Từng có một thời Đức cha Ernst Toller (Ethan Hawke) tin vào Chúa trời và quân đội. Đó là khi Cha tuyên uý Toller phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ để truyền đức tin mãnh liệt của ông đến với binh sĩ Mỹ. Một trong những người lính được thụ hưởng những lời răn dạy về Chúa trời, về Đức tin của Cha Toller như thế chính là con trai của ông – người đã vâng theo lời khuyến khích của chính cha mình tham chiến tại Iraq, để rồi phải bỏ mạng ở nơi đất khách quê người vì cuộc chiến vô nghĩa ấy.
Cái chết của con trai khiến Đức cha Ernst Toller mất hoàn toàn niềm tin vào quân đội, vào gia đình, vào chính bản thân mình. Xuất ngũ, ly dị vợ, cha Toller chỉ còn nơi nương tựa duy nhất đó là sự che chở của Chúa trời tại ngôi nhà thờ nhỏ First Reformed ở thị trấn nhỏ lạnh lẽo Snowbridge. First Reformed được xếp vào hàng địa danh lịch sử của bang New York với tuổi đời lên tới 250 năm, nhưng có nhiệt thành đến mấy với những bài giảng thì Đức cha Ernst Toller cũng chẳng thể thu hút được nhiều người đến dự lễ trong căn nhà thờ gỗ ọp ẹp hẻo lánh nhất là trong thời buổi những Đại giáo đoàn như Abundant Life đã dành lấy hầu hết những người theo đạo nhờ cơ sở vật chất hiện đại, tiện nghi, những bài giảng hợp thời, và những nốt thánh ca trầm bổng qua giọng hát của ca đoàn trẻ trung, nhiệt huyết. Dù vậy thì cha Toller vẫn chẳng bận lòng. Bởi dù có phải hàng ngày làm hướng dẫn viên “bất đắc dĩ” cho những người khách đến thăm First Reformed, hay phải lặn lội vào tận trung tâm thành phố để làm “công tác ngoại giao” với Mục sư Jeffers (Cedric Kyles) thì cha Toller vẫn sẵn lòng để First Reformed tiếp tục là chỗ nương náu cho những tâm hồn còn vững niềm tin vào Chúa trời.
Nhưng đến chính niềm tin tưởng chừng chẳng gì lay chuyển của Đức cha Ernst Toller cũng gặp phải thử thách khi Mary (Amanda Seyfried) - một trong số những con chiên ít ỏi còn trung thành với First Reformed nhờ ông thuyết phục chồng cô là Michael (Philip Ettinger) từ bỏ ý định thúc giục Mary đi phá cái thai đầu lòng của hai người. Là một nhà hoạt động môi trường cực đoan từng phải ngồi tù vì chống phá quyết liệt các hành động được coi là phá hoại môi trường của chính phủ và các tập đoàn lớn, Michael không muốn đứa con Mary đang mang trong bụng ra đời đơn giản vì không muốn đẩy đứa bé vào một xã hội đang tiến dần đến bờ vực diệt vong vì biến đổi khí hậu, vì một môi trường đã bị phá hoại tới mức không thể cứu vãn được. Thoạt nghe qua thì triết lý cực đoan tưởng chừng đơn giản, ngây thơ, và chứng tỏ một cuộc đời còn thiếu trải nghiệm của Michael rõ ràng chẳng thể tác động tới tâm trạng, suy nghĩ, và lòng tin vào Chúa trời của một người đã từng đối mặt với nhiều thử thách, đớn đau trong cuộc sống như cha Toller. Nhưng những sự kiện diễn ra sau cuộc gặp định mệnh giữa cha Toller và vợ chồng Mary – Michael hoá ra lại đánh dấu một bước ngoặt lớn lao cho cuộc sống một màu buồn tẻ của vị giáo sĩ.
First Reformed là tác phẩm mới nhất của đạo diễn kiêm nhà biên kịch Paul Schrader. Với những khán giả trẻ thì cái tên Paul Schrader có lẽ không để lại nhiều ấn tượng khi đã từ lâu ông chỉ giới thiệu đến với người xem những tác phẩm kinh phí thấp với nội dung ở mức nhàng nhàng như The Canyons (2013) – bộ phim vốn được nhớ tới nhiều hơn với sự xuất hiện của ngôi sao thất thế Lindsay Lohan hay Dog Eat Dog (2016) - bộ phim do một ngôi sao hết thời khác là Nicolas Cage thủ vai chính. Nhưng với những người yêu điện ảnh của thập niên 1970, thập niên 1980 thì chắc chắn không ai có thể quên những kịch bản Paul Schrader đã viết cho đạo diễn Martin Scorsese như Taxi Driver (1976), Raging Bull (1980), hay The Last Temptation of Christ (1988). Không chỉ dừng lại ở đó, trong số những cái tên nổi bật của thế hệ New Hollywood – thế hệ đã vực dậy sức sáng tạo của nền điện ảnh Mỹ trong thập niên 1970 thì Paul Schrader còn được nhớ tới bởi những bài phê bình, phân tích phim sắc sảo, và đặc biệt là những bài viết giới thiệu các nhà làm phim quốc tế như Robert Bresson hay Yasujiro Ozu đến với những người làm điện ảnh và công chúng yêu phim Hoa Kỳ. Chính bởi vậy mà dù đã lâu không có tác phẩm nào đáng chú ý, nhưng người ta vẫn chờ đợi cơ hội được thấy lại tinh thần phản kháng vị nhân sinh mà Paul Schrader đã từng thổi vào những tác phẩm đáng nhớ của Hollywood như Taxi Driver hay The Last Temptation of Christ.
Thời khắc ấy cuối cùng cũng đã tới với First Reformed – một tác phẩm mang trong mình dòng màu phản kháng của anh chàng tài xế taxi Travis Bickle – nhân vật chính của Taxi Driver nhưng được đặt trong bối cảnh xã hội nước Mỹ hiện đại – nơi những lo âu về di chứng của chiến tranh, về bất bình đẳng giàu nghèo những năm cuối thập niên 1960, đầu thập niên 1970 đã được thay thế bởi những mâu thuẫn và băn khoăn không thể giải đáp về những di chứng nặng nề của chủ nghĩa vật chất trong xã hội tư bản lên môi trường, lên đức tin tôn giáo, lên giá trị sống của mỗi con người. Cũng như anh chàng cựu binh Travis Bickle của Taxi Driver cô độc cùng cực tới mức phải lấy tấm gương phản chiếu để làm người bạn đồng hành, người cựu binh Ernst Toller của First Reformed cũng là một cá nhân lẻ loi chỉ biết chia sẻ suy tư với những trang nhật ký trong căn phòng tối tăm và những chai rượu uống dở. Và cũng như Travis Bickle đột nhiên thức tỉnh trước một xã hội đang dần mục nát vì tham nhũng, vì bất bình đẳng sau khi được chạm trán cô bé mại dâm vị thành niên Iris, ngọn lửa ham sống, tinh thần tự vấn trước những vấn đề nan giải của nước Mỹ hiện đại cũng chỉ được nhen nhóm trong lòng Đức cha Toller bởi người phụ nữ trẻ tuổi rụt rè nhưng đầy sức sống Mary. Nhưng khác với sự bạo liệt của Travis Bickle để lập tức phản kháng lại sự đè nén của các thế lực đen tối trong xã hội, người đàn ông trung niên Ernst Toller dường như cần nhiều thời gian hơn để dọn quang những bụi rậm băn khoăn trong tâm hồn chất chứa nhiều suy nghĩ, uẩn ức của ông trước khi tìm thấy con đường đi đích thực cho những tháng ngày còn lại của cuộc đời. Bởi vậy mà tuy có cấu trúc khá giống với Taxi Driver với nhiều mô-típ tương tự được trải đều từ đầu đến cuối phim, nhưng First Reformed lại tạo cho khán giả một cảm giác suy tư, nặng nề hơn hẳn nếu so với nhịp phim gấp gáp, đầy sức sống của Taxi Driver. Đã 41 năm kể từ ngày Taxi Driver ra mắt khán giả, có lẽ 41 năm ấy trải nghiệm cuộc đời, 41 năm thăng trầm ấy đã khiến cho Paul Schrader có một First Reformed vẫn phản kháng, vẫn lo âu, nhưng đã trầm ngâm, và bi quan hơn nhiều khi so với Taxi Driver. Dù vậy thì cách thức First Reformed phản ánh hiện thực và những mâu thuẫn của xã hội hiện đại vẫn là một đóng góp lớn của Paul Schrader cho điện ảnh Hollywood thời điểm hiện tại, bởi khán giả vẫn cần tới những bộ phim như thế để nhắc nhở cho họ về những khó khăn chúng ta đang đối mặt, những bài toán hóc búa về môi trường, về mặt trái của chủ nghĩa tư bản mà chúng ta vẫn cần phải tìm lời giải.
Nếu như tiếng vang của Taxi Driver không chỉ đến từ một kịch bản mang đầy hơi thở cuộc sống mà còn đến từ diễn xuất đã đi vào huyền thoại của Robert De Niro trong vai Travis Bickle, thì Paul Schrader có lẽ cũng đã hài lòng với lựa chọn Ethan Hawke cho vai Đức cha Ernst Toller của First Reformed. De Niro bùng nổ, ngạo nghễ bao nhiêu trong Taxi Driver thì Ethan Hawke lại lặng lẽ, trầm mình bấy nhiêu trước số phận cô đơn, trước một xã hội hiện đại đang bắt đầu có những dấu hiệu suy tàn. Xem Ethan Hawke diễn xuất, người xem luôn có cảm giác bất an trước một tâm hồn cô độc đang dần mất đi chỗ bám víu cuối cùng là đức tin vào Chúa trời nhưng cũng lại đang dần tìm thấy trong đêm tối cuộc đời sợi dây yêu sống. Có lẽ sẽ là hơi quá lời khi nói rằng Travis Bickle của Robert De Niro là hình ảnh phản kháng của Paul Schrader những năm trai trẻ, còn Ernst Toller của Ethan Hawke là tâm hồn buồn bã, nặng gánh suy tư của Paul Schrader trong buổi xế chiều của cuộc đời. Nhưng quả thực với những người yêu điện ảnh – những người đã dõi theo từng bước đường sự nghiệp của Paul Schrader, thì sự tương phản giữa hai vai diễn hết sức xuất sắc nhưng cách nhau tới hơn bốn thập niên của De Niro và Hawk hẳn đã đem lại nhiều cảm xúc, suy tư về bộ mặt đổi thay của xã hội, về cách tư duy vốn đã không còn như xưa của con người hiện đại.
Taxi Driver dù đầy bạo lực, dù đầy những hình ảnh tăm tối của nước Mỹ nhưng cuối cùng lại khơi dậy trong lòng khán giả sự tin tưởng nhất định vào những tâm hồn Mỹ mạnh mẽ có khả năng thay đổi xã hội theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Ngược lại, First Reformed tuy thanh bình, nhẹ nhàng nhưng lại ẩn chứa nhiều suy nghĩ bi quan về đà tụt dốc không gì có thể cứu vãn của xã hội hiện đại trước những tổn hại nặng nề về môi trường, về giá trị niềm tin. Trong bối cảnh một nước Mỹ đang bị chia rẽ hơn bao giờ hết về mặt chính trị và về quan điểm đối với vấn đề biến đổi khí hậu, chúng ta có lẽ cũng có thể hiểu được phần nào sự khác biệt về thế giới quan, về nhân sinh quan của Paul Schrader muốn truyền tải tới khán giả sau hơn bốn thập niên kể từ Taxi Driver. Nhưng chúng ta cũng đừng quên rằng dù đối diện với cuộc khủng hoảng niềm tin và sức khoẻ tưởng chừng không bao giờ có hồi kết, nhưng Đức cha Ernst Toller vẫn luôn suy tư, vẫn luôn tìm kiếm để gắng lấy lại ý nghĩa cho cuộc đời, gắng làm được điều gì đó vì một xã hội tốt đẹp hơn. Đó có lẽ cũng là thông điệp nhà làm phim đã ở vào buổi xế chiều của sự nghiệp Paul Schrader muốn truyền tải tới người xem – dù bất lực, dù bi quan, nhưng nếu muốn tìm thấy lại ý nghĩa của cuộc sống, muốn không trở nên cô đơn đến cùng cực giữa dòng đời thì cách duy nhất là chúng ta phải tự cải cách bản thân, tự dò đường để nhận ra những bất công, những vấn đề nan giải của cuộc sống để rồi từ đó tìm thấy lẽ sống cho riêng mình.
======
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire