some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

jeudi 16 juillet 2009

Indochine (1992)


Indochine thuộc dòng phim sử thi pha lãng mạn, nội dung phim là những sự kiện xảy ra ở xứ thuộc địa Đông Dương thông qua con mắt của Éliane Devries, một phụ nữ mạnh mẽ, tự lập nhưng lại hết sức yêu quý cái xứ sở mà nhiều người Pháp chỉ coi như cái vựa cao su, vựa lúa và vựa than của họ. Phim này làm tôi liên tưởng đến Out of Africa, một phim cũng nói về những mối tình của kẻ đi cai trị ở xứ thuộc địa, trong bối cảnh thiên nhiên tuyệt vời và exotic của xứ thuộc địa. Theo tôi thì Out of Africa quay đẹp hơn và diễn xuất của dàn diễn viên chính (Meryl Streep, Robert Redford) cũng xuất sắc hơn, tuy nhiên Indochine lại chân thật hơn và ý nghĩa hơn rất nhiều. Người xem Việt Nam hẳn sẽ cảm động khi chứng kiến những cảnh đẹp của xứ sở họ qua ống kính người Pháp, nhưng họ (trong đó có tôi) còn cảm động hơn khi chứng kiến trăn trở của những người Pháp, những người Việt thuộc đủ mọi tầng lớp trước sự hưng vong của một đất nước đang sống dở chết dở vì cảnh nửa thuộc địa. Tuy phần thoại tiếng Việt của phim không hoàn toàn tốt (một nhược điểm mà De battre mon coeur s'est arrêté sau này cũng mắc phải), dàn diễn viên phụ người Việt của phim cũng diễn quá nghiệp dư (trừ Như Quỳnh trong vai cô Sao rất xuất sắc), nhưng Indochine vẫn cho thấy sự quan tâm thực sự và thấu hiểu một phần nào đó tới lịch sử và văn hóa Việt Nam của những nhà làm phim Pháp. Hầu như tất cả những cảnh đẹp của Việt Nam đều hiện lên trong phim, từ Vịnh Hạ Long tới Tam Điệp (Vịnh Hạ Long trên cạn, cảnh đẹp này lên phim không thua gì cảnh Quảng Tây-Vân Nam trong The Painted Veil) rồi Đình Bảng, Huế, Phát Diệm, người Việt trong phim cũng hết sức đa dạng về bề ngoài và tính cách (một điều Out of Africa không làm được), từ những thanh niên Tây học mạnh mẽ đến những ông già răng đen cười đẹp như trong các tấm bưu thiếp Pháp đầu thế kỉ, sự đa dạng đó giúp đẩy vị trí của người Việt trong phim cao hơn và giúp người xem không "nhầm tưởng" rằng cái ở cái xứ thuộc địa này, người Pháp mới là chủ nhân thực sự. Trong số những người Việt ấy thì nổi lên hình ảnh của Camille do Phạm Linh Đan thủ vai, Linh Đan diễn rất tốt, tốt hơn nhiều so với vai diễn giúp cô giành giải César triển vọng sau này trong De battre mon coeur s'est arrêté). Tóm lại theo tôi Indochine xứng đáng với cái giải Oscar phim nước ngoài hay nhất của mình, bộ phim cũng là tác phẩm đáng xem cho bất cứ ai yêu nước Việt.

=====
Bản dài.


Là quốc gia sở hữu tới 12 tượng vàng Oscar dành cho phim nói tiếng nước ngoài hay nhất (chỉ kém Ý với 14 tượng vàng), nhưng lần chiến thắng gần đây nhất của Pháp tại hạng mục này của Giải Oscar đã cách đây gần một phần tư thập kỷ vào năm 1992. Tác phẩm đã đem lại vinh quang cho nước Pháp là Đông Dương (Indochine), bộ phim của đạo diễn Régis Wargnier.

Kéo dài từ thập niên 1930 khi mầm mống cách mạng bắt đầu sục sôi trong tâm trí mỗi người Việt bị áp bức và kết thúc vào năm 1954 khi người Pháp thực dân cuối cùng phải rời khỏi Việt Nam, Đông Dương là câu chuyện về đất nước, con người Việt Nam thông qua con mắt của bà chủ đồn điền cao su Éliane Devries (Catherine Deneuve). Bộ phim đề cập tới những sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử Việt Nam những năm cuối cùng dưới ách đô hộ, từ cuộc khởi nghĩa Yên Bái, sự lớn mạnh của phong trào Cộng sản, những mâu thuẫn giữa chính những người Pháp về việc nên cố níu kéo quyền lợi thực dân thông qua súng ống và ngục tù Côn Đảo hay dần trao cho người Việt quyền tự chủ, và kết thúc là Hiệp định Genève đặt dấu chấm hết cho sự hiện diện của người Pháp ở Việt Nam.

Cái tên lớn nhất của Đông Dương là Catherine Deneuve, một trong những nữ diễn viên nổi tiếng nhất của điện ảnh Pháp. Việc bà được đạo diễn Wargnier chọn vào vai Éliane Devries cũng đủ để cho thấy tầm quan trọng của vai diễn này đối với ý nghĩa chung của bộ phim. Xuất thân từ một gia đình điển hình cho chủ nghĩa thực dân – chủ đồn điền cao su, nhưng Éliane lại hết sức yêu quý cái xứ sở mà nhiều người Pháp chỉ coi như cái vựa cao su, vựa lúa và vựa than của họ. Sự mạnh mẽ, tự lập và tình yêu vô bờ bến với những con người bị coi là đẳng cấp dưới của Éliane có lẽ sẽ khiến nhiều người yêu phim liên tưởng tới vai diễn nổi tiếng của Meryl Streep – Nữ nam tước Karen von Blixen trong bộ phim giành giải Oscar phim hay nhất năm 1985 Out of Africa. Được đánh giá là một trong những bộ phim sử thi xuất sắc hiếm hoi về lục địa già Châu Phi, Out of Africa cũng nói về những mối tình của kẻ đi cai trị ở xứ thuộc địa trong bối cảnh thiên nhiên châu Phi tuyệt vời với những trảng cỏ savanna mênh mông. Nhưng nếu như Out of Africa chủ yếu tập trung mô tả cuộc đời của chính Karen von Blixen, thì Đông Dương lại chân thật hơn và ý nghĩa hơn rất nhiều khi đạo diễn Régis Wargnier không dừng lại ở việc khắc hoạ những tâm tư, suy nghĩ của Éliane hay những người Pháp thực dân như bà mà còn dành một thời lượng đáng kể để mô tả những chủ nhân thực sự của xứ thuộc địa – những người Việt. Người xem có thể cảm nhận được sự cân bằng của phim qua nhân vật Camille do Phạm Linh Đan thủ vai. Đôi mắt sáng, tinh thần kiên cường và giọng nói rắn rỏi của Camille cho thấy rằng chính những người bản địa bé nhỏ như cô, chứ không phải những người khách “vãng lai” như Éliane, mới là người có quyền quyết định số phận của mảnh đất đẹp đẽ nhưng nhiều đau thương này. Khởi nghiệp với Đông Dương khi mới 18 tuổi, Phạm Linh Đan chứng tỏ cô không hề lép vế nếu khi so với ngôi sao gạo cội Catherine Deneuve.

Với riêng khán giả Việt Nam, chắc chắn nhiều người sẽ thấy cảm động khi qua Đông Dương họ được chứng kiến trăn trở của những người Pháp, những người Việt thuộc đủ mọi tầng lớp trước sự hưng vong của một đất nước đang sống dở chết dở vì cảnh nửa thuộc địa. Cái nhìn công bằng và cách quan tâm, đầu tư thực sự cho Đông Dương thể hiện qua cả phần nội dung và bối cảnh đã cho thấy sự thấu hiểu và trân trọng lịch sử và văn hóa Việt Nam của những nhà làm phim Pháp. Một điểm đáng tiếc của Đông Dương đó là dàn diễn viên phụ người Việt chưa thực sự chứng tỏ được mình ngoại trừ một Như Quỳnh hết sức xuất sắc trong vai cô Sao. Điểm yếu này của Đông Dương phần nào đó xuất phát từ những đoạn thoại tiếng Việt tương đối gượng và thiếu chất điện ảnh nếu so sánh với những đoạn thoại tiếng Pháp. Đây là một nhược điểm của rất nhiều phim Pháp có nhân vật người Việt, kể cả những phim xuất sắc từng giành nhiều giải thưởng lớn như De battre mon coeur s'est arrêté.

Không chỉ xuất sắc về phần nội dung, Đông Dương còn là một tuyệt phẩm về mặt hình ảnh đất nước và con người Việt Nam. Người xem Việt chắc chắn sẽ cảm động khi chứng kiến những cảnh đẹp của xứ sở họ qua ống kính người Pháp, nhưng với những người nước ngoài chưa một lần đặt chân tới Việt Nam, hẳn hiếm có lời mời gọi nào tốt hơn Đông Dương. Hầu như tất cả những cảnh đẹp của Việt Nam đều hiện lên trong phim, từ Vịnh Hạ Long tới Tam Điệp, rồi Đình Bảng, Huế, Phát Diệm, người Việt trong phim cũng hết sức đa dạng về bề ngoài và tính cách, từ những thanh niên Tây học mạnh mẽ đến những ông già răng đen cười đẹp như trong các tấm bưu thiếp Pháp đầu thế kỉ, sự đa dạng đó đã giúp đạo diễn Wargnier đẩy vị trí của người Việt trong phim cao hơn và giúp người xem không "nhầm tưởng" rằng ở cái xứ thuộc địa này, người Pháp mới là chủ nhân thực sự. Được thực hiện bởi những tấm lòng yêu nước Việt, Đông Dương hoàn toàn xứng đáng với giải thưởng Oscar cho phim nước ngoài. Bộ phim thực sự là một tác phẩm đáng xem, đáng trân trọng cho bất cứ ai đã yêu, hoặc muốn yêu nước Việt. 

 

=====

Bản đã biên tập trên Zing.

mercredi 15 juillet 2009

Adventureland (2009)


Sau khi xem xong phim tôi thấy khá ngạc nhiên với điểm số của phim này trên IMDb (7.8) và khen ngợi của báo chí. Theo tôi thì Adventureland không có gì đột phá về mặt kịch bản ở thể loại phim coming-of-age (hướng tới đối tượng khán giả từ 18-21), quanh đi quẩn lại cũng chỉ là những trăn trở về việc lựa chọn con đường đi cho tương lai, lựa chọn người yêu, lựa chọn bạn bè. Phim có "ngôi sao" đang nổi của giới teen là Kristen Stewart, cô diễn không tồi nhưng cũng không quá xuất sắc trong vai một cô gái nhà giàu-gặp rắc rối về chuyện gia đình-bề ngoài cá tính nhưng tâm hồn mong manh (typical role for coming-of-age movie). Theo tôi thì phim này thua xa một phim khác ở đề tài tương tự và lấy bối cảnh cũng vào những năm 1980 là Say Anything... - một phim tuyệt vời về tuổi mới lớn với diễn xuất đáng nhớ của John Cusack. Mà lúc đầu ngắm Stewart thấy cô này rất xinh, nét xinh theo kiểu nữ tính hợp với gu của tôi, nhưng càng nhìn càng thấy cô này thuộc type mặt mỏng và thiếu cá tính, không hiểu sau 3 tập Twilight cô có vượt lên thành sao "thật" được không.

The Hurt Locker (2009)


Phim này mới đầu tôi nghe "phong thanh" là hay, độc đáo nhưng đến khi xem review trên Time thì thấy hơi thất vọng vì nghĩ The Hurt Locker sẽ lại đi theo lối mòn "người tốt, việc tốt" của Mỹ với "chính nghĩa" luôn về phe ta (Mỹ). Nhưng hóa ra là tôi nhầm (và thêm một lần nữa thất vọng với tờ tạp chí "số một" của nước Mỹ), The Hurt Locker xứng đáng với những lời khen ngợi của báo chí và điểm số của nó ở các trang điện ảnh. Cốt truyện (plot) của phim thực ra hơi yếu và mang tính phim truyền hình nhiều hơn khi chỉ xoay quang cuộc sống và chiến đấu của một đội phá bom/mìn thuộc lực lượng chiến đóng Mỹ ở Iraq. Iraq=Sa mạc, đánh bom tự sát, đạo Hồi, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, cái này ai cũng biết, nhưng The Hurt Locker vẫn làm người xem hồi hộp, căng thẳng với những cảnh phá bom mìn, đọ súng, bắn tỉa được quay rất thật với dàn diễn viên hoàn toàn không nổi tiếng nhưng đã cực kì thành công trong việc lột tả hình ảnh thật của lính Mỹ trong chiến tranh xâm lược nước khác - có người "say máu" với các trận chiến ("War is drug" - tagline của phim), có người ngày càng mất niềm tin vào ý nghĩa của nhiệm vụ, có người suy sụp tới mức tưởng tượng ra cái chết từng ngày, nhưng không ai trong số họ là anh hùng, là "đại diện cho lẽ phải" như trong nhiều bộ phim Mỹ khác về chiến tranh. Tôi đặc biệt ấn tượng với cách đạo diễn (nữ!) Kathryn Bigelow xây dựng nhân vật chính-chuyên gia phá bom mìn William James (do một diễn viên thuộc hàng vô danh là Jeremy Renner đóng, anh này không hiểu sao tôi thấy giống hệt Michael J. Fox-ngôi sao của Back to the Future nay mắc chứng Parkinson). James vừa là một chiến binh kinh nghiệm nhưng vẫn liều mạng trên chiến trường, vừa là một kẻ say máu với bom đạn nhưng vẫn tôn trọng vợ, yêu quý con và cả đứa trẻ Iraq sống gần doanh trại (dù anh ta cũng như mọi lính Mỹ khác chẳng thể phân biệt nổi gương mặt của những người Iraq). Không phải dạng nhân vật phản anh hùng nhưng với cả ưu và nhược điểm, James hiện ra rất "thật" và khiến cho người xem tin tưởng hơn vào những cảnh chiến đấu có anh ta tham gia.

The Hurt Locker có một điểm đặc biệt là dàn diễn viên chính toàn người vô danh trong khi dàn diễn viên phụ lại lác đác "sao"- Guy Pierce, Ralph Fiennes, David Morse. Đây cũng là yếu tố khiến phim trở nên khó đoán bên cạnh cốt truyện hơi "lỏng". Phim có vài câu thoại hơi "phô" và thiếu phần "đạo lý" thường thấy ở các tác phẩm của Hollywood tuy nhiên điều đó lại giúp The Hurt Locker không bị "giả" và thực sự trở thành một phim hành động xuất sắc. Hy vọng việc Mỹ rút khỏi Iraq sẽ giúp các nhà làm phim Hollywood có độ lùi cần thiết để cho ra đời những phim chiến tranh tốt như The Hurt Locker.

lundi 13 juillet 2009

In The Loop (2009)


Năm ngoái Mỹ có hai phim chính trị kinh phí lớn là W của Oliver Stone và Frost/Nixon của Ron Howard, cả hai đều tập trung khai thác chính trị theo xu hướng người thật-việc thật và "có vẻ" xoáy sâu vào những tranh cãi chính trị theo hướng "bi kịch hóa" nhưng thực chất chỉ là "gãi" ở lớp ngoài và chẳng giúp người xem hiểu thêm nhiều về nền chính trị đa dạng và phức tạp của Mỹ. Trong hai phim thì W xem nhạt và làm mình hơi thất vọng về Stone trong khi Frost/Nixon hay và kịch tích hơn hẳn, lý do khá đơn giản vì Frost/Nixon xuất phát từ một vở kịch cùng tên của Anh-quốc gia số 1 về phim chính trị.

Năm nay Anh cho ra đời một phim chính trị mới, một phim rất xuất sắc, đó là In The Loop. Đây là một phim chính trị "giả tưởng" xoay quanh kế hoạch tấn công Trung Đông của Mỹ với đủ mọi hoạt động lobby (vận động hành lang) rồi mưu mô, tính toán của các chính trị gia dưới góc nhìn hài hước kiểu Anh. Không cần đến cốt truyện gay cấn, kịch tính, phim vẫn cuốn hút người xem vì những chi tiết hài hước thâm thúy châm biếm nền chính trị Anh-Mỹ thông qua các nhà chính trị "giả tưởng", thoại của phim rất hài, hài "thâm" đúng kiểu Anh:

Toby Wright: We called some builders. They didn't turn up when they said they would.

