some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

jeudi 8 février 2018

The Post (2017)

Năm 1966 chuyên gia phân tích quân sự Daniel Ellsberg (Matthew Rhys) được cử sang Việt Nam để khảo sát thực trạng cuộc chiến đang đến hồi khốc liệt của quân đội Hoa Kỳ. Tận mắt chứng kiến thương vong ngày càng tăng của lính Mỹ, Dan Ellsberg nhanh chóng nhận ra rằng đây là một cuộc chiến vô vọng cho chính phủ Hoa Kỳ - một nhận định được chính bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert McNamara (Bruce Greenwood) thừa nhận với Ellsberg và với tổng thống Lyndon Johnson trên chuyến bay quay trở lại quê hương. Nhưng trước sự ngạc nhiên của Dan Ellsberg, Bob McNamara ngay khi đặt chân xuống phi trường đã thản nhiên tuyên bố với báo giới rằng chiến trường đang tiến triển theo chiều hướng có lợi cho nước Mỹ và chiến thắng cuối cùng là mục tiêu hoàn toàn khả thi. Sau vài năm suy nghĩ về những người lính Mỹ đã phải bỏ mạng một cách vô nghĩa trên chiến trường Việt Nam vì những lời nói dối trắng trợn để giữ thể diện của các quan chức như McNamara, Dan Ellsberg quyết định phải để công chúng Mỹ biết được sự thật rằng họ đã bị chính quyền nhiều đời tổng thống Mỹ lừa dối hết lần này tới lần khác trong các vấn đề liên quan tới chiến tranh Việt Nam. Từ viện nghiên cứu quân sự RAND, Ellsberg đã tuồn ra ngoài hàng nghìn trang tài liệu mật chứa đựng sự thực về cuộc chiến và sẵn sàng cung cấp chúng cho báo giới để phổ biến rộng rãi cho độc giả nước Mỹ. 

Tất nhiên với những nhà báo như Ben Bradlee (Tom Hanks) – tổng biên tập tờ The Washington Post hay the Post thì những báo cáo mật của Dan Ellsberg là cơ hội nghìn năm có một để thực hiện trách nhiệm xã hội của một nhà báo chân chính – đưa sự thực tới công chúng, và cũng là dịp để một tờ báo đang thất thế ở thị trường trong nước như the Post giành độc giả từ những đối thủ cạnh tranh mạng mẽ hơn rất nhiều như The New York Times. Sau khi chính tờ The New York Times bị chính quyền của tổng thống Mỹ khi đó là Nixon kiện ra toà vì đã đăng một phần các báo cáo của Dan Ellsberg với lý do làm lộ bí mật quân sự của Mỹ tại Việt Nam thì Ben Bradlee lại càng có cơ sở để đăng tiếp “hồ sơ Lầu Năm Góc” này để bảo vệ quyền tự do ngôn luận của báo giới Mỹ. Nhưng với những người chủ báo như bà Katharine Graham (Meryl Streep) – nữ chủ tịch sở hữu tờ the Post thì “đăng hay không đăng” là một bài toán hóc búa hơn rất nhiều, bởi bà không chỉ có trách nhiệm với độc giả như Bradlee mà còn có trách nhiệm với sinh mệnh của tờ the Post vốn khi đó vừa phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng và phải tránh tối đa các rắc rối chính trị có thể tác động tới các nhà đầu tư của tờ báo tương tự như việc tờ The New York Times phải ngừng đăng “hồ sơ Lầu Năm Góc” vì bị chính phủ kiện. Trở thành người phụ nữ đầu tiên làm chủ một tờ báo lớn tại Hoa Kỳ - nơi tệ trọng nam khinh nữ vẫn còn rất phổ biến trong những năm 1960, 1970 sau cái chết đột ngột của chồng, bà Graham còn phải mày mò đi tìm lời giải cho bài toán “đăng hay không đăng” dưới sức ép của những tiếng nói bảo thủ trong ban giám đốc-toàn-đàn-ông của tờ the Post, và từ mối quan hệ thân tình bà phải mất nhiều năm gây dựng với các quan chức trong chính quyền, bao gồm cả chính Bob McNamara. 

Vốn liên quan tới các sự kiện và nhân vật lịch sự có thật, chắc chắn nhiều khán giả sẽ dễ dàng đoán ra được lựa chọn cuối cùng của Katharine Graham có tác động thế nào tới xã hội Mỹ nói chung và tương lai của tờ the Post nói riêng. Nhưng chặng đường đầy khó khăn để đi tới lời giải bài toán “đăng hay không đăng” thì có lẽ chưa nhiều người biết tới, và đó chính là nội dung của bộ phim The Post – tác phẩm điện ảnh mới nhất của đạo diễn nổi tiếng Steven Spielberg.

Tác giả kịch bản chính của The Post là nữ biên kịch trẻ tuổi Liz Hannah – người bắt đầu thai nghén bộ phim về đề tài báo chí này sau khi đọc quyển tự truyện từng giành giải Pulitzer Personal History của chính Katharine Graham. Hoàn thành năm 2016, The Post của nữ biên kịch trẻ tuổi được coi là một trong những kịch bản triển vọng nhất của Hollywood và nhanh chóng được nhà sản xuất phim quyền lực Amy Pascal mua lại để chuyển thể lên màn ảnh lớn với một đội ngũ làm phim “toàn sao” gồm đạo diễn Steven Spielberg và bộ đôi diễn viên hàng đầu của điện ảnh Mỹ là Meryl Streep và Tom Hanks. Quả thực với chất lượng sản xuất gần đến mức tuyệt hảo dưới bàn tay đạo diễn của Spielberg và bộ ba cộng sự thân thiết của ông là nhà quay phim Janusz Kamiński, nhạc sĩ huyền thoại John Williams, và biên tập phim từng 8 lần được đề cử giải Oscar Michael Kahn, The Post đã tái dựng hết sức thành công không khí của xã hội và chính trường Mỹ những năm 1960, 1970. Nền tảng kỹ thuật vững chắc này của bộ phim, cùng sự hỗ trợ về mặt hoàn thiện kịch bản của Josh Singer-tác giả từng giành giải Oscar kịch bản gốc xuất sắc nhất cho một tác phẩm nổi tiếng khác về đề tài báo chí là Spotlight (2015) rõ ràng là những điều kiện không thể thuận lợi hơn để đạo diễn gạo cội Steven Spielberg khai thác được hết tiềm năng từ tác phẩm đầu tay của Liz Hannah. Không phụ sự mong đợi của người yêu điện ảnh, The Post - một bộ phim nói về các nhân vật và sự kiện của hơn 40 năm trước vẫn mang đậm tính thời sự nóng hổi với nhịp phim mạch lạc, tuyến nhân vật rõ ràng, và cốt truyện vừa giữ được nét chân thực lịch sử vừa phản ánh hơi thở hiện đại của xã hội nước Mỹ vốn chưa hết bàng hoàng vì những bê bối liên quan tới chính quyền và giới quân sự Mỹ vốn chỉ được công chúng biết tới sau các vụ tiết lộ bí mật nhà nước của Chelsea Manning và Edward Snowden, cùng với tình trạng đối đầu căng thẳng kéo dài giữa chính phủ mới của Hoa Kỳ dưới thời tổng thống Donald Trump và báo giới Mỹ với hai tiếng nói tiên phong đến từ chính tờ The Washington Post và The New York Times. Tuy nhiên, những người yêu lịch sử, đặc biệt là những ai quan tâm tới các sự kiện xoay quanh "Hồ sơ Lầu Năm Góc” – một trong những yếu tố chính dẫn đến việc công chúng Mỹ thực sự quay lưng lại với chính quyền nước này trong giai đoạn cuối của Chiến tranh Việt Nam chắc chắn sẽ khó có thể hài lòng với The Post, bởi tuy được thực hiện hết sức nghiêm cẩn nhưng bộ phim lại tập trung vào việc mô tả hình ảnh của Katharine Graham và Ben Bradlee thay vì nhân vật trung tâm của sự kiện lịch sử quan trọng này – Daniel Ellsberg. Tất nhiên không ai có thể phủ nhận rằng Graham và Bradlee có góp công trong việc đưa “Hồ sơ Lầu Năm Góc” ra ánh sáng dư luận, nhưng người phát hiện ra sự dối trá của chính giới Mỹ, người sẵn sàng gánh chịu nguy cơ bị toà truy tố tội gián điệp và phản quốc để đưa sự thật tới công chúng, người bất chấp nguy hiểm đi tìm những nhà báo còn lương tri để hợp tác là Daniel Ellsberg. Qua những phân đoạn ngắn ngủi có sự xuất hiện của Ellsberg trong The Post người xem phần nào cũng có thể cảm nhận được sự hy sinh vì chân lý của nhà hoạt động phản chiến này, nhưng từng đó là chưa đủ để họ có được đánh giá đầy đủ về vai trò của ông đối với tiến trình lịch sử của nước Mỹ, nhất là khi chân dung giản dị của Ellsberg trong phim bị phủ bóng bởi hình ảnh của Graham và Bradlee đúng như cách cái tên diễn viên người xứ Wales Matthew Rhys – người thủ vai Ellsberg hoàn toàn bị lu mờ trước hai tên tuổi lớn nhất của Hollywood là Meryl Streep (vai Katherine Graham) và Tom Hanks (vai Ben Bradlee). Có lẽ chính vì tầm quan trọng lịch sử vượt trội như vậy của nhân vật phụ Daniel Ellsberg mà Steven Spielberg phải dùng tới thủ pháp xây dựng hình ảnh nhân vật một cách kịch tính nhưng khá gượng gạo, thậm chí là mang hơi hướng tuyên truyền thái quá ở phần cuối phim khi The Washington Post phải đối diện với phán quyết của Toà án tối cao Hoa Kỳ để làm bật lên vai trò của Katherine Graham và Ben Bradlee trong bối cảnh chung của bộ phim. Ngay cả việc sử dụng các thủ pháp điện ảnh này cũng không thực sự giúp Graham và Bradlee có được chỗ đứng vững chắc trong lòng khán giả, bởi sự phát triển tính cách của các nhân vật này xuyên suốt bộ phim cũng không để lại nhiều ấn tượng, nhất là khi người xem thường xuyên “phải” nghe chính các nhân vật này hoặc những người xung quanh giải thích một cách khá liễu về suy nghĩ và lựa chọn của họ thay vì “được” tự chứng kiến và hiểu lý do cho những lựa chọn ấy thông qua các chi tiết kịch bản tinh tế. Vì vậy nếu so sánh với một tác phẩm tiểu sử-lịch sử khác của Steven Spielberg là Lincoln (2012) thì The Post tỏ ra nhỉnh hơn về sự hấp dẫn của truyện phim nhưng lại thua kém hẳn về chiều sâu kịch bản và nhân vật. Đặc biệt cách The Post đẩy tờ The Washington Post lên tuyến đầu của cuộc chiến bảo vệ quyền tự do ngôn luận trong vụ “Hồ sơ Lầu Năm Góc” chắc chắn cũng sẽ khiến nhiều người phải thất vọng vì không phải ban biên tập của the Post mà chính là các phóng viên của tờ The New York Times như Neil Sheehan mới là những người bất chấp sự an toàn của bản thân nổ phát súng đầu tiên hỗ trợ Ellsberg trong cuộc tấn công vào pháo đài gian trá của chính quyền Mỹ. Vì vậy mà tuy The Post có thể được ca ngợi trong việc đề cao giá trị nhập thế của báo chí trong giai đoạn nước Mỹ đang gặp nhiều bất ổn dưới thời tổng thống mới Donald Trump, nhưng khó có thể coi đây là một tác phẩm xuất sắc của dòng phim lịch sử, nhất là khi so sánh với các bộ phim cũng lấy đề tài báo chí như Spotlight hay All the President's Men (1976) – tác phẩm cũng nói về vai trò lịch sử của các phóng viên tờ The Washington Post trong việc hạ bệ tổng thống Richard Nixon sau vụ bê bối Watergate nhưng với góc nhìn sát với lịch sử và để lại nhiều suy ngẫm trong lòng khán giả.

Dù khen hay chê kịch bản của The Post nhưng bất cứ ai sau khi xem tác phẩm này cũng sẽ phải thừa nhận rằng Tom Hanks và đặc biệt là Meryl Streep đã hoàn thành một cách trọn vẹn các vai diễn của họ. Nếu như vai Ben Bradlee của Tom Hanks có thể coi là “dễ nhập vai” vì tính cách nồng nhiệt, bùng nổ của nhân vật này thì Streep đã một lần nữa chứng tỏ tại sao bà lại có nhiều đề cử tại giải Oscar đến như vậy với cách diễn kìm ném, sâu sắc để vừa thể hiện sự do dự, bị động bên ngoài của một Katherine Graham rất phụ nữ, rất lịch thiệp, vừa khắc hoạ được niềm tin sắt đá vào giá trị của báo chí và sự chủ động dần chín muồi bên trong người chủ tờ báo được coi là trụ cột tương lai của báo giới chính thống Mỹ. Có lẽ nếu còn sống hẳn bà Katherine Graham cũng sẽ rất hài lòng khi chứng kiến Meryl Streep thể hiện hình ảnh của mình, bởi qua vai diễn của Streep người xem vừa có thể cảm nhận được tình yêu của bà chủ báo với tờ The Washington Post – một di sản của gia đình bà và cũng là đại diện ưu tú cho quyền tự do ngôn luận của hiến pháp Hoa Kỳ, vừa hiểu được sự vươn lên không gì ngăn cản nổi của những người phụ nữ trong xã hội hiện đại. Trong thời buổi nhiễu loạn thông tin với mạng xã hội, với “fake news”, với chủ nghĩa dân tộc và dân tuý tràn lan như hiện nay, công chúng sẽ cần nhiều hơn những nhà báo như Ben Bradlee, và những chủ báo như Katherine Graham, bởi chỉ với những người sẵn sàng dùng ngòi bút làm vũ khí bảo vệ sự thật như vậy, những mặt trái của xã hội, những lời nói dối của những người nắm quyền lực mới có thể bị phơi bày. Tuy không phải là một bộ phim hoàn hảo nhưng chắc chắn The Post cũng sẽ góp phần vào việc kêu gọi và khuyến khích các nhà báo trở thành những Bradlee, những Graham mới của xã hội hiện đại.

====