Hara Setsuko - biểu tượng của vẻ đẹp Nhật và Nàng thơ của Ozu
Ozu (tiếp)
Đề tài trong phim Ozu
Ở thời kì đầu, Ozu thường chỉ đảm nhiệm vị trí đạo diễn mà
ít khi tham gia viết kịch bản, trong nhiều phim ông là người cung cấp ý tưởng
cho các nhà biên kịch với bút danh "James Maki" hay "Uinzato
Mone" ("Without Money", "Không tiền"). Ở giai đoạn
sau Ozu bắt đầu kiêm luôn vị trí biên kịch cho phim và kể từ Banshun (1949) thì
kịch bản phim của Ozu luôn do chính đạo diễn và nhà biên kịch Noda Kogo thực hiện.
Là một trong những đạo diễn trẻ chịu ảnh hưởng lớn nhất từ điện ảnh Mỹ,
trong giai đoạn đầu, phim của Ozu có đề tài rất đa dạng và mang phong cách điện
ảnh thời thượng với những nhân vật hiện đại ăn mặc theo kiểu phương Tây và có lối
sống cũng chịu ảnh hưởng của lối sống phương Tây, ngoài dàn diễn viên Nhật thì
những tác phẩm này hoàn toàn giống với những bộ phim Mỹ cùng thời kì. Phim của
Ozu thường khai thác đề tài sinh viên, một đề tài phổ biến trong phim Mỹ,
phim tội phạm của Ozu cũng có nhân vật phụ nữ nguy hiểm (femme fatale), có súng
ngắn, những đôi tình nhân tội phạm và những cuộc đuổi bắt của cảnh sát, phim
hài của Ozu lại chịu ảnh hưởng rõ rệt phim hài của Chaplin, Harold Lloyd hay
Laurent và Hardy, các nhân vật hài của Ozu cũng có tính cách và bị đặt trong những
tình huống tương tự như Buster Keaton. Đối tượng trong phim giai đoạn đầu
này của Ozu thường là những nhân vật nghèo khó, khốn khổ, luôn bị cảnh túng thiếu
vây hãm, trừ Umarete wa mita keredo đã mang ít nhiều phong cách độc đáo của
Ozu sau này, xung đột nảy sinh bởi sự nghèo khó thường được đạo diễn giải quyết
theo phong cách của những bộ phim phương Tây. Ở giai đoạn sau, đạo diễn
không còn đề cập tới tầng lớp nghèo của xã hội Nhật Bản, thay vào đó ông chỉ tập
trung khắc họa những nhân vật bình dân như công chức nhỏ, người nội trợ, chủ tiệm
ăn.
Áp phích Tokyo monogatari, tác phẩm đặc trưng nhất cho phong
cách riêng của Ozu ở giai đoạn sau. Trên áp phích là một cảnh ở gần cuối phim,
sau cái chết của bà mẹ, ông bố cùng người con dâu ngồi quay về cùng một hướng để
nói chuyện, câu chuyện của hai người chỉ xoay quanh thời tiết nóng nực của mùa
hè.
Gia đình là đề tài hầu như duy nhất của Ozu trong giai đoạn
sau sự nghiệp, đạo diễn đặc biệt tập trung vào sự tan rã của những gia đình
truyền thống Nhật Bản, sự kiện khiến cho các thành viên trong gia đình bộc
lộ được hết những suy nghĩ, niềm vui, nỗi buồn thầm kín. Vốn lớn lên trong cảnh
gần như vắng bóng người cha, Ozu tập trung khai thác những thời khắc quan trọng
của gia đình như đám tang của cha mẹ hay những rắc rối xung quanh chuyện tìm chồng
và làm đám cưới cho con gái trong gia đình. Từ phim này qua phim khác, những
quan hệ vợ chồng, cha con, anh em được Ozu khắc họa hết sức tinh tế thông qua từng
chi tiết nhỏ như cách chào hỏi, cách nhấn giọng trong trò chuyện hay những câu
chuyện đùa. Trong phim của Ozu, khi hai nhân vật họa hợp với nhau, họ được đạo
diễn khắc họa bằng những hình ảnh gần như đồng nhất, đó là hai người nhìn cùng
về một hướng hoặc cùng có một dáng vẻ trong cuộc trò chuyện, còn khi
hai người có tình cảm với nhau, Ozu thường cho họ biểu lộ tình cảm bằng những
câu trò chuyện bâng quơ về thời tiết. Những chủ đề về gia đình được Ozu lặp
lại qua nhiều bộ phim nhưng với tuyến nhân vật được thay đổi và các chi tiết phụ
được mô tả tinh tế hơn, ví dụ những mối quan hệ trong Akibiyori là sự lặp
lại gần như nguyên vẹn của Banshun, còn Banshun lại lấy hình mẫu từ Todake
no kyodai, bộ phim cũng đề cập đến sự ly tán về gia đình vì cái chết của người
cha hay chính là cốt truyện của Tokyo monogatari với nhân vật người cha được
thay thế bằng người mẹ, cái chết của một trong hai người chủ gia đình là đề
tài được Ozu đề cập tới nhiều lần kể từ Seishun no yume ima izuko (1936).
