Chicago là một trong những thành phố giàu có và năng động nhất của nước Mỹ với vô số các toà nhà chọc trời và cơ hội làm giàu rộng mở ở mọi nơi, mọi lúc. Nhưng cũng chính tại Chicago, khoảng cách giàu-nghèo ngày một lớn, cùng nạn bạo lực đến từ các băng đảng hoành hành bởi luật quản lý súng lỏng lẻo đã biến cuộc sống của nhiều người dân, đặc biệt là những người da đen nghèo ở các khu phố ngoại ô Chicago trở thành cuộc vận lộn mưu sinh không lấy gì làm dễ chịu. Nếu so sánh với những mảnh đời khốn khó đó của các cư dân người Mỹ gốc Phi của Chicago thì rõ ràng Veronica Rawlings (Viola Davis) có thể được coi là một phụ nữ may mắn. Có một công việc chẳng thể đem lại nhiều tiền bạc – đại diện cho nghiệp đoàn giáo viên nhưng Veronica lại tận hưởng một cảnh đời giàu sang trong căn hộ cao cấp ngay trung tâm Chicago cùng chú cún cưng và đặc biệt là người chồng Harry (Liam Neeson) vốn luôn hết mực yêu thương, chiều chuộng vợ.
Nhưng Veronica chẳng thể ngờ được rằng cuộc sống sung sướng của bà lại bắt nguồn từ những đồng tiền bẩn thỉu từ các vụ trộm cướp của Harry. Là người đàn ông hào hoa, lịch lãm trước mặt vợ nhưng trong bóng đêm của thành phố Chicago, Harry lại là tay tướng cướp quỷ quyệt chịu trách nhiệm vạch ra đường đi nước bước cho ba tay đàn em là Carlos (Manuel Garcia-Rulfo), Florek Gunner (Jon Bernthal), và Jimmy Nunn (Coburn Goss). Nhưng đi đêm lắm rồi cũng có ngày gặp ma, trong một phi vụ ăn trộm 2 triệu đô la tiền vận động tranh cử của tay trùm băng đảng chuyển hướng sang làm chính trị Jamal Manning (Brian Tyree Henry), chiếc xe chở bộ tứ Harry, Carlos, Florek, và Jimmy bị nổ tung sau cuộc truy đuổi và đấu súng quyết liệt với cảnh sát Chicago. Vốn trước đó đã mất đi người con trai Marcus vì bị cảnh sát bắn nhầm trên đường, chỉ trong khoảnh khắc Veronica Rawlings lại mất đi nốt người chồng yêu thương và trở thành người goá phụ cô độc trong căn hộ xa hoa với chú chó trắng.
Sau cái đêm định mệnh cướp đi sinh mạng của băng cướp Harry, không chỉ có mình Veronica trở thành goá phụ. Carlos ra đi không chỉ bắt cô vợ người gốc Mỹ Latinh Linda Perelli (Michelle Rodriguez) rơi vào cảnh một mình nuôi con mà còn buộc Linda phải gánh lấy món nợ đến từ thói máu mê cờ bạc của chồng. Tuy là gã vũ phu thường động chân tay với vợ nhưng cái chết của Florek vẫn làm cô vợ trẻ Alice (Elizabeth Debicki) trở nên hụt hẫng vì không nghề nghiệp, không kinh nghiệm, không tương lai, và cũng chẳng có nổi một chỗ dựa tử tế khi mà bà mẹ người gốc Ba Lan của cô (Jacki Weaver) chỉ luôn toan tính mang thân xác của chính con gái mình ra để kiếm tiền. Và cũng như Linda, vợ của Jimmy là Amanda (Carrie Coon) còn chẳng có nổi thời gian để khóc thương cho chồng khi mà đứa con mới sinh của hai người vẫn còn đang luôn miệng đòi vòng tay của mẹ.
Không phải đối mặt với cuộc sống khó khăn, cũng không rơi vào cảnh con cái nheo nhóc, nhưng cái chết của Harry lại đem đến cho Veronica một rắc rối chết người khác. Đó là khoản tiền 2 triệu đô Harry ăn cắp từ tay Jamal và gã em trai Jatemme (Daniel Kaluuya) – hai tay trùm băng đảng người da đen đang ấp ủ tham vọng lật đổ “đế chế” chính trị của bố con Tom (Robert Duvall) và Jack Mulligan (Colin Farrell) thông qua cuộc bầu cử hội đồng khu vực dân cư nghèo của Chicago. Ở xứ sở dân chủ tự do như nước Mỹ, ứng cử viên nào có càng nhiều tiền để quảng cáo vận động tranh cử thì càng có cơ hội thắng cử lớn, bởi vậy khi đối đầu với một gia đình người da trắng có truyền thống trong chính quyền, lại nổi tiếng là nhiều tiền “lại quả” từ các dự án xây dựng ở khu vực, thì món tiền 2 triệu đô là cả cơ hội đổi đời của Jamal và Jatemme. Sau vụ nổ cướp đi sinh mạng của Harry và biến chỗ tiền ăn cắp trở thành tro bụi, tất nhiên Jamal và Jatemme gán trách nhiệm lấy lại tiền cho Veronica. Hai gã cho bà đúng 1 tháng để trả lại chỗ tiền vận động tranh cử - một nhiệm vụ bất khả đối với một phụ nữ chưa bao giờ phải đối diện với khó khăn và cả đời sống ngay thẳng với nghề đại diện nghiệp đoàn giáo viên như Veronica. Tình cảnh trớ trêu này buộc Veronica phải tính đến giải pháp cuối cùng – “tiếp bước” Harry tiến hành một phi vụ trộm để có tiền trả nợ đời. Hỗ trợ cho Veronica trong vụ trộm “thế kỷ” này không ngoài ai khác mà chính là hai bà goá phụ Linda và Alice, cùng cô thợ cắt tóc kiêm vú em Belle (Cynthia Erivo).
Bộ phim về băng trộm goá phụ Widows là tác phẩm mới nhất của đạo diễn người Anh Steve McQueen dựa trên loạt phim truyền hình cùng tên được hãng ITV của Anh phát sóng vào giữa thập niên 1980. Trước Widows, đạo diễn 49 tuổi người da màu mới chỉ có trong tay 3 phim điện ảnh là Hunger (2008), Shame (2011), và 12 Years a Slave (2013). Nhưng chỉ từng ấy tác phẩm cũng đã là quá đủ để Steve McQueen khẳng định tài năng trong dòng phim tâm lý và bi kịch tại Hollywood, đặc biệt là với giải Oscar phim hay nhất cho 12 Years a Slave. Bởi vậy mà khi khi đoạn phim quảng cáo đầu tiên của Widows ra mắt công chúng, nhiều người đã tỏ ra ngạc nhiên không chỉ vì tác phẩm mới nhất này của McQueen vắng bóng Michael Fassbender – diễn viên thể hiện một cách xuất sắc vai chính trong cả bộ ba Hunger, Shame và 12 Years a Slave, mà còn vì Widows mang màu sắc phim hành động – dòng phim hoàn toàn mới mẻ đối với một đạo diễn “chuyên trị” phim tâm lý như Steve McQueen. Sự ngạc nhiên, thậm chí là có phần nghi ngại đó là hoàn toàn có cơ sở, bởi dù có tài năng đã được kiểm chứng, lại có sự giúp sức của nhà văn nữ Gillian Flynn – tác giả tiểu thuyết và sau đó là kịch bản phim hình sự xuất sắc Gone Girl (2014), nhưng để chuyển từ các bộ phim đặc tả tâm lý, đi sâu vào nội tâm nhân vật và khá kén người xem như Hunger hay Shame sang dòng phim đòi hỏi nhịp phim nhanh, nhiều trường đoạn hành động lôi cuốn khán giả là một nhiệm vụ không hề dễ dàng đối với Steve McQueen.
Một tin mừng cho những người yêu phim của Steve McQueen là Widows có thể được coi là một thử nghiệm thành công của đạo diễn người Anh trong dòng phim mới. Trung thành với một tác phẩm hành động truyền thống, Widows có nhịp phim tương đối nhanh với nhiều pha hành động hồi hộp, kịch tính và đặc biệt là có nhiều bất ngờ với những nút thắt mở rất phù hợp với một bộ phim lấy đề tài “trộm cướp”. Đặc biệt là dù lấy trung tâm là những người phụ nữ mạnh mẽ có, yếu mềm có nhưng nhìn chung không quen với súng ống, bạo lực, Widows lại có rất nhiều cảnh phim gây bất ngờ về mức độ bạo lực, nhất là trong những phân đoạn có sự xuất hiện của Jatemme Manning – một vai diễn xuất sắc khác của Daniel Kaluuya, diễn viên được coi là phát hiện mới của Hollywood sau Get Out (2017) và Black Panther (2018). Widows là một bộ phim rất ít “người tốt” khi mà Chicago trong phim luôn phải oằn mình chịu đựng sự hoành hành của những tên tội phạm ưa thích bạo lực như Jamal, Jatemme, và những chính trị gia có bề ngoài hào nhoáng nhưng bên trong mục ruỗng như cha con nhà Mulligan. Trong một xã hội không có “người tốt” như vậy, tất nhiên những người phụ nữ phải đứng lên để bảo vệ bản thân, để đấu tranh cho tương lai của chính họ và những người họ yêu thương. Bởi thế Widows là một bộ phim về những phụ nữ mất mát, nhưng cũng là bộ phim về những người phụ nữ tìm thấy sức mạnh không chỉ về thể chất mà còn cả về tinh thần để có thể đương đầu với sóng gió cuộc đời mà không phải nấp sau hình bóng của bất cứ người đàn ông nào. Sự tương phản giữa một Veronica dịu dàng, lịch lãm ở đầu phim với “nữ tướng” Veronica đầy cơ bắp với tinh thần sắt thép ở cuối phim chính là hình ảnh tiêu biểu nhất cho chất nữ quyền đậm nét này của Widows. Bên cạnh Veronica, sự chuyển hoá đến bất ngờ của Alice từ cô nàng đỏng đảnh chỉ biết nằm dài trên giường tới một người phụ nữ độc lập tự tin ở nửa cuối phim qua diễn xuất nhiều màu sắc của Elizabeth Debicki cũng là một điểm sáng khác của Widows trong việc đưa các nhân vật nữ trở thành trung tâm, trở thành sức mạnh thật sự của tác phẩm thay vì chỉ mang tính “trang trí” như trong đa phần các bộ phim Hollywood của dòng phim hành động.
Là đạo diễn xuất sắc của dòng phim tâm lý, tất nhiên Steve McQueen không thể bỏ qua thế mạnh đặc trưng này của ông trong Widows – và chất tâm lý đậm nét cũng chính là nhân tố tạo sự khác biệt cho Widows khi so sánh với những bộ phim hành động, phim “trộm cắp” truyền thống khác của Hollywood như Ocean's 8 (2018) – một tác phẩm cũng nói về một băng trộm “toàn nữ” phải đối mặt với một nhiệm vụ bất khả. Thậm chí là sau khi xem Widows, chắc chắn nhiều khán giả sẽ có cảm giác rằng khía cạnh tâm lý của phim có sức nặng, và còn để lại nhiều ấn tượng hơn cả những pha hành động hay những nút thắt mở bất ngờ của phim. Qua diễn xuất xuất sắc của dàn diễn viên nữ, đặc biệt là Viola Davis và Elizabeth Debicki, Widows đem đến cho khán giả một cái nhìn rất sâu về quá trình tìm lại mình của những người phụ nữ khi vấp phải nỗi đau khổ đến tột cùng – đó là cái chết của người thân yêu nhất. Thậm chí là đối với nhân vật trung tâm của phim Veronica, quá trình tìm lại mình này lại còn có nhiều khúc quanh không ai ngờ tới mà nếu không gây dựng cho mình một tinh thần mạnh mẽ, một ý chí tự lực thì khó có ai, bất kể là nam hay nữ có thể vượt qua được. Dòng phim hành động Hollywood không phải không có những nhân vật nữ đáng nhớ, từ Ellen Ripley của loạt phim Alien, Sarah Connor của loạt phim The Terminator, tới Cô Dâu trong Kill Bill (2003), rất nhiều bóng hồng đã khiến khán giả phải trầm trồ vì cách họ chiếm lĩnh màn ảnh và làm chủ những pha hành động ngẹt thở. Nhưng hiếm có ngôi sao hành động nào có được chiều sâu về mặt tâm lý, có quá trình tìm lại bản thân được mô tả sâu sắc, nhạy cảm, và chân thật như Veronica của Widows. Không chỉ Steve McQueen – đạo diễn nổi danh trong việc tạo dựng nhân vật có thể tự hào vì thành công của Veronica, mà việc hình ảnh “nữ tướng cướp ôm chó” của Widows đi được vào lòng người xem cũng là một thành công mới của Viola Davis – người thể hiện một cách xuất sắc cả hai bộ mặt nhẹ nhàng, nhạy cảm và cứng rắn, gai góc của Veronica trong phim.
Tuy thành công trên nhiều mặt, đặc biệt là việc truyền hơi thở nữ quyền vào một tác phẩm hành động về đề tài “trộm cắp”, nhưng bộ phim ít nhiều mang tính thử nghiệm này của Steve McQueen có lẽ vẫn chưa sánh được với những bộ phim chặt chẽ và hoàn chỉnh trước đây của ông như 12 Years a Slave hay Shame. Do cố gắng chú trọng cả khía cạnh tâm lý và hành động nên kịch bản Widows chưa tạo được cảm giác mượt mà, thống nhất, đặc biệt là ở phần cuối của phim khi trường đoạn được coi là cao trào của phim – vụ trộm của băng “goá phụ” lại không thực sự gây nhiều ấn tượng từ quá trình “chuẩn bị” cho đến khi nút thắt mở cuối cùng được đem tới cho khán giả. Với nhiều nút thắt mở phải giải quyết, nhiều chi tiết về mặt tâm lý muốn đề cập, kịch bản của Widows vì thế mà cũng trở nên thiếu đất cho các nhân vật phụ. Ngoại trừ Veronica, Alice, Belle, hay Jatemme, các nhân vật khác của Widows không để lại nhiều dấu ấn, kể cả những vai do các diễn viên thực lực đảm nhận như vai Linda của Michelle Rodriguez hay Jack Mulligan của Colin Farrell.
Một bộ phim hay không nhất thiết phải là một tác phẩm hoàn hảo, nhưng luôn phải là một tác phẩm lôi cuốn khán giả, khiến họ phải suy nghĩ về số phận các nhân vật trong phim, khơi gợi họ liên hệ bản thân đối với những số phận đa chiều ấy. Với người yêu phim, đặc biệt là các khán giả nữ, thì chắc chắn Widows là một tác phẩm như thế. Dù vẫn còn thiếu sót, Steve McQueen hoàn toàn có thể tự hào rằng ông đã cho ra đời một tác phẩm hành động xuất sắc nhưng lại đậm chất nữ quyền – yếu tố vốn ít được đề cập tới trong dòng phim hành động nhưng lại là đề tài nóng bỏng được cả Hollywood và xã hội Mỹ quan tâm trong thời gian gần đây.
========
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire