Một review cũ viết lại nhân đạo diễn Bernardo Bertolucci vừa qua đời.
Luôn được coi là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về nghệ thuật thứ bảy, nước Ý là cái nôi sản sinh ra nhiều đạo diễn danh tiếng như Federico Fellini, Michelangelo Antonioni, Roberto Rossellini, hay Vittorio De Sica. Các bộ phim Ý đã giành tới 14 giải Oscar cho phim nói tiếng nước ngoài hay nhất, rất nhiều các nghệ sĩ của Ý cũng đã thành danh tại Hollywood và quốc tế như đạo diễn Sergio Leone, nữ diễn viên Sophia Loren, hay nhà soạn nhạc Ennio Morricone. Nhưng tính cho tới năm 2018, chỉ có duy nhất một đạo diễn người Ý từng giành giải Oscar cho đạo diễn xuất sắc nhất - Bernardo Bertolucci với bộ phim Hoàng đế cuối cùng (The Last Emperor, 1987). Cũng là bộ phim duy nhất do Ý đầu tư từng giành giải Oscar cho phim hay nhất, Hoàng đế cuối cùng là khúc ca bi tráng về cuộc đời đầy biến động của Phổ Nghi – hoàng đế cuối cùng trong lịch sử Trung Quốc. Bên cạnh Hoàng đế cuối cùng, Bernardo Bertolucci còn có rất nhiều tác phẩm đáng nhớ trong sự nghiệp kéo dài hơn nửa thế kỷ của ông như Il conformista (1970), Last Tango in Paris (1972), hay 1900 (1976). Nhưng trong suốt gần hai thập niên cuối cùng trước khi qua đời vì bệnh ung thư phổi vào ngày 26 tháng 11 năm 2018 vừa qua, Bertolucci chỉ đem đến cho công chúng ba phim điện ảnh dài – Besieged (1998), The Dreamers (2003), và Me and You (2012). Trong số này thì có lẽ chỉ duy có The Dreamers là thực sự gây được nhiều tiếng vang vì những dấu ấn nghệ thuật đặc trưng cho vị đạo diễn người Ý ở buổi chiều tà của sự nghiệp.
The Dreamers (Những kẻ mộng mơ) là câu truyện tuổi mới lớn của hai anh em sinh đôi người Paris Isabelle (Eva Green), Théo (Louis Garrel) và Matthew (Michael Pitt), một thanh niên gốc California. Bộ ba Isabelle, Théo, và Matthew làm quen với nhau trong những ngày tháng Paris rực lửa vì hoạt động chống chính quyền của học sinh, sinh viên Pháp tham gia phong trào tháng Năm năm 1968. Vốn chẳng hào hứng với chính trị hay cách mạng, bộ ba tìm cách chạy trốn thực tại hỗn loạn bên ngoài bằng việc ẩn mình trong căn nhà của bố mẹ Théo, Isabelle để cùng nhau chìm đắm trong những suy nghĩ xa vời về triết học, âm nhạc, điện ảnh. Được sống giữa cái nôi văn hoá của thế giới, vừa đủ lớn để phần nào nắm được tinh thần tự do, giải phóng trong những tuyệt phẩm văn học, nghệ thuật vốn đang nở rộ trong thập niên 1960, và cũng vẫn đủ trẻ để chưa bị vướng bận bởi những suy nghĩ thực dụng về tiền bạc, về chính trị, Isabelle, Théo, và đặc biệt là Matthew đã có những ngày tháng đẹp đẽ nhất trong cuộc đời để khám phá bản thân, và cũng để nhận ra rằng rồi một ngày gần đây thôi, “những kẻ mộng mơ” cũng sẽ phải đối diện với sự thật khắc nghiệt để sống một cách thực sự thay vì chỉ dừng lại ở những giấc mơ nghệ thuật dang dở.
The Dreamers là một phim hiếm hoi đề cập đến thế hệ trẻ của Pháp trong giai đoạn “Mai 68” (tháng Năm năm 1968). Đây là một giai đoạn lịch sử đặc biệt của nước Pháp khi mà xung đột về ý thức hệ giữa lớp sinh viên cánh tả và giới cầm quyền, đứng đầu là Charles De Gaulle – anh hùng nước Pháp trong Chiến tranh thế giới thứ hai nhưng lại là chính trị gia mang quan điểm thiên hữu, lên đến cực điểm. Vốn là một dân tộc có dòng máu cách mạnh chảy trong huyết quản, lại sống trong một đất nước lấy Tự do (liberté) làm phương châm sống đầu tiên, người Pháp, nhất là sinh viên Pháp luôn sẵn sàng đứng lên chống đối bất cứ chính sách nào của chính phủ bị họ coi là sai trái. Cộng thêm những ảnh hưởng của Cách mạng Văn hóa Trung Quốc và phong trào phản chiến chống Chiến tranh Việt Nam, phong trào biểu tình của sinh viên và thanh niên Pháp lên cao vào năm 1968 mà đỉnh điểm là tháng Năm – Mai 68. Nhưng cũng như nhiều cuộc “cách mạng nông nổi” khác, các cuộc biểu tình này cũng chẳng đi đến đâu, nước Pháp vẫn vậy, người dân Pháp vẫn vậy, chỉ có Đại học Paris (Université de Paris) bị giới cầm quyền Pháp chia nhỏ thành nhiều đại học nhỏ (nay là 13 đại học đánh số từ 1 đến 13) vì sợ sinh viên sẽ lại xách động một lần nữa.
Mặc dù giành tới hai giải thưởng Oscar cho The Last Emperor (cho hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất và Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất) vào năm 1988, nhưng tuổi ba mươi vào những năm 1970 có lẽ mới là giai đoạn đỉnh cao nhất trong sự nghiệp của Bernardo Bertolucci khi ông liên tiếp cho ra đời những tuyệt phẩm như Il conformista (1970), 1900 (1976), và đặc biệt là Last Tango in Paris (1972). Để có được cái tuổi 30 đầy đột phá ấy, Bernardo Bertolucci đã dành cả tuổi hai mươi để học hỏi, để sống, để trải nghiệm. Và đúng như tuyên bố của Bernardo Bertolucci, The Dreamers được làm ra để nói về tuổi trẻ của chính đạo diễn, người cũng trải qua cái tuổi hai mươi vào thời điểm những năm 1968 với niềm yêu thích điên cuồng nhạc rock và điện ảnh-đặc biệt là điện ảnh Làn sóng mới (Nouvelle Vague) của Pháp. Với nhạc nền là những bản rock của Jimi Hendrix, Jannis Joplin hay những khúc ca trữ tình Pháp phố biến thời thập niên 1960 của Charles Trenet và Françoise Hardy, The Dreamers có rất nhiều chi tiết, câu thoại, đoạn nhạc nhắc nhớ đến các bộ phim kinh điển, đặc biệt là các phim của thế hệ Làn sóng mới Pháp như A bout de souffre hay Les 400 coups. Đặc biệt có những trường đoạn Bertolucci cho quay lại y hệt những cảnh phim Làn sóng mới kinh điển như cảnh bộ ba Théo, Isabelle, Matthew chạy trong hành lang Bảo tàng Louvre. Tuy đã có nhiều bộ phim Pháp làm về giai đoạn “Mai 68” nhưng có lẽ hiếm có tác phẩm nào lại vừa thành công trong việc khắc họa sống động hình ảnh thanh niên Pháp những năm 1960, vừa mang đậm hơi thở của điện ảnh Pháp giai đoạn Làn sóng mới như The Dreamers. Hơn thế nữa, chứng kiến cái cách Matthew chìm sâu trong hơi thở nghệ thuật của Paris và những làn sóng tình cảm dạt dào của anh em Théo và Isabelle, có lẽ người xem cũng cảm nhận được phần nào hình ảnh của Bertolucci trong những năm tháng ông còn đang loay hoay tìm cho mình một chỗ đứng, một lẽ sống với nghệ thuật điện ảnh.
Một trong những khía cạnh gây tranh cãi nhất của The Dreamers là việc bộ phim có rất nhiều cảnh đặc tả Isabelle khoả thân và cảnh sinh hoạt tình dục giữa bộ ba Isabelle, Théo, và Matthew. Cũng như một tuyệt phẩm khác của Bernardo Bertolucci là Last Tango in Paris, bản gốc của The Dreamers bị gắn mác NC-17 – phim cấm khán giả dưới 17 tuổi vì những cảnh quay “nhạy cảm” dạng này và bộ phim vấp phải rất nhiều lời chỉ trích của những người cho rằng các cảnh quay khoả thân hay sinh hoạt tình dục chỉ làm bộ phim trở nên phản cảm trong mắt công chúng. Nhưng trong việc sản xuất một tác phẩm điện ảnh, bất cứ cảnh quay nào được giới thiệu đến người xem cũng là một lựa chọn nghệ thuật mang dấu ấn riêng của người đạo diễn. Và với cá nhân Bernardo Bertolucci, dù là Last Tango in Paris hay The Dreamers thì các cảnh quay khoả thân, hay sinh hoạt tình dục đều được thực hiện một cách hết sức trân trọng với những góc máy đẹp đẽ, nhạy cảm. Với riêng The Dreamers, những cảnh quay “nhạy cảm” khi được đặt vào bối cảnh chung của phim đều trở nên bình thường nhưng hết sức cần thiết vì khi chứng kiến những phân đoạn đầy cảm xúc ấy, khán giả không hề cảm thấy có sự thô lậu, kích động ẩn dấu sau những hình ảnh rất đẹp về những người trẻ như Isabelle, như Théo, như Matthew. Những đường cong của Isabelle, những nụ hôn của cô dành cho Matthew – một chàng trai có vẻ đẹp tuổi đôi mươi không hề thua kém cô bạn người Pháp, hay những ánh mắt thương mến của ba người dành cho nhau trong những cảnh quay thân mật cả về mặt thể xác và tinh thần ấy chỉ làm nổi bật hơn những suy nghĩ trong trắng và ngơ ngác của cả bộ ba trước thời cuộc hỗn loạn. Trong ba người thì Matthew mang khuôn mặt ngây thơ nhất và anh cũng xa lạ nhất với thời cuộc với tư cách một người Mỹ không biết tiếng Pháp sống ở Paris mà không hề có bạn bè bản địa. Tuy nhiên chính Matthew lại nhanh chóng nhận ra nhất sự khắc nghiệt của cuộc sống bên ngoài, nhận ra rằng anh cùng hai người bạn chỉ là những kẻ ngờ ngệch đến xơ xác khi mà mồm thì luôn miệng triết học, điện ảnh, âm nhạc nhưng lại hoàn toàn xa lạ với cuộc sống. Vì thế mà Matthew muốn thoát ra khỏi cái ảo ảnh mà bộ ba tự tạo, anh cũng muốn kéo cả hai người bạn mình ra đối mặt với cuộc sống, để rồi nhận ra cái mong muốn của mình chỉ là mong muốn của một “kẻ mộng mơ” - “dreamer” - một hy vọng trong vô vọng về việc “cải tạo” hai con người mộng mơ thực sự, đưa họ trở lại với mặt đất.
Tuy có một cái tứ rất hay về mâu thuẫn giữa tâm hồn mộng mơ và thực tại khắc nghiệt của những người trẻ, nhưng The Dreamers chưa hẳn đã là một bộ phim hoàn hảo về mặt cảm xúc như Last Tango in Paris. Dường như Bertolucci quá chú ý vào từng chi tiết, vào từng phân đoạn riêng lẻ mà lỏng tay với toàn cục, bởi vậy người xem có thể cảm thấy xúc động trước những cảnh quay riêng rẽ nhưng sau khi kết thúc bộ phim, mạch cảm xúc không còn đọng lại nhiều ngoài cặp mắt sâu thẳm buồn đến ngơ ngác của Isabelle ở cuối phim. Nhưng dù có thích The Dreamers hay không thì chẳng ai có thể phủ nhận rằng Eva Green chính là diễn viên nhập vai tốt nhất, không chỉ vì vẻ đẹp khác lạ và lôi quấn hay diễn xuất táo bạo mà còn bởi cô đã biến Isabelle thực sự trở thành một “daydreamer” - cô gái không chỉ xa rời cuộc sống mà còn xa rời ngay cả những cảm xúc bản thân và những người quen thuộc.
Đã đúng nửa thế kỷ kể từ ngày “Mai 68” làm xáo trộn cuộc sống của người Paris và nước Pháp. Đã tròn ba thập niên kể từ ngày Bernardo Bertolucci được trao hai tượng vàng Oscar cao quý cho Hoàng đế cuối cùng. Bản thân đạo diễn người Ý cũng đã vừa từ biệt cuộc đời mà ông hết mực yêu quý vì căn bệnh ung thư phổi. Nhưng tuổi trẻ của ông, tuổi trẻ của những con người từng sống qua những ngày tháng của “Mai 68”, của điện ảnh Làn sóng mới sẽ vẫn còn lắng động trong lòng khán giả nhờ vào ánh mắt rất sâu, rất tình tứ của Eva Green trong vai cô gái mộng mơ Isabelle, nhờ vào The Dreamers – tác phẩm xuất sắc cuối cùng trong sự nghiệp của một đạo diễn huyền thoại.
=======