Người ta kể lại rằng trong
chuyến thăm đầu tiên của Fidel Castro tới Liên Xô năm 1963, ông được sắp xếp đi
tham quan rất nhiều cơ sở văn hóa kinh tế khang trang được coi là đại diện cho
sự ưu việt của chủ nghĩa xã hội tại Liên Xô lúc bấy giờ. Trong một chuyến đi
như vậy tại Leningrad (nay là Sankt-Peterburg), được một bé gái nhỏ nhắn đáng
yêu tặng hoa, Fidel lập tức đề nghị được thăm nhà trẻ của cô bé. Đề nghị bất ngờ
của lãnh tụ người Cuba khiến các quan chức địa phương bối rối, họ tìm mọi lý do
để ngăn cản Fidel nhưng không thành công và cuối cùng buộc phải đưa ông tới một
trường mẫu giáo hết sức khang trang của Leningrad nơi bé gái “theo học”. Gặp lại
em bé tặng hoa cho ông mấy hôm trước, Fidel vui vẻ gợi ý rằng em hãy dẫn ông đi
thăm trường và nhận được câu trả lời hết sức bất ngờ: “Cháu xin lỗi, cháu vẫn
chưa quen đường ở đây, cháu mới ở đây được hai ngày”. Hóa ra cô bé là trẻ mồ
côi tại một trại trẻ tồi tài hơn nhiều, và các quan chức địa phương buộc phải
chuyển em tới ngôi “trường mới” đẹp đẽ này chỉ để gây ấn tượng với Fidel
Castro.[1]
Hơn nửa thế kỷ sau câu chuyện
kể trên của Fidel Castro, đạo diễn người Nga Vitaly Mansky quyết định kể lại
câu chuyện tương tự về một bé gái Bắc Triều Tiên qua bộ phim tài liệu “Under
the Sun” (2015). Bộ phim khắc họa lại cuộc sống thường nhật của cô bé học sinh
Lee Zin-mi những ngày trước, trong, và sau khi cô bé được kết nạp vào Đội Thiếu
niên Kim Nhật Thành vào đúng ngày Quang Minh Tinh kỉ niệm ngày sinh của cố lãnh
tụ Kim Jong-il. Sinh ra trong một gia đình hết sức “cơ bản” của xã hội Bắc Triều
Tiên với bố là kỹ sư trong một phân xưởng may và mẹ là công nhân xí nghiệp sữa
đậu nành, Zin-mi cũng như rất nhiều đứa trẻ Bình Nhưỡng khác được thụ hưởng những
điều kiện vật chất và tinh thần hết sức đầy đủ với trường học hiện đại, nhà văn
hóa lộng lẫy, bệnh viện tiện nghi, và không thể không kể tới những bữa ăn hấp dẫn
với món kim-chi bổ dưỡng.
Nhưng cũng như câu chuyện của
Fidel ở Leningrad, khán giả nhanh chóng nhận ra rằng cuộc sống của Lee Zin-mi
giữa thủ đô Bình Nhưỡng đìu hiu không chỉ toàn một màu hồng. Không sử dụng lời
dẫn, nhưng bằng những đoạn băng quay thừa “outtake” (vốn thường bị cắt bỏ trong
các bộ phim tài liệu thông thường) và vài đoạn chú thích ngắn gọn, “Under the
Sun” mang tới cho khán giả một bức tranh hoàn toàn khác về cuộc sống của Zin-mi
nói riêng và xã hội Bắc Triều Tiên nói chung. Trái ngược với ý nghĩa của dòng
phim tài liệu – mô tả sự thật, mọi hành vi, cử chỉ của các “nhân vật” trong
“Under the Sun” đều phải tuân thủ theo kịch bản và sự chỉ đạo của các “đạo diễn”
người Bắc Triều Tiên – những người sẵn sàng can thiệp, bắt các diễn viên của họ,
kể cả cô bé Zin-mi, phải diễn đi, diễn lại nhiều lần tới khi họ hài lòng. Tất
nhiên, như cô bé người Leningrad năm nào, Zin-mi cũng “được” các đạo diễn người
Bắc Triều Tiên đưa vào không gian sống đẹp đẽ nhất, phản ánh rõ nhất sự “ưu việt”
của chủ nghĩa Juche (“Chủ thể”) Bắc Triều Tiên tới mức mà cha mẹ của em phải
chuyển từ nghề nghiệp thật của họ - một nhà báo và nhân viên nhà hàng sang những
nghề nghiệp mang tính đại diện hơn cho nước Triều Tiên xã hội chủ nghĩa – kỹ sư
và công nhân. Nhưng bất chấp những nỗ lực dàn dựng của giới chức Triều Tiên,
người xem vẫn được thấy những căn phòng lạnh lẽo, những hành lang tối tăm không
chút ánh đèn, và trên hết là những con người Triều Tiên mệt mỏi, bất lực dưới
ánh Mặt Trời và hai bức tượng của lãnh tụ Kim Nhật Thành và Kim Jong-il.
Thật tình cờ là đạo diễn của
“Under the Sun” Vitaly Mansky sinh đúng vào năm Fidel Castro thăm Liên Xô - năm
1963. Trải qua những năm tháng sống trong lớp màn tuyên truyền màu hồng của
Liên Xô, Mansky quyết tâm làm một bộ phim miêu tả chân thực cuộc sống, xã hội,
và nhất là con người tại đất nước bí ẩn nhất thế giới bằng cách bỏ ra hẳn hai
năm ròng rã để xin chính quyền Bắc Triều Tiên cho phép ông tới Bình Nhưỡng để
quay lại cuộc sống của em học sinh Lee Zin-mi. Được giới chức Triều Tiên bật
đèn xanh, nhưng Mansky và đoàn làm phim của ông phải tuân thủ theo những điều
kiện kiểm duyệt ngặt nghèo như chỉ quay theo “kịch bản”, nhân vật và bối cảnh
được duyệt trước, đồng thời mọi thước phim đã quay đều phải được phía Triều
Tiên kiểm tra và biên tập cắt bỏ nếu cần thiết. Nhưng với lòng dũng cảm của những
người làm nghệ thuật chân chính, cộng thêm các thủ thuật nghề nghiệp như bấm
máy quay khi các “đạo diễn” người Triều Tiên lơi là kiểm soát và sử dụng thẻ nhớ
phụ để lưu lại những thước phim không bị kiểm duyệt, Vitaly Mansky đã thành
công trong việc đưa tới khán giả một hình ảnh Triều Tiên rất khác với những gì
giới chức nước này mong muốn khi mời đạo diễn người Nga tới Bình Nhưỡng. Chẳng
cần tới lời dẫn, những trường đoạn dài đằng đẵng nối tiếp nhau mô tả các “đạo
diễn” Triều Tiên bắt “diễn viên” của họ diễn đi diễn lại các động tác, lời thoại
tô hồng lãnh tụ và tinh thần Juche của “Under the Sun” là quá đủ để khán giả cảm
nhận sự dị dạng của xã hội Triều Tiên và cuộc sống tinh thần bị đè nén đến nghẹt
thở của những người dân nước này. Bộ phim chứa đựng nhiều hình ảnh đắt giá giải
thích cho phương thức tuyên truyền, nhồi nhét của giới chức Triều Tiên cho trẻ
em, từ những mẩu chuyện chất chứa đầy thù hận đối với nước Mỹ và chính phủ “bù
nhìn” Hàn Quốc mà các em phải học thuộc lòng, cho tới biểu tượng vũ khí hạt
nhân gắn trên đầu các nghệ sĩ nhí trong buổi biểu diễn-không khán giả. Xem xong
phim, chắc hẳn nhiều người sẽ phải rùng mình khi nhận ra rằng với một nền giáo
dục biến dạng một cách có hệ thống như vậy, những hình ảnh khó tin về “tình
yêu” của người Triều Tiên dành cho lãnh tụ của họ trên các chương trình thời sự
không còn quá khó tin. Với phần lớn bối cảnh được thực hiện giữa rừng bê tông
tráng lệ nhưng lạnh lẽo của thủ đô Bình Nhưỡng, “Under the Sun” tạo cho người
xem cảm giác họ đang được xem một phiên bản điện ảnh của tiểu thuyết viễn tưởng
nổi tiếng “Một chín tám tư” của nhà văn George Orwell thay vì một bộ phim tài
liệu về đất nước Triều Tiên của hiện tại.
Tuy “Under the Sun” đã rất
thành công trong việc truyền tải không khí áp bức, đè nén của Bình Nhưỡng ra thế
giới thông qua phần hình ảnh và âm nhạc đầy ấn tượng, nhưng cũng có thể thấy rằng
gọng kìm kiểm duyệt gắt gao của giới chức Triều Tiên đã khiến Vitaly Mansky
không có nhiều lựa chọn về mặt hình ảnh và nội dung cho bộ phim của ông. Sự lặp
đi lặp lại của mô-típ đạo diễn Triều Tiên can thiệp vào cảnh quay cũng khiến
khán giả dễ cảm thấy nhàm chán khi không tìm thấy nhiều cái mới trong một bộ
phim dài tới một tiếng bốn mươi phút nếu so với những gì đã được báo đài phương
Tây mô tả về Bắc Triều Tiên. Tất nhiên, không ai có thể cầm lòng trước sự vẻ
trong trẻo, ngây thơ, hay những giọt nước mắt buồn bã của Zin-mi và các bạn của
em, và hẳn nhiều người cũng đồng tình với nhận xét của Tổng thống Hàn Quốc Park
Geun-hye sau khi xem xong phim vào ngày Thiếu nhi Hàn Quốc (ngày 5 tháng 5) rằng:
“Tôi cảm thấy rằng chúng ta cần quan tâm tới trẻ em Bắc Triều Tiên – những đứa
trẻ đang phải sống không có mơ ước trong hoàn cảnh cơ cực kể cả trong ngày Thiếu
nhi này”.[2]
Tuy vậy, tương tác hết sức hạn chế giữa đoàn làm phim của Mansky và đối tượng của
bộ phim, đặc biệt là Zin-mi, cũng làm thông điệp của bộ phim thiếu đi phần nào
sức thuyết phục, bởi giới chức Triều Tiên hoàn toàn có thể lý luận rằng không
phải họ, mà chính Vitaly Mansky mới cố tình “lợi dụng” sự ngây thơ của Zin-mi
và dàn dựng bộ phim theo ý đồ chính trị của ông. Sự thật thuộc về Mansky hay
chính quyền Triều Tiên, hẳn mỗi khán giả sẽ có câu trả lời cho riêng mình,
nhưng ánh mắt vô hồn, buồn bã của người dân Bình Nhưỡng trong những bức hình
gia đình chụp kỉ niệm ngày sinh lãnh tụ của họ, hay những bậc cầu thang âm u
không chút ánh sáng vì thiếu điện, những chi tiết đó chẳng ai có thể dàn dựng
được.
Dựa vào phản ứng tích cực của
công chúng và báo giới, Vitaly Mansky có lẽ đã thành công với ý định của ông
khi bắt tay vào thực hiện “Under the Sun”. Tuy nhiên, bộ phim càng thành công
thì chắc chắn khe cửa của bộ máy kiểm duyệt Hàn Quốc dành cho các nhà làm phim
trong tương lai sẽ càng hẹp lại bấy nhiêu. Bởi vậy, những thước phim của “Under
the Sun” càng đáng được trân trọng, bởi chẳng thể biết được đến khi nào khán giả
mới lại được xem những hình ảnh chân thực đến vậy về đất nước, con người Triều
Tiên, và quan trọng hơn, chẳng ai có thể chắc chắn rằng sự ngây thơ của Zin-mi
và những cô bé, cậu bé đồng lứa của em sẽ còn tồn tại được bao lâu trong cái
không khí ngột ngạt, biến thái “dưới ánh Mặt Trời Juche”.
===
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire