some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

dimanche 20 mai 2012

Dành cho tháng Sáu (2012)


Nếu phải dùng một tính từ thôi để nói về Dành cho tháng Sáu, có lẽ tôi sẽ dùng từ "giản dị". Đã lâu tôi không ra rạp mua vé để xem phim Việt Nam (ngoại trừ một lần sang trường Bách khoa xem Đừng đốt ... miễn phí, nhưng đó cũng là gần 2 năm trước), nhưng qua những gì tôi thấy trên các bộ phim truyền hình, cuộc sống hiện đại của người Việt, đặc biệt là người thành phố, luôn hiện lên với vẻ hào nhoáng giả tạo, biệt thự, xe hơi, nhà chọc trời..., học sinh "kém" hơn chút đỉnh thì là iPhone, iPod, LX, SH,... Đó là một "hội chợ phù hoa" mà người Pháp đã dành hẳn một tính từ (và nụ cười mỉm) để mô tả nó - bourgeois hay giàu xổi. Dành cho tháng Sáu không như thế, cả bộ phim là một câu chuyện giản dị về những đứa học trò giản dị, với những ước mơ cũng giản dị.

Dành cho tháng Sáu xoay quanh những ngày hè của Kiên, Hoàng và Minh, ba cô cậu học trò chuẩn bị bước vào những ngày tháng cuối cùng của đời học sinh, hai người đầu là cầu thủ, còn cô bé cuối cùng là manager của đội bóng rổ trường Duy Tân (lấy bối cảnh là trường Phan Đình Phùng, một ngôi trường cổ và có địa thế vào loại đẹp nhất Hà Nội). Tháng Sáu đến, sách vở không còn là nỗi lo thường trực, thay vào đó là bóng rổ, là nghỉ hè, và tất nhiên, là những "mối tình đầu" của tuổi học trò. Truyện phim không có gì phức tạp, Kiên (Huỳnh Anh) đẹp trai, giỏi bóng rổ nhưng lại xin học ở trường Duy Tân - ngôi trường có đội bóng rổ "tệ" tới mức một tay cầu thủ "không hiểu có mặt ở trên sân để làm gì" như Hoàng (Quốc Trung) cũng có chân. Lý do đơn giản nằm ở cô bé manager của đội - Minh (Thiên Tú), giản dị (khác hẳn stereotype trong phim truyền hình bây giờ là nữ sinh nhà giàu là cứ phải nhuộm tóc, dùng điện thoại xịn, đi xe xịn!), cá tính, thông minh và rất duyên. Lấy hết sự tự tin có thể, Kiên mang hoa đến "tỏ tình" với Minh và bị cô bé nhẹ nhàng, nhưng cương quyết, từ chối vì "chưa bao giờ nghĩ đến chuyện này". Cậu chàng "thất tình" bèn bỏ luôn về Thái Nguyên nghỉ hè, bỏ mặc lại đội bóng rổ Duy Tân vốn đã yếu nay còn yếu hơn ngay trước trận đấu quan trọng với đội bóng vô địch Lý Thường Kiệt. Chẳng còn cách nào khác Hoàng và Minh phải lên Thái Nguyên mong thuyết phục Kiên quay trở lại để duy trì chút hy vọng chiến thắng nhỏ nhoi của Hoàng trong trận đấu cuối cùng của cầu thủ vụng về nhưng vô cùng yêu bóng rổ này.

Như đã nói ở trên, cốt truyện của Dành cho tháng Sáu giản dị như chính những nhân vật của nó, bộ phim không có những điểm cao trào (về mặt cảm xúc hay hành động) và cũng chẳng có những nút thắt-mở theo thị hiếu thông thường (đây cũng là lý do tôi sợ rằng phim sẽ khó lòng ăn khách, vì vừa thiếu vẻ hào nhoáng, vừa thiếu kịch tính kiểu "thị hiếu" thì khó lòng thu hút số đông khán giả vốn đã quá quen những bộ phim hài nhảm, hành động hoành tráng hay ngồn ngộn "trai xinh, gái đẹp"). Có thể nói Dành cho tháng Sáu là những mảng sống, mảng suy nghĩ của ba cô cậu học trò được kết nối với nhau bằng những buổi tập, trận thi đấu bóng rổ. Người xem như tôi thực sự thấy nhẹ nhõm và thư giãn khi chứng kiến những cô cậu học trò buồn, vui, phấn khích, sầu não một cách rất chân thật, rất chân thật theo cái kiểu "dở dở ương ương" của tuổi mới lớn. Tôi cũng rất vui khi thấy đã lâu lắm rồi (hay chưa bao giờ?) tuổi học trò được mô tả thật như thế, không cường điệu, không "giáo dục đạo đức", và tràn đầy tiếng cười qua từng khung hình (tôi rất thích trường đoạn Kiên, Hoàng và Minh ở Thái Nguyên). Có cảm giác Dành cho tháng Sáu của bạn Nguyễn Hữu Tuấn rất gần với những bộ phim độc lập mới nổi gần đây của Mỹ như Juno, nhưng xem xong phim (và luôn ám ảnh trong đầu cái tease trailer rất hay của Dành cho tháng Sáu lồng nhạc của Joe Hisaishi) tôi lại thấy bộ phim cũng lại gần với cái đơn giản của phim Nhật Bản, điển hình là Only Yesterday của Isao Takahata. Nói về nhạc phim, theo cá nhân tôi thì đây là một trong những điểm thành công nhất của Dành cho tháng Sáu - phim lồng rất nhiều nhạc, đa phần là rock Việt, nhạc được lồng rất "đắt", phù hợp với cung bậc cảm xúc của nhân vật trong phim và trợ giúp rất nhiều cho cốt truyện ít kịch tính. Tôi đọc thấy phim được quay bằng Canon 5D, nếu vậy thì lại càng thấy phục bạn Tuấn hơn vì phim của bạn được quay rất đẹp, các khung hình có gam màu ấm, góc quay không bị gò bó càng làm bộ phim trở nên nhẹ nhõm với người xem, kể cả với những pha bóng rổ tốc độ, bối cảnh phim cũng được chọn rất kỹ lưỡng, đẹp, nhưng không phải cái đẹp hoành tráng, kỳ vĩ của nhà cao ốc, của thắng cảnh thiên nhiên mà là cái đẹp giản dị, thanh bình của những khu tập thể cũ kĩ, của một góc phố Hà Nội xanh ngắt, và của đồng quê thiên nhiên (Thể thao Văn hóa có một bài review khá hay phân tích chuyện phim dùng Canon 5D để quay thế nào). Tóm lại theo tôi dù có thiếu đôi chút kịch tính (sẽ được cải thiện nếu phim dài hơn và được đầu tư nhiều hơn?) nhưng Dành cho tháng Sáu vẫn là bộ phim học trò đáng xem, đáng xem theo tiêu chuẩn phim nói chung chứ không phải theo tiêu chuẩn "phim Việt Nam".

Một khung hình đẹp của phim

Không biết có phải tình cờ (hay là chiến thuật marketing của đoàn làm phim?) mà Dành cho tháng Sáu ra mắt đúng vào những ngày học trò lớp 12 chia tay nhau để bước vào cuộc đời mới-không có nhau bên cạnh. Tôi nhớ là vì đây cũng là dịp kỉ niệm lớp tôi chia tay, chia tay trong những giọt nước mắt mà chẳng hiểu sao mình khóc, để rồi mãi đến năm, mười năm sau mới nhận ra đó chính là những giọt nước mắt, những cái ôm hôn, bắt tay li biệt cái giai đoạn đẹp nhất của cuộc đời, li biệt những người bạn mà sau này có khi chẳng bao giờ ta còn gặp lại. Xem xong phim bạn tôi có hỏi, rút cục tên phim Dành cho tháng Sáu có nghĩa gì? Quả thực tôi cũng không rõ, và cũng chẳng muốn đoán già đoán non khi mà cái sự giản dị của bộ phim có lẽ cũng không buộc khán giả phải làm cái việc như vậy. Chỉ mong là những ai đã từng có một tháng Sáu cuối cùng của tuổi học trò - như tôi, hoặc đang tận hưởng những ngày cuối cùng trong đời học sinh - như những cô cậu khóc lóc chia tay được chụp ảnh đầy trên báo mạng, hãy đi xem bộ phim này để rồi lưu giữ cho mình một chút kỉ niệm trong sáng của thời học sinh. Tôi nhớ sau khi tốt nghiệp cấp III lớp tôi có đi xem bộ phim Tuổi dậy thì (Change) của Hàn Quốc ngoài rạp Quốc gia, một phim hài vui vui kiểu Hàn mà nội dung tôi cũng không còn nhớ rõ, nhưng đến tận bây giờ khi ai đó nhắc đến tên phim này, tôi vẫn thấy chút gì đó bùi ngùi khi nghĩ về những tháng ngày đẹp đã không bao giờ còn quay trở lại. Hy vọng Dành cho tháng Sáu cũng sẽ làm được điều đó - giúp những cô cậu đang chia tay có được chút kỉ niệm "để dành" cho sau này khi nghĩ về thời học sinh.