some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

mercredi 24 février 2016

Joy (2015)



Trên các kênh truyền hình tiếp thị của Hoa Kỳ, mái tóc vàng óc, nụ cười thường trực và các sản phẩm cực kì sáng tạo và tiện dụng đã biến Joy Mangano trở thành cái tên thân thuộc với nhiều bà nội trợ Mỹ. Nhưng ít ai biết rằng để có được thành công ấy, bà mẹ đơn thân Joy đã phải trải qua rất nhiều thất bại, rất nhiều khó khăn để có thể đem những sáng chế thiết thực của mình tới công chúng. Chuỗi ngày khởi nghiệp vất vả của Joy Mangano chính là nội dung của bộ phim tiểu sử Joy – tác phẩm mới nhất của đạo diễn David O. Russell. 


Joy (Jennifer Lawrence) là một cô gái thông minh, mạnh mẽ với giấc mơ từ thủa bé về những sáng chế tiện ích cho cuộc sống hàng ngày. Nhưng những mơ ước ấy của Joy dần trở nên nhạt nhòa giữa lo toan cuộc sống của một bà mẹ đơn thân với hai đứa con nhỏ. Không chỉ nặng gánh con cái, Joy còn phải chăm lo cho bà mẹ nhạy cảm suốt ngày làm bạn với các bộ phim truyền hình nhạt nhẽo (Virginia Madsen), ông bố vô tâm chỉ lo kiếm tìm hạnh phúc riêng cho bản thân (Robert De Niro), và thậm chí là cả ông chồng nghệ sĩ đã ly dị vài năm nhưng vẫn nhất quyết bám trụ ở nhà vợ cũ (Edgar Ramirez). Nhưng rồi với sự động viên của bà ngoại (Diane Ladd) và nhất là với ngọn lửa đam mê chưa bao giờ tắt, Joy đã quyết tâm đổi đời với sáng chế tâm huyết của cô – chiếc chổi lau tiện ích. Tất nhiên con đường đến với thành công trong kinh doanh chẳng bao giờ là dễ dàng, đợi chờ Joy trên con đường ấy là sự khó tính của người tiêu dùng, là vô số cạm bẫy của các đối tác, và cả sự vô cảm của những người vốn chưa bao giờ thực sự tin một “bà mẹ nội trợ” như Joy có thể trở thành một doanh nhân thành đạt. Không có kinh nghiệm thương trường, lại chẳng có được nguồn vốn khởi nghiệp dồi dào, Joy chỉ có thể tiến lên phía trước với hành trang là niềm tin, trí sáng tạo, và sự động viên của những người yêu quý. 


Cũng giống như các bộ phim gần đây của David O. Russell, diễn viên trung tâm của Joy là nàng thơ của đạo diễn – Jennifer Lawrence. Nếu so với Tiffany Maxwell trong Silver Linings Playbook (2012) – vai diễn đem lại cho Lawrence giải Oscar đầu tiên, thì Joy Mangano chưa hẳn đã là một thử thách mới cho ngôi sao hàng đầu Hollywood này bởi nhân vật Joy được xây dựng với tính cách tương đối đơn giản, dễ dàng khám phá và cảm nhận. Lớn lên với ước mơ sáng tạo, Joy luôn bị số phận và những người xung quanh dồn vào đường cùng để rồi phải tự thân chiến đấu tìm lấy cho mình một lối thoát. Xuyên suốt bộ phim, Joy luôn ở một trong hai thái cực – hoặc vị tha, cam chịu sống hết mình vì mọi người, hoặc kiên quyết, làm mọi thứ để hiện thực hóa giấc mơ cá nhân. Tuy thiếu đi những giờ phút suy tư, chông chênh với các lựa chọn, nhưng hai thái cực tình cảm kể trên đã được Jennifer Lawrence thể hiện một cách trọn vẹn tới mức khiến khán giả phải kinh ngạc trước đức tính nhẫn nhịn của Joy trong mọi tình huống để rồi nhận ra rằng, không, ẩn sau lớp vỏ nhũn nhặn ấy là một Joy thủ lĩnh, một Joy quyết liệt giành lấy những cơ hội mà cô xứng đáng có được. Thành công của Lawrence trong bộ phim này đã một lần nữa chứng minh cho vị thế hàng đầu cả về tài năng và sắc đẹp của cô trong làng diễn viên Hollywood hiện nay, đồng thời khẳng định rằng 2015 quả thực là một năm của các vai diễn nữ xuất sắc với Jennifer Lawrence trong Joy, Cate Blanchett và Rooney Mara trong Carol, Saoirse Ronan trong “Brooklyn”, và rất nhiều các nhân vật và bộ phim khác. 


David O. Russell vốn nổi tiếng là đạo diễn thượng hạng trong việc lựa chọn diễn viên và xây dựng hình tượng nhân vật trong phim. Tuy nhiên với Joy, có cảm giác mọi ưu ái của ông được đổ dồn cho vai diễn của Jennifer Lawrence, khiến các nhân vật phụ xung quanh cô trở nên mờ nhạt, thiếu sức sống. Còn đó vẫn là dàn diễn viên tên tuổi với Bradley Cooper, một cái tên quen thuộc khác trong các tác phẩm của Russell, với vai Neil Walker – người đã đưa Joy đến với sức mạnh của truyền hình, hay các ngôi sao điện ảnh gạo cội như Robert De Niro và Isabella Rossellini trong vai Rudy Mangano, ông bố vô tâm của Joy, và người tình của ông ta Trudy. Tuy nhiên việc thiếu đất diễn, thiếu những nét duyên dáng, đáng nhớ riêng đã khiến các nhân vật này khó lòng để lại dấu ấn ngoại trừ việc làm nền để Joy của Jennifer Lawrence tỏa sáng. Nếu các tuyến nhân vật phụ này được phát triển dày dặn hơn, chắc chắn chất hài hước thâm thúy theo kiểu “dark comedy” (dòng phim hài với bối cảnh tăm tối và chú trọng tính phản diện của các nhân vật) của Joy sẽ nổi rõ và giúp khán giả dễ dàng cảm nhận hơn. 


Tuy là một đạo diễn chú trọng nội cảnh và tương tác giữa các nhân vật nhưng phần bối cảnh và nhạc phim trong các tác phẩm của David O. Russell đều mang đậm hơi thở của đô thị nước Mỹ đương đại. Đó là hình ảnh của Massachusetts trong The Fighter (2010), của Pennsylvania trong Silver Linings Playbook, hay New Jersey trong American Hustle (2013). Khác với nước Mỹ thường thấy trên phim Hollywood với các tòa nhà chọc trời hào nhoáng hay những thảo nguyên mênh mông hút tầm mắt, nước Mỹ trong phim của Russell bụi bặm hơn, góc cạnh hơn, nhưng lại rất giàu sức sống với tính cách đa dạng. Cái chất hiện thực nước Mỹ mang đầy tính biểu tượng ấy tiếp tục xuất hiện trong Joy. Từ sự tương phản rõ rệt giữa những ngày Đông u ám dài đằng đẵng ở New York với ánh nắng chói chang rực rỡ của xứ Texas miền Nam, người xem có thể dễ dàng liên tưởng tới sự đối lập giữa cuộc sống tù túng ngột ngạt của bà mẹ đơn thân Joy với khả năng sáng tạo và lòng quyết tâm không giới hạn của nữ doanh nhân Joy Mangano. 


Nhược điểm lớn nhất của Joy có lẽ nằm ở kịch bản khá vụn của bộ phim, vốn cũng do chính đạo diễn David O. Russell chắp bút. Về cơ bản, Joy là một bộ phim nhiều chất bi nhưng được thuật lại bằng giọng kể hài hước với nhân vật trung tâm do Jennifer Lawrence đảm nhận tương tự như các bộ phim trước đó của Russell là Silver Linings PlaybookAmerican Hustle. Tuy nhiên, khác với hai bộ phim đã đem lại cho Russell rất nhiều lời ca ngợi và các đề cử, giải thưởng điện ảnh, Joy thiếu đi một kịch bản chắc tay với rất nhiều chi tiết thiếu hợp lý mà khán giả có thể dễ dàng nhận ra xuyên suốt bộ phim. Đặc biệt, để giải quyết các tình huống khó cho nhân vật trong phim, kịch bản Joy sử dụng khá nhiều các giải pháp tình cờ và bất ngờ theo kiểu “trên trời rơi xuống”. Tuy đây là thủ pháp thường được các bộ phim hài sử dụng thành công như trong các tác phẩm của anh em đạo diễn nhà Coen, nhưng việc lạm dụng các “deux ex machina” (thuật ngữ gốc Latin trong tiếng Anh dùng để chỉ những giải pháp bất ngờ trong truyện, phim để giải quyết các tình huống tưởng chừng tuyệt vọng) như vậy chỉ càng làm nổi bật hơn các chi tiết bất hợp lý trong phim và vì thế làm khán giả đứt mạch cảm xúc có được khi dõi theo số phận của Joy Mangano. Tương tự như vậy, tuy chỉ có một tuyến chuyện kể duy nhất về con đường gập ghềnh đến với thành công của Joy Mangano với không nhiều bất ngờ nhưng mạch phim cũng có cảm giác đứt đoạn vì thiếu sự kết nối hợp lý giữa các cảnh phim. Những thiếu sót này của bộ phim đã khiến “Joy”, tuy có rất nhiều điểm chung với Silver Linings PlaybookAmerican Hustle về phong cách và dàn diễn viên ăn ý nhưng lại thiếu chiều sâu cảm xúc đủ để thu hút tâm trí khán giả. Để bù lại, Joy có nhịp phim nhanh, phong cách quay mạnh mẽ, biên tập chuyển cảnh dứt khoát, tạo cho người xem cảm giác sảng khoái như khi xem một bộ phim hành động-hài tiết tấu cao mà ở đó súng ống được Joy Mangano thay thế bằng chiếc chổi lau tiện ích của cô. 

Joy Mangano nổi danh ở nước Mỹ nhờ các sản phẩm không quá cầu kỳ, chi tiết nhưng đơn giản, đầy tiện ích với thiết kế nhẹ nhõm, thuận tiện cho các bà nội trợ. Joy của đạo diễn David O. Russell cũng không hẳn là một tác phẩm điện ảnh phức tạp với kịch bản biến ảo, nhưng hình ảnh vô cùng tích cực của Joy trong phim qua sự thể hiện tuyệt vời của Jennifer Lawrence chắc chắn sẽ tặng cho khán giả một thông điệp sống hứng khởi về ý nghĩa của việc dám mơ ước, và dám chiến đấu đến cùng để hiện thực hóa mơ ước ấy.



=====
Bản đã được biên tập trên Zing.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire