Đống sách tôi mua (và chẳng biết đến bao giờ mới có thời gian để đọc) trong một đợt sang Áo công tác.
Đi xem Madagascar 3, một bộ phim hoạt hình đúng kiểu Mỹ - vui nhộn, hoành tráng, màu sắc tươi sáng, nhưng kịch bản thì dở tệ, tự dưng tôi lại muốn viết mấy dòng về Ozu, đạo diễn tôi hết mực yêu quý.
Hôm trước đọc blog của Roger Ebert, tôi đọc bài viết của ông về những bộ phim vĩ đại nhất (greatest), và tự dưng vui vui vì đọc được dòng này của Ebert: "There must be an Ozu [among the top ten greatest films]. It could be one of several. All of his films are universal. The older I grow and the more I observe how age affects our relationships, the more I think "Tokyo Story" has to teach us." Tôi không phải người làm phim hoặc có ý định làm phim, cũng chẳng phải người yêu thích phê bình phim theo cách chính thống (vì hẳn những người ấy sẽ tự, và phải, xem Ozu để học, để hiểu cách làm phim của ông). Chỉ đơn giản là một người mê phim, và từng có quãng thời gian rảnh rỗi đến mức có thể xem phim hết tháng này qua tháng khác, tôi biết, và thích Ozu qua thư viện thành phố nơi tôi học tập thời còn ở Pháp (một quốc gia rất mê phim, và rất trân trọng phim châu Á, đặc biệt là phim Nhật Bản và Hồng Kông). Cho đến tận bây giờ khi lang thang trên mạng tìm ... phim cũ để down, tôi thỉnh thoảng vẫn nhớ lại cảm giác run run như những ngày vùi đầu trong thư viện tìm phim mà chợt nhận ra lấp ló sau hàng đống đĩa DVD là một DVD bằng thứ nhựa mờ đục có in dòng chữ lớn OZU. Ngay cả ở Pháp, phim của Ozu cũng không nhiều, tính ra số phim của Ozu tôi may mắn được xem chắc chỉ đếm trên đầu ngón tay (dưới 10 phim), từ phim câm nhòe nhoẹt Les gosses de Tokyo (tên tiếng Anh là I Was Born, But...) cho đến bộ phim đen trắng giản dị nhưng cực kì cảm động là Il était un père (tên tiếng Anh là There Was a Father) cho tới bộ phim cuối cùng trong cuộc đời của Ozu là Le gout du Saké (tên tiếng Anh là An Autumn Afternoon) - tất nhiên không thể bỏ qua Voyage à Tokyo (Tokyo Story). Tôi run run là vì phim của Ozu giản dị lắm, chẳng có những đại cảnh hoành tráng (spectacle), chẳng có những kịch tính giả tạo kiểu Hollywood, chỉ là những cảnh gia đình bình dị, những nhân vật khiêm nhường, và những câu thoại nhẹ nhàng nhưng thấm thía. Xem Ozu trong những ngày tâm hồn xáo động, tôi thực sự có được những giờ phút bình yên hiếm hoi, và quan trọng hơn là tìm thấy cảm giác bình thản rất Thiền, cảm giác mà xem (đa số) những bộ phim Hollywood dù tôi có hào hứng (exciting) đến mấy thì cũng không thể tìm thấy được. Chẳng khó để hiểu tại sao khi viết sách về Ozu, người ta lại hay dùng những cái tựa mỹ miều như Vers une esthétique du vide au cinéma (Hướng tới cái đẹp của sự trống rỗng trong điện ảnh) hay Ozu and the Poetics of Cinema. Giờ đây về Việt Nam, tôi gần như không còn cơ hội tiếp xúc với phim của Ozu (ngay cả trên mạng, ai lại thừa thời gian đi rip phim của một đạo diễn-của-thời dĩ vãng như Ozu?!), thành ra chỉ còn biết lần mò tìm lại những cảm xúc của mình khi xem Ozu bằng cách đọc sách và những bài bình phim Ozu.
Tôi hay viết và dịch bài trên Wikipedia (rất nhiều trong số đó là về điện ảnh), và "tác phẩm" mà tôi hài lòng nhất tất nhiên chẳng gì khác hơn ngoài bài tiểu sử về Ozu. Tất nhiên đã đăng lên Wikipedia thì chẳng còn phải là "của tôi" nữa, cũng không thể biến nó thành bài viết để gửi đăng báo (và chắc cũng chẳng báo nào buồn đăng những nhân vật và tác phẩm xưa cũ thế này!), nhưng vẫn cứ muốn post lên blog của mình, cho bõ cái công đọc sách, xem phim, và cho thỏa lòng "nhớ" phim của Ozu.
=========
Ozu
Cuộc đời trầm lặng
Ozu Yasujirō sinh ngày 12 tháng 12 năm 1903 tại Furukawa,
Tokyo. Đây là một khu phố nằm ở phía Nam của thủ đô với hệ thống kênh ngòi ở cửa
sông Sumida, trong một số bộ phim sau này đạo diễn thường nhắc lại những kỉ niệm
thời thơ ấu thông qua hình ảnh những cây cầu hoặc các tòa nhà in bóng trên mặt
nước. Bố mẹ của Ozu thuộc tầng lớp tương đối sung túc, hai ông bà có năm người
con trong đó đạo diễn tương lai là con thứ. Năm Ozu mười hai tuổi, mẹ của ông
đưa các con về sống tại Matsusaka, quê hương của bố Ozu. Sau khi học tiểu học ở
Matsusaka, Ozu đăng ký học trung học tại thành phố láng giềng Ujisenda, nơi đạo
diễn tương lai bắt đầu hình thành tình yêu với điện ảnh. Năm 19 tuổi, vì thi
trượt Đại học Waseda Ozu quyết định chọn nghề dạy học tại một làng miền núi hẻo
lánh cách Matsusaka chừng ba mươi cây số, đây có lẽ là giai đoạn buồn bã nhất
trong cuộc đời của ông. Làm giáo viên được một năm thì gia đình Ozu chuyển về
đoàn tụ tại Tokyo, ông quyết định tận dụng cơ hội này để theo đuổi nghề điện ảnh
bằng cách nhờ bố mẹ giới thiệu cho ông vào làm trợ lý trong hãng phim Shochiku
Kinema, tiền thân của hãng Shochiku sau này. Năm 1934 trong khi Ozu đang quay bộ
phim Haha o kowazuya mà phần mở đầu đề cập tới cái chết của một ông bố thì người
cha của chính Ozu qua đời, mẹ của đạo diễn qua đời năm 1961.
Ngôi mộ của Ozu tại đền Engaku-ji thuộc Kamakura, Kanagawa với duy nhất một chữ vô khắc trên bia mộ.
Trái ngược với sự nghiệp phong phú với rất nhiều tác phẩm điện
ảnh, những chi tiết về đời tư của đạo diễn không được ghi chép lại nhiều. Ozu nổi
tiếng là người thích uống rượu và uống rượu khỏe, ông thường cùng nhà biên kịch
Noda Kogo ngồi uống rượu tại nhà trọ trong nhiều ngày để sáng tác kịch bản mới,
rất nhiều phim của Ozu cũng có những cảnh uống rượu sake hoặc whisky. Tuy thời
trẻ từng chịu ảnh hưởng của các tác phẩm điện ảnh phương Tây nhưng Ozu chỉ ra
nước ngoài hai lần duy nhất trong thời gian chiến tranh. Cho tới khi mất, Ozu vẫn
chỉ sống với mẹ của ông, đạo diễn chưa từng lập gia đình và không có con cái. Mắc
ung thư, ông qua đời vào đúng ngày sinh nhật lần thứ 60, 12 tháng 12 năm 1963.
Trên nấm mộ của mình ở Đền Engaku-ji thuộc Kamakura, Kanagawa, đạo diễn chỉ cho
khắc duy nhất một chữ mu (無, vô), chữ thể hiện ý nghĩa cốt
yếu của tư tưởng Thiền.
Khởi đầu sự nghiệp và ảnh hưởng của Hollywood
Sự nghiệp của Ozu có thể chia làm hai giai đoạn chính ngăn
cách bởi cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai. Năm 21 tuổi, Ozu vào làm trong hãng
phim Sochiku, một hãng phim đóng tại Kamata, Ōta, Tokyo chuyên sản xuất những bộ
phim tâm lý tình cảm, với vai trò trợ lý quay phim, khi được hỏi về những bộ
phim của hãng Shochiku mà mình đã xem, Ozu đã thừa nhận rằng ông chỉ đam mê điện
ảnh Mỹ và chỉ nhớ được có ba bộ phim Nhật. Hai năm sau ông trở thành trợ lý đạo
diễn và một năm sau là vai trò đạo diễn cho những bộ phim được hãng giao chứ
không phải theo lựa chọn của chính ông. Tác phẩm điện ảnh đầu tiên do Ozu đạo
diễn có tựa đề Zange no yaiba, đây là một phim thuộc thể loại jidaigeki hay
phim lịch sử lấy bối cảnh nước Nhật trong quá khứ, về sau Ozu không còn thực hiện
thêm bất cứ tác phẩm jidaigeki nào mà ông chỉ tập trung vào thể loại gendaigeki
hay phim lấy bối cảnh nước Nhật đương đại. Zange no yaiba cùng 6 bộ phim tiếp
theo của Ozu trải qua thời gian đều đã bị thất lạc, bộ phim sớm nhất của đạo diễn
còn được lưu giữ nguyên vẹn cho tới ngày nay là Wataki hi (1929), một tác phẩm
làm về đề tài cuộc sống sinh viên. Mang nhiều đặc điểm của điện ảnh phương Tây
như các cú máy "travelling" hay những khuôn hình toàn cảnh, bộ phim
được đánh giá là nhẹ nhàng và làm vừa lòng khán giả. Năm 1930, Ozu thực hiện
hai bộ phim hình sự là Hogarakani ayume và Sono yo no tsuma, đây là hai trong số
ba bộ phim duy nhất của đạo diễn thuộc thể loại này (cùng với Hijisen no onna
năm 1936), Sono yo no tsuma chịu ảnh hưởng lớn của phim hình sự Mỹ tới mức
ngoài dàn diễn viên Nhật thì bộ phim không khác gì một sản phẩm của Hollywood.
Tuy rất gần gũi với những phim đen (film noir) hiện đại, bản thân đạo diễn cũng
tỏ ra không hài lòng với những phim hình sự của ông trong khi giới phê bình Nhật
thường coi đây chỉ là những phút nông nổi thời trẻ của nhà điện ảnh tên tuổi.
Cũng trong năm 1930 Ozu cho ra đời một tác phẩm khác về đề tài sinh viên, đó là
bộ phim hài kiểu Mỹ Radudai wa shita keredo. Sản xuất trong thời gian Đại khủng
hoảng, phim cũng mang nhiều tình tiết châm biếm như một sinh viên bỏ rất nhiều
công sức để có tấm bằng cuối cùng lại không thể xin được việc trong khi một người
khác lười biếng, phải thi lại, nhưng cuối cùng lại có thể ăn không ngồi rồi một
năm vì có sự hỗ trợ của bố mẹ. Một năm sau đạo diễn tiếp tục thực hiện hai bộ
phim hài là Shukujo to hige, một tác phẩm hài thông thường lấy bối cảnh trường
học, và Tokyo no gassho, một phim có phần mở đầu hài hước về cuộc sống sinh
viên nhưng kết thúc bằng cảnh đời khó khăn của một viên chức nhỏ trong cảnh
kinh tế suy thoái. Trong Tokyo no gassho, lần đầu tiên Ozu thử nghiệm những góc
quay thấp và khuôn hình tĩnh, những đặc điểm điển hình trong phim giai đoạn sau
của đạo diễn.
Ryu Chishu và Hara Setsuko trong Banshun. Ryu Chishu đã được Ozu chọn đóng trong bộ phim nói đầu tiên của ông là Hitori musuko.
Năm 1933 dựa trên cảm hứng từ bộ phim The Champ (1931) của
King Vidor, Ozu thực hiện bộ phim Dekigokoro lấy đề tài về cuộc sống của tầng lớp
công nhân Tokyo, đây là tác phẩm thử nghiệm của đạo diễn với những chân trời điện
ảnh mới thay vì những bộ phim tình cảm lãng mạn theo kiểu Mỹ mà ông đã chán
ngán. Tác phẩm này của Ozu được coi là nguồn cảm hứng cho loạt phim Otoko wa
tsurai yo do Yamada Yoji thực hiện cho hãng Shochiku năm 1969. Trước Dekigokoro
một năm, Ozu cho ra đời Umarete wa mita keredo, tác phẩm được coi là phim câm
xuất sắc nhất của ông, bộ phim nói về sự đối đầu giữa một ông bố nhu nhược với
hai đứa con trai tuy nhỏ tuổi nhưng đã có cá tính rất mạnh mẽ. Chứng kiến sự
khúm núm của người bố trước ông sếp cấp trên, hai đứa con trai thất vọng tới mức
bỏ ăn vì ông bố giải thích rằng mình phải cư xử như vậy là để có tiền nuôi cả
gia đình, sự cứng rắn của hai đứa con đẩy ông tới chỗ phải lựa chọn hoặc là tiếp
tục nhún nhường trước cấp trên để có công việc ổn định, hoặc là cư xử mạnh mẽ để
có được sự tự hào từ các con. Tuy đề cập tới một đề tài nghiêm túc nhưng Ozu
đưa vào phim nhiều cảnh hài hước và tạo cho tác phẩm của mình nhiều tầng ý
nghĩa, với khán giả thuộc tầng lớp nghèo họ sẽ cảm thấy đây là một phim hài còn
với khán giả thuộc tầng lớp trung lưu hay giới phê bình điện ảnh, họ sẽ thấy
đây là một phim hết sức nghiêm túc. Mặc dù vẫn còn chịu ảnh hưởng của phim Mỹ
nhưng Umarete wa mita keredo đã chứng tỏ Ozu hoàn toàn nắm bắt được thực tế của
xã hội Nhật đương đại, giới phê bình coi bộ phim này của Ozu là một kiệt tác xuất
sắc không chỉ của phim câm Nhật mà còn của cả nền điện ảnh thế giới.
Ukigusa monogatari được đạo diễn thực hiện năm 1934 dựa theo
bộ phim Mỹ The Barker (1928) của đạo diễn Georges Fitzmaurice, tác phẩm lấy bối
cảnh là cuộc sống của những diễn viên sân khấu với câu chuyện về một diễn viên
bị giằng xé giữa gia đình và cuộc sống mới với người tình. Năm 1959 Ozu làm lại
tác phẩm này dưới tên mới Ukigusa. Cùng với Dekigokoro, Ukigusa monogatari cho
thấy Ozu đã bắt đầu loại bỏ những yếu tố hoàn toàn Hollywood để xây dựng một
phong cách riêng cho mình, ví dụ ông đã thay thế những cảnh bạo liệt trong các
bộ phim Mỹ gốc bằng những tình huống nhẹ nhàng theo kiểu Nhật, nhân vật chính
trong phim cũng không còn được Ozu rập khuôn theo những hình mẫu nhân vật trong
phim Mỹ. Hitori musuko (1936) là bộ phim nói đầu tiên của Ozu, người đã kiên trì
với phim câm và tránh thể loại phim mới này trong một thời gian dài, ông thực
hiện Hitori musuko với phần âm thanh được giao cho Mohara Hideo, người quay hầu
hết các phim trước đó của đạo diễn. Phần hình ảnh của phim do Sugimoto Masajiro
đảm nhiệm, trợ tá của ông là Atsuta Yuharu, người sau này trở thành quay phim
cho gần như toàn bộ phim giai đoạn sau của Ozu. Theo nhà biên kịch Noda Kogo,
Ozu lấy cảm hứng từ bộ phim Mỹ Make Way for Tomorrow (1936) của Leo McCarey để
làm Hitori musuko, tác phẩm nói về một người mẹ sẵn sàng làm lụng vất vả vì
thành công của con cái, đề tài sau này còn được đạo diễn sử dụng trong nhiều
tác phẩm khác. Bộ phim được Ozu hoàn thành trước Hitori musuko một năm là Tokyo
no yado cũng được dựng thành bản phim nói trong thời gian này. Tokyo no yado khắc
họa cuộc sống khốn cùng của một người công nhân bị mất việc mà một đứa con
trai. Cả Hitori musuko và Tokyo no yado đều được coi là những bộ phim xuất sắc
của Ozu về đề tài cuộc sống của những người dân nghèo trong thời kì nước Nhật
phải hứng chịu cuộc khủng hoảng kinh tế.
Chiến tranh
Tháng 9 năm 1937 Ozu được tổng động viên vào quân đội đế quốc
Nhật, với quân hàm hạ sĩ ông đóng quân tại Trung Quốc trong vòng hai mươi tháng
và được chứng kiến tận mắt những trận đánh khốc liệt tại chiến trường này. Trở
về Nhật Bản, Ozu thực hiện bộ phim Todake no kyodai (1941), tác phẩm nói về sự
li tán của một gia đình với cái chết của người bố. Từng có nhiều bộ phim Nhật
làm về câu truyện này như Haha izuko (1922) của Ushihara Kiyohiko nhưng tác phẩm
của Ozu là bộ phim đầu tiên vượt được khỏi khuôn khổ của một phim tâm lý tình cảm
thông thường để đạt được những giá trị nghệ thuật sâu sắc. Todake no kyodai được
coi là tác phẩm mở đầu cho đề tài về gia đình với nhiều hình mẫu được lặp lại
trong các bộ phim giai đoạn sau của đạo diễn, có một điều trùng hợp là người
cha trong Todake no kyodai qua đời vào đúng ngày sinh nhật lần thứ 60, chi tiết
trùng khớp với cuộc đời của đạo diễn vì Ozu trút hơi thở cuối cùng cũng vào
ngày sinh nhật lần thứ 60 của ông. Vốn đã đề cập nhiều tới đề tài gia đình
trong phim của mình, năm 1942 Ozu cho ra đời bộ phim xuất sắc nhất của ông
trong giai đoạn trước chiến tranh về đề tài này, đó là Chichi ariki. Bộ phim kể
về một giáo viên trung học góa vợ (Ryu Chishu) vì cảm thấy có lỗi trong cái chết
của một học sinh nên quyết định thôi nghề giáo và lên Tokyo để có tiền cho đứa
con trai ở quê nhà ăn học. Con ông (Sano Shuji) sau đó cũng trở thành giáo viên
nhưng rồi lại muốn bỏ việc lên thành phố để sống gần bố, một quyết định bị ông
bố phản đối cho tới khi qua đời vì ông cho rằng con trai mình cần có trách nhiệm
với nghề dạy học. Hình ảnh nhân vật đặt trách nhiệm với xã hội lên trên hạnh
phúc cá nhân vốn là một đặc điểm rất Nhật Bản và xuất hiện trong nhiều phim Nhật
làm về đề tài lịch sử, tuy nhiên trong những bộ phim lấy đề tài đương đại thì
nhân vật do Ozu sáng tạo ra trong Chichi ariki là ngoại lệ hiếm hoi. Chichi
ariki sau khi ra đời đã được đón nhận rất nồng nhiệt vì nó vừa có chất lượng
nghệ thuật cao, vừa nguyên bản không dựa vào tác phẩm văn học như trào lưu thịch
hành, lại phản ánh được quan niệm đặt trách nhiệm lên hàng đầu vốn được coi
trong ở Nhật Bản thời chiến. Theo nhà phê bình Yamamoto Kikuo, Ozu đạo diễn
Chichi ariki với cảm hứng từ bộ phim Mỹ Sorrell and Son (1927) của Herbert
Brenon, một bộ phim nói về sự hy sinh của người bố để đứa con có thể thành đạt
trong sự nghiệp, đề tài cha mẹ hy sinh vì con cái cũng là đề tài được yêu thích
thời gian này ở cả Mỹ và Nhật Bản.
Một năm sau Chichi ariki, hãng Shochiku gửi đạo diễn tới
Singapore với vai trò phụ tá trong Lục quân Đế quốc Nhật Bản và thành viên cơ
quan thông tin để thực hiện một phim chiến tranh có tên Harukanari fubo no kuni
- Biruman sensen nói về chiến dịch của quân đội Nhật tại Myanmar. Tại
Singapore, đạo diễn từ bỏ dự án phim chỉ sau vài cảnh quay, thay vào đó ông
dành thời gian xem các bộ phim mới của phương Tây bị quân đội Nhật tịch thu,
trong số này ông đặc biệt ấn tượng với Angel (1937) của Ersnt Lubitsch, đạo diễn
mà Ozu yêu thích, và Công dân Kane (Citizen Kane, 1941) của đạo diễn lúc này
còn ít tên tuổi Orson Welles. Khi trở về Nhật Bản ông đã phát biểu về Welles rằng:
"Chàng thanh niên hai tư tuổi này còn tài năng hơn cả Charlie
Chaplin". Cho tới khi kết thúc chiến tranh đạo diễn không hề thực hiện một
bộ phim nào tuyên truyền cho quân đội Nhật Bản, các bộ phim làm trong giai đoạn
này của Ozu cũng không bao giờ có sự xuất hiện của hình ảnh binh lính, thực tế
thì Ozu hay Naruse Mikio thuộc nhóm đạo diễn không để ý nhiều tới thời cuộc và
chỉ làm phim theo phong cách của chính họ. Tháng 8 năm 1945 sau khi Nhật Bản đầu
hàng đồng minh, Ozu và nhiều đồng nghiệp ở Singapore bị tạm giam trong nhà tù của
quân đội Anh ở Singapore, nơi đạo diễn giết thời gian bằng cách làm thơ. Tới
tháng 2 năm 1946 thì Ozu được trả tự do, ông hồi hương và tiếp tục làm việc cho
hãng Shochiku ở Ofuna, tác phẩm đầu tiên của Ozu sau chiến tranh là Nagaya
shinshi roku thực hiện năm 1947 nói về cuộc sống của một khu phố bình dân của
Tokyo bị không quân Mỹ phá hủy. Một năm sau Ozu cho ra đời Kaze no naka no
mendori, một tác phẩm khắc họa số phận của người dân Nhật Bản sau khi chiến
tranh kết thúc với nhiều cảnh quay chân thực tới mức gây sốc. Kaze no naka no
mendori không được giới phê bình đánh giá cao và chính bản thân Ozu cũng coi đó
là một thất bại của ông.
Thăng hoa
Năm 1949, bước ngoặt sự nghiệp của đạo diễn đến khi ông hợp
tác với nhà biên kịch Noda Kogo để quay bộ phim Banshun (Xuân muộn), bộ phim xuất
sắc mở đầu cho phong cách riêng của đạo diễn. Banshun nói về cuộc sống bình dị
của một giáo sư đại học góa vợ (Ryu Chishu) và con gái duy nhất (Hara Setsuko),
điều lo lắng nhất của ông giáo sư là gả chồng cho con gái trong khi cô gái lại
không muốn lập gia đình vì không muốn để bố sống cô đơn. Thay vì những xung đột
hay kịch tính xã hội thông thường, bộ phim chỉ tập trung khắc họa chi tiết tình
cảm và suy nghĩ tế nhị, nhiều khi đối lập của hai nhân vật chính thông qua những
bối cảnh hết sức thông thường như tiệc trà hay đám cưới. Đây là một trong những
bộ phim đầu tiên của Nhật Bản sau chiến tranh thực sự khắc họa sự quay trở lại
của hòa bình và yên ổn trong xã hội Nhật, yếu tố được Ozu lặp lại nhiều lần
trong các bộ phim sau này. Bộ phim Banshun không chỉ đánh dấu bước ngoặt về
phong cách của Ozu mà còn mở đầu cho sự hợp tác giữa đạo diễn với một nhóm làm
phim thân cận gồm nhà biên kịch Noda Kogo, đồng tác giả kịch bản của Ozu trong
hầu hết các phim giai đoạn sau và Atsuta Yuharu, người phụ trách quay phim cho
gần như toàn bộ phim của đạo diễn kể từ Todake no kyodai (1941) và được coi như
"con mắt" của Ozu trong các bộ phim của ông. Tiếp sau Banshun, Ozu thực
hiện Bakushu (Đầu hè, 1951), một phim gia đình với nhân vật chính là cặp vợ chồng
già (Sugai Ichiro và Higashiyama Chieko), cô con gái đến tuổi lấy chồng (Hara
Setsuko) và vợ chồng người anh trai (Ryu Chishu và Miyake Kuniko). Đây là một
tác phẩm hiếm hoi của Ozu đề cập trực tiếp tới xung đột của các thành viên
trong gia đình khi cô con gái bất ngờ lấy một người đàn ông góa vợ bất chấp sự
phản đối của gia đình. Năm 1952 Ozu hiện thực hóa một kịch bản ông viết từ năm
1939, đó là Ochazuke no aji, một tác phẩm đề cập tới cuộc sống của một cặp vợ
chồng gặp xung đột vì xuất thân khác biệt. Kịch bản này của Ozu sau khi ra đời
năm 1939 đã bị cơ quan kiểm duyệt Nhật loại bỏ chỉ vì có những cảnh phụ nữ thuộc
tầng lớp trung lưu sống nhàn rỗi, hình ảnh được coi là không phù hợp trong hoàn
cảnh Nhật Bản tham gia chiến tranh, sự kiện này đã gây sốc cho làng điện ảnh Nhật
Bản vì sự chặt chẽ của cơ quan kiểm duyệt ngay cả đối với một đạo diễn nổi tiếng
như Ozu.
Áp phích phim Banshun, bộ phim đánh dấu bước ngoặt sự nghiệp của Ozu, trên áp phích là chân dung của Hara Setsuko với nụ cười đặc trưng.
Hai năm sau Bakushu,
Ozu thực hiện một trong những bộ phim xuất sắc nhất của ông, Tokyo monogatari
(Truyện kể Tokyo). Tác phẩm kể lại chuyến đi tới Tokyo của một cặp vợ chồng già
(Ryu Chishu và Higashiyama Chieko) để thăm các con (Yamamura So, Sugimura
Haruko). Bắt đầu chuyến đi với cảm giác hạnh phúc vì được gặp lại con cháu, hai
vợ chồng nhanh chóng nhận ra rằng các con của họ quá bận bịu để có thể dành thời
gian cho bố mẹ, người duy nhất quan tâm tới hai người cuối cùng lại là vợ góa
(Hara Setsuko) của người con trai đã chết trong chiến tranh của ông bà. Bộ phim
đề cập tới tất cả những tình cảm và suy nghĩ sâu sắc của con người về cuộc sống,
cái chết, sự cô đơn cùng những quan hệ gia đình tinh tế, nhiều màu sắc được thể
hiện bởi diễn xuất ấn tượng của dàn diễn viên. Chỉ cần thông qua những nụ cười
của các nhân vật, Ozu cũng đã khắc họa được nỗi buồn sâu kín của từng người trước
sự tan vỡ không thể tránh khỏi của quan hệ gia đình gắn bó kiểu truyền thống, bản
thân đạo diễn cũng coi đây là tác phẩm "ướt át" (melodramatic) nhất của
mình. Sau khi được giới thiệu ra quốc tế, tác phẩm đã gây tiếng vang lớn và được
coi là một trong những kiệt tác của điện ảnh thế giới. Năm 1956, Ozu đạo diễn
Soshun (Xuân sớm), một bộ phim dường như quay lại phong cách thời kì đầu của đạo
diễn với nhân vật chính là những viên chức nhỏ sống trong một khu phố bình dân
của Tokyo, một trong số họ (Ikebe Ryo) yêu thầm một đồng nghiệp nữ (Kishi
Keiko) mặc dù ông ta đã có vợ (Awashima Chikage). Với nhiều chi tiết hài hước,
bộ phim khắc họa một cách chân thực xã hội Nhật Bản ở giai đoạn khó khăn khi
người dân thường vẫn chưa được chứng kiến thành quả của sự bùng nổ kinh tế. Tác
phẩm đen trắng cuối cùng của Ozu, Tokyo boshoku (1957) là bộ phim mang màu sắc ảm
đạm nhất của đạo diễn, tác phẩm nói về một người phụ nữ (Hara Setsuko) bỏ chồng
để rồi sau đó tìm lại được người mẹ đã mất tích sau nhiều năm, đây là bộ phim
duy nhất Ozu xây dựng nhân vật của Hara Setsuko là một phụ nữ bỏ chồng, Hara
Setsuko trong phim cũng thường mặc áo khoác dày và đeo khẩu trang che gần kín mặt,
hình tượng nhân vật nữ ở giai đoạn đổi thay này sau đó không còn được Ozu lặp lại
trong phim của ông. Bối cảnh của phim cũng diễn ra trọn vẹn trong mùa đông đã
đem lại cho Tokyo boshoku một gam màu hết sức buồn bã khiến phim khi công chiếu
không nhận được phản ứng tốt từ công chúng. Tuy nhiên Tokyo boshoku được coi là
một tác phẩm quan trọng trong giai đoạn sau của Ozu vì nó cho thấy sức sáng tạo
của đạo diễn ở nhiều đề tài khác nhau, một phản đề cho những chỉ trích rằng
phim của Ozu thường đơn giản và ít thay đổi về đề tài, đồng thời Tokyo boshoku
cũng là bộ phim cuối cùng ở giai đoạn sau của Ozu cho thấy mối liên hệ với những
tác phẩm ở giai đoạn trước chiến tranh của đạo diễn.
Phim màu và những suy ngẫm cuối đời
Higanbana (Hoa điểm phân, 1958) là phim màu đầu tiên của
Ozu, đây tiếp tục là một phim gia đình với đề tài nhẹ nhàng và dàn diễn viên
tên tuổi của đạo diễn. Một ông bố (Saburi Shin) tức giân vì con gái (Arima
Ineko) lập gia đình không hỏi ý kiến ông nên quyết định không dự đám cưới của
con làm vợ ông (Tanaka Kinuyo) và người họ hàng (Yamamoto Fujiko) phải hết sức
thuyết phục để buổi lễ diễn ra suôn sẻ. Đây được coi là một tác phẩm hoàn hảo về
cả nội dung, diễn xuất của các diễn viên nhất là Yamamoto Fujiko và cả thiết kế
mỹ thuật của các ngôi nhà truyền thống kiểu Nhật. Năm 1959, Ozu quay lại với phim
hài với Ohayo (Xin chào). Tương tự như tác phẩm xuất sắc đầu tiên của đạo diễn
là Umarete wa mita keredo, bộ phim khắc họa quan hệ giữa cha mẹ và hai đứa con
trai nhỏ trong đó xung đột nhỏ trong gia đình lại gây ra rắc rối cho cả một khu
phố nơi mọi người từng có quan hệ gắn bó ngày càng trở nên xa cách. Năm
1959, Ozu đạo diễn bộ phim màu duy nhất cho hãng Daei là Ukigusa. Đây là tác phẩm
làm lại một bộ phim từ năm 1934 của đạo diễn là Ukigusa monogatari, nếu như tác
phẩm gốc là một phim hài thì bộ phim năm 1959 của Ozu lại mang đậm tính triết
lý và những suy nghĩ hoài cổ với góc máy quay tuyệt đẹp của Miyagawa Kazuo, người
thường đảm nhận quay phim cho Mizoguchi Kenji. Bộ phim màu thứ tư của đạo
diễn là Akibiyori (Cuối thu, 1960) với những nhân vật chính ở vào độ tuổi của đạo
diễn, đó là ba viên chức sắp tới thời điểm nghỉ hưu (Saburi Shin, Nakamura
Nobuo và Kita Ryuji) muốn tìm cách giúp đỡ vợ góa của người bạn cũ (Hara
Setsuko) và con gái của bà (Tsukasa Yoko) lập gia đình mới. Sự quan tâm và gắn
bó giữa các nhân vật trong phim được thể hiện qua các chi tiết hài hước tinh tế
và những cuộc xung đột nhỏ nhưng bộc lộ được những lẽ chính yếu của cuộc sống
con người.
Năm 1961 Ozu Yasujirō
đạo diễn bộ phim màu Kohayagawa-ke no aki tại trường quay của hãng Toho ở
Takarazuka với dàn diễn viên gồm hầu hết các ngôi sao lớn nhất của điện ảnh Nhật
Bản đương thời. Phim có nhân vật chính là một ông già ở tuổi gần đất xa trời
(Nakamura Ganjiro) nhưng vẫn muốn tận hưởng những thú vui của cuộc sống như chơi
với con cháu và nhất là muốn tìm lại người tình trong quá khứ bất kể sự phản đối
của các con và sức khỏe không ổn định. Phim chứng kiến diễn xuất xuất sắc của
Nakamura trong vai ông bố già và cũng ẩn chứa nhiều thông điệp tinh tế của Ozu
về cuộc sống thông qua những câu thoại và chi tiết hài hước nhỏ trong phim.
Samma no aji (1962) là bộ phim cuối cùng trong sự nghiệp của đạo diễn và được
coi như một di ngôn của Ozu, đây cũng là một tác phẩm lấy đề tài về gia
đình và những suy nghĩ của tuổi già, chủ đề mà Ozu theo đuổi trong những phim
cuối cùng trước khi ông qua đời năm 1963. Có cốt truyện chính gần tương tự với
Banshun, Samma no aji đề cập tới những suy nghĩ của một viên chức ở tuổi gần
nghỉ hưu (Ryu Chishu) về người con gái (Iwashita Sima) không muốn lấy chồng vì
muốn dành thời gian chăm sóc bố. Trong cả hai bộ phim màu cuối cùng, người
xem đều được chứng kiến phong cách đạo diễn đã đạt tới mức hoàn hảo của Ozu với
những cảnh quay tĩnh, các câu thoại ngắn, sâu sắc và những chi tiết tuy rất nhỏ
nhưng đều thể hiện ý nghĩa tinh tế. Samma no aji kết thúc với hình ảnh người
cha ngồi lặng lẽ một mình sau đám cưới của con gái, hình ảnh khiến người xem
xúc động không chỉ vì nỗi buồn sâu kín của người bố thể hiện qua dáng ngồi mà
còn vì sự cô đơn tuyệt đối toát ra từ tác phẩm cuối cùng của Ozu.
(còn tiếp)
=========
Cùng chủ đề
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire