some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

lundi 3 octobre 2016

Florence Foster Jenkins (2016)


Trong giới thượng lưu và mộ điệu âm nhạc ở thành phố phồn hoa New York những năm đầu Thế chiến thứ hai, Florence Foster Jenkins (Meryl Streep) là cái tên có lẽ ai cũng biết tới qua vai trò người chủ trì các cuộc hội ngộ của người yêu nhạc và cũng là người đóng vai chính cho những hoạt cảnh đậm chất nhạc kịch trong các buổi gặp gỡ đó. Được thừa hưởng gia tài kếch xù từ người bố - một người không muốn con gái mình theo nghiệp cầm ca, Florence quyết tâm đi ngược lại ý cha để dành toàn tâm toàn ý cho âm nhạc, cả với tư cách một “Mạnh Thường Quân” của các sự kiện âm nhạc, và với tư cách một ca sĩ opera nghiệp dư. Florence không cô đơn trên con đường đeo đuổi ước mơ âm nhạc, bên cạnh bà luôn có người chồng tận tuỵ St. Clair Bayfield (Hugh Grant) và anh chàng nghệ sĩ piano trẻ tuổi Cosmé McMoon (Simon Helberg). Dù luôn qua đêm ở nhà cô bạn gái bí mật Kathleen Weatherley (Rebecca Ferguson) nhưng ban ngày ông Bayfield luôn dành mọi tâm sức chiều chuộng, chăm lo từng miếng ăn giấc ngủ cho Florence cũng như tìm cho bà vợ mê nhạc của mình những huấn luyện viên thanh nhạc tốt nhất có thể. Còn về phần McMoon, tuy luôn nhút nhát và rụt rè vì xuất thân kém cỏi từ bang Texas xa xôi, nhưng anh chàng nhạc công trẻ tuổi với ngón đàn mềm mại lại là nguồn cảm hứng vô tận cho Florence trau dồi giọng hát của bà để chờ cơ hội toả sáng. Với đủ mọi điều kiện về vật chất và tinh thần như vậy, tưởng như hào quang sân khấu chỉ còn cách Florence một bài ca, một nốt nhạc. Nhưng hoá ra đó lại chính là thứ duy nhất bà không hề có. Không có khả năng thẩm âm, quý bà mê hát không nhận ra rằng những nốt cao vút vốn xuất hiện dày đặc trong các bản nhạc opera là hoàn toàn quá sức đối với cái cổ họng vô cùng yếu đuối của mình. Lo sợ người vợ nhiều bệnh tật của mình bị sốc nếu biết bà hoàn toàn vô vọng về mặt âm nhạc, ông Bayfield với sự giúp sức của McMoon không tiếc tiền của và công sức cách ly Florence khỏi sự thật, khỏi những lời gièm pha của người đời. Nhưng trớ trêu thay, càng che giấu bao nhiêu thì Florence Foster Jenkins lại càng muốn chia sẻ “tài năng” của bà với công chúng, đặc biệt là với những người lính Mỹ đang phải chiến đấu bảo vệ đất nước. Theo lẽ thường thì cái kim trong bọc lâu ngày cũng phải lòi ra, liệu ông Bayfield có thể mãi mãi bảo vệ vợ khỏi sự thật, và liệu nếu cái ngày phải đối diện với sự thật ấy sẽ xảy ra, tâm hồn đầy những nốt nhạc của Florence sẽ phản ứng thế nào?

Ngay khi đọc phần tóm tắt nội dung ở trên về bộ phim Florence Foster Jenkins của đạo diễn Stephen Frears, hẳn nhiều người sẽ chú ý ngay tới việc nữ diễn viên được giao vai diễn trung tâm của phim – quý bà mê hát Florence là ngôi sao gạo gội Meryl Streep, người đang giữ kỉ lục về số lần được đề cử giải Oscar hạng mục diễn xuất với 19 lần. Không phụ sự trông đợi của khán giả, Streep đã lại một lần nữa chứng tỏ khả năng nhập vai hiếm có của mình trong vai diễn một người phụ nữ có tâm hồn nghệ thuật hết sức đẹp đẽ nhưng lại sở hữu giọng hát khiến nhiều khán giả phải cảm thấy kinh hoàng. Đặc biệt với những ai đã từng được chứng kiến tài nghệ ca hát và nhảy múa tuyệt vời của Meryl Streep trong Mamma Mia! (2008), hẳn không ai có thể ngờ được rằng bà lại có thể lột bỏ lớp áo quyến rũ ấy để hoá thân thành một người phụ nữ vụng về, xập xệ với những nốt hát kinh khủng không chỉ đối với các khán giả-nhân vật trong phim, mà đối với cả những khán giả của Florence Foster Jenkins. Nhưng không chỉ dừng lại ở việc khắc hoạ vẻ bề ngoài và các ứng xử đầy lập dị của Florence, Meryl Streep còn hết sức thành công trong việc giúp khán giả dần cảm nhận được vẻ đẹp tâm hồn của một người phụ nữ yêu âm nhạc, yêu cuộc sống, yêu những người xung quanh bằng tấm lòng chân thành, không giả dối, không tính toán. Tuy không khí chủ đạo của Florence Foster Jenkins là những sự hài hước đậm chất châm biếm, chua cay với những nốt cao “phô” như giọng hát của Florence, nhưng chính nhờ diễn xuất dị biệt nhưng vẫn đầy chất nội tâm của Meryl Streep mà bộ phim vẫn chứa đựng những nốt trầm giàu cảm xúc khiến khán giả phải suy ngẫm. Với vai diễn hết sức thành công này, Meryl Streep sẽ có rất nhiều cơ hội để kéo dài chuỗi kỉ lục đề cử giải Oscar của mình lên con số 20.

Cuộc đời nhiều phần viên mãn của Florence không thể không kể tới đóng góp từ sự tận tuỵ của người chồng St. Clair Bayfield, và trong thành công của Florence Foster Jenkins người xem cũng không thể không nhắc tới vai trò của Hugh Grant, người thủ vai Bayfield. Từng rất thành công trong hình tượng người đàn ông lịch lãm, lúng túng vụng về nhưng không kém phần đa tình lãng mạn trong các tác phẩm như Four Weddings and a Funeral (1994) hay Love Actually (2003), Hugh Grant là lựa chọn không thể tốt hơn cho Bayfield. Với ánh mắt luôn chứa đầy sự chìu mến và lo lắng dành cho vợ, cùng diễn xuất hết sức kìm nén trong vai trò của một người luôn đứng trong bóng tối nơi cánh gà, Hugh Grant đã khắc hoạ thành công sự đa chiều về tính cách và cảm xúc của Bayfield nhưng cũng lại không lấy đi chút ánh sáng sân khấu nào của Florence - Meryl Streep ở vị trí trung tâm của bộ phim. Điều đáng tiếc là ngoại trừ Florence và Bayfield, tuyến nhân vật phụ của Florence Foster Jenkins không thực sự gây ấn tượng. Do thiếu sự chăm chút của kịch bản phim về mặt phát triển tính cách nhân vật, cũng như không thực sự có nhiều đất diễn, các diễn viên có thực lực như Rebecca Ferguson, ngôi sao mới nổi của Mission Impossible – Rogue Nation, hay Simon Helberg, cái tên quen thuộc của loạt phim truyền hình The Big Bang Theory, đều chưa bộc lộ được hết khả năng diễn xuất của mình.

Trong thế giới phim Hollywood, nơi nữ quyền chưa thực sự chiếm ưu thế, thì một bộ phim lấy phụ nữ làm trung tâm như Florence Foster Jenkins khó có thể thành công nếu không có bàn tay của một đạo diễn am hiểu, và trân trọng phụ nữ cũng như các nhân vật nữ. Rất may cho các nhà sản xuất phim, và cho khán giả của phim, là đạo diễn Stephen Frears hoàn toàn xứng đáng trong vai trò này khi ông đã từng rất thành công trong các bộ phim lấy đề tài về số phận người phụ nữ độc lập giữa sóng gió biến động của cuộc đời như The Queen (2006, bộ phim đã đem lại cho Helen Mirren giải Oscar đầu tiên cho vai diễn Nữ hoàng Elizabeth II), hay Philomena (2013). Có thể nói việc lấy dư vị hài hước, châm biếm làm không khí chủ đạo cho bộ phim của Frears là một lựa chọn tương đối mạo hiểm vì nếu Florence Foster Jenkins chứa đựng quá nhiều chi tiết hài hước xoay quanh hình ảnh đôi phần dị biệt của nữ nhân vật chính thì khán giả sẽ khó lòng nhận ra những thông điệp ngầm tưởng như cay đắng nhưng lại hết sức ý nghĩa của bộ phim về số phận của một người phụ nữ phải cố hết sức chiến đấu bên bờ ảo vọng như Florence. Đứng ở ranh giới giữa một bộ phim hài thường thường bậc trung và một tác phẩm bi hài nhiều lớp nghĩa, Frears đã hết sức tinh tế trong việc gợi mở dần các lớp màn che phủ con người thật của Florence Foster Jenkins, để rồi khiến khán giả từ chỗ bối rối trong việc nhận định về nhân vật Florence ở đầu phim, tới trân trọng những nỗ lực của bà ở cuối phim (dù vẫn phải nhăn mặt khi phải nghe những nốt cao váng óc của Florence). Thêm vào đó, Florence Foster Jenkins và đạo diễn Stephen Frears còn thành công ở một khía cạnh khác, đó là việc bộ phim thực sự đã tạo dựng được hình ảnh và không khí lịch sử đầy màu sắc và biến động của thành phố New York những năm đầu Chiến tranh thế giới thứ hai, khi mà xã hội Mỹ dù hết sức yêu thích nghệ thuật, yêu thích ánh đèn phù hoa của sân khấu, nhưng lại cũng không thể quên rằng bên kia bờ đại dương con em họ đang phải chiến đấu một mất một còn với kẻ thù Phát xít. Và tất nhiên một bộ phim về âm nhạc cũng không thể thành công nếu không có phần nhạc phim xuất sắc, điều mà nhà soạn nhạc tên tuổi Alexandre Desplat đã lại một lần nữa chứng minh được với công chúng qua Florence Foster Jenkins.


Không biết có phải là một sự tình cờ mà chỉ vừa mới năm ngoái thôi, điện ảnh Pháp cũng vừa cho ra đời một tác phẩm lấy cảm hứng từ cuộc đời của Florence Foster Jenkins, đó là bộ phim Marguerite của đạo diễn Xavier Giannoli. Được coi là một trong những phim Pháp ấn tượng nhất năm 2015, Marguerite đã đem lại cho nữ diễn viên gạo cội Catherine Frot, người thủ vai người đàn bà mê hát, giải César (“giải Oscar của điện ảnh Pháp”) vai nữ chính đầu tiên. Cũng kể về số phận một người phụ nữ yêu thích nghệ thuật và âm nhạc nhưng lại sở hữu giọng hát gây ác mộng với thính giả, nhưng khác với bộ phim của đạo diễn Stephen Frears, Marguerite được đặt trong bối cảnh đậm màu ảo mộng và cũng chất chứa nhiều bi thương, cay đắng hơn không gian nhiều tiếng cười của Florence Foster Jenkins. Tuy nhiên, cả hai tác phẩm đều có một điểm chung, đó là khi xem xong phim hẳn khán giả sẽ hỏi: “Thành công là đủ khả năng biến giấc mơ thành sự thật, hay chỉ đơn giản là dám mơ ước, là dám chiến đấu đến cùng để theo đuổi mơ ước đó?”. Chứng kiến nụ cười thanh thản luôn nở trên môi Florence, chắc nhiều người cũng đã tìm được một câu trả lời thoả đáng cho mình.

=======

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire