some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

lundi 6 juin 2016

Ali (2001)




Michael Mann là một trong những đạo diễn nổi bật nhất của dòng phim hành động tại Hollywood với các tác phẩm gây tiếng vang lớn như Người Mohican cuối cùng (The Last of the Mohicans, 1992) hay Heat (1995). Năm 2001, lần đầu tiên Mann thử sức với thể loại phim tiểu sử với Ali, tác phẩm nói về cuộc đời của huyền thoại vĩ đại nhất trong lịch sử môn quyền Anh – Muhammad Ali. Tên tuổi của Mann, tầm vóc của Muhammad Ali, thêm vào đó là việc ngôi sao hành động hàng đầu của Hollywood Will Smith được tin tưởng giao vai diễn trung tâm của bộ phim, tất cả đã biến Ali trở thành một trong những món quà Giáng Sinh được mong đợi nhất khi tác phẩm được công chiếu vào đúng ngày 25 tháng 12 năm 2001.


Với Ali, đạo diễn Michael Mann tập trung khắc họa 10 năm đầu sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp của Muhammad Ali giai đoạn 1964-1974. Đây cũng là giai đoạn đáng nhớ nhất trong cuộc đời của huyền thoại quyền Anh, từ khi ông mới chỉ là tay đấm nghiệp dư Cassius Clay, Jr. muốn giành ngôi vô địch hạng nặng thế giới từ tay võ sĩ “bất khả chiến bại” thời điểm đó là Sonny Liston (Michael Bentt) cho tới “Cuộc đấu trong rừng rậm” (“The Rumble in the Jungle”) – trận đấu có lẽ là đáng nhớ nhất trong sự nghiệp của Ali với một huyền thoại quyền Anh khác là George Foreman (Charles Shufford) tại Kinshasa, Zaire năm 1974. Xen giữa hai cuộc đấu đáng nhớ đó, Ali còn đưa tới khán giả rất nhiều sự kiện quan trọng khác trong cuộc đời người võ sĩ vĩ đại, từ việc ông cải đạo sang Đạo Hồi và lấy tên Muhammad Ali, tới giai đoạn ông bị cấm thi đấu, thậm chí là đứng trước nguy cơ phải vào tù vì Ali đã dám đứng lên chống lại lệnh gọi nhập ngũ của Chính phủ Mỹ vì ông tuyên bố mình không muốn tham gia vào những hành động bạo lực vô nghĩa của Hoa Kỳ trong Chiến tranh Việt Nam khi mà bất công, phân biệt chủng tộc vẫn còn đầy rẫy ngay trên chính mảnh đất quê hương của ông. Giai đoạn 1964-1974 cũng đánh dấu những năm sôi động nhất của phong trào đấu tranh đòi bình đẳng xã hội cho người da màu tại Hoa Kỳ. Người xem phần nào cũng có thể cảm nhận thấy không khí của những năm tháng nóng bỏng đó qua những thước phim của Ali khắc họa các sự kiện quan trọng trong lịch sử nước Mỹ thời điểm này như vụ ám sát hai lãnh tụ hàng đầu của cộng đồng da màu là Malcolm X (Mario Van Peebles) và Martin Luther King, Jr. (LeVar Burton), hay vai trò của chính Muhammad Ali trong cộng đồng người da màu theo Đạo Hồi ở Hoa Kỳ “Nation of Islam”. Tuy nhiên phần lớn thời lượng hai tiếng rưỡi của bộ phim được dành để khắc họa những suy nghĩ, tâm tư của Ali trong những năm thăng trầm này, cũng như cá tính và tình cảm nồng nhiệt mà ông dành cho người hâm mộ và những người thân thiết.


Tuy được coi là cái tên hút khách hàng đầu Hollywood những năm đầu thập niên 2000 nhưng việc Will Smith được lựa chọn vào vai Muhammad Ali có lẽ đã khiến không ít người lo ngại bởi anh có khuôn mặt rất khác Ali và dáng vóc rắn rỏi nhưng có phần mảnh khảnh của Smith cũng không thực sự phù hợp cho việc thủ vai một tay đấm quyền anh hạng nặng. Tuy nhiên những nỗ lực tăng cân và tập luyện của Will Smith đã giúp anh phần nào gợi nhớ được tới hình ảnh của Muhammad Ali trong những năm tháng đỉnh cao. Đặc biệt trong những phân đoạn mô tả các trận đấu lịch sử của Ali, Will Smith đã thực sự giúp người xem cảm nhận được phong cách thi đấu rất riêng của Muhammad Ali “Lướt nhanh như bướm lượn, đấm mạnh như ong đốt” (“Float like a butterfly, sting like a bee”). Tuy nhiên, với một kịch bản phim tương đối dàn trải và thiếu điểm nhấn, Will Smith đã không thực sự thể hiện được cá tính ấn tượng bên trong và bên ngoài sàn đấu của Muhammad Ali. Bởi vậy mà tuy phần thoại của Smith tràn đầy những câu nói bất hủ của Ali nhưng người xem khó lòng cảm nhận được sức hút của hình tượng Muhammad Ali qua diễn xuất chưa đủ nhiệt của Will Smith.


Cũng rơi vào tình trạng chỉ thành công một nửa như diễn xuất của Will Smith là phần kịch bản và biên tập của phim. Là một bộ phim dày đặc sự kiện, Ali đã đưa tới cho người xem hầu như toàn bộ những sự kiện và gương mặt quan trọng nhất đối với Muhammad Ali trong quãng đời mười năm của ông từ 1964 tới 1974. Từ các cuộc đấu bốc tới tay đấm kì phùng địch thủ Joe Frazier (James Toney), từ những mối tình liên tiếp của Ali với ba đời vợ của ông là Sonji (Jada Pinkett Smith, vợ ngoài đời thực của Will Smith tại thời điểm quay bộ phim), Belinda (Nona Gaye), và Veronica (Michael Michele) tới mối quan hệ nửa công việc, nửa bạn bè của huyền thoại quyền Anh với nhà báo thể thao Howard Cosell (Jon Voight), tất cả đều được khắc họa đầy đủ và rõ ràng trong Ali. Tuy nhiên chính việc chăm chút tới từng chi tiết trong cuộc đời nhiều sự kiện của Muhammad Ali đã khiến bộ phim thiếu đi điểm nhấn cần thiết cho chính nhân vật trung tâm của phim, bởi vậy mà dù đã rất cố gắng nhưng Will Smith đã không thể thực sự làm thỏa mãn người xem về một hình ảnh chân thực và sống động nhất có thể của tay đấm vĩ đại nhất mọi thời đại. Truyện phim dàn trải, thiếu tính kết nối của Ali cũng khiến nhịp phim bị đứt đoạn và không tạo được âm hưởng cần thiết về mặt cảm xúc cho khán giả. Ngay cả điểm sáng của phim – những trường đoạn mô tả các trận đấm bốc đáng nhớ của Muhammad Ali qua phần quay phim xuất sắc của Emmanuel Lubezki cũng không thực sự đem lại cảm giác thỏa mãn cho khán giả khi mà các đối thủ của Ali, vốn cũng là những cái tên vô cùng đáng nhớ của làng quyền Anh như Frazier hay Foreman, bị khắc họa hết sức mờ nhạt tới mức làm giảm đi phần nào giá trị của những cuộc đấu lịch sử này.


Là một bộ phim mang theo nhiều hy vọng của người hâm mộ điện ảnh và thể thao, Ali đã không thực sự thành công trong việc đem lại cho người xem một cái nhìn toàn diện, sâu sắc nhất có thể về Muhammad Ali, một trong những tên tuổi vĩ đại nhất trong lịch sử thể thao Hoa Kỳ. Tuy nhiên, những nỗ lực của đạo diễn Michael Mann và diễn viên Will Smith ít nhất cũng đã đem lại cho những khán giả trẻ, những người vốn đã quá quen với việc thương mại hóa triệt để môn quyền Anh, một cái nhìn khác về giá trị chân thực của môn thể thao này, đó là tinh thần cao thượng, nỗ lực hết mình trên sàn đấu và tư tưởng dấn thân, dám đấu tranh chống lại bất công xã hội bên ngoài sàn đấu. Đại diện cho giá trị chân thực ấy của quyền Anh, không ai khác chính là Muhammad Ali, người đã dám sống và chiến đấu hết mình cho những lý tưởng sống của ông.





=======

Bản đã được biên tập trên Zing.

2 commentaires:

  1. Woa thì ra anh có viết blog lại nè mấy lần trước em hay vào nhưng không thấy gì huhu

    RépondreSupprimer
  2. Cảm ơn em đã quan tâm, anh cũng bận nên ít có thời gian xem và viết lắm, đây là những bài anh viết đã đăng trên Zing, nên giờ đăng lại lên blog thôi :).

    RépondreSupprimer