Jamie MacDonald (thư ký báo chí của chính phủ Anh): What did you expect?

They're builders!

Have you ever seen a film where the hero is a builder?

No, no, because they never fucking turn up in the nick of time.

Bat-builder? Spider-builder? Huh?

That's why you never see a superhero with a hod.

In The Loop có vô số những đoạn thoại hài như trên, chưa kể những bài chửi như hát hay của các ông nghị Anh-Mỹ. Tuy nhiên hài không có nghĩa là nhảm, khán giả khi xem In The Loop vẫn cảm nhận được mùi thuốc súng của chiến tranh lẩn quất đâu đây qua hình ảnh ông Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ cư xử tỉnh bơ, lịch sự nhưng cực kì lạnh lùng, quyết đoán. In The Loop quả là đại diện tiêu biểu mới cho cả hai dòng phim chính trị và hài hước của Anh.

vendredi 10 juillet 2009

17 Again (2009)


"17 Again" thuộc dòng phim "nhỏ thành lớn", "lớn thành nhỏ" của Mỹ mà đại diện nổi bật là "Big" (1988) có anh Tom Hank xinh giai đang từ 13 tuổi lớn thành 30 tuổi và đem lòng yêu "cô đồng nghiệp" do Elizabeth Perkins đóng. "Big". Kể từ sau thành công của "Big" thì Hollywood cho ra đời một số phim tương tự thế này như "Freaky Friday" (2003) có Lindsay Lohan và Jamie Lee Curtis hay "13 Going on 30" có Jennifer Garner (thực ra thì ý tưởng "nhỏ thành lớn", "lớn thành nhỏ" đã được Hollywood chuyển thành phim từ lâu nhưng chủ yếu ở dạng phim truyền hình kinh phí thấp, độ phổ biến thấp). Dòng phim hài (luôn là hài) này có ưu điểm là kịch bản đơn giản-chỉ cần gây cười cho khán giả bằng các tình huống trái khoáy do việc "nhỏ lớn"-"lớn nhỏ" là đủ, kinh phí thấp-không cần kĩ xảo phức tạp hoặc sao lớn, dễ thu hồi vốn-phim kiểu gia đình và tung ra đúng dịp thì luôn có khả năng đạt doanh thu từ vừa phải đến cao, trừ phim có kịch bản quá tồi. Tất cả những phim vừa đề cập ở trên đều là phim thành công về doanh thu ("Big"18/114, "Freaky Friday" 20/160, "13 Going on 30" 37/96 - tiền đầu tư/doanh thu) nhưng về chất lượng nghệ thuật thì vẫn chưa phim nào vượt qua được "Big" với diễn xuất quá tuyệt vời của Tom Hanks cùng anh bạn nhỏ tuổi, Hanks thực sự tỏ ra là một "đứa trẻ" trong cái lốt người lớn trong mọi thời điểm-khi nhảy trên phím đàn piano hay khi bày tỏ tình cảm với Perkins.

Quay lại với "17 Again", phim nói về một "hot boy" ("hot"=đẹp trai, chơi thể thao giỏi, cool, có người yêu xinh) bỏ qua mọi cơ hội về một tương lai rộng mở để chăm sóc người yêu vì cô nhỡ có thai. 20 năm sau "hot boy" chỉ còn là một "loser" bị vợ bỏ, con cái xa lánh, công việc thất bại. "Loser" chỉ có một ước muốn duy nhất là được trở lại tuổi 17 để chọn lại con đường đi cho cuộc đời. Và "loser" được toại nguyện-trở lại thành "hot boy" với vô số ánh mắt ngưỡng mộ của các em gái đáng tuổi con gái anh (và thậm chí cả con gái anh!). Nhưng trong cái thân xác "hot boy", "loser" cũng chợt nhận ra rằng mình đã tự tay phá bỏ hạnh phúc gia đình và hạnh phúc bản thân thế nào, nhận ra rằng mình vẫn còn yêu vợ, vẫn còn quan tâm tới con cái tới mức nào. Liệu "loser" sẽ tiếp tục con đường mới với tương lai rộng mở hay tìm cách quay trở lại con đường cũ với những người thân yêu?

