some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

mardi 19 septembre 2017

First They Killed My Father (2017)


Một trong những bê bối lớn nhất của Hoa Kỳ thời kỳ chiến tranh Việt Nam là việc tổng thống Nixon bí mật ra lệnh cho không quân Mỹ ném bom rải thảm lãnh thổ Campuchia – quốc gia luôn cố gắng giữ vai trò trung lập trong suốt cuộc chiến. Không chỉ gây ra thiệt hại nặng nề về người và của cho nhân dân Campuchia, những trận ném bom phi pháp của Hoa Kỳ còn vô tình góp phần đưa tới sự lớn mạnh của Khmer Đỏ. Dưới sự lãnh đạo của “anh cả” Pol Pot, lực lượng Khmer Đỏ đã lật đổ thành công chính quyền quân sự của tướng Lon Nol năm 1975 và trở thành chế độ cầm quyền tại Campuchia từ đó đến năm 1979. Chỉ trong vỏn vẹn bốn năm Khmer Đỏ nắm quyền lực, một phần tư trong tổng số tám triệu người Campuchia đã phải bỏ mạng, trong đó binh lính Khmer Đỏ đã trực tiếp giết hại gần 1,4 triệu người, và gần một triệu người khác chết vì đói khát và bệnh tật trong các trại lao động tập trung của chế độ tàn bạo này.

Tuy được giới sử học đánh giá là một trong những trang đau buồn và tàn khốc nhất của lịch sử thế giới kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay, nhưng những gì người dân Campuchia đã phải trải qua dưới Chế độ diệt chủng Khmer Đỏ lại không phải là một đề tài được nhắc tới nhiều của điện ảnh thế giới. Ngoại trừ bộ phim từng giành giải Oscar The Killing Fields (Cánh đồng chết) được đạo diễn Roland Joffé thực hiện từ năm 1984, hầu như các tác phẩm đáng kể về đề tài nạn diệt chủng Khmer Đỏ đều thuộc dòng phim tài liệu như bộ phim The Missing Picture của đạo diễn người Campuchia Rithy Panh. Bởi vậy việc hãng Netflix mua và phân phối bộ phim mới nhất của Angelina Jolie First They Killed My Father trên trang web của hãng này vào ngày 15 tháng 9 năm 2017 vừa qua đã thu hút sự chú ý của cả người hâm mộ và điện ảnh.

Dựa trên cuốn hồi ký cùng tên của nhà hoạt động nhân quyền Loung Ung, bộ phim của Jolie khắc họa lại những năm tháng đầu tiên Campuchia phải gồng mình rên xiết dưới chế độ Khmer Đỏ qua con mắt của cô bé năm tuổi Loung Ung. Trước năm 1975, là một sĩ quan cấp cao trong chính quyền Lon Nol, ông Ung (Phoeung Kompheak) đủ điều kiện để chăm lo cho vợ (Sveng Socheata) và bảy đứa con Kim (Mun Kimhak), Meng (Heng Dara), Khouy (Khoun Sothea), Geak (Sarun Nika), Chaou (Run Malyna), Loung (Sareum Srey Moch), và Keav (Oun Srey Neang) một cuộc sống no đủ, phóng khoáng, và an bình. Nhưng cùng với việc Mỹ tháo chạy hoàn toàn khỏi Đông Dương và Khmer Đỏ chiến thắng trong cuộc nội chiến ở Campuchia năm 1975, ông Ung bắt đầu lo ngại cho sự an nguy của bản thân và gia đình của ông dưới chế độ mới. Quả thực ngay sau khi chính quyền “cách mạng” của Pol Pot tiến vào thủ đô Phnom Penh, tất cả người dân thành phố, trong đó có vợ chồng ông Ung và bảy đứa con, bị buộc phải di tản khỏi thủ đô về nông thôn trong ba ngày để “tránh bom Mỹ”. Ba ngày đã qua, bom Mỹ chẳng thấy đâu nhưng cũng không được quay lại Phnom Penh, tài sản đáng giá hoặc đã phải bỏ lại ở thủ đô, hoặc đã bị lính Khmer Đỏ tịch thu dọc đường, gia đình nhà Ung phải tạm tá túc tại nhà người bác của Loung trong một làng quê nghèo Campuchia. Nhưng ngay đến cả những người ruột thịt cũng chẳng dám chứa chấp một “kẻ thù của cách mạng” như ông Ung, cả gia đình nhà Ung lại phải khăn gói lên đường để rồi bị thu gom vào một trại tập trung lao động của Khmer Đỏ. Tại đây cô bé năm tuổi Loung mới bắt đầu thực sự được chứng kiến sự tàn khốc của chế độ diệt chủng Khmer Đỏ - chế độ đã buộc những người trí thức như bố mẹ cô bé và thậm chí là cả lũ trẻ con đang tuổi ăn tuổi ngủ như Loung phải ra đồng lao động để “phục vụ các chiến sĩ Khmer Đỏ ngoài chiến trường”. Cũng chính chế độ ấy đã chia rẽ gia đình bé Loung, và xóa sạch tuổi thơ trong trẻo của cô bé bằng những cơn ác mộng không thể phai nhòa về bạo lực, về cái chết, về sự vô nhân tính. 

Không chỉ là một ngôi sao điện ảnh, nữ diễn viên-đạo diễn người Mỹ Angelina Jolie còn được biết tới qua vô vàn những hoạt động nhân đạo mà cô đã thực hiện không ngừng nghỉ trong suốt nhiều năm. Có lẽ xuất phát từ tinh thần vị nhân sinh ấy mà nhiều bộ phim do cô chắp bút kịch bản và đạo diễn như A Place in Time (2007), In the Land of Blood and Honey (2011), hay Unbroken (2014) đều có nội dung gắn với những trang buồn của lịch sử thế giới hiện đại và đem tới cho khán giả nhiều bài học đáng giá về lịch sử, về quyền con người, và về tinh thần nhân đạo. Cũng là một tác phẩm đậm chất nhân văn như vậy, nhưng First They Killed My Father còn gần với trái tim của Jolie hơn bởi cậu bé đầu tiên được cô nhận nuôi từ chính đất nước Campuchia, và chính cậu bé ấy – Maddox Jolie-Pitt nay lại giúp mẹ trong vai trò trợ lý sản xuất của bộ phim này. Có lẽ vì vậy mà người xem có thể thấy sự trân trọng của Angelina dành cho đất nước và con người Campuchia qua từng thước phim của First They Killed My Father. Được chuyển thể từ một hồi ký của đứa trẻ-nạn nhân thực sự của chế độ diệt chủng Khmer Đỏ, bộ phim mới nhất của Jolie chỉ sử dụng bối cảnh Campuchia, diễn viên người Campuchia, và thoại tiếng Campuchia. Suốt chiều dài hai tiếng mười sáu phút của First They Killed My Father, Jolie và nhà quay phim Anthony Dod Mantle – người từng giành giải Oscar cho phần hình ảnh của Slumdog Millionaire (Triệu phú ổ chuột, 2008) mang đến cho người xem muôn mặt đối nghịch của đất nước Campuchia, từ những con người chất phác hết mực hồn hậu đến những tên “cán bộ” Khmer Đỏ máu lạnh mù quàng bởi tư tưởng giáo điều của Pol Pot, từ những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay đến những đền đài bỏ hoang trong các cánh rừng rậm rạp. Điều đáng tiếc nhất của phim có lẽ là công đoạn biên tập, bởi dù First They Killed My Father có rất nhiều cảnh quay hết sức đẹp đẽ, nhưng nhịp phim chậm rãi và sự thiếu kết nối giữa các phân đoạn và bối cảnh khiến tác phẩm có cảm giác rời rạc và làm giảm hiệu quả cảm xúc của kịch bản phim.

Là một tác phẩm về một giai đoạn bi thương trong lịch sử thế giới thế kỷ 20 nhưng lại ít được đề cập tới trong văn hóa đại chúng, First They Killed My Father của Angelina Jolie chắc chắn sẽ khiến nhiều người xem phải quặn lòng vì nỗi đau thể chất và tinh thần mà người dân Campuchia phải chịu đựng dưới chế độ Khmer Đỏ, đặc biệt là với những cảnh phim rất đắt xoay quanh cô bé Loung như cảnh cô bé cùng các bạn đồng lứa đi giữa những cánh đồng chết, hay cảnh Loung hoảng loạn kiếm tìm người thân giữa tro tàn của chiến tranh. Về khía cạnh này của bộ phim, Angelina xứng đáng được khen ngợi với lựa chọn nghệ thuật của cô trong việc xây dựng các cảnh phim qua con mắt trẻ thơ của cô bé năm tuổi Loung Ung, bao gồm cả những phân đoạn mô tả những giấc mơ hay những cơn mộng mị của Loung. Lựa chọn này của Jolie vừa giúp giảm bớt không khí ngột ngạt, đè nén của một tác phẩm điện ảnh về bi kịch của hàng triệu người Campuchia, lại vừa nhắc nhớ khán giả rằng trong số vô vàn những nạn nhân vô danh và xa lạ kia, có rất nhiều những cô bé ngây thơ, trong trắng như Loung, những cô bé có tuổi thơ, sự hồn nhiên, và thậm chí là chính tính mạng bị chế độ Khmer Đỏ nghiền nát nhân danh ý thức hệ. Ý nghĩa này của First They Killed My Father chắc chắn sẽ khiến nhiều khán giả nhớ tới một tác phẩm mới gây tiếng vang khác được chiếu trên Netflix – bộ phim Beasts of No Nation (2015) của đạo diễn Cary Joji Fukunaga. Cùng có nhân vật chính là những đứa trẻ có tuổi thơ đánh cắp bởi bạo tàn, cả hai bộ phim đều vẽ nên những chân dung đẹp đẽ nhưng cũng đầy đau đớn của những đứa trẻ trong chiến tranh. Tuy nhiên sự bạo liệt cùng nhịp phim dồn dập và phần biên tập gọn gàng giúp Beasts of No Nation để lại dấu ấn sâu sắc hơn trong lòng khán giả, nhất là khi First They Killed My Father có phần kết với quá nhiều thông điệp, từ tinh thần phản chiến, tình cảm mà đạo diễn Jolie dành cho trẻ thơ, cho tới lời cảnh tỉnh về tác hại khủng khiếp của mìn chống người – một trong những sứ mệnh mà tác giả kịch bản phim Loung Ung dành cả đời để theo đuổi. Dàn diễn viên người Campuchia trong First They Killed My Father cũng không thực sự gây được nhiều ấn tượng như bộ đôi Idris Elba và cậu bé Abraham Attah trong tác phẩm lấy bối cảnh Phi châu của đạo diễn Fukunaga.

First They Killed My Father là một tác phẩm đáng được khán giả xem, thưởng thức, và suy ngẫm. Đó là vì sự trân trọng của Angelina Jolie dành cho đất nước và con người Campuchia, dành cho một chủ đề không “ăn khách” như nạn diệt chủng của Khmer Đỏ cần có những lời động viên và cổ vũ, nhất là trong hoàn cảnh Hollywood đang lãng quên những đề tài lịch sử và mảnh đất không nhiều người biết tới, hoặc nếu có động đến những đề tài, mảnh đất ấy thì lại sử dụng cách nhìn và dàn diễn viên bị “Hollywood hóa”, bị thương mại hóa hết mức có thể. Lịch sử cần được tôn trọng, dù đó là lịch sử về bất cứ giai đoạn nào, về bất cứ đất nước nào, bởi chỉ có như vậy chúng ta mới có thể rút ra được những bài học đáng giá và không để những câu chuyện đau buồn của quá khứ lặp lại trong tương lai. First They Killed My Father là một nỗ lực như thế, và hy vọng rằng trong tương lai Angelina Jolie và các bạn đồng nghiệp của cô có thể tiếp tục đưa đến cho khán giả nhiều bộ phim có giá trị như vậy về những khúc quanh cần được soi sáng của lịch sử.
=====