some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

mardi 28 février 2017

The Salesman (2016)




Trong khoảng một thập kỉ trở lại đây, quốc gia Trung Đông Iran thường được báo chí quốc tế nhắc tới qua những bất ổn và xích mích về mặt tôn giáo, chính trị với các quốc gia láng giềng và với cường quốc bên kia bờ đại dương Hoa Kỳ. Nhưng có lẽ không nhiều người biết rằng Iran là một quốc gia rất trẻ với trên một nửa dân số dưới 35 tuổi, trong đó đa phần là những người có học thức, yêu khoa học, yêu nghệ thuật, và tất nhiên là yêu thích văn hóa của các quốc gia trên thế giới, kể cả của quốc gia “thù địch” Hoa Kỳ. Cặp vợ chồng Emad (Shahab Hosseini) và Rana (Taraneh Alidoosti) là một đại diện tiêu biểu như thế của xã hội Iran hiện đại. Ban ngày Emad là thầy giáo văn học được học sinh yêu quý tại một trường phổ thông, nhưng mỗi khi thành phố lên đèn là anh lại cùng cô vợ xinh đẹp Rana đắm mình trong những vai diễn trên sân khấu kịch nói. Là vợ chồng ngoài đời, Emad và Rana cũng là vợ chồng trên sàn diễn, hai người thủ vai Willy Loman và Linda Loman trong vở kịch Death of a Salesman (Cái chết của người chào hàng) của nhà biên kịch Mỹ Arthur Miller – một trong những vở kịch đáng nhớ nhất của nền sân khấu Hoa Kỳ thế kỷ 20. Bận bịu đến mức chẳng kịp có con cái, cuộc sống của Emad và Rana tưởng chừng cứ trôi đi nhẹ nhàng như thế giữa một đất nước Iran còn khó khăn nhưng luôn giàu sức sống. Nhưng mọi thứ bắt đầu đảo lộn khi khu chung cư của Emad và Rana bỗng dưng rung chuyển giữa đêm khuya buộc hai vợ chồng phải tìm nơi khác trú ngụ. Thật may cho hai vợ chồng là người bạn diễn Babak (Babak Karimi) ngỏ lời cho Emad và Rana đến ở tạm căn hộ gác mái mới bỏ trống của Babak. Rộng rãi, tràn đầy không khí và ánh sáng, căn hộ của Babak khiến Emad và Rana hài lòng từ cái nhìn đầu tiên, cho dù họ phải leo thang bộ lên tầng thượng, vì khu chung cư chẳng có thang máy, trong cái nhìn dè dặt và có vẻ khe khắt từ những người láng giềng. Rắc rối nhỏ cuối cùng của hai vợ chồng là việc người đàn bà thuê căn hộ trước họ ngày này qua tháng khác khất lần việc thu dọn đống đồ đạc của bà ta để Emad và Rana có thể hoàn toàn thoải mái trong nơi ở mới. Nhưng hai vợ chồng chẳng thể ngờ được rằng chính đống đồ đạc cũ kỹ, cũng những mối quan hệ phức tạp của người đàn bà rắc rối kia lại chính là con dao cắt đứt những chuỗi ngày thảnh thơi giàu chất nghệ sĩ của hai người.



The Salesman là tác phẩm mới nhất của đạo diễn Asghar Farhadi – người đem về cho Iran giải Oscar cho phim nói tiếng nước ngoài đầu tiên với A Separation (2011). Nếu như A Separation là cảnh đời của một gia đình trung lưu Iran dù yêu thương nhau hết mực nhưng vẫn trên bờ vực tan vỡ vì những khác biệt về suy nghĩ và cách sống, thì The Salesman là cũng là câu chuyện về một mái nhà hạnh phúc bắt đầu rạn nứt chỉ vì những mâu thuẫn tâm lý nhỏ nhoi tưởng chừng không đáng kể. Không chỉ trùng lặp với vở kịch nổi tiếng của Arthur Miller về cái tên, diễn tiến truyện phim của The Salesman cũng được phản ánh qua chính những trích đoạn của vở “kịch trong phim” Death of a Salesman qua sự thể hiện không ai khác ngoài vợ chồng Emad-Rana và bạn diễn của hai người. Nếu như “Death of a Salesman” động chạm tới những suy nghĩ của con người Mỹ hiện đại – những người phải sống, và tồn tại trong áp lực và ảo ảnh của “giấc mơ Mỹ”, thì The Salesman lại là một tác phẩm xoáy sâu vào những nghịch lý trớ trêu của xã hội Iran đương đại – một xã hội vừa khuyến khích tình yêu nghệ thuật, tình yêu tự do, nhưng cũng lại chứa đựng vô số những định kiến về tôn giáo, về truyền thống có tác động mạnh mẽ tới tâm lý và số phận của mỗi người dân sống trên đất nước Trung Đông này, bất kể xuất thân và hoàn cảnh sống khác nhau của họ. Điều đáng ngạc nhiên là tuy lấy bối cảnh của hai đất nước hết sức khác nhau về mặt con người, lịch sử, văn hóa, thậm chí còn là hai đất nước được coi là “thù địch” của nhau suốt từ thập niên 1970 đến nay, nhưng The SalesmanDeath of a Salesman lại có nhiều điểm tương đồng tới kỳ lạ. Đó là sự giống nhau về lòng tốt giữa người với người, về tình thương yêu vợ chồng vốn là nền tảng của gia đình trong bất cứ xã hội nào. Nhưng đó cũng là sự hiện diện của truyền thống gia trưởng ở cả hai xã hội, của sự hà khắc, và những lời nói dối của các ông chồng chỉ để thỏa mãn mầm mống của sự sĩ diện và lòng ích kỷ bên trong họ. Thành công này của đạo diễn Asghar Farhadi trong việc truyền tải mượt mà, trung thực, và sâu sắc những thông điệp và ý nghĩa từ một vở kịch kinh điển của sân khấu Mỹ vào bối cảnh hết sức đặc trưng của xã hội Iran hiện đại có lẽ sẽ làm nhiều người yêu điện ảnh nhớ tới những bộ phim kinh điển của đạo diễn người Nhật Akira Kurosawa về lịch sử nước Nhật nhưng lại sử dụng cốt truyện là các tác phẩm của kịch tác gia người Anh Shakespeare.



Lấy cảm hứng từ Death of a Salesman và chứa đựng nhiều yếu tố tương tự với vở kịch Mỹ, nhưng The Salesman của Asghar Farhadi còn đem lại cho người xem những góc nhìn rất khác biệt và đặc trưng của đất nước Iran hiện đại. Tương tự như A Separation, ở The Salesman khán giả còn có thể cảm nhận được dòng mâu thuẫn âm ỉ chảy ngầm trong lòng xã hội Iran giữa người giàu và người nghèo, giữa tầng lớp trí thức như vợ chồng Emad-Rana và những người dân lao động, và giữa những con người cũ kỹ hết mực sùng đạo và giới trẻ tự do không muốn bị ràng buộc bởi những định kiến đạo Hồi. Nếu như cách xử lý tình huống ở A Separation dù rất quyết liệt nhưng phần nào đó vẫn còn đậm dư vị nhân văn của tình cảm giữa người và người, thì nhịp phim dồn dập với kịch tính được đẩy lên đến đỉnh điểm ở The Salesman khiến bộ phim vừa có cảm giác như một chuyến tàu lượn siêu tốc đến nghẹt thở về tâm trạng của các nhân vật, vừa là thông điệp mạnh mẽ của Farhadi về sự khủng hoảng niềm tin và sức tàn phá khủng khiếp của định kiến xã hội đối với mỗi con người Iran hiện đại. Ở đây, một lần nữa tài năng của Asghar Farhadi cần được ghi nhận khi hầu hết những chi tiết và nội dung bạo liệt nhất của phim đều được ẩn sau những cảnh quay dang dở hay những đoạn đối thoại bỏ ngỏ, qua đó người xem có thể tự xâu chuỗi những ẩn ý của bộ phim mà không hề có cảm giác họ bị áp đặt phải xem, phải hiểu thông điệp của đạo diễn. 



Góp công lớn vào sức truyền tải mạnh mẽ của The Salesman tất nhiên phải kể tới tài năng của dàn diễn viên trong phim. Không chỉ có bộ đôi thủ vai vợ chồng Emad-Rana là Shahab Hosseini và Taraneh Alidoosti, những diễn viên đã có tiếng tăm ở tầm quốc tế (Shahab Hosseini từng có vai diễn hết sức ấn tượng trong A Separation), mà các diễn viên phụ như Babak Karimi hay Farid Sajjadi Hosseini đều thể hiện một cách xuất sắc các vai diễn có bề ngoài tưởng chừng bình thường không có gì đáng chú ý nhưng lại có diễn biến nội tâm hết sức phức tạp với đủ mọi cung bậc cảm xúc. Gây ấn tượng nhất trong số các diễn viên của phim có lẽ không ai khác ngoài Taraneh Alidoosti, người vừa khiến các phim có sự xuất hiện của cô sáng bừng với vẻ đẹp mong manh hiếm có, nhưng cũng lại chính là người kéo tâm trạng của khán giả trùng xuống bằng ánh mắt sâu thẳm đượm buồn. Được đánh giá là một trong những nữ diễn viên tài năng nhất của Iran, Taraneh Alidoosti đã không phụ sự tin tưởng của đạo diễn Asghar Farhadi khi vai diễn lặng lẽ, không nhiều thoại của cô thực ra lại nói được lên rất nhiều, từ tình yêu, niềm tin tới sự tuyệt vọng, từ niềm vui cho tới thương tổn tận cùng về mặt thể xác và tinh thần, trong năm 2016 có lẽ hiếm có nhân vật nào gây được ấn tượng sâu sắc như vai Rana qua tài thể hiện của Taraneh Alidoosti. 

Trong vài tháng trở lại đây The Salesman đột nhiên gây được sự chú ý từ báo giới, không chỉ vì đây là một bộ phim của Iran – đất nước từng bị tổng thống Mỹ xếp vào “Trục ma quỷ” cách đây không lâu, mà còn vì việc đội ngũ làm phim, bao gồm cả đạo diễn Asghar Farhadi và nữ diễn viên Taraneh Alidoosti quyết định không tới Hollywood dự lễ trao giải Oscar (trong đó The Salesman được đề cử ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất) để phản đối lệnh cấm người nhập cư từ 7 quốc gia Hồi giáo, bao gồm cả Iran, của tổng thống Mỹ Donald Trump. Việc The Salesman vượt qua ứng cử viên hàng đầu của hạng mục này là bộ phim Đức Toni Erdmann để giành tượng vàng Oscar lại càng khiến nhiều người cho rằng tác phẩm này đã phần nào được Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Hoa Kỳ ưu ái vì bối cảnh chính trị xoay quanh bộ phim. Những người đưa ra nhận xét như vậy hoàn toàn có cơ sở bởi tiếng nói chủ đạo ở Hollywood là tiếng nói thiên tả ủng hộ dân chủ, và hiện rất nhiều thành viên của Viện Hàn lâm cũng đang tham gia nhiệt tình vào việc chỉ trích những chính sách gây tranh cãi của Donald Trump, bao gồm cả chính sách cấm người nhập cư. Tuy nhiên, việc chỉ dựa vào bối cảnh chính trị để đánh giá chất lượng của The Salesman là một đánh giá hết sức sai lầm. Bởi The Salesman hoàn toàn không phải một bộ phim về đề tài chính trị, hay được làm ra bởi những toan tính chính trị. Bộ phim động chạm tới những suy nghĩ, tâm tư, và xung đột hiện diện ở bất cứ xã hội, bất cứ nền văn hóa nào một khi chủ nghĩa gia trưởng, sự mất lòng tin vào các thể chế xã hội vẫn còn hoành hành. Hơn thế nữa, The Salesman còn là thông điệp hết sức ý nhị về sợi dây liên hệ vô hình về mặt văn hóa giữa hai quốc gia “thù địch”, khi mà những diễn viên Iran trong khuôn khổ đạo đức của Hồi giáo vẫn thỏa sức nhập tâm vào những nhân vật Mỹ được dựng nên từ ngòi bút của một tác giả Mỹ gốc Do Thái, khi mà hai vợ chồng trẻ Emad và Rana cũng thích mỳ ống, thích pizza chẳng khác bất cứ gia đình người Mỹ nào, và khi mà một cậu bé đáng yêu người Iran thốt lên rằng nhân vật hoạt hình cậu yêu thích nhất chính là SpongeBob SquarePants – một sản phẩm “Made in America”. Suy nghĩ bảo thủ, chịu ảnh hưởng của định kiến xã hội, đã khiến Emad và Rana ngày một xa nhau. Những toan tính ích kỷ của các chính trị gia – những người chẳng quan tâm gì hơn ngoài những lá phiếu của cử tri, đã biến hai đất nước gần gũi về mặt suy nghĩ trở thành hai quốc gia thù địch. Là một tác phẩm vừa khắc họa được những số phận riêng, lại vừa đề cập tới được những câu hỏi mang tính phổ quát như vậy, The Salesman hoàn toàn xứng đáng với những danh hiệu mà bộ phim đã giành được.

=====

Bài đã biên tập trên Zing.

dimanche 26 février 2017

La La Land vs. the World


Vốn được biết tới với cái tên Giải Oscar, giải thưởng điện ảnh của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Hoa Kỳ (AMPAS) thường được coi là giải thưởng điện ảnh quan trọng nhất trong năm của môn nghệ thuật thứ bảy. Bởi vậy mà việc giành được tượng vàng Oscar cuối cùng của mỗi lễ trao giải – tượng vàng Oscar cho phim xuất sắc nhất năm luôn là niềm mơ ước đối với bất cứ nhà làm phim nào không chỉ của làng điện ảnh Hollywood mà còn của cả giới làm phim quốc tế. Trong vòng hai năm trở lại đây tại lễ trao giải Oscar lần thứ 87 (năm 2015) và 88 (năm 2016), cuộc đua tranh tới cái đích tối thượng này luôn hồi hộp và gay cấn đến tận phút cuối cùng khi có tới hai, thậm chí là ba bộ phim chia nhau cơ hội chiến thắng tại hạng mục quan trọng nhất này của giải Oscar. Nhưng tại lễ trao giải Oscar lần thứ 89 năm nay, tình trạng song mã hay tam mã đua tài như các năm trước có lẽ sẽ không còn lập lại khi bộ phim ca vũ nhạc La La Land của đạo diễn Damien Chazelle đang bỏ khá xa 8 đối thủ còn lại trong hạng mục này. Sau khi đã càn quét hầu như tất cả các giải thưởng điện ảnh “tiền Oscar” quan trọng bao gồm cả giải Quả cầu vàng, giải BAFTA, và các giải phim hay nhất của Hiệp hội Nhà sản xuất và Hiệp hội đạo diễn điện ảnh Hoa Kỳ, La La Land được hầu hết báo giới và các trang web điện ảnh lớn như Rotten Tomatoes và Metacritic dự đoán là bộ phim được xướng danh trong thời khắc quan trọng nhất của lễ trao giải Oscar lần thứ 89. Thậm chí là theo tổng kết ý kiến chuyên gia của trang Metacritic thì xác suất giành giải tượng vàng Oscar cho phim hay nhất của La La Land lên tới 92% trong khi cơ hội này của hai đối thủ kế tiếp của La La Land là Moonlight và Hidden Figures chỉ lần lượt là 5% và 3%. Không chỉ được giới chuyên môn “đặt cửa”, La La Land cũng giành được sự ủng hộ vượt trội của khán giả khi doanh thu của bộ phim hiện nay đã gần chạm ngưỡng 350 triệu đô la Mỹ - hơn bộ phim ăn khách thứ hai trong số các ứng cử viên cho giải Oscar phim hay nhất là Arrival tới 150 triệu đô la và gấp tới 14 lần doanh thu của đối thủ chính của tác phẩm này tại cuộc đua Oscar năm nay là Moonlight.

Nhưng cũng như chính thông điệp của La La Land – cuộc sống không chỉ toàn màu hồng cho tác phẩm ca vũ nhạc của đạo diễn Damien Chazelle khi nhiều người hâm mộ và thậm chí là những báo lớn như The Guardian hay The Economist trong thời gian gần đây đã lên tiếng chỉ trích việc tượng vàng Oscar cho phim hay nhất (gần như chắc chắn) sẽ được trao cho La La Land. Vậy liệu La La Land có thực sự xứng đáng với danh hiệu “bộ phim hay nhất năm 2016” của điện ảnh Hollywood?

Câu hỏi lớn đầu tiên những người phản đối việc trao giải Oscar phim hay nhất cho La La Land đặt ra cũng lại là câu hỏi muôn thuở - “Nghệ thuật vị nghệ thuật, hay nghệ thuật vị nhân sinh?”. Theo họ thì trong một năm nước Mỹ sôi sục vì các mâu thuẫn xã hội liên quan đến chủng tộc, tôn giáo, chính trị, La La Land lại chẳng mang trong mình chút hơi thở thời đại nào với một truyện phim hết sức truyền thống về tình bạn, tình yêu, và khát vọng nghệ thuật. Dàn diễn viên chủ yếu là da trắng (trong khi dòng nhạc chủ đạo của phim – nhạc jazz lại có nguồn gốc từ cộng đồng người Mỹ gốc Phi), cùng nội dung phim có phần thiên vị vai nam chính Sebastian Wilder của Ryan Gosling hơn là nhân vật nữ Mia Dolan của Emma Stone lại càng khiến những người chỉ trích La La Land có cơ sở để nói rằng bộ phim này chẳng những không đề cập được đến các vấn đề nóng bỏng của nước Mỹ đương đại mà lại còn sa vào lối mòn của các bộ phim Hollywood trước đây trong việc phân biệt màu da và thiếu bình đẳng giới. Điểm yếu này của La La Land lại càng lộ rõ khi so sánh với 8 ứng cử viên còn lại của hạng mục giải Oscar cho phim hay nhất, với những tác phẩm khắc hoạ một cách đẹp đẽ sự vươn lên của những người Mỹ gốc Phi trong một xã hội còn chịu ảnh hưởng nặng nề của nạn phân biệt chủng tộc như Fences, như Hidden Figures, như Moonlight, trong đó hai bộ phim cuối còn là thông điệp mạnh mẽ ủng hộ nữ quyền và đòi quyền bình đẳng giới cho cả nhóm người từng nhiều năm hứng chịu bất công của xã hội Mỹ là những người đồng tính. Không chỉ dừng lại ở đó, một số nhà phê bình còn cho rằng trong một năm thế giới hết sức ảm đạm với chiến tranh, khủng bố, biến động chính trị, một bộ phim với gam màu chủ đạo tươi sáng, lạc quan như La La Land nếu giành giải “Phim hay nhất” sẽ chỉ chứng tỏ rằng AMPAS khuyến khích dòng phim xa rời thực tế, ca ngợi vẻ đẹp của chính Hollywood thay vì cổ động cho các tác phẩm làm thức tỉnh xã hội như Moonlight, hoặc ít ra cũng mang âm hưởng nhân văn phổ quát như Hacksaw Ridge.

Không chỉ bị chỉ trích về mặt ý nghĩa nghệ thuật, chất lượng của La La Land cũng bị những người chỉ trích đặt dấu hỏi khi họ cho rằng ngoại trừ phần hình ảnh, âm nhạc và vũ đạo xuất sắc, nội dung tác phẩm mới nhất của Damien Chazelle lại tương đối nhạt nhoà, hoàn toàn không xứng đáng với danh hiệu tác phẩm xuất sắc nhất năm của Hollywood. Chỉ đơn giản là câu truyện về tình yêu và khát vọng nghệ thuật của cặp đôi Sebastian – Mia với không quá nhiều xung đột kịch tính hoặc các nút thắt mở khiến khán giả phải kinh ngạc, La La Land quả thực không phải là một tác phẩm phức tạp về mặt nội dung hoặc thông điệp. Cách xây dựng nhân vật có hình tượng và tâm hồn, khát vọng đẹp đẽ trên con đường đeo đuổi nghệ thuật và ước mơ của Damien Chazelle được nhiều nhà phê bình và người hâm mộ đánh giá cao. Nhưng mặt khác, hơi hướng vị kỷ trong lựa chọn đường đời và số phận không quá bi kịch-nếu không nói là có phần may mắn của Sebastian, của Mia cũng lại khiến La La Land vấp phải những lời chỉ trích cho rằng nhân vật trong phim là quá đơn giản và nông cạn khi so sánh với chất lượng nghệ thuật vượt trội của chính bộ phim. Tờ The Guardian thậm chí còn cho rằng việc trao giải cho một bộ phim lãng mạn đơn thuần như “La La Land” sẽ là một “thảm hoạ” (“disaster”) cho Hollywood khi mô-típ truyền thống mang nặng âm hưởng của thời kỳ Hollywood cũ giai đoạn trước thập niên 1970s lại được tưởng thưởng thay vì chất sáng tạo, gai góc, nhập thế tràn đầy trong các ứng cử viên kém tiếng hơn của hạng mục phim hay nhất như Moonlight, Hidden Figures, hay Manchester by the Sea. Bên cạnh nội dung, ngay cả phần âm nhạc đẹp đẽ hiếm có của La La Land cũng không thoát khỏi điều tiếng khi nhiều người cho rằng việc bộ phim có tới hai đề cử ở hạng mục Bài hát gốc hay nhất của giải Oscar (cho “Audition (The Fools Who Dream)” và “City of Stars”) là quá nhiều và vì thế đã cướp đi cơ hội tranh giải của những tác phẩm xuất sắc nhưng ít được biết tới hơn như “Drive It Like You Stole It” trong bộ phim ca nhạc Sing Street. Một số nhà phê bình của tờ The New York Times còn cho rằng ngay cả khi so sánh với dòng phim và kịch ca vũ, La La Land cũng chưa hẳn đã là một tác phẩm vượt trội khi cả Ryan Gosling và Emma Stone đều không sở hữu giọng hát hoặc tài khiêu vũ quá xuất sắc, còn cách thức dàn dựng ca vũ của La La Land lại có vẻ cũ kỹ nếu phải so với những tác phẩm đang gây tiếng vang lớn trên sân khấu kịch Broadyway như Hamilton.


Vậy liệu La La Land có xứng đáng với giải Oscar cho phim hay nhất? Trước hết bộ phim cần phải giành giải thưởng lớn này trong đêm trao giải vào Chủ nhật ngày 26 tháng 2 sắp tới, và hơn thế nữa là sức sống lâu bền của một tác phẩm nghệ thuật luôn cần một vài năm, thậm chí là một vài thập kỷ để kiểm chứng. Forrest Gump là một ví dụ như vậy cho độ lùi thời gian cần thiết cho việc đánh giá các bộ phim hay, khi tác phẩm này là ứng cử viên sáng giá nhất và sau đó đã chiến thắng vang dội tại lễ trao giải Oscar lần thứ 67 năm 1995, nhưng sau hai thập kỷ các tác phẩm thất bại trong cuộc đua giành tượng vàng cho phim hay nhất năm đó như Pulp Fiction hay The Shawshank Redemption lại được đánh giá là có phần xuất sắc hơn Forrest Gump. Hơn thế nữa, Hollywood và AMPAS luôn có tiếng là chậm chạp trong việc bắt nhịp hơi thở cuộc sống khi bộ phim đầu tiên về chiến tranh Việt Nam giành giải phim hay nhất (The Deer Hunter) là vào năm 1978 – 5 năm sau khi lính Mỹ chính thức rút khỏi cuộc chiến gây tác động mạnh mẽ nhất tới xã hội nước Mỹ (năm 1973), và cho đến tận thời điểm hiện tại thì vẫn chưa một bộ phim nào về chiến tranh Afghanistan (2001 đến nay) – cuộc chiến dài hơn nhất của quân đội Mỹ trong lịch sử hiện đại Hoa Kỳ được vinh danh tại hạng mục phim hay nhất của giải Oscar. Bên cạnh đó, chẳng ai có thể trách Damien Chazelle trong việc La La Land thiếu hơi thở thời đại, bởi đạo diễn người Mỹ thai ngén và hoàn thành kịch bản bộ phim này từ năm 2010 và tại thời điểm đó thì chẳng ai có thể đoán trước được rằng bộ mặt nước Mỹ và thế giới sẽ thay đổi đến mức chóng mặt như thời điểm hiện tại. Một tác phẩm điện ảnh chỉ có thể thực sự hay và đi vào lòng khán giả khi những người làm ra nó không bị gò bó, gượng ép bởi các yêu cầu xã hội hay thông điệp chính trị. Người xem có thể cảm nhận được điều nay ngay cả ở những ứng viên được đánh giá là “nhập thế” hơn La La Land như Moonlight – một tác phẩm chỉ sử dụng bối cảnh bất công xã hội để làm nền cho những câu truyện hết sức riêng tư, hết sức cảm động về tình bạn, tình yêu, về khát vọng sống đẹp, vốn cũng chính là dòng tâm tưởng chủ đạo của La La Land. Barry Jenkins – đạo diễn của Moonlight từng nhiều lần cho biết rằng ông chịu ảnh hưởng của Vương Gia Vệ, và Moonlight rõ ràng cũng mang hương vị lãng mạn, nhân văn của các tác phẩm nổi tiếng của đạo diễn người Hồng Kông như Xuân quang xạ tiết (Happy Together). Được coi là một trong những huyền thoại sống của điện ảnh châu Á, nhưng đạo diễn họ Vương chưa bao giờ tự giới hạn mình trong các đề tài xã hội – vốn là mảnh đất màu mỡ của điện ảnh Hồng Kông và châu Á, trái lại các bộ phim của ông luôn tập trung mô tả những đề tài muôn thuở như tình yêu, sự mất mát, lòng thương nhớ với quá khứ đã qua, nhưng với cách nhìn hết sức chân thành, hết sức sâu sắc, hết sức sáng tạo. Tương tự như vậy, dù La La Land có đi theo “lối mòn” của những bộ phim ca vũ theo kiểu truyền thống của Hollywood nhưng chẳng ai có thể phủ nhận được rằng tác phẩm mới nhất được Damien Chazelle làm một cách hời hợt thiếu đi chất sáng tạo cần có của một bộ phim hay. Và chắc chắn là kể cả những người chỉ trích việc AMPAS trao giải Oscar cho La La Land cũng phải thừa nhận rằng bộ phim này đã và đang đem lại cho khán giả cảm giác nhẹ nhàng, thư thái, cùng những khoảng lặng cần thiết để họ có thể nghĩ về cuộc sống, về vẻ đẹp của cuộc đời bất chấp những bất công, những khó khăn vẫn còn ngập tràn trong xã hội. Bởi vậy, hãy gạt cuộc tranh cãi vô ích này sang một bên, bởi bất cứ ai cũng có thể có “giải Oscar cho phim hay nhất” của riêng mình với La La Land, với Moonlight, với Manchester by the Sea, hay với bất cứ bộ phim nào khác mà bạn yêu thích. Thay vào đó, hãy dành thời gian tranh cãi để thưởng thức những bộ phim hay, những bộ phim mới của các nhà làm phim vẫn đang hàng ngày lao động và sáng tạo để làm đẹp cho đời.

=====

2017 Academy Awards


Sau đây là dự đoán của tôi về các giải thưởng trong lễ trao giải Oscar lần thứ 89 tối mai:

1. Phim hay nhất
- Dự đoán đoạt giải: La La Land
- Hy vọng đoạt giải: Manchester by the Sea

2. Đạo diễn
- Dự đoán đoạt giải: Damien Chazelle (La La Land)
- Hy vọng đoạt giải: Kenneth Lonergan (Manchester by the Sea)

3. Nam chính
- Dự đoán đoạt giải: Denzel Washington (Fences)
- Hy vọng đoạt giải: Casey Affleck (Manchester by the Sea)

4. Nữ chính
- Dự đoán đoạt giải: Emma Stone (La La Land)
- Hy vọng đoạt giải: Isabelle Huppert (Elle)

5. Nam phụ
- Dự đoán đoạt giải: Mahershala Ali (Moonlight)
- Hy vọng đoạt giải: Lucas Hedges (Manchester by the Sea)

6. Nữ phụ
- Dự đoán đoạt giải: Viola Davis (Fences)
- Hy vọng đoạt giải: Michelle Williams (Manchester by the Sea)

7. Kịch bản gốc
- Dự đoán đoạt giải & hy vọng đoạt giải: Manchester by the Sea

8. Kịch bản chuyển thể
- Dự đoán đoạt giải: Moonlight
- Hy vọng đoạt giải: Fences

9. Phim hoạt hình
- Dự đoán đoạt giải: Zootopia
- Hy vọng đoạt giải: The Red Turtle

10. Phim nói tiếng nước ngoài
- Dự đoán đoạt giải: Toni Erdmann 
- Hy vọng đoạt giải: The Salesman

11. Phim tài liệu
- Dự đoán đoạt giải: O.J.: Made in America
- Hy vọng đoạt giải: Fire at Sea

=======

Sau đây là bài tổng hợp của tôi về giải Oscars năm nay.

Lễ trao giải thưởng Oscar lần thứ 89 – giải thưởng điện ảnh danh giá nhất của năm 2016 sẽ được Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Hoa Kỳ tổ chức vào ngày 26 tháng 2 tới đây tại Nhà hát Dolby, Los Angeles, Hoa Kỳ. Tại lễ trao giải thưởng năm nay, La La Land của đạo diễn Damien Chazelle có lẽ là bộ phim thu hút nhiều sự quan tâm nhất từ cả báo giới và người hâm mộ điện ảnh khi tác phẩm này lập lại thành tích của All About Eve (1950) và Titanic (1997) đó là giành được tới 14 đề cử tại các hạng mục khác nhau của giải Oscar – con số kỷ lục của giải thưởng này.

Trong một năm nước Mỹ chứng kiến nhiều biến động trên chính trường, La La Land có thể coi là một cánh chim lạ khi bộ phim ca nhạc này không đề cập nhiều tới các xung động chính trị hoặc xã hội đương đại mà tập trung mô tả những đề tài hết sức truyền thống của Hollywood – đó là tình yêu đôi lứa, đó là khát vọng và đam mê với âm nhạc và điện ảnh, đó là những trăn trở về cuộc sống và tương lai. Nội dung lãng mạn nhiều chất thơ này của La La Land có lẽ sẽ khiến nhiều khán giả liên tưởng tới The Artist của đạo diễn Michel Hazanavicius – tác phẩm giành giải Oscar cho phim hay nhất năm 2011, và tương tự như The Artist, La La Land cũng đang là ứng cử viên sáng giá nhất tại hạng mục Phim hay nhất của lễ trao giải Oscar lần thứ 89 khi tác phẩm này đã quét sạch gần như toàn bộ giải thưởng phim hay nhất kể từ cuối năm 2016 cho tới nay, từ giải Quả Cầu vàng (hạng mục phim hài và phim ca nhạc), giải BAFTA của Viện Hàn lâm Điện ảnh Anh Quốc, cho tới giải của Hiệp hội Nhà sản xuất và Hiệp hội Đạo diễn Hoa Kỳ. Theo cách tính điểm của trang web thống kê FiveThirtyEight thì hiện La La Land đang giành được tới 319 “điểm” từ các giải “phim hay nhất” của mùa giải thưởng điện ảnh năm nay – đứng đầu trong số 9 ứng cử viên của giải Oscar năm nay và nhiều hơn tổng điểm của ba tác phẩm kế tiếp là Moonlight (114), Manchester by the Sea (104) và Arrival (90). Trong số ba tác phẩm này thì Moonlight có lẽ là bộ phim duy nhất có khả năng gây bất ngờ khi tác phẩm của đạo diễn da màu Barry Jenkins cũng giành giải Quả Cầu vàng cho phim hay nhất (hạng mục phim chính kịch) và mang đậm hơi thở của cuộc đấu tranh đòi quyền bình đẳng xã hội, bình đẳng giới tính vốn đang là những đề tài hết sức nóng bỏng trong lòng xã hội nước Mỹ hiện đại. Theo trang đánh giá điện ảnh Rotten Tomatoes thì chính Moonlight mới là bộ phim được giới phê bình điện ảnh đánh giá cao nhất trong số 9 ứng viên của giải Oscar phim hay nhất với điểm trung bình 9/10, theo sát là Manchester by the Sea (8.9/10), rồi mới đến La La Land (8.7/10). Ngoại trừ ba cái tên được nhắc tới nhiều trong các lễ trao giải này thì những cái tên còn lại của hạng mục phim hay nhất là Arrival, Fences, Hacksaw Ridge, Hell or High Water, Hidden Figures, và Lion gần như không có cơ hội nào được trao tượng vàng Oscar cuối cùng vào ngày 26 tháng 2 sắp tới.

Tương tự với hạng mục Phim hay nhất, đạo diễn Damien Chazelle của La La Land cũng đã gần như cầm chắc giải Oscar cho đạo diễn xuất sắc nhất khi đạo diễn trẻ người Mỹ đã vượt qua các ứng viên còn lại của hạng mục này là Denis Villeneuve (Arrival), Mel Gibson (Hacksaw Ridge), Kenneth Lonergan (Manchester by the Sea), và Barry Jenkins (Moonlight) tại toàn bộ các giải thưởng điện ảnh chính của năm 2016. Theo cách tính của FiveThirtyEight thì Chazelle hiện có tới 244 “điểm” từ các giải đạo diễn xuất sắc nhất – nhiều hơn tổng số điểm của bốn ứng cử viên còn lại của hạng mục Oscar cho đạo diễn. Đáng chú ý hơn nữa là Chazelle lại là người trẻ tuổi nhất nếu so với bốn đối thủ của anh, và nếu giành giải Oscar thì đạo diễn của La La Land sẽ phá kỷ lục mà Norman Taurog đã nắm giữ hơn 80 năm nay, đó là trở thành người trẻ tuổi nhất được trao tượng vàng Oscar của hạng mục này.

Như đã đề cập ở trên thì Manchester by the Sea và Moonlight hiện đang là hai tác phẩm được giới phê bình chấm điểm cao nhất theo trang đánh giá điện ảnh Rotten Tomatoes. Tuy vậy thì tác phẩm bi kịch hết sức xuất sắc này lại bị cạnh tranh quyết liệt ở cả 6 hạng mục được đề cử, và hy vọng chiến thắng của Manchester by the Sea có lẽ được đặt phần nhiều vào Casey Affleck tại hạng mục Vai nam chính xuất sắc nhất. Dù cũng là một đạo diễn có tài và thậm chí còn được đánh giá cao hơn người anh trai Ben Affleck về mặt diễn xuất, nhưng phải đợi tới Manchester by the Sea Casey Affleck mới thực sự thoát khỏi cái bóng và danh tiếng của Ben khi vai diễn nội tâm ấn tượng của anh đã giúp Casey giành cả giải Quả Cầu vàng và BAFTA cũng như trở thành cái tên nặng ký nhất tại hạng mục Vai nam chính xuất sắc nhất của giải Oscar năm nay. Tuy vậy, Casey vẫn hoàn toàn có thể vuột tượng vàng vào phút cuối vào tay ngôi sao gạo cội Denzel Washington của Fences – người vừa được trao giải thưởng diễn xuất tiền-Oscar mang tính dự báo rất quan trọng của Hiệp hội Diễn viên điện ảnh Hoa Kỳ. Việc những ứng cử viên còn lại của hạng mục này là Andrew Garfield (Hacksaw Ridge), Viggo Mortensen (Captain Fantastic), và Ryan Gosling (La La Land) được đánh giá có xác suất giành giải rất thấp đã khiến giải Oscar cho Vai nam chính xuất sắc nhất gần như trở thành cuộc đua song mã giữa Casey Affleck và Denzel Washington. Liệu Affleck sẽ có giải Oscar đầu tiên trong sự nghiệp, hay Denzel sẽ có thêm tượng vàng thứ ba cho bộ sưu tập giải thưởng đồ sộ của ông, báo giới và người hâm mộ vẫn sẽ phải chờ tới ngày 26 tháng 2 tới đây để có câu trả lời cuối cùng.

Trái với bạn diễn của cô trong La La Land là Ryan Gosling thì Emma Stone lại đang tràn trề cơ hội chạm tay vào tượng vàng Oscar đầu tiên của cô tại hạng mục Vai nữ chính xuất sắc nhất. Cùng được đề cử với Stone cho tượng vàng Oscar là ngôi sao da màu mới nổi Ruth Negga (phim Loving), nữ diễn viên từng chiến thắng tại hạng mục này năm 2010 Natalie Portman (phim Jackie), minh tinh người Pháp Isabelle Huppert (phim Elle), và huyền thoại Hollywood Meryl Streep (phim Florence Foster Jenkins). Gần như đã trở thành một “truyền thống” của giải Oscar, xác suất giành giải của các ứng viên tại hạng mục Vai nữ chính xuất sắc nhất thường trở nên hết sức rõ ràng trước ngày trao giải. Lễ trao giải Oscar lần thứ 89 này cũng không phải ngoại lệ khi Emma Stone đã được sướng danh tại hạng mục vai nữ chính của hầu hết các giải thưởng điện ảnh tiền-Oscar, bao gồm cả giải Quả Cầu vàng, BAFTA, và giải thưởng của Hiệp hội diễn viên điện ảnh Hoa Kỳ. Trong số bốn đối thủ còn lại của Stone thì người thường được nhắc tới là Meryl Streep với đề cử giải Oscar thứ 20 trong sự nghiệp – một kỷ lục có lẽ sẽ còn lâu lắm mới có người chạm tới. Tuy nhiên thì nữ diễn viên duy nhất có khả năng gây bất ngờ trước Emma Stone có lẽ lại là Isabelle Huppert – người giành giải Quả Cầu vàng cho vai nữ chính xuất sắc nhất thể loại phim chính kịch. Từng được đề cử tới 16 giải César (“giải Oscar của điện ảnh Pháp”) nhưng đây mới là đề cử giải Oscar đầu tiên của Isabelle Huppert. Dù cơ hội chiến thắng của Huppert trước Stone là không nhiều, nhưng chắc hẳn nhiều khán giả vẫn sẽ mong đợi một phép màu cho ngôi sao người Pháp vào ngày 26 tháng 2 sắp tới, không chỉ để tưởng thưởng cho tài năng của Huppert, mà còn là cơ hội để tri ân đạo diễn xuất sắc người Hà Lan từng bị Hollywood hắt hủi Paul Verhoeven của Elle.

Nếu như Denzel Washington phải cạnh tranh hết sức quyết liệt với Casey Affleck tại hạng mục Oscar cho vai nam chính xuất sắc nhất, thì “vợ” của Washington trong Fences là nữ diễn viên da màu Viola Davis lại đang đứng trước cơ hội rất lớn giành được tượng vàng Oscar đầu tiên sau hai lần thất bại vào năm 2008 (với vai diễn phụ trong Doubt) và 2011 (với vai diễn chính trong The Help). Tương tự như Emma Stone ở hạng mục vai nữ chính, Viola Davis đã chiến thắng tại hầu hết các giải thưởng cho hạng mục này tại mùa trao giải năm nay, bởi vậy mà số “điểm” trang FiveThirtyEight tính toán cho bà còn lớn hơn tổng số điểm của bốn ứng cử viên còn lại của hạng mục này là Michelle Williams (Manchester by the Sea), Naomi Harris (Moonlight), Nicole Kidman (Lion), và Octavia Spencer (Hidden Figures). Một diễn viên da màu khác là Mahershala Ali hiện cũng được coi là ứng cử viên số một của giải Oscar cho vai nam phụ xuất sắc nhất khi vai diễn ngắn nhưng gây tiếng vang rất lớn của Ali trong Moonlight đã giúp anh chiến thắng tại giải tiền-Oscar quan trọng của Hiệp hội diễn viên điện ảnh Hoa Kỳ. Tất nhiên, Mahershala Ali vẫn sẽ phải dè chừng những đối thủ cũng hết sức xuất sắc khác trong hạng mục này, bao gồm hai tên tuổi gạo cội Jeff Bridges (Hell or High Water) và Michael Shannon (Norturnal Animals), ngôi sao trẻ Lucas Hedges của Manchester by the Sea, và nhất là Dev Patel – người vừa bất ngờ giành giải BAFTA hạng mục vai nam phụ cho vai diễn đứa con đi tìm mẹ trong Lion.


Tại 6 hạng mục chính kể trên của giải Oscar, có thể thấy La La Land và Moonlight là hai cái tên được nhắc tới nhiều nhất. Đây cũng là hai tác phẩm có nhiều đề cử nhất tại lễ trao giải Oscar lần thứ 89 (La La Land với 14 đề cử và Moonlight với 8 đề cử - ngang bằng với tác phẩm khoa học giả tưởng Arrival) và có cơ hội chiến thắng cao nhất tại nhiều hạng mục quan trọng khác như Kịch bản gốc (La La Land) và Kịch bản chuyển thể (Moonlight). Có lẽ là bộ phim âm nhạc gây tiếng vang nhất tại Hollywood kể từ Chicago năm 2002, La La Land đương nhiên cũng là ứng cử viên nặng ký nhất cho các hạng mục liên quan đến âm nhạc và kỹ thuật của giải Oscar năm nay. Ba hạng mục quan trọng hiếm hoi mà La La Land và Moonlight không có cơ hội tranh giải là các giải Oscar dành cho phim tài liệu, phim hoạt hình, và phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất. Trong một năm không thực sự được mùa của phim tài liệu, tác phẩm O.J.: Made in America của đạo diễn Ezra Edelman về cuộc đời của cái tên đầy tranh cãi O. J. Simpson có nhiều khả năng sẽ giành giải Oscar cho phim tài liệu xuất sắc nhất. Tại hạng mục phim hoạt hình, cơ hội chiến thắng đang nghiêng về bộ phim có doanh thu tỷ đô của hãng Disney Zootopia dù nhiều người yêu phim vẫn đang đặt niềm tin vào tác phẩm đầu tay của đạo diễn Travis Knight vốn được đánh giá rất cao nhưng thất bại về mặt doanh thu là Kubo and the Two Strings. Như thường lệ, giải Oscar cho phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất vẫn luôn là một hạng mục khó đoán tại các lễ trao giải của Viện Hàn lâm. Tại hạng mục này năm nay, bộ phim cảm động của Đức về tình cha con Toni Erdmann có phần nổi trội hơn cả khi tác phẩm này được nhiều nhà phê bình đánh giá là bộ phim xuất sắc nhất năm 2016. Tuy nhiên sẽ không nhiều người bất ngờ nếu nữ đạo diễn Maren Ade của Toni Erdmann vuột tượng vàng Oscar vào tay một trong số bốn đối thủ còn lại là Land of Mine của Đan Mạch, A Man Called Ove của Thuỵ Điển, The Salesman của Iran, hay Tanna của Úc.

=======

Bài đã biên tập trên Zing.