Nội dung phim không có gì đột phá nhưng cũng đủ những tình huống hài (không thô thiển) để gây cười cho khán giả. Hơi đáng tiếc là "chemistry" giữa Zac Efron và Matthew Perry không được tốt, Zac "hot boy" ở tuổi 17 và Perry "loser" ở tuổi 37 trở thành hai nhân vật, hai tính cách hoàn toàn khác nhau. Thần tượng Chandler Bing (aka Ms. Chanandaler Bong =)) ) cũng có quá ít đất diễn vì dường như đạo diễn chỉ tập trung khai thác sự hâm mộ của khán giả trẻ với Zac Efron, đây cũng là điều đáng tiếc vì Perry từng diễn rất tốt vai Chandler Bing (một "loser" thực sự) hẳn cũng sẽ diễn không tồi trong phim này. Dù sao "17 Again" vẫn là một phim giải trí dễ xem và đáng xem từ đầu đến cuối, vì phần credit cuối phim có toàn ảnh "prom" của thành viên đoàn làm phim, khán giả hẳn sẽ bất ngờ khi thấy gương mặt đẹp trai thời trẻ của Matthew Perry. À phim do New Line Cinema sản xuất nên nhắc khá nhiều tới "Lord of the Rings" qua những chi tiết hài.

mardi 7 juillet 2009

Jeux d'enfants (2003)


"Jeux d'enfants" trong tiếng Pháp nghĩa là "Trò chơi con trẻ", phim được dịch ra tiếng Anh khá hay, catchy mà vẫn giữ được phần nào nghĩa gốc, "Love me if you dare". "Jeux d'enfants" là phim đầu tay của Yann Samuell, đạo diễn năm vừa rồi có một phim rất ... dở là "My Sassy Girl" hay "Cô nàng ngổ ngáo" phiên bản làm lại của Hollywood. Nhưng "My Sassy Girl" dở bao nhiêu thì "Jeux d'enfants" lại hay bấy nhiêu. Cũng có đề tài tình yêu sâu sắc và quái chiêu của hai cá tính nổi loạn như "My Sassy Girl", "Jeux d'enfants" kể về tình bạn-tình yêu giữa Julien (Guillaume Carnet) và Sophie (Marion Cotillard) từ lúc họ còn là hai đứa trẻ tới khi họ từ giã cuộc đời. Chính vì quá thân thiết và gần gũi ngay từ khi còn nhỏ, Julien và Sophie ở tuổi trưởng thành đã không thể nào bộc lộ nổi tình yêu tha thiết của họ dành cho nhau, với họ mọi câu nói yêu đương, mọi lời bộc lộ tình cảm đều chỉ là những trò chơi con trẻ. Cứ như thế người xem phải chứng kiến trò chơi đuổi bắt giữa hai người qua một năm rồi qua mười năm để tìm đến với nhau, trong vô vọng. Tuy nhiên cũng như bài hát "La vie en rose" ("Cuộc sống tươi đẹp") vang lên từ đầu tới cuối phim, "Jeux d'enfants" hoàn toàn không hề mang màu sắc u ám, phim tràn đầy những khoảnh khắc tươi vui của tình cảm trong sáng của Sophie và Julien dành cho nhau ngay cả khi họ đã trưởng thành và phải đối mặt với thực tế khắc nghiệt của cuộc sống. Ban đầu khi đọc tiêu đề của phim tôi liên tưởng tới một bài hát buồn của Pháp là "Bang Bang" nhưng sau khi xem xong phim tôi thấy "Jeux d'enfants" có "tông" gần với "Le fabuleux destin d'Amélie Poulain" hơn, cả hai bộ phim đều sử dụng gam màu ấm, cùng có những cảnh tưởng tượng kiểu trẻ con và nhất là đều mô tả tình yêu rất đẹp và xúc động. Một điểm giống nữa của "Jeux d'enfants" và "Amélie" đó là cặp diễn viên chính, cả Marion Cotillard và Audrey Tautou đều là những ngôi sao sáng của điện ảnh Pháp kể từ cuối thập niên 90, cả Guillaume Carnet và Mathieu Kassovitz đều là những diễn viên trẻ triển vọng rồi trở thành đạo diễn tài năng mới của Pháp (Carnet giành César Đạo diễn xuất sắc nhất năm 33 tuổi với "Ne le dis à personne" còn Kassovitz giành giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại Cannes năm 28 tuổi với "La Haine"). Và đương nhiên, những ai đã từng thích "Amélie" chắc chắn sẽ hài lòng với "Jeux d'enfants".

jeudi 2 juillet 2009

Transformers: Revenge of the Fallen (2009)


Phim này nội dung ngang tầm ... "Push", thêm một nỗi thất vọng nữa của mùa phim 2009.

mercredi 1 juillet 2009

The Boat That Rocked (2009)


Wonderful movie! Phim nói về một đài phát thanh lậu ("pirate radio") ở Anh vào cuối thập niên 1960 có tên "Radio Rock". Trong khi kênh truyền thanh chính thức và buồn tẻ của Anh là BBC ngày ngày chỉ cho phát 40 phút nhạc Pop thì Radio Rock lại mang đến cho người Anh những ca khúc cuồng nhiệt, nóng bỏng và giàu sức sống nhất của trào lưu rock đang bùng nổ ngày đó với những The Who, Jimi Hendrix hay Bob Dylan. Radio Rock được phát đi từ một con tàu cũ kĩ thả neo trên Biển Bắc, thành viên của "nhà đài" gồm toàn những con người phóng khoáng, yêu đời và tất nhiên, cực kì yêu âm nhạc. Đối đầu với họ là những quan chức chính phủ cũng tẻ ngắt như BBC và luôn tìm mọi cách để đóng cửa cho bằng được kênh phát thanh "vô đạo đức", niềm yêu thích của hàng triệu người dân Anh kia. Ai sẽ chiến thắng, quyền lực nhà nước hay quyền lực âm nhạc?

"The Boat That Rocked" được đạo diễn, biên kịch và sản xuất bởi Richard Curtis, cái tên gắn liền với những bộ phim hài tình cảm nổi tiếng đậm chất Anh như "Four Wedding and a Funeral" (biên kịch, sản xuất), "Notting Hill" (biên kịch, sản xuất), "Bridget Jones's Diary" (biên kịch) và "Love Actually" (đạo diễn, biên kịch). "The Boat That Rocked" có thể coi là một "Love (Music) Actually", vẫn với kịch bản nhẹ nhàng chứa nhiều tình tiết vui nhộn và cảm động cộng thêm phần nhạc phim rất hay và hợp với từng cảnh phim. Điểm khác duy nhất của "The Boat That Rocked" đó là tình yêu trong "Love Actually" được thay thế bằng tình yêu âm nhạc, bộ phim là câu chuyện về tình yêu âm nhạc và yêu đời nồng cháy của một thế hệ người Anh nổi loạn. Radio Rock có 8 DJ thay phiên nhau host chương trình từ sáng tới đêm khuya, họ là 8 cá tính hoàn toàn khác biệt, thậm chí là những cá tính xung đột, tuy vậy tình yêu âm nhạc đã gắn bó những con người này với nhau, khiến cho họ sẵn sàng sống chết cùng con tàu và đài phát thanh bất kể việc bị chính phủ đặt ra ngoài vòng pháp luật. "The Boat That Rocked" quy tụ được một dàn diễn viên hài tài năng của Anh cộng thêm một ngôi sao nổi tiếng của Hollywood là Philip Seymour Hoffman. Họ biến 2 tiếng của bộ phim chở thành thời gian thư giãn cực kì dễ chịu với những câu thoại, hành động hài hước đúng theo kiểu của Richard Curtis. Phần nhạc phim thì khỏi bàn, tràn ngập những ca khúc Pop Rock kinh điển của thập niên 1960 và đương nhiên được soạn rất phù hợp với cảm xúc của từng cảnh phim. Những ai đã từng yêu thích "Love Actually" chắc chắn sẽ yêu thích bộ phim này, "the film that rocked!".