Ban tổ chức Liên hoan phim Cannes
lần thứ 70 vừa công bố danh sách 9 thành viên ban giám khảo chịu trách nhiệm lựa
chọn giải Cành cọ vàng và các giải thưởng quan trọng khác sẽ được trao vào
tháng 5 sắp tới tại thành phố biển miền Nam nước Pháp. Như thông lệ trong nhiều
năm trở lại đây, người được giao trọng trách chủ tịch ban giám khảo là một đạo
diễn danh tiếng của làng điện ảnh thế giới – đạo diễn người Tây Ban Nha Pedro
Almodóvar, một cái tên quen thuộc tại Cannes và từng được trao giải thưởng Đạo
diễn xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Cannes lần thứ 52 (1999) cho bộ phim All
About My Mother. Ngoài Almodóvar, ban giám khảo năm nay còn có tới 4 đạo diễn
tên tuổi khác, đó là hai nhà làm phim nữ Maren Ade (đạo diễn của bộ phim gây tiếng
vang lớn năm 2016 Toni Erdmann) và Agnès Jaoui, cùng hai đạo diễn từng giành
giải thưởng tại Liên hoan phim Cannes là Park Chan-wook (Giải thưởng lớn năm
2004 cho Oldboy) và Paolo Sorrentino (Giải thưởng của ban giám khảo năm 2008
cho Il Divo). Ba tên tuổi lớn khác của ban giám khảo là nhà soạn nhạc Gabriel
Yared (người từng giành cả giải Oscar và Grammy cho phần nhạc bộ phim The
English Patient) và hai ngôi sao hàng đầu của Hollywood là Jessica Chastain và
Will Smith. Nhưng cái tên cuối cùng được công bố trong danh sách ban giám khảo
năm nay chắc chắn sẽ khiến nhiều người bất ngờ, đó là nữ diễn viên Trung Quốc
Phạm Băng Băng.
Phạm Băng Băng không phải là nữ
diễn viên người Hoa đầu tiên được mời tham gia ban giám khảo của liên hoan phim
danh giá nhất thế giới vì trước cô, Củng Lợi (1999), Dương Tử Quỳnh (2002),
Trương Tử Di (2006), Trương Mạn Ngọc (2007), và Thư Kỳ (2009) đều đã từng đảm
nhiệm vai trò này. Nhưng nếu so với Củng Lợi, Dương Tử Quỳnh, hay Trương Tử Di
- những ngôi sao tầm cỡ quốc tế, hay Thư Kỳ và Trương Mạn Ngọc - “nàng thơ” của
Hầu Hiếu Hiền và Vương Gia Vệ vốn là những nhà làm phim được Cannes hết sức yêu
thích, thì sự nghiệp của nữ diễn viên 35 tuổi Phạm Băng Băng quả thực có phần
thua kém. Hầu hết các báo lớn của Pháp ra ngày hôm nay khi nhắc tới tên cô đều
chỉ có thể đề cập tới hai chi tiết, đó là Phạm Băng Băng từng tham gia bộ phim
bom tấn X-Men: Days of Future Past (2014) của đạo diễn Bryan Singer (dù thời
lượng xuất hiện của cô không nhiều), và cô khởi đầu sự nghiệp bằng thành công
trong loạt phim truyền hình Hoàn châu cách cách (một tác phẩm quen thuộc với
khán giả châu Á nhưng không được nhiều người biết tới ở châu Âu hay Bắc Mỹ). Có
lẽ vì vậy mà lời khen chung của báo giới Pháp dành cho nữ diễn viên họ Phạm là
việc cô … rất xinh đẹp trong những lần xuất hiện trên thảm đỏ của liên hoan
phim, một nhận xét có lẽ là hơi xã giao “kiểu Pháp” nếu so sánh với những dòng
ca ngợi của những tờ báo này cho tám thành viên còn lại của ban giám khảo.
Công bằng mà nói thì sự nghiệp của
Phạm Băng Băng cũng không chỉ toàn bom tấn hoặc phim truyền hình (vốn là hai thể
loại hoàn toàn xa lạ với Liên hoan phim Cannes). Cô từng tham gia một số bộ
phim đậm chất nghệ thuật gây được tiếng vang nhất định như Bình quả (Lost in
Beijing, 2007) và Núi Quan Âm (Buddha Mountain, 2010) cùng của nữ đạo diễn
Lý Ngọc, hay gần đây nhất là Tôi không phải là Phan Kim Liên (I Am Not
Madame Bovary, 2016) của đạo diễn tên tuổi Phùng Tiểu Cương – vai diễn đem về
cho Phạm Băng Băng giải thưởng diễn xuất đầu tiên ở phương Tây tại Liên hoan
phim San Sebastián 2016. Nhưng số ít các vai diễn thành công về mặt nghệ thuật
như vậy rõ ràng là chưa đủ để Phạm Băng Băng góp mặt cùng những cái tên tiêu biểu
của nền nghệ thuật thứ bảy.
Điều đáng chú ý là tuy nữ diễn viên người Trung Quốc
tỏ ra không thực sự phù hợp với thành phần của ban giám khảo Liên hoan phim
Cannes kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2 đến nay, nhưng việc cô được ban tổ
chức lựa chọn vào ghế giám khảo lại không vấp phải sự phản đối nào từ báo giới
Pháp. Ngoại trừ một số chỉ trích nhỏ về việc ban giám khảo không có thành viên
nào là người Ả Rập hoặc châu Phi (vốn là hai cộng đồng có rất nhiều đại diện
trong xã hội Pháp), thì các báo Pháp ngày hôm nay nhìn chung đều khen ngợi
thành phần ban giám khảo năm nay, bao gồm cả sự hiện diện của Phạm Băng Băng. Đây
là phản ứng có thể hiểu được khi mà báo chí Pháp dành phần lớn sự chú ý của họ
cho những lựa chọn của ban giám khảo trong những ngày tranh giải tháng 5 tới tại
Cannes, bởi phần lớn những rắc rối lớn nhất trong lịch sử liên hoan phim hầu
như đều liên quan tới những lựa chọn này – từ việc Sous le soleil de Satan của
Maurice Pialat nhận giải Cành cọ vàng năm 1987 trong tiếng la ó của khán giả,
cho tới lựa chọn đậm màu chính trị của chủ tịch ban giám khảo năm 2004 Quentin
Tarantino trao giải Cành cọ vàng cho bộ phim tài liệu Fahrenheit 9/11 của đạo
diễn Michael Moore. Hơn thế nữa thì việc lựa chọn một diễn viên nữ, ít được
phương Tây biết tới, đại diện cho một nền điện ảnh lớn của phương Đông như Phạm
Băng Băng cũng lại phù hợp với tư tưởng tự do, bình đẳng, bác ái vốn là những
giá trị được báo chí Pháp nêu cao trong thời gian gần đây khi mà cuộc bầu cử tổng
thống Pháp đang đi đến hồi gay cấn với sự hiện diện của một ứng cử viên cực hữu
sở hữu tư tưởng bài ngoại nhưng lại đang có cơ hội chiến thắng (dù không lớn)
là Marine Le Pen. Về mặt thương mại, việc lựa chọn một trong những diễn viên
đang được yêu thích nhất của Trung Quốc – thị trường điện ảnh có mức độ tăng
trưởng hàng đầu thế giới cũng là một tính toán thông minh của ban tổ chức Liên
hoan phim Cannes khi giải Cành cọ vàng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh đến
từ các liên hoan phim trẻ như Sundance hay Toronto. Cuối cùng đối với những người
yêu điện ảnh, thì dù ngạc nhiên hay không trước việc Phạm Băng Băng được lựa chọn
vào ban giám khảo, hẳn ai cũng hy vọng rằng cô cùng 8 thành viên còn lại sẽ có
được những lựa chọn sáng suốt nhất cho giải Cành cọ vàng khi mà Liên hoan phim
lần thứ 70 đang có được một bộ sưu tập ứng cử viên vào loại đáng chú ý nhất
trong vài năm trở lại đây.
=====
Bài đã được biên tập trên Zing.