Ôm mộng thành danh với nghiệp văn giữa thành phố New York
đông đúc chật chội, cô gái trẻ Billi (Awkwafina) vừa phải vật lộn với hoá đơn
tiền nhà quá hạn, với “thư từ chối” đến từ các quỹ học giả danh giá, vừa phải
đương đầu với khủng hoảng đầu đời của một cô gái người Mỹ gốc Hoa chưa thể xác
định được cho mình một đường đời vững chắc, và cũng chẳng thể trả lời nổi câu hỏi
rốt cuộc cô là ai – đứa con gái người Hoa yêu thương của cặp vợ chồng gốc Trường
Xuân là ông Hải Yến (Tzi Ma) và bà Kiện (Lâm Hiểu Kiệt), hay một nữ văn sĩ nổi
loạn người Mỹ với chất giọng đặc sệt New York?
Nếu không kể ông Hải Yến và bà Kiện, thì sợi dây duy nhất
còn níu Billi lại với nguồn cội Trung Hoa là “Nãi Nãi” – bà nội của cô bé (Triệu
Thục Trân). Không hiểu có phải vì xuất thân là một quân nhân, mà Nãi Nãi luôn
hào sảng, yêu đời, yêu quý con cháu dù phải trải qua không biết bao biến thiên
của lịch sử hiện đại Trung Quốc, chứng kiến sự ra đi của người chồng vì căn bệnh
ung thư, và việc hai đứa con trai Hải Tân (Tưởng Vĩnh Ba) và Hải Yến rời bỏ quê
hương từ rất sớm để tìm vận may nơi đất khách quê người. Bên mình chỉ có người
em gái cũng đã ở tuổi bạc đầu (Lô Hồng), nhưng tuổi già và sự cô đơn chưa bao
giờ ngăn cản được Nãi Nãi bày tỏ sự quan tâm và tình yêu vô bờ bến với đứa cháu
vẫn còn đang “ế chồng” ở phía bên kia bờ đại dương. Thế rồi Nãi Nãi được chẩn
đoán mắc ung thư giai đoạn cuối – nỗi khiếp sợ của bất cứ người dân Trung Quốc
nào bởi với họ, mắc ung thư nghĩa là đã được trao bản án tử không bệnh nhân nào
có thể trốn thoát, bởi không chết vì bệnh tật thì họ - những bệnh nhân ung thư
cũng sẽ chết vì tâm lý sợ hãi trước bóng ma của Thần Chết cận kề.
Dù đã thoát Trung từ rất sớm nhưng cả hai anh em Hải Tân và
Hải Yến vẫn mang theo họ tâm lý quen thuộc nói trên của người Hoa khi phải đối
đầu với tin dữ ập đến với người thân trong gia đình. Muốn Nãi Nãi không phải đối
đầu với nỗi sợ hãi của người mắc ung thư và sống vui nốt những ngày tháng cuối
đời bên con cháu, anh em Hải Tân và Hải Yến quyết định đẩy Hạo Hạo (Trần Hàm) –
cậu con trai nhút nhát của Hải Tân phải làm đám cưới ngay với cô bạn gái mới
quen Aiko (Aoi Mizuhara) ở Trường Xuân để gia đình nhà Hải Tân từ Nhật và Hải Yến
từ Mỹ có cớ quay trở về thăm Nãi Nãi mà vẫn không phải nói thật với bà về “án tử”
ung thư mà các bác sĩ đã tuyên với Nãi Nãi. Người duy nhất không được hai gia
đình Hải Tân, Hải Yến mong đợi trong đám cưới chạy tang của Hạo Hạo chính là
Billi, bởi mọi người sợ rằng với tính cách đã được “Mỹ hoá” hoàn toàn – thẳng
thắn, không che dấu cảm xúc, Billi không cố ý thì cũng sẽ vô tình tiết lộ tình
hình bệnh tình của Nãi Nãi cho chính bà nội, và phá hỏng “âm mưu” của cả đại
gia đình. Nhưng với tấm lòng trĩu nặng vì thương nhớ Nãi Nãi, và vì vô số những
thất bại cô vẫn đang phải đương đầu hàng ngày giữa thành phố New York xa lạ,
Billi vẫn quyết định quay trở về. Trở về để lao vào vòng tay âu yếm của bà nội,
trở về để tìm lại chính mình.
Biệt cáo tố tha (Đừng nói bà biết) hay The Farewell là
bộ phim điện ảnh thứ hai của nhà làm phim người Mỹ gốc Hoa Lulu Wang (Vương Tử
Dật) dựa trên chính những trải nghiệm của cô khi phải đối mặt với tin dữ về việc
người bà yêu quý của Wang mắc căn bệnh ung thư quái ác. Khởi đầu từ câu truyện What You Don't Know được Wang kể lại trên chương trình phát thanh This
American Life, The Farewell có thể coi là một tác phẩm nhỏ nhưng mang đậm chất
cá nhân của Wang bởi chỉ quay trong 24 ngày với kinh phí vỏn vẹn 3 triệu đô la,
nhưng Wang đã mang rất nhiều kỉ niệm và cảm xúc riêng của cô vào bộ phim, từ
thành phố công nghiệp Trường Xuân khô khan và lạnh lẽo, cho tới những bài “thể
dục” đơn giản nhưng hiệu quả mà Nãi Nãi của chính Wang đã dạy cô từ ngày còn
bé. Tuy có kinh phí thấp và phần bối cảnh không hề bắt mắt, nhưng phần nhìn của The Farewell lại là một trong những điểm ấn tượng nhất của bộ phim khi Lulu
Wang và nhà quay phim nữ Anna Franquesa Solano đã chọn được cho tác phẩm của họ
những góc quay hết sức xuất sắc vừa gợi lên được những góc cạnh cô đơn, mỏng
manh của những người Hoa xa xứ như ông Hải Tân, như bà Kiện sau bao năm ở trong
tình trạng tiến thoái lưỡng nan giữa nối nhớ nhà chưa bao giờ tắt và niềm khao
khát đổi đời cho mình và người thân nơi đất khách quê người xa lạ, lại vừa đem
đến cho khán giả một đất nước Trung Quốc hiện đại cũng ẩn chứa đầy mâu thuẫn giữa
một bên là những giá trị gia đình, những quan niệm truyền thống đã ăn sâu bám rễ
ngàn đời trong tâm khảm người Hoa với một bên là sự thịnh vượng giàu sang đang
dần phá huỷ những di sản muôn đời đó một cách hết sức lạnh lẽo. Sử dụng rất nhiều
gam màu lạnh và những bối cảnh đơn giản, nhiều góc cạnh, đôi lúc trống trải
bóng người, The Farewell đem lại cho khán giả một Trung Quốc qua góc nhìn rất
hiện đại và khác biệt so với trào lưu hiện tại của Hollywood vốn luôn nhìn đất
nước tỷ dân này như một xã hội náo nhiệt, nhiều màu sắc, đông đúc đến ngạt thở.
Lựa chọn nghệ thuật này của Lulu Wang và Anna Franquesa Solano có lẽ là để chia
sẻ với khán giả góc nhìn Trung Quốc của một đứa con đang mất dần nguồn cội –
Lulu Wang/Billi khi phải cố sức níu kéo những gì còn sót lại trong tâm hồn để vẫn
có thể định vị mình như một người gốc Hoa xa xứ chứ không phải là một người Mỹ
“tình cờ” có bố mẹ là người Trung Quốc.
Tự tay viết kịch bản và đạo diễn The Farewell, rõ ràng
Lulu Wang rất muốn tác phẩm mới nhất này của cô truyền tải được một cách trung
thực nhất, chính xác nhất những tâm sự đầy chất riêng tư của chính bản thân nữ
đạo diễn họ Wang trong một giai đoạn gian khó của cuộc đời. Bởi vậy, có lẽ
không ít khán giả sẽ cảm thấy ngạc nhiên vì việc cô lựa chọn Awkwafina – một ca
sĩ nhạc rap vốn chưa gây được nhiều tiếng vang trên màn ảnh lớn ngoài vai diễn
cô nàng đại gia “hoạt náo viên” trong Crazy Rich Asian vào vai Billi. Nhưng
sau khi xem The Farewell, chắc chắn mọi sự nghi ngại của khán giả đối với khả
năng diễn xuất của Awkwafina cũng sẽ tan biến bởi cô đã thể hiện rất thành công
những cung bậc cảm xúc hết sức khác nhau của Billi – từ cảm giác cô độc, thất bại
của một nữ văn sĩ trẻ chưa thể tìm thấy chỗ đứng cho bản thân, tới niềm hạnh
phúc vô bờ bến khi lại được là “đứa cháu nhỏ” của Nãi Nãi. Sự tương phản giữa
vô vàn những cung bậc tình cảm của Billi và cái cách những người Trung Quốc “gốc”
như Hải Tân, Hải Yến, như em gái của Nãi Nãi luôn cố kìm nén mọi cảm xúc là một
nét đặc sắc khác của The Farewell bởi đó là nguồn gốc của rất nhiều tình huống
gây cười trong phim, nhưng cũng lại giúp nêu bật được chủ đề xuyên suốt của tác
phẩm về những mâu thuẫn khó lòng hoá giải của một người Hoa xa xứ đang cố níu
kéo lại những gì còn thuộc về nguồn cội của bản thân.
Đối với nhân vật quan trọng thứ hai của bộ phim là Nãi Nãi –
“mỏ neo” của Billi với quê hương Trung Hoa, Lulu Wang đã quyết định trao cho một
nữ diễn viên gạo cội vốn chưa từng xuất hiện ở Hollywood nhưng lại rất quen thuộc
với khán giả hâm mộ truyền hình Trung Quốc, đó là Triệu Thục Trân. Được Wang gọi
một cách tôn trọng là Triệu lão sư, Triệu Thục Trân là diễn viên “chuyên trị
vai bà” trong các phim truyền hình Trung Quốc. Có lẽ bởi vậy mà nữ diễn viên họ
Triệu vào vai rất ngọt trong The Farewell khi bà không mất nhiều thời gian để
chiếm được cảm tình của khán giả và xuyên suốt bộ phim trở thành trụ cột, chỗ dựa
về mặt tinh thần không chỉ cho con cháu của Nãi Nãi trong phim mà còn cho chính
người xem The Farewell bất chập việc chính Nãi Nãi nhẽ ra mới lại cần chỗ dựa
tinh thần trong thời khắc phải đối diện với căn bệnh ung thư quái ác. Sự lạc
quan, tin tưởng chưa bao giờ tắt vào cuộc sống, vào con người của Nãi Nãi qua sự
thể hiện của Triệu Thục Trân là điểm sáng đáng quý của The Farewell nhất là
khi căn bệnh ung thư quái ác thường được mô tả trên phim như nguồn cơn của mọi
buồn đau và rắc rối. Rất tiếc là nếu so với Awkwafina và Triệu Thục Trân hay một
phần nào đó là Lâm Hiểu Kiệt trong vai bà Kiện mẹ Billi thì các diễn viên khác
trong phim The Farewell không để lại nhiều ấn tượng đối với khán giả, thậm
chí còn để lại cảm giác nghiệp dư khá rõ rệt vốn là “chỉ dấu” của những bộ phim
kinh phí thấp.
Nếu đọc qua nội dung và bối cảnh của The
Farewell, có lẽ nhiều người yêu phim sẽ liên tưởng tới tác phẩm xuất sắc cũng
xoay quanh một “đám cưới giả” là Hỷ yến (The Wedding Banquet, 1993) của đạo
diễn người Đài Loan Lý An. Nếu so với Hỷ yến thì các tuyến truyện hay cách
xây dựng nhân vật của The Farewell có lẽ chưa thể so sánh về mức độ đặc sắc,
nhất là đối với những người xem muốn tìm hiểu thêm về cách nghĩ, cách sống, về
truyền thống của các gia đình người Hoa. Nhưng nếu xem The Farewell như một câu
truyện kể hết sức riêng tư của chính nữ đạo diễn Lulu Wang về những trăn trở,
suy tư của cô trong việc định vị bản thân giữa hai dòng nước của “mái nhà” New
York và “nguồn cội” Trung Hoa thì tác phẩm đã hoàn toàn thành công với minh chứng
là vô số những lời tán dương của giới phê bình hay giải thưởng của khán giả
dành cho bộ phim trong Liên hoan phim Sundance London. Hy vọng rằng với thành
công của The Farewell hay trước đó là Crazy Rich Asian (2018) và The Big
Sick (2017), tâm thế của những người con xa xứ với nguồn cội khác nhau tại Hoa
Kỳ, gốc rễ văn hoá của những quốc gia châu Á khác với lịch sử, truyền thống
tương tự như Trung Quốc sẽ được Hollywood khai thác triệt để hơn nữa để người Mỹ
gốc Á không chỉ còn là những “người thiểu số gương mẫu” (model minority)
trong văn hoá đại chúng Mỹ.
=========