Tuy đề tài được lặp lại nhưng tài năng của Ozu thể hiện ở chỗ những bộ phim của
ông không hề giống nhau hay lặp lại ý tưởng của nhau. Sinh ra tại Tokyo,
Ozu thường sử dụng bối cảnh của Tokyo cho phim của mình, từ những đường phố hiện
đại tới các khu dân cư bình dân ở ngoại thành Tokyo, tất cả đều có dáng vẻ hiền
hòa và tĩnh lặng trái ngược hẳn với cuộc sống sôi động thực sự của thủ đô nước
Nhật, mặc dù có nhiều phim lấy cốt truyện diễn ra ở Tokyo nhưng đạo diễn lại
chưa bao giờ đề cập tới thành phố như một đối tượng chính trong phim. Lý do
có lẽ vì tuổi thơ sống xa Tokyo đã khiến đạo diễn chưa bao giờ coi mình là người
Tokyo thực sự, đối với ông thành phố vẫn có chút gì đó xa lạ và khó có thể trở
thành nhân vật cho tác phẩm của mình.
Không hứng thú với thể loại phim tâm lý gia đình, Ozu thường
sử dụng những cốt truyện nhẹ nhàng, bình dị, không có cao trào kịch tính và
cũng ít khi có một sự kiện trung tâm để bộ phim xoay quanh. Mỗi một tác phẩm của
Ozu là những lát cắt về cuộc sống gia đình với cấu trúc không gian, thời gian mở
và thường có những đoạn kết ở dạng bỏ ngỏ nhưng đầy ý nghĩa về cuộc đời, sự
chia cắt, sự cô đơn và cái chết. Ở những bộ phim thực hiện cuối đời, Ozu
thường xây dựng nhân vật chính là những người đàn ông thuộc thế hệ của chính đạo
diễn với một vị trí xã hội nhất định nhưng vẫn còn rất nhiều lo âu và suy tư về
gia đình, về xã hội như Akibiyori hay Samma no aji. Sự bình thản trước sự sống,
cái chết hay hư vô trong phim của Ozu cho thấy đạo diễn chịu ảnh hưởng của đạo
Phật và nhất là triết lý Thiền (Zen), dòng tư tưởng rất phổ biến ở Nhật Bản,
trên mộ của ông chỉ có duy nhất một chữ Vô cũng như việc ông luôn muốn dùng điện
ảnh để mô tả cái hư vô của cuộc đời. Tuy vậy cũng không nên cho rằng tác phẩm
giai đoạn cuối của Ozu chỉ xoay quanh những ý niệm về Thiền, trái lại bên cạnh
quan niệm thẩm mỹ về cái hư vô, vĩnh hằng, đạo diễn vẫn luôn đề cập tới cái đẹp,
ý nghĩa của cuộc sống bình thường. Đạo diễn luôn mô tả một cách trân trọng
những thời khắc hạnh phúc ngắn ngủi trong phim khi các nhân vật của ông thể hiện
niềm vui một cách rất kín đáo thông qua những nụ cười, ánh mắt hoặc câu thoại
đơn giản, những giờ phút hạnh phúc đó thường được Ozu sử dụng để đề cập tới sự
gắn bó giữa các thế hệ trong gia đình, đặc biệt là giữa ông, bà với các cháu hoặc
giữa bố mẹ với các con. Tuy ít đề cập tới bối cảnh xã hội nói chung nhưng
nhân vật của Ozu không vì thế mà bị tách rời khỏi lịch sử nước Nhật, người ta vẫn
thấy đôi khi trong các cuộc trò chuyện, các nhân vật đề cập tới những suy tư và
kí ức về giai đoạn chiến tranh tàn khốc vừa đi qua. Ví dụ trong Samma no aji
nhân vật ông bố vốn từng là một thuyền trưởng của Hải quân Đế quốc Nhật Bản thời
kì chiến tranh, một lần tình cờ ông gặp lại một binh sĩ dưới quyền cũ, hai người
trong quán rượu đã bộc lộ nhiều suy nghĩ về chiến tranh như "Nếu như nước
Nhật chiến thắng trong chiến tranh thì mọi việc hẳn đã khác", họ cũng nghe
lại những bản nhạc của thời chiến trong tiếng cười pha chút gì đó buồn bã của
các khách hàng.
Một năm trước khi qua
đời, Ozu phát biểu: "Tôi luôn nói rằng mình như một người bán đậu phụ và
chỉ biết làm đậu phụ. Cùng một người không thể tạo ra những bộ phim hoàn toàn
khác nhau. Mặt khác, việc thưởng thức trong nhà hàng lớn nơi người ta phục vụ mọi
thứ cũng không hẳn đúng đắn. Ngay cả khi chúng có vẻ giống nhau trong mắt người
khác, các bộ phim của tôi cũng biểu lộ những điều hoàn toàn khác nhau và tôi
luôn tìm được ở đó sự hứng thú tươi mới. Việc tôi làm giống hệt như một họa sĩ
luôn tìm cách vẽ một bông hoa hồng duy nhất."
Phong cách Ozu
Ở giai đoạn đầu sự nghiệp, cách quay phim của Ozu cho thấy
ông chịu ảnh hưởng nhiều từ điện ảnh phương Tây, đặc biệt là điện ảnh Mỹ, Ozu
thời trẻ là người có tư tưởng Mỹ hóa và không thích xem những bộ phim Nhật Bản
theo kiểu truyền thống, cho đến giữa thập niên 1930 ông vẫn là đạo diễn đi
đầu trong xu hướng hiện đại hóa điện ảnh Nhật và là người nổi tiếng yêu thích
phim Mỹ, đặc biệt là phim của các đạo diễn Ernst Lubitsch, King Vidor và
William Wellman. Trong bộ phim sớm nhất của Ozu còn được lưu giữ đến ngày
nay là Wakaki hi, đạo diễn sử dụng tất cả những kĩ thuật quay kiểu phương Tây
như quay trên giá trượt (travelling), quay lia toàn cảnh (panorama) hay những cảnh
quay đuổi bắt trên tuyết theo kiểu Buster Keaton. Trong giai đoạn đầu này,
Ozu mô tả những cảnh bạo lực trên phim đôi khi rất tàn bạo và rất chân thực, thậm
chí Ozu còn đặc tả cả những cảnh bạo lực đối với phụ nữ, điều ông không bao giờ
lặp lại trong giai đoạn sau của sự nghiệp. Bộ phim hình sự Hijosen no onma của
Ozu thực hiện năm 1933 có phong cách không khác gì những phim tội phạm cùng thời
kì ở Hollywood như Scarface (1932) của Howard Hawks. Tuy vay mượn gần như
nguyên vẹn cách xây dựng cốt truyện phức tạp và phong cách nhân vật của phim Mỹ,
đạo diễn cũng dần dần loại bỏ bớt các yếu tố không phù hợp để tạo nên phong
cách phương Tây nhưng vẫn mang dấu ấn riêng của ông. Bối cảnh trong phim của
Ozu là sự pha trộn giữa Nhật Bản truyền thống và xã hội hiện đại, hai lối sống
này luôn song hành tồn tại. Âm nhạc trong phim của Ozu cũng mang hơi thở hiện đại
với những bản nhạc Jazz. Trái lại để mô tả cuộc sống thường ngày, Ozu thường
dùng những cảnh tĩnh ẩn chứa những suy nghĩ của chính ông, một đặc điểm điển
hình sau này trong phim Ozu, Ozu cũng sử dụng những cảnh trống, không có sự hiện
diện của các nhân vật, để chuyển cảnh cho phim.
Trong phim của mình, Ozu thường không sử dụng những quy tắc
điện ảnh thông thường, bản thân đạo diễn từng phát biểu: "Tôi không tin rằng
điện ảnh có một quy tắc." và "Không có hình mẫu nào nói rằng người ta
nên làm gì. Khi một phim xuất sắc ra đời, nó tạo ra một quy tắc phù hợp cho
chính bộ phim đó và như thế người ta có thể làm điện ảnh theo ý của họ.",
vì quan niệm này nên những bộ phim của Ozu đôi khi được gọi là những tác phẩm
phản điện ảnh (anti-cinéma). Ozu nổi tiếng là một đạo diễn cầu toàn, các cảnh
quay của đạo diễn khi lên phim thường có vẻ đơn giản nhưng đều được đạo diễn
cho quay đi quay lại nhiều lần để tìm được thời điểm mà cảm xúc của các diễn
viên kết tinh nhằm thể hiện tốt nhất ý đồ của ông. Các diễn viên thường được
Ozu xác định chặt chẽ cách họ chuyển động, đọc thoại tới từng chi tiết nhỏ như
số bước chân cần bước, số lần khuấy thìa cần thực hiện, sao cho các diễn viên
thể hiện được sự gắn bó của nhân vật mà họ thể hiện. Với Ozu, từng cử
chỉ, dù là nhỏ nhất của các nhân vật, cũng xứng đáng có được sự quan tâm của
người xem, vì vậy đạo diễn luôn có mặt để chỉ đạo mọi cảnh quay dù là nhỏ
và phụ nhất và luôn đích thân ngắm trước qua ống kính để xem quay phim có tuân
thủ ý đồ của mình không. Để đảm bảo sự cân bằng cho bối cảnh quay, Ozu càng
về cuối sự nghiệp càng hạn chế máy quay chuyển động, cũng vì lý do này mà ông rất
ghét những động tác diễn quá mức của diễn viên. Kịch bản phân cảnh được Ozu
chuẩn bị rất cẩn thận, ông còn ghi cả số mét phim cần thiết cho mỗi cảnh quay
và thời gian dự kiến của cảnh quay đó. Chính vì có phong cách đạo diễn cực
kì khắt khe nên Ozu thường chỉ làm việc với một nhóm làm phim cố định và quen
thuộc với phong cách của ông như nhà biên kịch Noda Kogo hay nhà quay phim
Atsuta Yuharu, chỉ có họ mới có thể hiểu ngay ý của đạo diễn và giúp ông có thời
gian hoàn thiện bộ phim theo phong cách của mình. Phong cách làm phim của Ozu
hoàn toàn trái ngược với Mizoguchi Kenji, một đạo diễn cùng thời với Ozu và
cũng là đại diện xuất sắc của điện ảnh Nhật Bản.
Hara Setsuko và Ozu trên trường quay của bộ phim Tokyo monogatari. Đạo diễn nổi tiếng là người khắt khe đối với từng động tác diễn xuất nhỏ nhất của diễn viên.
Bối cảnh phim của Ozu trong giai đoạn sau thường được xây dựng
rất tinh tế, thoạt nhìn có vẻ đơn giản nhưng ẩn chứa nhiều chi tiết có ý nghĩa
sâu sắc. Khác với Mizoguchi Kenji hay Kurosawa Akira, những đạo diễn thường
tận dụng yếu tố thời tiết như sương mù hay mưa để làm bối cảnh ngoại cảnh, ngoại
cảnh trong phim của Ozu, nhất là giai đoạn sau, thường chỉ có một trạng thái thời
tiết duy nhất, đó là trời xanh, ít mây và nhiều nắng bất kể mùa nào trong năm,
đây là đặc điểm trái ngược với thời tiết thông thường ở Nhật Bản vốn có một mùa
mưa trong năm, vì vậy rõ ràng điện ảnh của Ozu không chỉ mang tính chất Nhật Bản.
Nếu như ở giai đoạn đầu sự nghiệp Ozu đôi khi dùng yếu tố mưa trong phim thì ở
giai đoạn sau, đạo diễn chỉ sử dụng cảnh trời mưa trong hai bộ phim, đó là
Munakata shimai (1950) và Ukigusa (1959), hai tác phẩm Ozu không quay ở
Shochiku. Sự lạnh giá, một yếu tố điển hình khác của nước Nhật, cũng hiếm
khi có mặt trong phim của Ozu vì người ta ít khi thấy nhân vật trong phim Ozu mặc
áo khoác dày, bộ phim duy nhất ở giai đoạn sau Ozu sử dụng yếu tố lạnh giá
làm thời tiết chủ đạo cho phim đó là Tokyo boshoku, tác phẩm mang màu sắc u tối
nhất của ông.
Đặc điểm nổi bật trong phim của Ozu là những góc quay tĩnh,
thấp với máy quay được đặt gần sát với mặt đất ngang tầm với nhân vật ngồi trên
chiếu tatami, một kiểu ngồi truyền thống của người Nhật. Từ thập niên
1920, Thomas Kukihara đã đề cập tới ý tưởng về những cảnh quay khác với quy tắc
hình ảnh thông thường trong điện ảnh này vì ông cho rằng nó phù hợp với cách ngồi
và cách bố trí nhà thấp của người Nhật, tuy nhiên Ozu mới là người hiện thực
hóa và hoàn thiện góc máy quay đặc sắc này. Nếu như ở thời kì đầu, Ozu thường
sử dụng rất nhiều cú máy "travelling" thì bắt đầu từ Banshun, các
cảnh quay chuyển động ngày càng ít trong phim Ozu và sau cú máy travelling
trong Soshun (1956) thì đạo diễn chỉ còn sử dụng các cảnh tĩnh cho phim của
ông. Để phù hợp với nhịp điệu chậm rãi của phim, Ozu thường chọn các bản nhạc
truyền thống của Nhật Bản hoặc Á Đông để làm nhạc nền thay thế cho những bản
Jazz hiện đại trong thời kì đầu, nhịp điệu hoài cổ và có chút gì đó đau buồn của
những bản nhạc này được lặp lại trong suốt bộ phim để làm nổi bật hơn tâm trạng
của các nhân vật. Bản thân sự thay đổi về trạng thái, sự kiện trong phim cũng tạo
thành một nhịp điệu, một bản nhạc của riêng Ozu. Thay thế cho sự chuyển động
trong hình ảnh, Ozu sử dụng những hình ảnh tĩnh trong đó nhiều yếu tố cùng tồn
tại và đem lại cho mỗi hình ảnh nhiều ý nghĩa khác nhau, vì thế nếu như điện ảnh
giàu chuyển động được gọi là "điện ảnh tự do" thì cách sử dụng hình ảnh
tĩnh nhiều lớp nghĩa của Ozu cũng có thể coi là "điện ảnh tự do" theo
một cách riêng. Phong cách thể hiện cảm xúc và suy nghĩ thông qua những chi
tiết nhỏ và tinh tế cũng trở thành một đặc điểm nhận dạng riêng của Ozu,
người ta thậm chí đã ví Miyazaki Hayao là một "Ozu của thế giới phim hoạt
hình" vì chỉ cần thông qua những cử động rất nhỏ của nhân vật Totoro trong
Tonari no Totoro, Miyazaki cũng đã đem lại được cảm xúc hạnh phúc cho khán giả
xem phim. Chính nghịch lý giữa cách quay đơn giản và khối lượng cảm xúc,
suy nghĩ sâu sắc, dồi dào đã khiến phim của Ozu có được giá trị lớn ở tầm quốc
tế. Các cảnh đơn trong phim của đạo diễn thường có thời gian ngắn, Ozu nói
với diễn viên rằng ông chỉ cho một cảnh diễn xuất đơn của họ có độ dài dưới một
phút. Ozu thường chuyển cảnh bằng những cảnh trống rỗng, đó là những
khuôn hình rộng không có sự xuất hiện của nhân vật, của con người, những cảnh
trống rỗng của Ozu tương tự như những khoảng lặng trong âm nhạc giúp cộng hưởng
nội dung của những cảnh quay trước đó.
Những diễn viên của Ozu
Cũng vì phong cách làm phim khắt khe và cách chỉ đạo diễn xuất
tỉ mỉ nên trong giai đoạn sau của sự nghiệp, Ozu Yasujirō thường gắn bó với một
nhóm diễn viên quen thuộc, những người có khả năng nắm bắt nhanh ý đồ của đạo
diễn và có đủ kiên nhẫn để đóng một cảnh duy nhất nhiều lần nhằm đạt tới sự
hoàn hảo theo ý của Ozu. Việc sử dụng một nhóm diễn viên quen thuộc và thường
đóng với nhau như một gia đình còn giúp Ozu tận dụng được sự gắn kết tự nhiên
giữa các diễn viên cho diễn xuất của họ trong phim. Trong nhóm diễn viên
này nổi bật có Ryu Chishu, Hara Setsuko và Sugimura Haruko. Hara Setsuko được
coi là ngôi sao nổi tiếng nhất của điện ảnh Nhật trong giai đoạn hoàng kim thập
niên 1950. Kể từ năm 1949, cô được Ozu mời đóng vai cô con gái ông giáo sư
trong Banshun, tác phẩm đánh dấu bước ngoặt sự nghiệp cho Hara Setsuko. Ở các
phim sau này của Ozu, Hara Setsuko thường thủ vai những người phụ nữ có phong
cách truyền thống Nhật Bản với trang phục kimono, cách cư xử và nói chuyện nhẹ
nhàng, kín đáo, luôn cởi mở nhưng cũng luôn ẩn giấu trong lòng nhiều tâm sự
không thể khám phá. Trừ Akibiyori trong đó Hara Setsuko thủ vai một người vợ
góa, ở các phim khác của Ozu vai diễn của Hara Setsuko đều là những cô con gái
của gia đình, biểu tượng cho hình ảnh phụ nữ trong trắng và tiết hạnh của Nhật
Bản. Trên trường quay Hara Setsuko và đạo diễn Ozu có mối gắn bó đặc biệt,
vốn đã nổi tiếng khắt khe nhưng đạo diễn còn nghiêm khắc hơn đối với Hara
Setsuko so với các diễn viên khác, ông thường yêu cầu cô diễn đi diễn lại tới mức
hoàn hảo kể cả những cảnh đơn giản nhất, tuy vậy Ozu, một người hiếm khi khen
ngợi diễn viên, cũng dành cho Hara những lời khen vì diễn xuất xuất sắc của
cô. Sau khi Ozu qua đời (12 tháng 12 năm 1963) chỉ vài ngày, Hara Setsuko,
người lúc này đang ở đỉnh cao của sự nghiệp, đã lặng lẽ rút khỏi làng điện ảnh
Nhật Bản và không bao giờ còn quay trở lại đóng phim, Hara thậm chí còn từ chối
mọi lời mời phỏng vấn và chụp hình, bà ở ẩn tại Kamakura, không xa nơi an nghỉ
của Ozu.
Áp phích phim Tokyo monogatari với chân dung nhiều diễn viên
quen thuộc của Ozu. Từ trái qua phải, hình lớn: Higashiyama Chieko, Miyake
Kuniko, Yamamura Sō, Hara Setsuko, Kagawa Kyōko, Ryu Chishu. Hình nhỏ: Osaka
Shirô và Sugimura Haruko.
Được coi là một trong những diễn viên được Ozu yêu thích nhất,
Ryu Chishu đã tham gia phim của Ozu từ năm 1929 với Wakaki hi, trong
phim này lần đầu tiên Ryu, diễn viên trước đó chỉ đóng các vai phụ sinh viên hoặc
binh lính, được giao một vai ở tuyến nhân vật chính. Do yêu cầu của nhân vật
nên Ryu Chishu phải hóa trang thành một người đàn ông trung niên già hơn tuổi
thật của Ryu, cảm thấy hình ảnh này phù hợp với ông, Ozu sau này luôn giao cho
Ryu những vai ở độ tuổi trung niên hoặc người đã cao tuổi. Ở giai đoạn sau của
đạo diễn, Chishu Ryu tham gia hầu như tất cả các phim của Ozu, ông thường
vào vai những ông bố hiền lành, ít nói nhưng luôn quan tâm tới các thành viên
khác trong gia đình.
Sugimura Haruko vốn là một diễn viên thuộc dòng phim
shingeki (điện ảnh hiện thực mới) với những vai diễn phụ nữ có tính cách đơn giản.
Vốn ít khi lựa chọn các diễn viên shingeki cho phim của mình, Ozu đã phát hiện
được Sugimura cho Banshun trong đó cô đã chứng tỏ được tài năng của mình trong
một vai phụ nữ có tuổi và ẩn chứa nhiều suy nghĩ. Kể từ sau Banshun, Sugimura
tiếp tục tham gia các phim của Ozu trong những vai diễn rất khác nhau, từ một đứa
con vì những lo toan đời thường mà không thể chăm sóc cha mẹ trong Tokyo
monogatari tới bà nội trợ nhiều tính toán trong Ohayo và cô gái ở vậy chăm sóc
ông bố già trong Samma no aji, bộ phim cuối cùng của Ozu. Với những
nhân vật phụ, Ozu đôi khi cũng chọn duy nhất mộ diễn viên với vai diễn phụ lặp
lại qua nhiều phim, ví dụ như Takahashi Toyo luôn là nữ diễn viên được Ozu chọn
vào vai bà chủ nhà hàng hoặc quán rượu sake nơi các nhân vật chính gặp mặt.
Còn chút gì để nhớ?
Trong số hơn 40 bộ phim Ozu thực hiện trong giai đoạn
1927-1945 nhiều phim đã bị thất lạc và một số chỉ mới được tìm lại từ thập niên
1970 trong các kho chứa của những hãng phim lớn, người ta không thể tìm lại
được 18 bộ phim của đạo diễn trong đó có phim đầu tay của ông là Zange no
yaiba. Sự mất mát này khiến người ta khó có thể xây dựng được hình ảnh toàn
diện về hoạt động điện ảnh của Ozu cũng như đóng góp của đạo diễn cho nền điện ảnh
Nhật ở giai đoạn đầu sự nghiệp. Tuy phong cách thực hiện tỉ mỉ, cầu toàn và
mang đậm dấu ấn cá nhân khiến Ozu không có người kế tục trong phong cách đạo diễn
vì gần như không ai có thể bắt chước lại cách làm này, nhiều bộ phim của
ông vẫn mở ra những đề tài mới cho điện ảnh Nhật Bản và được nhiều đạo diễn ở
thế hệ sau khai thác. Ví dụ bộ phim xuất sắc năm 1932 của ông là Umarete wa
mita keredo là tác phẩm đầu tiên đề cập tới mối quan hệ gia đình giữa một người
cha nhu nhược và đứa con mạnh mẽ, đề tài được lặp lại trong một số phim Nhật Bản
sau này như Jarinko Chie (Chie, cô bé hạt tiêu, 1981), phim hoạt hình của
Takahata Isao, Gumo furo (1982) của Mazaki Mamoru hay Muno no Hito (1991) của
Takenaka Naoto. Bộ phim Wakaki hi do Ozu đạo diễn năm 1929 cũng là một
trong những phim Nhật đầu tiên nói tới cuộc sống của những sinh viên, tầng lớp
chỉ được điện ảnh Nhật Bản tập trung khai thác từ thập niên 1970. Các bộ
phim giản dị, tĩnh lặng ở giai đoạn sau của Ozu vốn phản ảnh những giá trị và
hình ảnh cũ của Tokyo và gia đình Nhật Bản, vì vậy sau khi đạo diễn qua đời năm
1963, hầu như không đạo diễn Nhật nào còn tìm cách lặp lại khái niệm về sự
thanh thản này. Mãi tới thập niên 1990 thì sự chán nản với cuộc sống công
nghiệp và mong muốn quay trở lại những giá trị truyền thống mới khiến các bộ
phim của Ozu trở thành hình mẫu điện ảnh mới, Ichikawa Jun đã thử nghiệm phong
cách thực hiện phim rất riêng của Ozu trong Tokyo kyodai (1995), Tokiwaso no
seishun (1996) và Tokyo yakyoku (1997), đây là những tác phẩm mô tả một Tokyo
tĩnh lặng, bình thản theo kiểu Ozu. Một số đạo diễn khác cũng tìm cách
khắc họa những chi tiết nhỏ nhặt không đáng kể trong cuộc sống của tầng lớp
bình dân theo kiểu Ozu như Shimazu Mikio với Tokyo hiyori và đặc biệt là Haneda
Sumiko với Kabuki yakusha nizaemon kataoka - Tosen no maki (1995), bộ phim được
coi là gần gũi nhất với những tác phẩm của Ozu.
Nếu như những bộ phim của Mizoguchi Kenji hay Kurosawa Akira
được điện ảnh thế giới biết tới và đánh giá cao ngay từ đầu thập niên 1950
thông qua các liên hoan phim ở châu Âu thì tài năng của Ozu Yasujirō hay Naruse
Mikio chỉ được giới thiệu ở phương Tây hai hoặc ba mươi năm sau đó với lý
do là người Nhật không tin rằng khán giả phương Tây có thể cảm thụ được những bộ
phim mang đậm phong cách Nhật Bản của Ozu hay Naruse, những tác phẩm mà ngay ở
Nhật cũng chưa bao giờ đạt thành công về mặt thương mại vì vậy phim của Ozu
không được các hãng phim gửi tham gia dự tranh tại những liên hoan phim quốc tế.
Bản thân đạo diễn về cuối đời cũng nhận xét rằng điện ảnh Nhật Bản có hai dòng
chính, "bè cao" với đại diện tiêu biểu là Mizoguchi hay Kurosawa và
"bè trầm" với đại diện là ông và Naruse. Thông qua những bộ phim
của Ozu, khán giả phương Tây dần có được khái niệm về tâm hồn bình thản và kìm
nén của người Nhật cũng như mô hình của một gia đình Nhật Bản kiểu truyền thống
trong đó mọi thành viên đều có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ. Đạo diễn nổi
tiếng người Pháp François Truffaut nhận xét rằng: "Tôi chưa từng được xem
bộ phim Nhật nào có được vẻ đẹp lạ thường như phim của Ozu. Điện ảnh của ông ấy
mang tính Nhật Bản một cách hết sức sâu sắc." Tuy vậy, phong cách của
Ozu được nhiều nhà phê bình ngợi khen là luôn mang tính thời đại và phù hợp với
mọi nền văn hóa. Yoshida Kiju, tác giả cuốn Ozu ou l'anti-cinéma cũng cho rằng
Ozu không hoàn toàn là một đạo diễn theo phong cách truyền thống Nhật Bản, quan
niệm thẩm mỹ trong phim của ông được tạo ra bởi chính Ozu chứ không hoàn toàn
tuân theo mỹ học truyền thống của nước Nhật. Quan điểm này của Yoshida được
một nhà phê bình điện ảnh Nhật khác là Hasumi Shiguehiko, tác giả cuốn Yasujiro
Ozu tán thành. Nhiều bộ phim của Ozu cho đến nay vẫn được coi là những kiệt
tác của điện ảnh thế giới như Umaretewa mita keredo, Banshun, Samma no aji và
nhất là Tokyo monogatari, bộ phim thường xuyên nằm trong danh sách những tác phẩm
điện ảnh xuất sắc nhất mọi thời đại.
Năm 2003 nhân kỉ niệm 100
năm ngày sinh và 40 năm ngày mất của Ozu, hãng Shochiku đã mời đạo diễn Đài
Loan Hầu Hiếu Hiền thực hiện bộ phim Café Lumière với nhiều chi tiết nhắc nhớ lại
Tokyo monogatari của Ozu, theo Hầu Hiếu Hiền, sau khi xem xong Café Lumière,
khán giả sẽ hiểu hơn những bộ phim của Ozu nếu thưởng thức lại chúng, bộ
phim đã được chọn dự thi chính thức tại Liên hoan phim Venezia. Cũng trong
năm 2003, đạo diễn người Iran Abbas Kiarostami cho ra đời một bộ phim tài liệu
có tên Panj (Năm) gồm năm phim ngắn quay theo phong cách Ozu, Kiarostami làm bộ
phim này để tưởng nhớ tới đạo diễn Nhật Bản mà ông yêu thích. Nhân dịp kỉ
niệm 100 năm ngày sinh của Ozu, một hội thảo lớn về Ozu đã được tổ chức tại
Tokyo, Nhật Bản vào đúng ngày sinh nhật của ông, 12 tháng 12. Bản thân Hầu
Hiếu Hiền, một đạo diễn phim nghệ thuật nổi tiếng, cũng là người yêu thích phim
của Ozu và có nhiều bộ phim nghệ thuật mang phong cách chậm rãi tương tự như
Ozu, mặc dù vậy theo đạo diễn thì phong cách làm phim của ông và Ozu là không hẳn
giống nhau. Ngoài Hầu Hiếu Hiền, nhiều đạo diễn tên tuổi khác của điện ảnh
thế giới cũng tỏ sự mến mộ và kính trọng đối với phong cách của Ozu như Wim
Wenders, Aki Kaurismäki hay Paul Schrader. Đạo diễn người Phần Lan Aki
Kaurismäki nhận xét: "Tuy chịu ảnh hưởng của điện ảnh Mỹ nhưng tôi vẫn hết
sức kính trọng Ozu, người không cần dùng tới những vụ án mạng, những hành động
bạo lực, nhưng vẫn đạt tới được sự tinh túy trong cuộc sống con người",
nhà điện ảnh Đức Wim Wenders thì bộc lộ: "Với tôi, những bộ phim của Ozu
là một kho báu thiêng liêng của điện ảnh, vì thế việc viếng thăm ngôi mộ của đạo
diễn cũng phần nào đó giống như một cuộc hành hương vậy". Win Wenders
từng thực hiện một bộ phim tài liệu về Ozu có tựa đề Tokyo-Ga (1985), bộ
phim đã được chọn tham gia Liên hoan phim Cannes 1985 ở hạng mục Un Certain
Regard. Paul Schrader, tác giả của American Gigolo, đã viết cuốn sách
Transcendental Style in Film: Ozu, Bresson, Dreyer để phân tích ảnh hưởng của đạo
diễn người Nhật đối với riêng ông và điện ảnh phương Tây, trong các cuộc bầu chọn
phim hay nhất Schrader cũng luôn bầu cho Tokyo monogatari ở vị trí thứ nhất vì
ông yêu thích bộ phim này và tin rằng mọi người cũng sẽ bầu tương tự như
ông.
Hết