Jennifer Fox (Laura Dern) có thể được coi là hình mẫu lý tưởng của người phụ nữ độc lập trong xã hội Mỹ hiện đại. Chưa lập gia đình nhưng nữ đạo diễn phim tài liệu kiêm giảng viên đại học Fox vẫn luôn thấy hạnh phúc ở tuổi 40 với công việc yêu thích và với người bạn trai lâu năm Martin (Common) vốn hết mực yêu thương và chăm sóc cô. Nhưng niềm hạnh phúc và sự tự tin trong cuộc sống của Jennifer Fox chợt trở nên lung lay khi mẹ của cô, bà Nadine Fox (Ellen Burstyn), gửi cho Jennifer “Chuyện kể” – một bài luận xưa cũ mà Jennifer làm từ thủa mới lên 13 cho một giờ tập làm văn trên lớp. Bài văn của cô bé Jenny năm ấy (Isabelle Nélisse) được chấm điểm A vì cô giáo của cô bé đánh giá cao trí tưởng tượng và cách hành văn uyển chuyển, bộc lộ một tâm hồn sâu sắc, nhiều suy tư của một cô bé ở cái tuổi dậy thì mong manh. Nhưng sau ba thập niên, bà Nadine Fox khi đọc lại “Chuyện kể” của Jenny mới chợt nhận ra rằng đằng sau những con chữ tưởng như được viết ra từ “trí tưởng tượng” của cô bé lại một quá khứ đau lòng mà Jenny đã cố gắng “viết lại” để lưu giữ trong kí ức của mình. Giai đoạn đau buồn mà cô bé Jenny phải gắng tâm “viết lại” cho tươi mới, đẹp đẽ hơn để rồi chôn giấu vào đáy sâu kí ức ấy là những tháng ngày Jenny gần gũi với cô giáo môn cưỡi ngựa Jane Graham, hay “cô G”, (Elizabeth Debicki) và bạn của cô G là huấn luyện viên điền kinh Bill Allens (Jason Ritter). Qua những dòng văn của “Chuyện kể” và trí nhớ của Jennifer Fox-hiện tại, cô G và “thầy” Bill Allens hiện lên như những người thân thiết, gần gũi bậc nhất với Jenny, những người mà cô bé chẳng thể sống thiếu trong giai đoạn dậy thì nhiều suy tư với cảm giác luôn bị bỏ rơi khi bố cô bé luôn bận bịu với công việc kinh doanh của một người Do Thái còn bà Nadine chẳng thể toàn tâm ý cho Jenny khi bà còn phải chăm sóc 4 người con khác và thường xuyên rơi vào trạng thái cãi vã với chồng. Nhưng đào sâu vào trong kí ức, sâu phía trong những câu chữ của bài tập làm văn năm xưa, Jennifer Fox chợt nhận ra rằng cô G và “thầy” Bill chính là thủ phạm của những khoảng trống trong kí ức của Jenny – nạn nhân của những tội ác khó ai tưởng tượng được nếu chỉ lướt qua cuộc đời trên giấy của cô bé.
Nếu đọc qua phần tóm lược kể trên, và xem khoảng mười phút đầu tiên của The Tale – bộ phim điện ảnh đầu tiên của nữ đạo diễn tên tuổi của dòng phim tài liệu Jennifer Fox, hẳn nhiều khán giả sẽ nhận ra rằng đây là bộ phim nói về một đề tài hết sức nhức nhối, đó là nạn xâm hại tình dục trẻ em. Tuy là một chủ đề luôn thu hút sự quan tâm của công chúng, nhưng làm thế nào để chuyển thể những tội ác tình dục với nạn nhân là các em bé ngây thơ không có khả năng đề kháng luôn là một câu hỏi khó cho các nhà làm phim bởi tính chất nhạy cảm của đề tài cùng vô số trở ngại về mặt đạo đức và tâm lý đối với người xem, đối với chính các nhà làm phim trong việc đặc tả những tội ác dạng này trên màn ảnh lớn. Với riêng nữ đạo diễn 59 tuổi Jennifer Fox thì The Tale hẳn còn là một thử thách lớn hơn rất nhiều bởi bộ phim tiểu sử này nói về chính cuộc đời của cô, về những tội ác mà chính Jennifer Fox là nạn nhân khi mới chỉ là cô bé Jenny 13 tuổi nhỏ bé và nhút nhát. Có lẽ Jennifer Fox đã phải đấu tranh tư tưởng và suy nghĩ rất nhiều trước khi đặt bút viết nên kịch bản của The Tale để rồi chuyển thể kịch bản này thành một bộ phim điện ảnh chiếu trên kênh HBO, bởi một khi đã được công chiếu thì những trải nghiệm kinh hoàng, những kí ức đáng quên của cô bé Jenny năm xưa sẽ không còn nằm yên trong trái tim, khối óc của Jennifer Fox nữa mà sẽ được hàng triệu khán giả trên khắp thế giới theo dõi, đánh giá, chia sẻ, và thậm chí là chỉ trích. Hơn thế nữa, việc lần đầu tiên đảm nhiệm cả phần kịch bản và đạo diễn của một tác phẩm điện ảnh như The Tale chắc chắn cũng không phải là điều dễ dàng đối với một đạo diễn “chuyên trị” dòng phim tài liệu như Jennifer Fox, bởi dòng phim tài liệu có nhiều yếu tố khác biệt và cũng thường không đòi hỏi một kịch bản kĩ lưỡng như dòng phim điện ảnh. Bởi vậy có thể coi The Tale là một thử thách lớn cho cả lòng dũng cảm và tài năng nghệ thuật của Jennifer Fox vốn đã ở cái tuổi được coi là phía bên kia sườn dốc sáng tạo. Sở dĩ khán giả cần hiểu được những thử thách của nữ đạo diễn người Mỹ là để chúng ta càng trân trọng hơn thành công vượt trội của The Tale, đặc biệt là về phần kịch bản. Không chỉ đơn thuần là một bộ phim tiểu sử đơn thuần về tuổi thơ bi kịch của cô bé Jenny, The Tale như một câu truyện được thuật lại qua nhiều người kể truyện với những giọng kể rất khác nhau, đó là giọng kể của Jennifer Fox-trưởng thành vốn đầy lý trí, chín chắn, nhưng cũng lại nhợt nhòa vì những lỗ hổng trong kí ức, đó là giọng kể của Jenny 13 tuổi trong sáng, hồn nhiên, nhưng lại ẩn chứa vô số điểm không đáng tin đến từ “trí tưởng tượng” hoặc đúng hơn là nỗ lực “viết lại” kí ức buồn của cô bé, đó còn là giọng kể nhiều phần giả dối nhưng không thể bỏ qua của cô G và “thầy” Bill, bởi bỏ qua họ khán giả sẽ không thể có được một bức tranh toàn cảnh về mùa hè năm xưa ở trang trại ngựa của Jenny. Kịch bản nhiều lớp với rất nhiều bí ẩn chỉ được gợi mở nếu khán giả tập trung theo dõi đã giúp The Tale trở nên đặc biệt hấp dẫn bất chấp nhịp phim tương đối chậm và chủ đề rất nặng nề của tác phẩm. Về khía cạnh này, Jennifer Fox hoàn toàn xứng đáng một tràng vỗ tay lớn từ phía khán giả với cách tiếp cận một chủ đề rất khó, lại mang đậm tính chất riêng tư của chính tác giả như The Tale. Hoàn toàn không hề né tránh việc mô tả trực tiếp tuổi thơ bị lạm dụng của mình, trái lại Jennifer Fox sử dụng nhiều trường đoạn dài để thuật lại một cách chi tiết, tỉ mỉ, từ nhiều góc nhìn khác nhau, lời kể khác nhau từ việc Jenny bị lừa phỉnh, dụ dỗ thế nào, cho tới tận những lần cô bé 13 tuổi bị lũ người lớn mặt người-dạ thú lạm dụng. Cách tiếp cận trực diện, kĩ lưỡng nhưng loại bỏ hoàn toàn yếu tố kịch tính không cần thiết này của Jennifer Fox đã khiến The Tale tránh khỏi lối mòn bi kịch hóa truyện phim hoặc khai thác quá mức kịch tính của các chi tiết. Trái lại, khán giả vẫn cảm thấy sốc, vẫn cảm thấy bất an khi dõi theo những cảnh quay của The Tale, không phải vì kịch tính được cường điệu, mà bởi họ đang được chứng kiến một trong những tội ác vô nhân đạo nhất người lớn có thể gây ra đối với con trẻ, thứ tội ác mà hẳn nhiều khán giả đã đọc qua sách vở, báo chí nhưng không nhiều trong số đó từng phải trải nghiệm.
Một trong những hậu quả lớn nhất mà các nạn nhân của những vụ án xâm phạm tình dục trẻ em phải chịu đựng đó là những tổn thương lâu dài về mặt tinh thần. Thời gian có thể giúp làm liền da những vết thương về thể xác, nhưng di chứng tâm lý từ những tội ác này sẽ còn theo các em đến hết phần đời còn lại. Đau đớn hơn là đôi khi chính vì sự ngây thơ và tâm hồn thánh thiện mà các em chẳng thể nhận ra ngay những vết thương tinh thần mà mình phải gánh chịu, hoặc có nhận ra thì lại chỉ muốn giấu kín chẳng muốn chia sẻ với bất cứ ai. Đây có lẽ là thông điệp có ý nghĩa nhất mà The Tale muốn đem lại cho khán giả khi mà đại đa số chúng ta – những người may mắn không phải là nạn nhân của tệ xâm hại tình dục không thể hiểu được tại sao nạn nhân thật sự của các vụ án ấy lại muốn quên đi, lại muốn xóa bỏ kí ức, lại không muốn giúp chúng ta hiểu về những vết thương tinh thần mà họ phải chịu đựng. Họ đã mất đi khả năng chia sẻ nỗi đau tâm lý, mất đi khả năng biểu đạt suy nghĩ, tình cảm với người ngoài, kể cả những người thiết nhất chính bởi rất nhiều trong số những kẻ thủ ác của các vụ án xâm hại tình dục trẻ em lại chính là những người quen biết, thân thuộc với các em và lợi dụng chính sự gần gũi, chính sự yêu quý rất chân thật, hồn nhiên của trẻ thơ để dụ dỗ, lạm dụng thể xác và tinh thần của các em. Đó chính là câu truyện của The Tale – câu truyện về nỗi đau tinh thần không bao giờ mất đi của các nạn nhân những vụ án xâm hại tình dục trẻ em, câu truyện mà mỗi người trong xã hội hiện đại cần phải biết, phải hiểu. Biết và hiểu không chỉ để vạch mặt những kẻ thủ ác với bề ngoài hết sức bình thường, thậm chí là thân thiện, mà biết và hiểu còn để chúng ta sẵn sàng giang rộng đôi tay đón nhận và cảm thông đối với nạn nhân của những vụ án xâm hại tình dục trẻ em, bởi các em sẽ cảm thấy cô đơn, bởi các em sẽ cần được che chở, bảo vệ.The Tale không phải là một bộ phim hoàn hảo. Dàn diễn viên của phim ngoại trừ phần thể hiện xuất sắc của Laura Dern trong vai Jennifer Fox-trưởng thành và Isabelle Nélisse trong vai Jenny-13 tuổi không thực sự để lại quá nhiều ấn tượng. Chất lượng quay và bối cảnh của phim cũng chỉ dừng lại ở mức vừa phải ở tầm kinh phí của một tác phẩm điện ảnh của dòng phim độc lập, có lẽ một phần vì lý do này cùng nội dung tương đối nặng nề của The Tale đã khiến bộ phim cuối cùng được hãng HBO Films phát hành rộng rãi dưới dạng phim điện ảnh làm cho truyền hình cáp phim trên kênh HBO. Đây có thể coi là một lựa chọn tương đối đáng tiếc bởi chiếu trên truyền hình đồng nghĩa với việc The Tale đã không còn khả năng ứng cử cho giải Oscar năm 2018 – giải thưởng mà nếu được đề cử chắc chắn The Tale sẽ là ứng viên nặng ký, ít nhất là ở hạng mục kịch bản gốc. Tuy nhiên, việc chiếu trên kênh truyền hình cáp nổi tiếng HBO cũng lại giúp The Tale có thể đến được với rộng rãi công chúng hơn. Đây vừa là một điều may mắn cho khán giả của kênh HBO – bởi The Tale là một tác phẩm vượt trội của điện ảnh thế giới nửa đầu năm 2018 cả về mặt nội dung và chất lượng nghệ thuật, và đây có lẽ cũng là điều nữ đạo diễn Jennifer Fox mong muốn. Bởi một khi đã xem bộ phim, đã ngấm câu truyện và những lời chia sẻ từ tận đáy tâm hồn của nữ đạo diễn người Mỹ, chắc chắn khán giả sẽ cảm thấy rằng họ sẽ phải làm gì đó để trong tương lai sẽ không còn những vụ án tương tự xảy ra, để những nạn nhân như Jennifer Fox sẽ không còn bao giờ cảm thấy cô độc giữa dòng đời hiện đại.
======
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire