some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

dimanche 30 août 2020

Detroit (2017)


Trong lịch sử Hoa Kỳ, chiến thắng của phe Liên bang miền Bắc trước Liên minh chủ nô miền Nam trong Nội chiến Mỹ 1861-1865 thường được coi là một mốc son đánh dấu sự tan vỡ của những gông cùm nô lệ đã đè nặng lên những người Mỹ gốc Phi kể từ những ngày lập quốc. Tuy nhiên, cả thế kỷ sau ngày Tư lệnh quân đội miền Nam Robert E. Lee bỏ vũ khí đầu hàng, những người da màu tự do của nước Mỹ vẫn phải chịu vô số những khổ đau đến từ nạn phân biệt chủng tộc vốn chưa hề biến mất sau cuộc Nội chiến mà chỉ biến tướng thành những hình thức tinh vi hơn, tàn nhẫn hơn để siết chặt lấy cộng đồng người Mỹ gốc Phi từ thế hệ này sang thế hệ khác. Họ có thể là những người lính bán mạng ngoài chiến trường vì sứ mệnh “tự do” của nước Mỹ. Họ cũng có thể là những người thợ ngày ngày cần mẫn vặn từng con ốc, lắp từng khung cửa trong các phân xưởng lắp ráp của thủ phủ ô tô Detroit. Thậm chí họ cũng đã có chút danh tiếng nhờ giọng ca, ngón đàn vốn được các hãng ghi âm toàn-da-màu như Motown đưa đến mọi hang cùng ngõ hẻm của nước Mỹ. Nhưng phần lớn trong số họ vẫn phải sống trong các khu ổ chuột-chỉ-dành-cho-người-da-đen thiếu tiện nghi, thiếu an ninh, thiếu học hành vốn xuất hiện đầy rẫy ở các thành phố công nghiệp như Detroit trong bối cảnh người da trắng đã lùi ra các vùng ngoại vi giàu có để không phải sống cạnh những “người hàng xóm” bị họ coi là những người hạ đẳng. Giấc mơ con đè nát cuộc đời con, người Mỹ gốc Phi những năm giữa thế kỷ 20 chẳng có mấy cơ hội vươn lên đổi đời khi ngày ngày họ phải lo chuyện cơm áo gạo tiền trong cảnh nghèo túng, và tồi tệ hơn thế lại luôn phải chịu sự đàn áp cả về mặt thể xác và tinh thần của đội ngũ cảnh sát vốn đa phần da trắng và luôn thích đem dùi cui, súng ống, bạo lực để “nói chuyện”. Con giun xéo lắm cũng quằn, những năm 60 của thế kỷ trước cộng đồng người da màu Hoa Kỳ đã cất liên tiếng nói phản kháng mạnh mẽ với những cuộc tuần hành, biểu tình rầm rộ đòi quyền-được-làm-người diễn ra trên khắp nước Mỹ do các lãnh đạo tinh thần của người Mỹ gốc Phi như Mục sư Tin lành Martin Luther King hay tu sĩ Hồi giáo Malcolm X. Ngọn lửa căm hờn của người Mỹ gốc Phi cũng dẫn đến 159 cuộc bạo loạn ở các thành phố lớn trên khắp Hoa Kỳ chỉ trong năm 1967, trong đó đẫm máu nhất là cuộc bạo loạn nổ ra ở Detroit tháng 7 năm 1967 khi 43 người đã thiệt mạng, gần 1200 người bị thương, trên 7000 người bị bắt, và hơn 2000 toà nhà bị phá huỷ sau những cuộc đối đầu giữa người biểu tình da màu và lực lượng cảnh sát và thậm chí là vệ binh quốc gia và lính dù chính quy của quân đội Hoa Kỳ.

Cuộc bạo loạn ở Detroit năm 1967 và những bức bối, bất công của xã hội nước Mỹ chính là bối cảnh cho Detroit – tác phẩm được nữ đạo diễn từng giành giải Oscar Kathryn Bigelow thực hiện nhân dịp kỉ niệm 50 năm ngày diễn ra sự kiện đau buồn này. Bộ phim tái hiện lại một góc nhỏ - nhưng hết sức đẫm máu của cuộc bạo loạn năm 1967, đó là những sự kiện xảy ra ở Khách sạn Algiers trong đêm ngày 25 tháng 7 năm 1967 với sự dính líu của một số viên cảnh sát tai tiếng của thành phố Detroit, cũng như là nguồn gốc của nỗi đau chưa bao giờ dứt của rất nhiều người không may có mặt tại Algiers ngày hôm đó. Trong số những nhân chứng của sự kiện đau buồn ấy có Melvin Dismukes (John Boyega), một anh thợ đá da màu kiêm nghề nhân viên an ninh luôn tự tin vào khả năng thương thuyết, “hạ nhiệt” những ông chủ da trắng. Không đến nỗi phải ngày ngày lo nghĩ về miếng ăn và sự an toàn cho bản thân như Dismukes, Larry Reed (Algee Smith) lại được trời phú cho giọng hát trầm ấm của một nghệ sĩ da màu đích thực và chỉ còn cách hợp đồng thu âm với hãng Motown lừng danh có một bài hát với nhóm The Dramatics của anh và người bạn, người trợ lý Fred Temple (Jacob Latimore). Cứng tuổi hơn một chút so với Dismukes, Reed, hay Temple là Karl Greene (Anthony Mackie), một cựu binh trở về từ chiến trường Việt Nam đang phải lưu lại Algiers với hy vọng kiếm được việc làm ở thành phố công nghiệp hàng đầu của nước Mỹ này. Trái ngược với sự già dặn của Greene là nhóm bạn Carl Cooper (Jason Mitchell), Aubrey Pollard (Nathan Davis Jr), Michael Clark (Malcolm David Kelley) và Lee Forsythe (Peyton Alex Smith) và cả hai cô gái da trắng hiếm hoi giữa vô vàn khuôn mặt da màu ở Algiers là Julie Ann Hysell (Hannah Murray) và Karen Malloy (Kaitlyn Dever) – những người trẻ, rất trẻ vốn chỉ muốn tạm thoát khỏi khói lửa, bạo lực của bạo động và đàn áp bằng những điếu thuốc, những điệu nhạc jazz, hay những trò đùa vô thưởng vô phạt trong căn phòng áp mái của khách sạn Algier. Bất chấp việc cả thành phố Detroit đang chìm trong khói lửa, cướp bóc và vô số bạo lực, chẳng ai trong số những người có mặt ở Algiers buổi tối ngày hôm đó có thể ngờ rằng chỉ xuất phát từ một trò đùa như vậy của Carl mà họ sẽ phải chịu đựng một đêm dài trong hoả ngục của khủng bố và bạo lực đến từ những tay cảnh sát da trắng như Philip Krauss (Will Poulter), Ronald August (Jack Reynor), và Robert Paille (Ben O'Toole) – những kẻ mang danh bảo vệ công lý và sự bình an của người dân Detroit nhưng thực tế lại luôn tìm kiếm mọi cơ hội để trút cơn giận dữ, trút sự thèm khát được “trả hận” cho những “người da trắng” bằng đòn roi, thậm chí là sự chết chóc lên đầu những người da đen vô tội.

 

Detroit là một tác phẩm không hề dễ thực hiện bởi bộ phim động chạm tới một giai đoạn hết sức biến động của lịch sử nước Mỹ trong thập niên 1960, lại nói về một câu truyện, một sự kiện thực ra chưa từng có được một câu trả lời hoàn toàn xác đáng đến từ công lý, hay đến từ những người tham gia sự kiện đó. Lời giải thích nào mới là sự thật cho những bi kịch xảy ra trong đêm ngày 25 tháng 7 năm 1967 tại khách sạn Algiers? Ai là người phải chịu trách nhiệm cho bi kịch ấy? Tại sao bi kịch lại xảy ra với Reed, với Greene, với Fred, với Carl, với cả những người da đen khác ở Algiers, ở Detroit, ở trên khắp nước Mỹ? Để giải quyết bài toán phức tạp với rất nhiều câu hỏi, nhiều biến số ấy, nữ đạo diễn Kathryn Bigelow và nhà biên kịch của bà Mark Boal đã sử dụng một kịch bản hết sức linh hoạt, sử dụng một phần dẫn truyện mang tính chuyện kể lịch sử và mở đầu với rất nhiều đại cảnh, kèm theo những cảnh quay, những bức ảnh ghi lại cuộc bạo động năm 1967 để biến Detroit phần nào đó trở thành một bộ phim bán-tài-liệu ghi lại không khí thực sự của thành phố ô tô của nước Mỹ. Nhưng ngay sau phần mở đầu mang tính tạo dựng tiền đề, tạo dựng không khí và chuẩn bị tinh thần cho khán giả - kể cả những người chưa từng đọc, từng nghe về sự bất công truyền đời của số phận những người da màu sống trên đất Mỹ để họ có thể hiểu hơn những bối cảnh của đêm bi kịch tại Algier, Bigelow lập tức thu hẹp bối cảnh của Detroit nhưng đồng thời cũng tăng dần mức độ bạo liệt, nhịp độ căng thẳng của bộ phim để người xem có thể phần nào đó trải nghiệm cảm giác ở trong hoả ngục của những nạn nhân trong buổi tối định mệnh ấy. Cảm giác ngột thở với những thước phim đầy rẫy máu, đẫy rẫy bạo lực và luôn căng như dây đàn không phải là điều xa lạ đối với những khán giả từng yêu thích các bộ phim hành động, chiến tranh của nữ đạo diễn đã cận kề tuổi 70 Kathryn Bigelow như Point Break (1991), K-19: The Widowmaker (2002), Zero Dark Thirty (2012) và đặc biệt là bộ phim về những tay phá bom trong chiến tranh Iraq The Hurt Locker (2008) – tác phẩm giúp Bigelow trở thành nữ đạo diễn đầu tiên và cho đến nay vẫn là duy nhất giành được giải thưởng Oscar cho đạo diễn xuất sắc nhất. Nhưng Detroit không chỉ dừng lại ở việc mô tả sự lạnh lẽo, vô nhân tính của các hành động bạo lực, hay cảm giác nhỏ bé, mỏng manh của con người khi phải đứng trên ranh giới giữa sự sống và cái chết, bạo lực và kịch tính cao độ trong bộ phim chỉ là chất liệu, là cái cớ để Bigelow dần dần gợi mở cho khán giả lý do vì sao dù cả thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày Robert E. Lee phải đầu hàng trong Nội chiến Mỹ, dù người da màu đã dành được vô số thành tựu, đã đóng góp biết bao mồ hôi xương máu cho sự thịnh vượng của nước Mỹ, họ vẫn chỉ là những công dân hạng hai, những nạn nhân truyền đời, truyền kiếp cho nạn phân biệt chủng tộc của người Mỹ da trắng, của một nền công lý chưa bao giờ đứng về phía họ, của giới cảnh sát thừa quyền lực, thừa vũ khí nhưng thiếu tình người, thiếu sự thấu hiểu.

 

Thật khó có thể nói Detroit là một tác phẩm hoàn hảo. Phần diễn xuất trong phim không thực sự để lại nhiều ấn tượng dù bộ phim có sự xuất hiện của một số gương mặt tiềm năng như John Boyega – Finn của loạt phim Star Wars, Jason Mitchell - Eazy-E trong Straight Outta Compton (2015), hay Anthony Mackie – siêu anh hùng Falcon trong loạt phim siêu anh hùng của Marvel. Cách mô tả hình ảnh những người da đen luôn ở vào thế bị động, yếm thế xuyên suốt bộ phim cũng khiến Detroit vấp phải những chỉ trích về việc liệu nữ đạo diễn da trắng Bigelow có thực sự mô tả đúng những gì đã xảy ra ở Detroit năm 1967. Những điểm yếu này của Detroit, cùng chủ đề khá nặng nề và không thực sự được nhiều người biết đến của bộ phim đã khiến tác phẩm mới nhất này của Kathryn Bigelow chìm nghỉm sau khi công chiếu trước sự cạnh tranh của những tác phẩm siêu anh hùng, hay thậm chí là những bộ phim cũng nói về nạn phân biệt chủng tộc tại nước Mỹ nhưng khắc hoạ người da đen một cách chủ động, hào sảng như The Help (2011), Selma (2014), Straight Outta Compton hay gần đây nhất là bộ phim giành giải Oscar cho phim hay nhất Moonlight (2016). Có lẽ gần gũi hơn cả với Detroit là bộ phim về số phận bi thảm của những người nô lệ da đen trong buổi đầu lập nước của Hoa Kỳ 12 Years a Slave (2013) – một tác phẩm khác cũng từng được trao giải Oscar cho phim hay nhất. Nhưng khác với tác phẩm của đạo diễn da màu người Anh Steve McQueen vốn cực kì thành công cả ở phòng vé và tại các giải thưởng lớn, Detroit ra mắt công chiếu và chẳng để lại nhiều tiếng vang, bất chấp việc tác phẩm này ra đời trong không khí chính trị ngày một sục sôi của nước Mỹ ở vào thời điểm giao thời giữa chính quyền của tổng thống Barrack Obama – người da đen đầu tiên trở thành lãnh đạo nước Mỹ và Donald Trump – người bị báo chí, các nhà hoạt động cánh tả, và thậm chí là nhiều ngôi sao điện ảnh Hollywood cáo buộc là đã dung túng cho chủ nghĩa phân biệt chủng tộc trỗi dậy trở lại ở Hoa Kỳ. Đây quả thực là một điều hết sức đáng tiếc, bởi rất hiếm có một tác phẩm khắc hoạ một cách trực diện, rõ ràng, và chi tiết nguồn gốc, chân tướng, cũng như hậu quả của nạn phân biệt chủng tộc, đặc biệt là của giới cảnh sát Hoa Kỳ đối với người da màu sống ở xứ sở cờ hoa này. Có thể nói không ngoa rằng chỉ cần xem Detroit, khán giả sẽ có thể phần nào hiểu được tại sao những bi kịch như đêm kinh hoàng ở Algiers vẫn cứ lặp lại với người Mỹ gốc Phi một trăm năm, một trăm năm mươi năm và có lẽ còn nhiều năm sau nữa kể từ thời điểm kết thúc Nội chiến Hoa Kỳ.

 

Cuộc bạo động ở Detroit năm 1967 được coi là đỉnh điểm của Mùa hè nóng bỏng năm 1967 trong lịch sử nước Mỹ khi tổng thống Lyndon B. Johnson – người được coi là có những đóng góp đáng kể giải quyết tình trạng bất bình đẳng ở Hoa Kỳ nhờ chính sách “Great Society” - phải đối mặt với vô số cuộc biểu tình, bãi công, bạo động đòi bình quyền cho người da màu. Hơn nửa thế kỷ sau Mùa hè nóng bỏng ấy, những ngày đầu hè năm 2020 nước Mỹ lại chứng kiến vô số những cuộc biểu tình và cả bạo động đòi lại công bằng, đòi lại công lý cho những người da đen như George Floyd – những người đã phải bỏ mạng bởi nhiều lý do khác nhau dưới bàn tay của cảnh sát Mỹ. Nhiều người đã chỉ trích rằng chính những phát ngôn, và hành xử của tổng thống đương nhiệm Donald Trump đã tạo điều kiện để những bi kịch như cái chết của Floyd xảy ra ở nước Mỹ. Nhưng cũng có lập luận nói rằng kể cả dưới thời tổng thống da màu Obama, thì Hoa Kỳ cũng vẫn phải chứng kiến những bi kịch như thế - những bi kịch đã dẫn đến các cuộc bạo loạn ở Ferguson năm 2014, ở Baltimore năm 2015, hay cuộc thảm sát cảnh sát ở Dallas dưới họng súng bắn tỉa của Micah Xavier Johnson năm 2016. Trước đó nữa là cuộc bạo loạn khiến hàng chục người chết và khiến chính quyền phải cậy nhờ tới sự can thiệp của quân đội Mỹ tại Los Angeles năm 1992. Và xa hơn nữa là chính cuộc bạo động ở Detroit năm 1967 – một sự kiện mà quân đội Mỹ cũng phải góp mặt để ổn định tình hình. Vậy lý do là ở đâu? Vậy cảnh sát hay những người tham gia bạo loạn là người có lý? Đó là câu hỏi chưa ai có thể đưa ra một lời giải thích thực sự thoả đáng, nhưng là câu hỏi Kathryn Bigelow đã thực sự dũng cảm tìm cách trả lời thông qua đứa con nghệ thuật đầy bạo liệt Detroit bất chấp việc bà nhẽ ra có thể nghỉ hưu, hoặc lựa chọn những bộ phim siêu anh hùng nhẹ nhàng, nhiều màu sắc, giàu lạc quan hơn để đạo diễn. Đen tối, nhuốm màu bi kịch, chẳng ánh lên chất lạc quan hào sảng, Detroit có lẽ là một tác phẩm không hề dễ xem với những khán giả muốn tìm thấy cho mình sự giải trí, sảng khoái ở rạp chiếu phim. Nhưng với bất cứ ai muốn hiểu hơn về những ung nhọt của nạn phân biệt chủng tộc vẫn còn hiển hiện ở nước Mỹ, muốn cảm nhận được lý do tại sao các cuộc biểu tình đòi bình quyền đã và vẫn sẽ diễn ra dù cho ai là tổng thống của nước Mỹ, muốn tìm cho mình lời giải thích thoả đáng cho việc người da màu phải dùng tới bạo lực để nói lên tiếng nói phản kháng trong một xã hội vốn luôn đề cao chủ nghĩa dân chủ-phi-bạo-lực như của Hoa Kỳ, thì Detroit là tác phẩm xuất sắc để thưởng thức. Thật tiếc là Detroit đã không có được sự chú ý bộ phim này xứng đáng được hưởng khi ra mắt, nhưng hy vọng rằng với giá trị nhập thế, với sự nhức nhối về một tiếng nói lương tri cho số phận những người da đen trong lòng xã hội nước Mỹ, bộ phim của đạo diễn Kathryn Bigelow này sẽ còn được người xem nhớ tới, nhắc tới như một tác phẩm xuất sắc về nạn phân biệt chủng tộc ở Hoa Kỳ.


==============


Bài đã biên tập trên Zing.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire