some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

jeudi 29 octobre 2015

Youth (2015)




“...Tôi muốn kể lại những khát khao của các ông, khát khao của tôi, những khát khao quá đỗi thuần khiết, những khát khao quá đỗi bất khả, những khát khao trái lẽ thông thường, nhưng có hề gì khi chính những khát khao ấy giúp chúng ta sống một cách thực sự.”

Ngôi sao điện ảnh trẻ tuổi Jimmy Tree (Paul Dano) đã phải thốt lên như vậy với vị đạo diễn già Mick Boyle (Harvey Keitel) sau chuỗi ngày đằng đẵng theo dõi cuộc sống như ngừng lại của những “người già” như Boyle, như nhà soạn nhạc lừng lẫy Fred Ballinger (Michael Caine) ở khu nghỉ dưỡng đẹp đẽ nhưng buồn bã giữa núi non trùng điệp và lạnh lẽo của Thụy Sĩ. Đó là bối cảnh của bộ phim Youth (“Tuổi thanh xuân”), tác phẩm tiếp theo của Paolo Sorrentino trong chuỗi phim về buổi hoàng hôn của đời người – loạt phim đã đem lại cho Sorrentino rất nhiều giải thưởng danh giá như Giải của Ban giám khảo tại Liên hoan phim Cannes (cho Il Divo năm 2008) và Giải Oscar phim nói tiếng nước ngoài hay nhất (cho The Great Beauty năm 2013). 


Bộ đôi nhân vật chính của Youth – Boyle và Ballinger có rất nhiều điểm tương đồng. Đều có một sự nghiệp rất thành công, được người đời trọng vọng, kính nể, hai người bạn thân còn cùng ở vào cái tuổi xế chiều tràn ngập những suy tư, nuối tiếc về quá khứ. Nhưng thực tế thì hai người bạn vong niên Boyle và Ballinger lại là hai tính cách hết sức đối nghịch. Mang đúng cá tính nồng nhiệt của một đạo diễn Hollywood, Boyle luôn hào hứng tìm kiếm ý tưởng cho bộ phim mới của mình, luôn nhiệt thành và tin tưởng những người xung quanh (khi người bạn già Ballinger thắc mắc rằng tại sao ông lại luôn tin lời bạn bè đến thế, Boyle trả lời đơn giản rằng: “Nghề của tôi là sáng tạo ra cốt truyện cho phim, thế nên tôi phải tin tưởng vào mọi điều người ta nói, có thế tôi mới nghĩ ra thứ để kể được”). Ở thái cực ngược lại là một Ballinger “phớt Ăng lê” đúng nghĩa, người luôn nghi ngờ mọi thứ và sẵn sàng gạt phăng lời mời trình diễn của Nữ hoàng Anh vì đơn giản là ông ... không thích. Xung quanh họ, giữa khu nghỉ dưỡng hẻo lánh nơi thời gian tưởng như đã ngừng lại, còn là rất nhiều những nạn nhân khác của thời gian, của tuổi già, của gánh nặng tinh thần đến từ quá khứ. Khuôn mặt đáng nhớ nhất trong số ấy có lẽ là của ngôi sao bóng đá hết thời Roly Serrano (Roly Serrano). Thân hình béo tròn, những hơi thở gấp phải nhờ tới sự trợ giúp của máy thở, hình xăm Các Mác phủ kín lưng, và hơn cả là tình yêu chưa bao giờ tắt dành cho trái bóng và người hâm mộ, Serrano chính là hình bóng của Maradona, huyền thoại lớn và bi kịch lớn của bóng đá thế giới vì tài năng của ông, và vì những rắc rối ngoài đời của ông. Là một người con xứ Napoli (nơi Maradona mãi luôn ở trong tim người hâm mộ như một vị “Thánh bóng đá” – người đem lại cho mảnh đất này những giờ phút huy hoàng nhất), chắc chắn Paolo Sorrentino cũng coi Maradona là thần tượng, cũng cảm thấy đau lòng khi phải chứng kiến thần tượng của mình giờ chỉ còn là cái bóng của những hào quang quá khứ. Bi kịch của Serrano/Maradona cũng chính là bi kịch của Boyle, của Ballinger, của những người khách giữa đất nước Thụy Sĩ xa lạ. Đó là bi kịch của những con người vừa phải chiến đấu với bệnh tật, vừa phải chiến đấu với những ẩn ức trong tâm hồn chỉ trực bộc phát ở những thời điểm họ mềm yếu nhất. Youth chính là câu chuyện kể lại cuộc chiến của những “đấu sĩ” ấy, nơi có người vượt qua, có người phải nằm lại, nhưng tất cả đều chia sẻ khát vọng, sư trân trọng đối với tuổi trẻ - những năm tháng tuổi xuân đã qua của chính họ, và sức sống nồng cháy của những người trẻ xung quanh họ.


Là một đạo diễn rất yêu thích phong cách hiện thực huyền ảo và những cảnh quay đậm tính ẩn dụ, đề tài mang nhiều tính triết lý của Youth rõ ràng là mảnh đất màu mỡ để Paolo Sorrentino bung sức sáng tạo. Và quả thực mỗi khung hình của Youth đều có thể coi là một bức tranh tuyệt đẹp, theo những cách rất khác nhau. Một bức tranh phong cảnh rực rỡ theo chủ nghĩa tự nhiên về đất nước Thụy Sĩ hùng vĩ, một tác phẩm chỉ với hai gam màu đối nghịch của chủ nghĩa tối giản về không gian lắng đọng bên trong khu nghỉ dưỡng, một khung hình đầy chất biểu hiện về những cái bóng đang dần mờ đi theo tuổi tác của những vị khách trong khu nghỉ. Tất cả đã biến Youth thực sự trở thành một tác phẩm nghệ thuật khơi gợi cảm xúc, một tác phẩm chỉ bằng hình ảnh và âm nhạc đã khiến người xem xúc động vì họ được thấy những giá trị đẹp đẽ, nhân văn nhất của cuộc sống. Nhưng điểm khiến Youth thực sự thành công có lẽ là Sorrentino đã không quá sa đà vào việc làm một bộ phim “nghệ thuật” cho riêng ông. Giống như tác phẩm đầu tay và thành công nhất của Ballinger – một bản nhạc “đơn giản” nhưng dung dị, lôi cuốn, Youth có nhịp phim hết sức nhịp nhàng với những khoảng tĩnh lặng cần có xen giữa những giờ phút cao trào, với những câu chuyện đầy chất nhân văn được kết nối bằng những hình ảnh nhiều chất ẩn dụ. Theo tôi đây có lẽ là bộ phim dễ tiếp cận nhất của Paolo Sorrentino kể từ Il Divo năm 2008.


Thành công của Youth không thể không kể tới đóng góp của dàn diễn viên với Michael Caine, Harvey Keitel, Rachel Weisz, Paul Dano và nhiều tên tuổi khác. Rất nhiều lời khen đã được dành cho diễn xuất tinh tế, sâu sắc của Michael Caine, bậc thầy của làng diễn viên Anh trong vai “bậc thầy” (maestro) của âm nhạc Fred Ballinger. Ngay cả Jane Fonda trong một vai diễn rất nhỏ (Brenda Morel – “nàng thơ” của đạo diễn Mick Boyle) cũng để lại ấn tượng sâu sắc với những cung bậc cảm xúc đối nghịch, đau xót chỉ trong vài phút bà xuất hiện trên khung hình. Nhưng theo tôi Harvey Keitel mới là hiện thân thực sự của Youth. Đã rất lâu người xem mới lại được thấy Keitel có một vai diễn xứng đáng với tầm vóc và tài diễn xuất của ông. Và Keitel đã hết sức thành công trong việc truyền tải cả bề ngoài mạnh mẽ của một đạo diễn Hollywood, sự “ngây thơ” hết sức nghệ sĩ, và hơn hết là những góc khuất yếu mềm trong tâm hồn nhiều bi kịch của Mick Boyle. 


Khi còn trẻ người ta nhìn đời qua đầu này của ống nhòm. Mọi thứ tưởng như đều trong tầm với. Đó là tương lai.

Khi về già người ta nhìn đời qua đầu kia của ống nhòm. Mọi thứ đều có cảm giác vô cùng xa xôi. Đó quá khứ


Youth là một bộ phim đẹp về tuổi già, về những giá trị vững bền của quá khứ, của kí ức. Nhưng quan trọng hơn cả, bộ phim đem lại cho người xem một thông điệp đơn giản rằng chúng ta cần trân trọng tuổi trẻ, thứ chỉ đến một lần trong đời, thứ đem lại sức mạnh để ta có thể sáng tạo ra những sản phẩm để đời, hoặc đơn giản là để ta có thể yêu, có thể sống.