando Bloom) "phải lòng" một giọng nói dễ thương qua điện thoại, đây là một đoạn phim hết sức dễ chịu với cảnh cuối khá teen nhưng độc đáo theo kiểu cổ điển. Đoạn của Yvan Attal (chồng của Charlotte Gainsbourg) là đoạn phim nhiều "sao" nhất (Ethan Hawk, Robin Wright Penn, Chris Cooper và Maggie Q), đây là đoạn ... hỗn độn nhất vì nó tổng hợp cả những thời khắc lãng mạn, tục, quái quái (đặc biệt là vai anh nhà văn mở mồm ra là tán gái do Hawk thủ vai) đâm khiến người xem hấy hay hay nhưng cũng ... chẳng hiểu đạo diễn ngụ ý gì. Brett Ratner, vốn "chuyên trị" blockbuster và phim hành động, lại là tác giả của đoạn phim teen nhất nói về một cậu chàng ngố trong ngày prom, một đoạn phim dễ xem, vui, với sự góp mặt của James Caan luôn mồm văng tục như thời Bố già.

Allen Hughes, đạo diễn của bom tấn năm nay The Book of Eli, là tác giả của đoạn phim hỗn loạn về mặt hình ảnh và ý nghĩa nhất, đoạn phim là những dòng suy nghĩ của hai nhân vật (Bradley Cooper và Drea de Matteo) trên đường tới chỗ hẹn găp nhau xen lẫn bằng những cảnh ân ái giữa hai người, xem xong chỉ có thể dùng hai từ: khó hiểu. Shekhar Kapur, đạo diễn của loạt Elizabeth, cho ra đời một đoạn phim mang đậm dấu ấn cá nhân với những góc quay và cách sử dụng tông màu trắng rất ấn tượng, đây cũng có lẽ là đoạn phim có dàn diễn viên đạt nhất - Shia LaBoeuf (trong một vai kiểu "thằng gù Nhà thờ Đức Bà", rất khác kiểu so với các vai LaBoeuf hay đóng), Julie Christie (trong vai một ca sĩ-đã không còn hát nữa, vai này giao cho Julie Andrews, một giọng ca vàng bị mất giọng thật, thì chắc còn hợp nữa) và John Hurt (aka. The Elephant Man), tuy thời gian xuất hiện không nhiều nhưng cả ba đều toát ra vẻ ấn tượng (và mong manh) tách biệt hẳn so với phần còn lại của phim. Phần trông có vẻ dễ thương nhưng kì thực lại chán nhất do không ai khác ngoài Natalie Portman thực hiện, đoạn phim là cuộc dạo chơi ở Central Park của một bé gái cùng anh nghệ sĩ múa kiêm "vú em" (manny!), hình ảnh của đoạn phim tươi sáng nhưng chẳng bộc lộ được nhiều ý nghĩa (hoặc quá khó hiểu so với khán giả bình thường như tôi). Fatih Akin, đạo diễn bạo liệt của Head-on, thực hiện đoạn phim có màu sắc u ám nhất phim, một đoạn phim rất gợi liên tưởng tới Chiếc lá cuối cùng của O.Henry với một bác họa sĩ già dù lâm bệnh nặng vẫn cố thuyết phục cô gái người Hoa trẻ trung với đôi môi tuyệt đẹp (còn ai khác ngoài Thư Kỳ) làm mẫu cho mình, đây cũng là một đoạn phim khó hiểu nhưng gần gũi nhất với ý đồ của New York, I Love You - mỗi đoạn phim là một truyện ngắn nói về một khuôn mặt của New York. Joshua Marston, đạo diễn của Maria Full of Grace, có ý tưởng độc đáo (so với phim này, chứ so với Paris, Je t'aime thì bình thường) về cuộc trò chuyện của một cặp vợ chồng già (Eli Wallach aka. "the Ugly" - 93 tuổi và Cloris Leachman - 83 tuổi) trong ngày kỉ niệm lần thứ 63 đám cưới của hai người, một đoạn phim về "tình già" xem khá xúc động, nhưng cảm xúc đọng lại sau khi xem không nhiều. Điểm nối giữa các đoạn phim là một cô gái ít nói lặng lẽ cầm máy quay ghi lại muôn mặt cuộc sống New York để làm triển lãm riêng, đoạn này do Randy Balsmeyer thực hiện và như đã nói ở trên là một cách kết nối hơi gượng ép cho New York, I Love You.

Tóm lại thì New York, I Love You chỉ có thể làm thỏa mãn người xem với tư cách một feel-good movie chứ không nói lên được điều gì về thành phố New York và tình yêu với thành phố có vẻ ngoài xù xì này. Với những ai muốn tìm cảm giác về một New York thực sự, (hình như) lời khuyên chung cho họ là Manhattan của Woody Allen. (Cuối phim có hint là "phần tiếp theo" sẽ là Roma của Ý, hy vọng là quay về thành phố vĩnh cửu sẽ giúp các đạo diễn có cảm hứng sáng tác hơn - nhưng trên IMDb lại thấy phần tiếp theo sẽ làm ở ... Thượng Hải, thế thì nản rồi!)

Vì rất thích mấy poster của Paris, Je t'aime nên tôi cũng ít nhiều trông đợi vào sự độc đáo của poster New York, I Love You, rút cục thì poster không đẹp và đặc sắc lắm, và cũng nhận ra thêm một điều là hóa ra New York không có nhiều "điểm nhận dạng" như Paris, quanh đi quẩn lại cũng chỉ có Tượng nữ thần Tự do hay Cầu Brooklyn.

So với Paris, Je t'aime:


lundi 18 janvier 2010

67th Golden Globe Awards


Kết quả Quả cầu vàng năm nay vừa bất ngờ vừa không bất ngờ, bất ngờ vì James Cameron vượt mặt được bà vợ để giành giải đạo diễn, nhưng tính ra với sự áp đảo của Avatar trên thị trường thì quyết định này cũng là dễ hiểu. Vì Avatar giành được luôn hai giải chính nên cuối cùng Tarantino lại bị đá bay khỏi giải kịch bản để nhường chỗ "an ủi" này cho Jason Reitman của Up in the Air. Còn lại thì giải năm nay chỉ có thể dùng hai từ "nhàm chán" vì không có kết quả nào đột phá, chưa kể những hạng mục rất yếu như vai nữ chính phim hài-ca nhạc, vai của Streep trong Julie & Julia không có gì đặc sắc ấy vậy mà cũng vẫn đoạt giải vì có lẽ không có gương mặt nào khá khẩm hơn. Có lẽ khi nhận lời đóng The Blind Side, Sandra Bullock không nghĩ rằng mình - một chuyên gia phim hài/hành động lại có thể giành giải vai nữ chính phim bi, giải thưởng diễn xuất đầu tiên trong sự nghiệp của Bullock, nhờ bộ phim sến rện này. Đây cũng lại là một kết quả phản ánh sức nặng của thành công thương mại lên lá phiếu của giới phê bình.

(in đậm là đoạt giải, đỏ là dự đoán đoạt giải còn xanh là hy vọng đoạt giải)

Best motion picture – drama
Avatar
The Hurt Locker
Inglourious Basterds
Precious
Up In The Air

Best motion picture - musical or comedy

500 days Of Summer
The Hangover
It’s Complicated!
Julie & Julia
Nine

Best director

Kathryn Bigelow, The Hurt Locker
James Cameron, Avatar
Clint Eastwood, Invictus
Jason Reitman, Up In The Air
Quentin Taratino Inglourious Basterds

Best animated feature

Coraline
Fantastic Mr Fox
Up
Cloudy With A chance Of Meatballs
The Frog And The Princess

Best actor in a motion picture, drama
Jeff Bridges, Crazy Heart
George Clooney, Up In The Air
Colin Firth, A Single Man
Morgan Freeman, Invictus
Tobey Maguire, Brothers

Best actress in a motion picture, drama

Emily Blunt, The Young Victoria
Sandra Bullock, The Blind Side
Helen Mirren, The Last Station
Carey Mulligan, An Education
Gabourey “Gabby” Sidibe, Precious

Best performance by an actor in a musical or comedy

Matt Damon, The Informant!
Daniel Day Lewis, Nine
Robert Downey Jr, Sherlock Holmes
Joseph Gordon-Levitt, 500 Days Of Summer
Michael Stuhlbarg, A Serious Man

Best performance by an actress in a musical or comedy
Sandra Bullock, The Proposal
Marion Cottillard, Nine
Julia Roberts, Duplicity
Meryl Streep, It’s Complicated
Meryl Streep, Julie & Julia

Best supporting actor

Matt Damon Invictus
Woody Harrelson The Messenger
Stanley Tucci The Lovely Bones
Christopher Plummer, The Last Station
Christoph Waltz Inglourious Basterds

Best supporting actress

Penelope Cruz Nine
Vera Farmiga Up In The Air
Anna Kendrick Up in the Air
Mo’Nique Precious
Julianne Moore A Single Man

Best foreign film

Broken Embraces
The White Ribbon
The Maid
A Prophet
Baaria


Best screenplay
District 9, Neil Blomkap, Terri Tatchell
The Hurt Locker ,Mark Boal
Inglourious Basterds, Quentin Tarantino
It’s Complicated, Nancy Meyers
Up In The Air, Jason Reitman, Sheldon Turner

Best original song
The Weary Kind, T-Bone Burnett, Ryan Bingham (Crazy Heart)
I Want To Come Home,
Paul McCartney, (Everybody’s Fine)
Cinema Italiano,
Maury Yeston, Nine
Winter,
U2, Bono (Brothers)
I Will See You,
James Horner, Simon Franglen, Kuk Harrell (Avatar)

Best original score
The Informant!, Marvin Hamlisch
Up, Michael Giacchino
Where The Wild Things Are, Carter Burwell, Karen Orzolek
Avatar, James Horner
A Single Man, Abel Korzeniowski


lundi 11 janvier 2010

Best Movies, TV, Books and Theater of the Decade (by Time)


Lần này là danh sách của Time, Time là tạp chí Mỹ thuộc dòng pop culture (văn hóa đại chúng) nên dĩ nhiên danh sách thiên về các tác phẩm của Mỹ, bình dân dễ hiểu. Đâm ra phim toàn phim phổ cập, mình cũng xem được đến 7/10, trừ Talk to Her của Almodovar là chưa (muốn) xem (chán ông này rồi, phim nào mình xem phải cũng chủ đề nâng niu phụ nữ), White Diamond của Herzog và Avatar (chờ khi nào nó vượt doanh thu Titanic rồi đi xem một thể). Nhìn chung danh sách phim này không làm mình ngạc nhiên lắm vì ... phong cách của Time nó thế. TV Shows thì chịu chết vì chẳng bao giờ xem (trừ Friends, tất nhiên), Theatre cũng vậy. Book thì đã đọc được hẳn ... 2 quyển, HP5 (như dở hơi) và Never Let Me Go (cực kì thích). Năm nay Never Let Me Go sẽ công chiếu, không hiểu có giữ được cái u uất đau đớn của truyện không nhất là với một em gái hơ hớ như Keira Knightley, hy vọng là Carey Mulligan sẽ kéo lại được phim giống như Saoirse Ronan đã "cứu" Atonement. Năm nay em Ronan đóng The Lovely Bones được kì vọng cao vậy mà cuối cùng lại xịt ngóm, xịt tới mức mới chiếu được 1, 2 tuần gì đó đã thấy có DVDscr trên mạng, chắc chất lượng phải tệ lắm, tự dưng lại làm mình tò mò vì Peter Jackson + tình yêu Rachel Weisz mà lại cho ra thành quả tệ thế (hay lại dớp anh giai Mark Wahlberg - người chưa đóng được bất cứ phim nào tử tế kể từ The Departed?).

dimanche 10 janvier 2010

Watchmen (2009)


Chất lượng phim này chỉ đáng hai sao, cho thêm một sao vì đoạn prelude và nhạc phim xuất sắc.

Thực ra bản tôi xem là bản Ultimate Cut dài cỡ 210 phút (so với bản chiếu rạp là 162 phút) nên nhận xét có thể không chính xác cho bản chiếu rạp, nhưng vì (nghe nói) bản Ultimate Cut còn ... hay hơn bản chiếu rạp thì chứng tỏ bản chiếu rạp thực sự dở và việc phim không ăn khách (185 triệu USD doanh thu - so với 130 triệu USD tiền sản xuất, chưa kể tiền quảng cáo chắc cũng phải chừng ấy). Điều khiến tôi ngạc nhiên đầu tiên là mức độ bạo lực vượt trội của Watchmen, phim bạo lực hơn rất nhiều so với các phim siêu anh hùng tôi từng xem, ấy vậy mà cũng chỉ bị gắn mác R như hầu hết phim hành động thông thường thay vì mác NC-17 mà nó xứng đáng phải nhận vì vô số cảnh đầu rơi máu chảy như trong truyện (vốn bê bết máu me ở mức độ chỉ dành cho người lớn), thậm chí là còn hơn truyện, vì truyện chỉ là cảnh tĩnh, còn phim thì đặc tả, nhấn mạnh các cảnh đó bằng đủ mọi kĩ xảo quay và kĩ xảo vi tính.

Điểm chê đầu tiên của Watchmen là chất lượng dàn diễn viên quá tệ. Việc đạo diễn của phim sử dụng shot-for-shot adaptation (truyện dùng tranh nào thì phim dựng lại y hệt tranh đó) không thể biện minh nổi cho diễn xuất cứng đờ của cả ensemble cast. Trừ Dr. Manhattan (do Billy Crudup từng rất tuyệt vời trong Almost Famous thủ vai) bị hạn chế diễn xuất mặt và cơ thể bởi CGI thì các diễn viên còn lại khóc đấy, cười đấy, ra vẻ thịnh nộ đấy nhưng họ hoàn toàn không bộc lộ được sự khác biệt của những siêu anh hùng "kiểu phản anh hùng" mà Moore đã dày công xây dựng, cộng thêm kịch bản vụn vặt (sẽ nói sau) của phim, diễn xuất của dàn diễn viên ít tên tuổi (và chắc chắn vẫn sẽ ít tên tuổi sau phim) đã biến Watchmen trở thành một vở kịch chiếu trên màn ảnh lớn với chất lượng điện ảnh khó có thể chấp nhận được. Kém nhất trong dàn ensemble cast của phim có lẽ là Nite Owl (Patrick Wilson của Little Chidren) với cách diễn "lờ đờ" hiếm có, lờ đờ từ những tình huống lờ đờ đầu phim và ngay cả những cảnh đòi hỏi cảm xúc, cử động mặt cuối phim Nite Owl vẫn ... cứ lờ đờ. 2 nhân vật được trông chờ nhất của Watchmen là The Comedian (Jeffrey Morgan) và Rorschach (Jackie Haley, bạn diễn của Wilson trong Little Chidren và từng được đề cử Oscar cho vai này) cũng không gây được ấn tượng lớn, cảnh "giàu tình người" nhất của truyện (và đáng ra là của phim) - cảnh The Comedian nói chuyện với con gái Silk Spectre (Malin Akerman) bị Jeffrey Morgan bỏ lỡ một cách đáng tiếc vì cách diễn nửa vời, Jackie Haley thì khá hơn (có lẽ là khá nhất phim) khi cảnh đối đầu cuối cùng giữa Rorschach và Dr. Manhattan được anh (ông?) xử lý khá tốt và gợi lên được phần nào cái phẩm chất cương trực (never compromise) trước cái ác đến cực đoan của Rorschach. Nhìn tổng thể thì không một diễn viên nào của Watchmen để lại được nhiều ấn tượng trong người xem - điều tối quan trọng cho phim siêu anh hùng và phim shot-for-shot adaptation như thế này.

Điểm yếu thứ hai của phim và là điểm yếu chí tử khiến phim thua thiệt khi công chiếu đó là phần kịch bản, một kịch bản vụn vặt, rời rạc và khó hiểu với đại đa số người xem bình thường - tôi nói trên quan điểm của một người đã đọc truyện và có chút ít nền tảng kiến thức để hiểu Moore định ám chỉ cái gì và chịu ảnh hưởng từ cái gì khi sáng tác truyện. Và thực ra ai muốn tìm hiểu kĩ hơn về Watchmen cũng có thể đọc bài viết cực tốt về truyện trên wikipedia (và bản dịch tiếng Việt tương đương). Theo tôi Zack Snyder đã sai lầm khi muốn biến Watchmen trở thành một thành công kiểu 300 thứ hai, vì nếu như 300 lấy bối cảnh lịch sử với cốt truyện tương đối đơn giản (có nghĩa là xuyên tạc lịch sử rất nhiều để độc giả/khán giả Mỹ có thể hiểu dễ dàng như ăn McDonald) thì Watchmen mang tính đương đại (contemporary) rất lớn với nhiều tầng ý nghĩa khác nhau để ám chỉ về một giai đoạn lịch sử nhất định của Chiến tranh Lạnh - từ giữa thập niên 1960 đến giữa thập niên 1980 (giai đoạn Moore lấy cảm hứng rất nhiều để sáng tác) vì vậy nếu bê nguyên nội dung đó vào một bộ phim của những năm cuối cùng của thập niên 2000 thì khán giả chắc chắn sẽ cảm thấy xa lạ - có thể họ hiểu tư tưởng của Moore nhưng họ không còn thấy đáng quan tâm nữa vì nó đã thuộc về thì quá khứ gần (nếu quá khứ xa thì mức độ quan tâm sẽ lại cao hơn) trong khi thế giới nói chung cùng quan niệm sống của số đông xã hội đã thay đổi quá nhiều. Một ví dụ cụ thể là chủ nghĩa hư vô (nihilism) và mối ám ảnh của chủ nghĩa toàn trị (totalitarianism) vốn tràn ngập trong các bộ phim thời thập niên 1970, 1980 như Blade Runner, Brazil thì đã gần như biến mất khỏi các bộ phim (được gọi là hay) của thập niên 2000, thực tế đó khiến những câu rao giảng đậm mùi nihilism của Dr. Manhattan hay The Comedian trở nên vô cùng lạc lõng và xa lạ với khán giả hiện đại. Nói tới chi tiết này thì tôi tin là các nhà làm phim khi chiếu Watchmen đã hy vọng rằng bộ phim sẽ lợi dụng được đà ăn khách của các phim siêu anh hùng-kiêm phổ biến triết lý (mà tôi nói vui là pop phi - triết học đại chúng - thứ triết mà các siêu anh hùng nói thành câu, giải thích từng chữ để khán giả có thể nắm bắt) như Spider-Man 3 và đặc biệt là The Dark Knight để kéo khán giả tới rạp, có biết đâu là thứ triết lý trong Watchmen tuy cũng gần gũi với pop phi đấy nhưng lại hoàn toàn không dễ hiểu như The Dark Knight và đòi hỏi khán giả phải đặt mình vào bối cảnh căng thẳng của Chiến tranh Lạnh mới có thể cảm nhận được (một điều "xa xỉ" đối với công chúng của những phim siêu anh hùng - vốn chủ yếu bỏ tiền ra để được hưởng cảm giác thư giãn, thoải mái khi xem phim). Như đã nói ở trên, nếu như việc shot-for-shot adaptation của 300 diễn ra suôn sẻ vì cốt truyện đồng nhất, không dài, ít chi tiết, tính hình tượng cao thì chuyển thể điện ảnh của Watchmen đã băm vụn bộ truyện tranh thành những trường đoạn ngắn xem rời thì hay nhưng ghép lại thì thành vô cùng rời rạc và thiếu sự liên kết (vốn là những đoạn truyện-chữ rất dài ngăn cách giữa các chương của bộ truyện tranh). Việc bộ truyện Watchmen thiên về xung đột nội tâm chứ thiếu các cao trào về hành động hay các nút thắt mở của một phim điều tra (vài ba twist của Watchmen thực sự không quá bất ngờ hoặc khó đoán) càng khiến nó khó chuyển thể được thành một bộ phim hành động hấp dẫn. Kết quả là Zack Snyder phải dựa rất nhiều vào dăm ba pha hành động lẻ tẻ của phim để giúp phim có điểm nhấn - với kết quả là khán giả chỉ thấy Watchmen thêm phần máu me bạo lực chứ chẳng thu nhận được gì về sự căng thẳng, sức ép nặng nề bên trong từng nhân vật siêu anh hùng và toàn xã hội trong truyện.

Ở đây tôi tự dưng nhớ tới 20th Century Boys, một manga cực kì, phải nhấn mạnh là cực kì, xuất sắc của Naoki Urasawa cũng mang đầy tính phản anh hùng (anti-hero hay deconstructionism) với bối cảnh xã hội suy sụp như Watchmen. 20th Century Boys mới sáng tác gần đây (từ năm 2000) và nó xuất sắc không thua kém gì bộ truyện trước đó của Urasawa là Monster với một cốt truyện ly kì, hấp dẫn, sáng sủa, phản ánh được xã hội đương thời và vẫn mang được màu sắc u uất, hoài niệm rất riêng của tác giả. Chất lượng vượt trội của 20th Century Boys được chứng minh bằng việc nó đoạt cả hai giải manga hay nhất (không phân hạng mục) của hai nhà xuất bản hàng đầu Nhật Bản là Shogakukan (hãng xuất bản 20 Century Boys) và Kodansha (hãng ... đối thủ cạnh tranh của Shogakukan!). Năm nay 20th Century Boys cũng được chuyển thể, và đáng tiếc chuyển thể điện ảnh của bộ truyện này, dù rất tốn kém, cũng có chất lượng chẳng ra sao và nhanh chóng rơi vào quên lãng như rất nhiều bộ manga xuất sắc khác mà Nhật tự chuyển thể. Tất nhiên tôi chẳng hy vọng rằng Hollywood có thể "làm khá hơn" sau khi chứng kiến vô số thất bại thảm hại (có khi là thất bại một cách cố ý) của những Blood: The Last Vampire, Dragonball Evolution hay AstroBoy. Nhưng vẫn có chút gì đó tiếc nuối khi cái sự hypebuzz dành cho Watchmen lại lớn hơn 20th Century Boys nhiều lần đến thế, trong khi bộ manga Nhật mới là tác phẩm gần gũi và dễ tiếp nhận hơn nhiều lần đối với khán giả đương đại. Triết lý trong 20th Century Boys cũng được diễn giải rất bình dị, sâu sắc thông qua những chi tiết truyện chứ không phải bằng cách nói "bô bô" ra mồm tới mức thô thiển như "trường phái" pop phi của truyện tranh Mỹ và phim siêu anh hùng Hollywood.

===

Chê nhiều rồi thì cũng phải khen, điểm sáng đầu tiên của Watchmen là phần nhạc phim cực hay, rất bám sát nội dung và bối cảnh bộ truyện (thập niên 1980) đồng thời cũng bổ sung được rất nhiều về mặt cảm xúc và hơi thở của thời đại cho những cảnh phim mà chúng làm nhạc nền (âm nhạc rõ ràng có giá trị bền vững hơn nhiều so với điện ảnh hay truyện tranh?). Watchmen có rất nhiều trường đoạn mà nhạc phim hay và ấn tượng giúp tô đậm hơn rất nhiều nội dung phim, tiêu biểu là đoạn prelude đầu phim (sẽ còn nói ở phần sau) với The Times They Are a-Changin' của Bob Dylan, trường đoạn đám tang trong mưa với The Sound of Silence của Simon & Garfunkel, trường đoạn máy bay trực thăng bắn phá với (tất nhiên) Ride of the Valkyries của Wagner (một sự phản chiếu từ Apocalypse Now của Francis Ford Coppola) hay trường đoạn những giờ phút cuối cùng của Hollis Mason với (tất nhiên một lần nữa) Requiem của Mozart. Một trường đoạn đáng chú ý của Watchmen (so với chất lượng thường thường bậc trung của phim) là cảnh ân ái giữa Silk Spectre và Nite Owl cũng được lồng một cách rất tài tỉnh bản Hallelujah của Leonard Cohen. Phần nhạc phim làm tốt đã kéo lại nhiều ấn tượng cho phim, đặc biệt là với những khán giả không quen thuộc với bộ truyện hoặc không khí xã hội thời Chiến tranh Lạnh.

Điểm nhấn thứ hai của Watchmen là phần prelude đầu phim được làm cực tốt, ngắn gọn, hấp dẫn, độc đáo và truyền tải được nhiều thông tin. Nếu như độc giả của bộ truyện Watchmen được cung cấp thông tin cực kì chi tiết về bối cảnh xã hội của bộ truyện (nửa thực tế, nửa hư cấu) cùng thân thế của những siêu anh hùng thông qua các truyện-chữ dạng "hồ sơ", "bài báo", "thư cá nhân" (mà thời gian đọc chúng còn tốn hơn nhiều so với thời gian đọc truyện) thì đương nhiên khán giả của bộ phim Watchmen không thể có thời gian để nghe "kể lể" chi tiết tới như vậy. Để giải quyết khó khăn này Zack Snyder đã sáng tạo ra một đoạn phim giới thiệu ngắn gồm những giờ phút đáng nhớ của lịch sử nước Mỹ "trong Watchmen" cùng các nhân vật siêu anh hùng, chúng vừa cô đọng về mặt thông tin, vừa ấn tượng đến không ngờ vì gợi nhớ tới rất nhiều hình ảnh ấn tượng trong suốt quãng thời gian từ thập niên 1940 cho tới thập niên 1980 của lịch sử nước Mỹ, có thể kể ra:
* Cảnh đầu tiên của đoạn prelude là cảnh ... bố mẹ Batman bị tấn công nhưng không bị giết vì lần này đã có ... một siêu anh hùng của nhóm Minutemen đứng ra bảo vệ (cũng hàm ý rằng sẽ chẳng có một Batman ra đời - mặc dù trên tường vẫn có đầy poster về Batman).
* Hình ảnh chiếc máy bay Enola Gay chở bom nguyên tử ném xuống Hiroshima. Chữ Enola Gay đã được thay bằng hình ảnh của Miss Jupiter, một trong các siêu anh hùng và là mẹ của Silk Spectre.
* Bức ảnh V-J day in Times Square miêu tả nụ hôn kết thúc chiến tranh (thế giới thứ hai) ở quảng trường Thời đại New York. Hình ảnh anh lính thủy được Zack Snyder thay thế một cách rất sáng tạo thành nữ siêu anh hùng Sihouette, một siêu anh hùng đồng tính (lesbian) hiếm hoi của truyện tranh Mỹ.
* Bức tranh Bữa ăn tối cuối cùng của Leonardo da Vinci với các vị Thánh Công giáo được thay thế bằng nhóm Minutemen. Vị trí của Chúa được dành cho Miss Jupiter còn vị trí của Judas Iscariot thì (đương nhiên) được dành cho The Comedian.
* Tất nhiên, nói về lịch sử cận đại Mỹ thì kiểu gì cũng có vụ ám sát JFK. Điều thú vị là Zack Snyder đã để chính The Comedian là người kết liễu John Kennedy. Làn khói "đáng ngờ" trong những bức ảnh chụp về vụ ám sát cũng được Snyder giải thích đơn giản bằng ... điếu xì gà của The Comedian.
* Vụ tự thiêu của hòa thượng Thích Quảng Đức được nhắc tới qua chiếc tivi đen trắng trong bối cảnh ... vợ chồng Miss Jupiter đang cãi nhau. Vụ tự thiêu này đánh dấu cho quá trình leo thang của chiến tranh ở Việt Nam với sự nhúng tay càng ngày càng sâu của nước Mỹ. Ở đây đạo diễn đã mắc một lỗi về lịch sử khi sự kiện JFK bị ám sát (tháng 11 năm 1963) lại được nhắc đến trước vụ tự thiêu của hòa thượng Thích Quảng Đức (tháng 6 năm 1963).
* Hình ảnh lãnh đạo Liên Xô và Fidel Castro chứng kiến diễu hành trên Quảng trường Đỏ với các đầu đạn hạt nhân diễu qua. Có lẽ đạo diễn muốn ám chỉ tới vụ khủng hoảng tên lửa ở Cuba và đánh dấu sự leo thang về vũ khí hạt nhân trong Chiến tranh Lạnh, nhưng lại thêm một lỗi nữa vì vụ này diễn ra năm 1962 tức là trước cái chết của JFK năm 1963.
* Bức ảnh Flower Child do Marc Riboud chụp năm 1967 miêu tả cảnh cô nữ sinh trung học Jan Rose Kasmir cầm bông hoa trước hàng lưỡi lê của lực lượng Vệ binh quốc gia (National Guard) Hoa Kỳ. Bức ảnh này đáng nhớ vì nó biểu trưng cho phong trào phản chiến (chống chiến tranh Việt Nam) thời cuối thập niên 1960, đầu thập niên 1970 ở Mỹ. Trong phim thì bông hoa (và cô nữ sinh) bị bắn không thương tiếc, có lẽ là để ám chỉ tới vụ giết chóc ở Đại học Kent năm 1970 khi Vệ binh quốc gia bắn chết 4 sinh viên biểu tình chống chiến tranh.
* Bức ảnh Nite Owl theo phong cách pop art của Andy Warhol "nhại" theo phong cách vẽ tranh độc đáo của "ông vua pop art" này mà tiêu biểu là bức Marilyn Diptych vẽ Marilyn Monroe. Đứng bên cạnh Andy Warhol là Truman Capote, nhà văn nổi tiếng có cuộc đời gắn bó khá nhiều với Warhol.
* Tất nhiên nói tới lịch sử Mỹ thì Mỹ bao giờ cũng phải lôi sự kiện Neil Amstrong đặt chân xuống Mặt Trăng năm 1969 (một sự kiện hoàn toàn không có nhiều ý nghĩa thực tế về mặt khoa học và bị cố thổi phồng để che lấp những thành tựu về hàng không vũ trụ của Liên Xô - vốn đến giờ vẫn là xương sống cho trạm vũ trụ quốc tế ISS). Điểm khác biệt trong "lịch sử Watchmen" là Neil Amstrong khi cắm cờ thì Dr. Manhattan đã đứng đó từ lâu. Câu "Good luck, Mr. Gorsky" có thể tìm thấy ý nghĩa (khá buồn cười) trên wikipedia.
* Hình ảnh "ông chủ" Ozymandias đứng trước Studio 54, một biểu tượng của văn hóa disco thập niên 1970. Sau lưng Ozymandias khán giả có thể thấy những tên tuổi lớn của văn hóa Mỹ khi đó là David Bowie, Mick Jagger và Village People.
* Hình ảnh Nixon trúng cử nhiệm kỳ tổng thống Hoa Kỳ thứ 3, đồng nghĩa với việc thể chế dân chủ ở Mỹ (mà biểu tượng là việc tổng thống bị giới hạn 2 nhiệm kỳ) bị phá bỏ. Bên cạnh chiếc tivi thông báo tin bầu cử là một chiếc khác có hình ảnh chiếc Đồng hồ ngày tận thế - biểu tượng của căng thẳng hạt nhân thời Chiến tranh Lạnh.


vendredi 1 janvier 2010

Best Hong Kong films of the decade (by LoveHKFilm.com)


Trang LoveHKFilm.com, một trang rất uy tín về điện ảnh Hồng Kông, vừa tổ chức bình chọn 50 phim Hồng Kông hay nhất của thập niên 2000, tuy không rầm rộ và số phiếu cũng chỉ là muối bỏ bể nếu so với IMDb nhưng chất lượng cuộc bình chọn theo tôi là tương đối chính xác và tập hợp được hầu hết các bộ phim xuất sắc của nền điện ảnh tuy nhỏ nhưng rất phát triển này. Tất nhiên một số phim khá "tệ" (My Wife is 18, Flash Point) vẫn lọt vào danh sách trong khi nhiều phim tốt như các phim của nữ đạo diễn Hồ An Hoa hay thậm chí là Đầu danh trạng (The Warlords) của Trần Khả Tân dù giành Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông cho phim hay nhất lại không có mặt. Nhưng cuộc bầu chọn nào mà chẳng có sự thiên lệch nhất định, dù sao chất lượng của cuộc bầu chọn này còn chính xác hơn nhiều kết quả ở IMDb.

Sau đây là kết quả, tên phim được ghi bằng cả tiếng Anh và phiên âm Hán Việt/tiếng Việt, tên đạo diễn chỉ dùng phiên âm Hán Việt, tên tiếng Anh của họ có thể tìm thấy ở liên kết tới trang LoveHKFilm.com. Vì phim Hồng Kông có đặc điểm là dựa rất nhiều vào tên tuổi của các ngôi sao điện ảnh để "bảo chứng doanh thu" nên tôi sẽ chú thích thêm cả các diễn viên chính của phim.

50-41
52.
Tân trát sư muội (Love Undercover - 2002, Mã Vỹ Hào)
- Dương Thiên Hoa, Ngô Ngạn Tổ
51.
Kiến quỷ (The Eye - 2002, Bành Phát, Bành Thuận)
- Lý Tâm Khiết
50. Thuận lưu nghịch lưu (
Time and Tide - 2000, Từ Khắc)
- Tạ Đình Phong, Ngũ Bách, Hoàng Thu Sinh
49. Mỗi đương biến ảo thời (
Hooked on You - 2007, La Vĩnh Xương)
- Dương Thiên Hoa, Trần Dịch Tấn
48.
Giang hồ cáo cấp (Jiang Hu - The Triad Zone - 2000, Lâm Siêu Hiền)
- Lương Gia Huy, Ngo Quân Như
47. Đạn hỏa tuyến (
Flash Point - 2007, Diệp Vỹ Tín)
- Chân Tử Đan, Cổ Thiên Lạc, Phạm Băng Băng
46. Mãn thành tận đới hoàng kim giáp (
Curse of the Golden Flower - 2006, Trương Nghệ Mưu)
- Châu Nhuận Phát, Củng Lợi, Châu Kiệt Luân
45. Nếu như yêu (
Perhaps Love - 2005, Trần Khả Tân)
- Takeshi Kaneshiro, Cu Tấn, Trương Học Hữu
44. Ái tác chiến (
Love Battlefield - 2004, Trịnh Bảo Thụy)
- Chu Lệ Kì, Trần Dịch Tấn
43. Thường tại ngã tâm (
Funeral March - 2001, Mã Vỹ Hào)
- Trần Dịch Tấn, Thái Trác Nghiên
42. Isabella (
Isabella - 2006, Bành Hạo Tường)
- Đỗ Văn Trạch, Lương Lạc Thi
41. Mãi hung phách nhân (
You Shoot, I Shoot - 2001, Bành Hạo Tường)
- Cát Dân Huy

40-31
40. Ngã tả nhãn kiến đáo quỷ (
My Left Eye Sees Ghosts - 2002, Đỗ Kỳ Phong, Vi Gia Huy)
- Trịnh Tú Văn, Lưu Thanh Vân
39. Môn đồ (
Protégé - 2007, Nhĩ Đông Thăng)
- Lưu Đức Hoa, Ngô Ngạn Tổ, Cổ Thiên Lạc, Trương Tịnh Sơ, Viên Vịnh Nghi
38. Nhất lục giá (
Just One Look - 2002, Diệp Cẩm Hồng)
- Chung Hân Đồng, Thái Trác Nghiên, Dư Văn Lạc, Hoàng Thu Sinh
37. Sấu thân nam nữ (
Love on a Diet - 2001, Đỗ Kỳ Phong, Vi Gia Huy)
- Lưu Đức Hoa, Trịnh Tú Văn
36. Thần kinh hiệp lữ (
Crazy n' the City - 2005, Nguyễn Thế Sinh)
- Trần Dịch Tấn, Dung Tổ Nhi, Ngô Chấn Vũ,
35. Ngã lão bà ngô cú xứng (
My Wife is 18 - 2002, Nguyễn Thế Sinh)
- Trịnh Y Kiệt, Thái Trác Nghiên
34. Tân câu chuyện cảnh sát (
New Police Story - 2004, Trần Mộc Thắng)
- Thành Long, Ngô Ngạn Tổ, Tạ Đình Phong, Dương Thái Ni
33. Juliet và Lương Sơn Bá (
Juliet in Love - 2001, Diệp Vỹ Tín)
- Ngô Chấn Vũ, Ngô Quân Như
32. Nam nhân tứ thập (
July Rhapsody - 2001, Hứa An Hoa)
- Trương Học Hữu, Mai Diễm Phương, Lâm Gia Hân
31. Văn tước (
Sparrow - 2008, Đỗ Kỳ Phong)
- Lâm Hy Lôi, Nhậm Đạt Hoa, Lâm Tuyết, Lâm Gia Đống

30-21
30. Toàn chức sát thủ (
Fulltime Killer - 2001, Đỗ Kỳ Phong, Vi Gia Huy)
- Lưu Đức Hoa, Takashi Sorimachi, Lâm Hy Lôi
29. Chứng nhân (
Beast Stalker - 2008, Lâm Siêu Hiền)
- Tạ Đình Phong, Trương Gia Huy, Trương Tịnh Sơ
28. Phụ tử (
After This Our Exile - 2006, Đàm Gia Minh)
- Quách Phú Thành
27. Thiên hạ vô song (
Chinese Odyssey 2002 - 2002, Lưu Trấn Vỹ)
- Lương Triều Vỹ, Triệu Vy, Trương Chấn, Vương Phi
26. Ngã yếu thành danh (
My Name Is Fame - 2006, Lưu Quốc Xương)
- Lưu Thanh Vân,
25. Sắc, giới (
Lust, Caution - 2007, Lý An)
- Lương Triều Vỹ, Vương Lực Hoành, Thang Duy
24. Câu chuyện McDull (
My Life as McDull - 2001, Viên Kiến Thao)
- McDull
23. Hoắc Nguyên Giáp (
Fearless - 2006, Vu Nhân Thái)
- Lý Liên Kiệt
22.
Đại trượng phu (Men Suddenly in Black - 2003, Bành Hạo Tường)
- Tăng Chí Vỹ, Trần Tiểu Xuân, Đỗ Văn Trạch, Mao Thuần Quân
21. Hắc xã hội: Dĩ hòa vi quý (
Election 2 - 2006, Đỗ Kỳ Phong)
- Nhậm Đạt Hoa, Cổ Thiên Lạc,

20-11
20. 2046 (2046 - 2004, Vương Gia Vệ)
- Lương Triều Vỹ, Củng Lợi,Chương Tử Di, Vương Phi, Lưu Gia Linh, Trương Chấn
19. Diệp Vấn (Ip Man - 2008, Diệp Vỹ Tín)
- Chân Tử Đan
18. Thần thám (Mad Detective - 2007, Đỗ Kỳ Phong, Vi Gia Huy)
- Lưu Thanh Vân
17. Vong bất liễu (Lost in Time - 2003, Nhĩ Đông Thăng)
- Trương Bá Chi, Lưu Thanh Vân
16. Cô nam quả nữ (Needing You... - 2000, Đỗ Kỳ Phong, Vi Gia Huy)
- Lưu Đức Hoa, Trịnh Tú Văn
15. Nhu đạo long hổ bảng (Throwdown - 2004, Đỗ Kỳ Phong)
- Quách Phú Thành, Cổ Thiên Lạc, Lương Gia Huy, Ứng Thái Nhi
14. PTU (PTU - 2003, Đỗ Kỳ Phong)
- Nhậm Đạt Hoa, Lâm Tuyết, Thiệu Mỹ Kỳ
13. Xích Bích (Red Cliff - 2008, Ngô Vũ Sâm)
- Lương Triều Vỹ, Takeshi Kaneshiro, Trương Phong Nghị, Trương Chấn, Triệu Vy
12. Ngọa hổ tàng long (Crouching Tiger, Hidden Dragon - 2000, Lý An)
- Châu Nhuận Phát, Dương Tử Quỳnh, Chương Tử Di, Trương Chấn
11. Sát Phá Lang (SPL - 2005, Diệp Vỹ Tín)
- Chân Tử Đan, Hồng Kim Bảo, Ngô Kinh

====================================================
Top Ten


10. Đại hòa thượng (Running on Karma - 2003, Đỗ Kỳ Phong, Vi Gia Huy) - 220 điểm
- Lưu Đức Hoa, Trương Bá Chi


09. Vô gian đạo II (Infernal Affairs II - 2003, Lưu Vỹ Cường, Mạch Triệu Huy) - 229 điểm
- Dư Văn Lạc, Trần Quán Hy, Hoàng Thu Sinh, Tăng Chí Vỹ, Ngô Chấn Vũ, Lưu Gia Linh


08. Vượng Giác hắc dạ (One Nite in Mongkok - 2004, Nhĩ Đông Thăng) - 232 điểm
- Ngô Ngạn Tổ, Trương Bá Chi, Phương Trung Tín


07. Anh hùng (Hero - 2002, Trương Nghệ Mưu) - 251 điểm
- Lương Triều Vỹ, Trương Mạn Ngọc, Chân Tử Đan, Chương Tử Di, Trần Đạo Minh, Lý Liên Kiệt


06. Hắc xã hội (Election - 2005, Đỗ Kỳ Phong) - 267 điểm
- Nhậm Đạt Hoa, Lương Gia Huy, Cổ Thiên Lạc


05. Phóng, trục (Exiled - 2006, Đỗ Kỳ Phong) - 276 điểm
- Hoàng Thu Sinh, Ngô Chấn Vũ, Lâm Tuyết, Trương Diệu Dương, Trương Gia Huy


04. Tuyệt đỉnh công phu (Kungfu Hustle - 2004, Châu Tinh Trì) - 281 điểm
- Châu Tinh Trì


03. Đội bóng Thiếu Lâm (Shaolin Soccer - 2001, Châu Tinh Trì) - 500 điểm
- Châu Tinh Trì, Ngô Mạnh Đạt, Triệu Vy


02. Tâm trạng khi yêu (In the Mood for Love - 2000, Vương Gia Vệ) - 512 điểm
- Lương Triều Vỹ, Trương Mạn Ngọc


01. Vô gian đạo (Infernal Affairs - 2002, Lưu Vỹ Cường, Mạch Triệu Huy) - 879 điểm
- Lương Triều Vỹ, Lưu Đức Hoa, Hoàng Thu Sinh, Tăng Chí Vỹ, Trịnh Tú Văn, Trần Tuệ Lâm

Dễ thấy là Vô gian đạo có số phiếu vượt trội so với các bộ phim còn lại (hơn hai bộ phim đứng kế tiếp tới hơn 300 điểm - số điểm còn nhiều hơn bộ phim đứng thứ 4). Vô gian đạo cùng Tâm trạng khi yêuĐội bóng Thiếu Lâm tạo thành Top 3 với khoảng cách khá xa so với các phim khác. Tuy phim cao nhất chỉ xếp thứ 5 (Phóng, trục) nhưng Đỗ Kỳ Phong thực sự là đạo diễn "thống trị" của cuộc bầu chọn này với 12/50 phim, 3/10 phim Top Ten. Đạo diễn "hiệu quả" nhất chắc chắn là Châu Tinh Trì, trong cả thập niên Châu chỉ cho ra đời 3 phim thì hai trong số đó xếp thứ 3 và thứ 4 (phim còn lại là CJ7 - một thất vọng của giới hâm mộ) và cũng là 2 phim hài duy nhất có mặt trong Top Ten. Vương Gia Vệ là một đạo diễn "hiệu quả" khác khi cả thập niên ông chỉ cho ra đời 2 phim (thực ra là với cách làm phim của Vương thì 2 đã là "nhiều") ở Hồng Kông (My Blueberry Nights và phim ngắn The Hand đều làm ở Hollywood) thì 2 phim đã "khóa đầu khóa đuôi" top 20. Cũng có nhiều phim trong danh sách có thể kể tới Nhĩ Đông Thăng (3 phim, trong số 6 phim đạo diễn cho ra đời trong thập niên này) hay Diệp Vỹ Tín (4 phim, 3 trong số đó do Chân Tử Đan đóng chính). Đạo diễn "mâu thuẫn" nhất rõ ràng là Lưu Vỹ Cường - tác giả của Vô gian đạo 1 & 2 vì Lưu cũng "lại" là đạo diễn của nhiều phim rất tệ trong thập niên này như The Wesley's Mysterious File - bộ phim bị IMDb chấm (khá chính xác) 3.7/10. Thực ra đây cũng là mâu thuẫn chung của điện ảnh Hồng Kông vì nhiều đạo diễn làm phim rất không đều tay, phim cực hay xen lẫn phim cực dở, mà thực tế thì Vô gian đạo cũng mang rất nhiều yếu tố "thị trường" với mục đích duy nhất là câu kéo khán giả tới rạp, may mắn cho người xem là các yếu tố "thị trường" trong phim được trau chuốt cực kì cẩn thận đã tổng hòa để tạo nên một tác phẩm xuất sắc cả về mặt giải trí và mặt nghệ thuật.

Sự thăng trầm của hai thể loại thế mạnh "truyền thống" của điện ảnh Hồng Kông là phim võ thuật (kungfu) và phim xã hội đen (hình sự) cũng thể hiện rõ trong bảng xếp hạng khi Top Ten có tới 5 phim trong Top Ten trong khi phim võ thuật chỉ có 3 tính cả 2 phim hài của Châu Tinh Trì và Anh hùng do một đạo diễn người Đại lục (Trương Nghệ Mưu) thực hiện. Sức mạnh của "hệ thống ngôi sao" tại Hồng Kông cũng bị đặt dấu hỏi khi không một gương mặt nào thực sự nổi trội, cùng lắm chỉ có thể kể đến Lương Triều Vỹ (3 phim trong Top Ten), Châu Tinh Trì (2/10, đây là trường hợp ngoại lệ vì Châu đóng rất ít), Lưu Đức Hoa (2/10), nữ có Trương Mạn Ngọc (2/10 - dù cô đã gần như "bỏ rơi" nền điện ảnh quê nhà) và Trương Bá Chi (2/10 - đáng tiếc cho một ngôi sao vụt sáng rồi chợt tắt, một "Winona Rider của Hồng Kông" với rất nhiều tài năng nhưng cũng lại vô số tai tiếng). Hồng Kông tỏ ra thực sự "khủng hoảng thiếu" các ngôi sao nữ trong thập niên này khi mà ngoài hai "nữ hoàng doanh thu" Trịnh Tú Văn và Dương Thiên Hoa (vốn đều chỉ quen đóng phim hài) thì không còn một gương mặt nữ nào có thể sánh được về vẻ đẹp, danh tiếng và tài năng với những Trương Mạn Ngọc, Lâm Thanh Hà, Mai Diễm Phương hay Viên Vịnh Nghi của thập niên trước. Và ngay cả về phía nam thì điện ảnh Hồng Kông cũng chẳng có phát hiện nào mới, những Ngô Ngạn Tổ hay Dư Văn Lạc chỉ "lóe" lên trong một vài phim rồi lại chìm nghỉm, nhìn đi nhìn lại người ta vẫn chỉ thấy Lưu Đức Hoa, Lưu Thanh Vân, Nhậm Đạt Hoa hay Hoàng Thu Sinh, vốn đều đã tạo dựng được danh tiếng từ thập niên 1990.

Đây có lẽ là thập niên cuối cùng điện ảnh Hồng Kông tạo dựng được tiếng nói riêng vì điện ảnh Trung Quốc Đại lục đang ngày càng xâm nhập vào sâu hơn ở xứ Cảng thơm và có lẽ chỉ trong vài năm nữa cái ranh giới phim Trung Quốc - phim Hồng Kông sẽ bị xóa nhòa hoàn toàn.

===
Còn đây là Top Ten của tôi:
01. Vô gian đạo (Infernal Affairs)
02. Đội bóng Thiếu Lâm (Shaolin Soccer)
03. 2046 (2046)
04. Phóng, trục (Exiled)
05. Tuyệt đỉnh công phu (Kung Fu Hustle)
06. Tâm trạng khi yêu (In the Mood for Love)
07. Sát Phá Lang (SPL)
08. Hắc xã hội (Election)
09. Thần thám (Mad Detective)
10. Toàn chức sát thủ (Fulltime Killer)